Khi một người nộp đơn xin thị thực tỵ nạn tại Úc, bao gồm các loại thị thực bảo vệ tạm thời, bảo vệ vĩnh viễn, hoăc thị thực Safe Haven Enterprise và khi bị bộ di trú từ chối, hoặc đã từng có thị thực nhưng bị hũy, thì người này không thể làm đơn xin thị thực bảo vệ khác. Trên lý thuyết, bộ di trú cho rằng đương đơn đã đưa ra tất cả các dữ liệu và bằng chứng cần thiết trong trong đơn xin thị thực bảo vệ đầu tiên, và bộ di trú đã thực hiện đầy đủ quy trình xét duyệt, tái xét duyệt và quyết định từ chối. Do đó, sau khi có quyết định từ chối thị thực, bộ di trú sẽ yêu cầu người tị nạn rời khỏi nước Úc như một hình thức tôn trọng luật nhập cư của quốc gia này. Tuy nhiên, bộ trưởng di trú có quyền hạn trong Đạo luật di trú (Migration Act) cho phép một người xin thêm một thị thực bảo vệ khác.
Quy trình xét duyệt người tị nạn (nộp tại Úc)
– Người tị nạn nộp đơn xin thị thực tị nạn. Loại thị thực sẽ tuỳ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân.
– Nếu được chấp thuận, người tị nạn sẽ được cấp thị thực
– Nều bị từ chối, người tị nạn có thể khiếu nại lên Cơ Quan Đánh Giá Độc Lập (Independent Assessment Authority – IAA), hoặc Tòa phúc thẩm hành chính (Administrative Appeals Tribunal – AAT)
Khiếu nại tại Cơ Quan Đánh Giá Độc Lập – IAA
Cơ Quan Đánh Giá Độc Lập là nơi xem xét các khiếu nại thuộc trường hợp người theo dõi nhanh (fast track applicant). Người tị nạn sẽ thuộc trường hợp theo dõi nhanh nếu:
– Vào Úc trái phép bằng đường biển vào hoặc sau ngày 13 tháng 8 năm 2012 nhưng trước ngày 1 tháng 1 năm 2014;
– Đã không được đưa đến một quốc gia khác trong khu vực trong lúc chờ xét duyệt;
– Đã được Bộ trưởng cho phép làm đơn xin thị thực bảo vệ;
– Đã nộp đơn xin thị thực bảo vệ sau ngày 18 tháng 4 năm 2015.
– Hoặc một số trường hợp ngoại lệ theo quy định.
Không phải tất cả các người tị nạn theo diện theo dõi nhanh đều được IAA cho phép xem xét lại quyết định của bộ di trú. Vào ngày 1 tháng 7 năm 2015, IAA đã trở thành một phần của Tòa phúc thẩm hành chính (AAT).
Khiếu nại tại Tòa phúc thẩm hành chính – AAT
Sau khi xem xét các tài liệu và các thông tin người tị nạn cung cấp, AAT sẽ mời tham dự một phiên điều trần. AAT sẽ không tổ chức phiên điều trần nếu họ cho ra quyết định có lợi cho người tị nạn dựa trên tài liệu được cung cấp, hoặc khi nguời tị nạn đồng ý cho phép AAT quyết định vụ việc mà không có phiên điều trần. Tại phiên điều trần, người tị nạn sẽ được hỏi các câu hỏi và sẽ có cơ hội trả lời và trình bày các lập luận để hỗ trợ cho đơn xin tị nạn. Thành viên AAT sẽ đưa ra quyết định của mình sau khi xem xét tất cả các thông tin được cung cấp.
AAT có thể đồng ý với quyết định của bộ di trú và quyết định không cấp thị thực bảo vệ, hoặc đồng ý trên một số điểm, hoặc huỷ bỏ quyết định của bộ di trú bằng một quyết định mới, hoặc yêu cầu bộ di trú xem xét lại hồ sơ
Nếu không đồng ý với quyết định của AAT, người tị nạn có thể khiếu nại tại Toà Án Liêng Bang (Federal Circuit Court)
Khiếu nại tại toà án Liêng Bang (Federal Circuit Court – FCC)
Tòa án chỉ có thể xem xét lại một quyết định nếu đó là lỗi thuộc về phần luật pháp. Điều này có nghĩa là tòa án chỉ xem xét xem quyết định được đưa ra đã đúng theo thứ tự quy định của pháp luật hay không. Tòa án độc lập với những người ra quyết định của bộ di trú. Tòa án không xem xét giá trị và dữ liệu trong của đơn của người tị nạn và không tham gia quyết định việc người tị nạn có đủ hoặc không đủ tiêu chuẩn để được cấp thị thực.
Nếu Tòa án tìm thấy một lỗi thuộc về thẩm quyền của các nơi liên quan, toà có thể:
– Chuyển đơn xin tỵ nạn trở lại người ra quyết định, tức bộ di trú, và.
– Ngăn cản bộ di trú thực hiện quyết định của họ.
Tòa án không thể:
– Xem xét lại dữ liệu và lý do cho đơn xin thị thực của bạn
– Đưa dữ kiện mới vào đơn (trừ khi có liên quan đến câu hỏi liệu người ra quyết định có phạm lỗi hành chánh hay không)
– Cấp visa cho người tị nạn
Nếu không đồng ý với quyết định của toà án, người tị nạn có thể nộp đơn yêu cầu kháng án.
Ai có thể xin sự can thiệp của Bộ trưởng di trú
Một nguời có thể đưa ra yêu cầu theo mục 48B, để xin sự can thiệp của Bộ trưởng di trú, nếu:
– Đã bị từ chối đơn xin thị thực bảo vệ hoặc đã bị hủy bỏ thị thực bảo vệ;
– Có những dữ liệu mới mà nguời tỵ nạn đã không thể cung cấp trong đơn xin bảo vệ trước đó.
Bộ trưởng sẽ không xem xét các lý do đã được ghi trong đơn xin thị thực bảo vệ truớc đó. Bộ trưởng chỉ can thiệp vào một số ít trường hợp mỗi năm và sẽ không xem xét các yêu cầu lặp lại. Điều này có nghĩa là người tỵ nạn phải có đầy đủ các dữ kiện khiếu nại của mình trong yêu cầu 48B đầu tiên vì các yêu cầu tiếp theo sẽ không được xem xét. Trường hợp Bộ trưởng từ chối, người tỵ nạn sẽ phải rời khỏi Úc.
Làm sao yêu cầu bộ trưởng di trú can thiệp
Người tỵ nạn hoặc đại diện có thể viết thư cho Bộ trưởng giải thích lý do tại sao trường hợp của bạn là đặc biệt và tại sao những dữ liệu hiện đang cung cấp đã không thể được cung cấp trong đơn xin thị thực bảo vệ trước đó hoặc trong quá trình phán xét của các toà án. Người tị nạn cần phải cung cấp rõ số hồ sơ, và tất cả những quyết định từ chối trước đó. Bộ trưởng có thể sẽ không yêu cầu thêm bất kỳ thông tin nào khác, và sẽ ra quyết định dựa trên các thông tin được cung cấp trong đơn yêu cầu mà thôi. Quan trọng là trong lúc xin sự cứu xét của bộ trưởng, người tị nạn phải đang ở Úc hợp pháp.
Kate Hoang