Hoa Kỳ tìm cách hiện đại hóa quân đội Philippines, nối lại tuần tra chung trên biển

Hoa Kỳ tìm cách hiện đại hóa quân đội Philippines, nối lại tuần tra chung trên biển
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (phải) đi ngang qua các vệ binh trong lễ duyệt binh danh dự khi đến Bộ Quốc phòng trong trại quân sự Camp Aguinaldo ở Thành phố Quezon, Manila, Philippines, hôm 02/02/2023. (Ảnh: Rolex Delapena-Pool/Getty Images)

Hôm thứ Năm (02/02), Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết Hoa Kỳ sẽ giúp hiện đại hóa khả năng quân sự của Philippines và khôi phục các cuộc tuần tra chung ở Biển Đông, vốn đã bị đình trệ dưới thời chính phủ Tổng thống Duterte trước đây.

Quyết định này được công bố sau một cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr., và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez tại Manila trong cùng ngày.

Theo một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, ông Austin mô tả Philippines là “một đồng minh quan trọng” mà Hoa Kỳ sẽ tìm cách tăng cường mối bang giao “bằng mọi cách có thể.”

“Chúng tôi tiến hành hơn 500 cuộc tập trận quốc phòng cùng nhau mỗi năm,” ông nói trong một cuộc họp báo chung. “Và như Tổng thống [Joe] Biden đã nói rõ, cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Philippines là rất vững chắc.”

Ông Austin và ông Galvez cũng tái khẳng định các cam kết trong hiệp ước phòng thủ chung, trong đó Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ cho biết hiệp ước này áp dụng cho các cuộc tấn công vũ trang vào hệ thống phòng thủ của một trong hai quốc gia ở Biển Tây Philippines — tên gọi mà Manila dùng cho Biển Đông.

“Chúng tôi đã thảo luận về các hành động cụ thể để giải quyết các hoạt động gây bất ổn và các vùng biển xung quanh Philippines, trong đó có Biển Tây Philippines, và chúng tôi vẫn cam kết tăng cường năng lực chung để chống lại cuộc tấn công vũ trang,” ông Austin nói.

Ông cho biết Hoa Kỳ sẽ giúp hiện đại hóa quân đội Philippines và tăng cường khả năng phối hợp giữa các lực lượng của họ.

Ông Austin cho biết “những nỗ lực này đặc biệt quan trọng khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục thúc đẩy các yêu sách phi pháp của mình ở Biển Tây Philippines.”

Hai bên đều đồng thuận khởi động lại các cuộc tuần tra hàng hải chung ở vùng biển tranh chấp, nối lại các hoạt động mà cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã đình chỉ hồi tháng 04/2016 nhằm tăng cường các mối bang giao với Bắc Kinh.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd James Austin III, phải, với Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. trong một cuộc gặp ngoại giao tại Cung điện Malacanang ở Manila hôm 02/02/2023. (Ảnh: Jamilah Sta Rosa-Pool/Getty Images)

Ông Marcos, người nhậm chức hồi tháng 06/2022, rất muốn củng cố liên minh Hoa Kỳ-Philippines. Trong cuộc gặp với ông Austin, ông Marcos bày tỏ ý định duy trì mối bang giao với Hoa Thịnh Đốn, viện dẫn vai trò của Hoa Kỳ là “một cường quốc ở Thái Bình Dương.”

“Cụ thể hơn ở đây, khu vực Á Châu-Thái Bình Dương đã trở thành một tình hình vô cùng phức tạp,” ông nhận xét. “Đó là điều mà chúng ta chỉ có thể điều hướng với sự giúp đỡ của các đối tác và các đồng minh của mình.”

Hoa Kỳ cũng đã tiếp cận thêm bốn căn cứ quân sự mới ở Philippines theo Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA), được ký kết vào năm 2014. Hiện vẫn chưa rõ các địa điểm EDCA mới sẽ ở đâu.

Bốn địa điểm mới này tham gia vào năm địa điểm EDCA hiện có, mà Hoa Kỳ đã phân bổ hơn 82 triệu USD đầu tư cơ sở hạ tầng. Tại năm doanh trại quân sự của Philippines này, các lực lượng Hoa Kỳ có thể luân chuyển vô thời hạn.

Các phương tiện tấn công đổ bộ của Thủy quân lục chiến Philippines điều động bên cạnh một tàu đổ bộ BRP Tarlac của hải quân Philippines trong cuộc tập trận đổ bộ chung với Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tại một bãi biển hướng ra Biển Đông ở thị trấn San Antonio, tỉnh Zambales, vào ngày 07/10/2022. (Ảnh: Ted Aljibe/AFP via Getty Images)

Cạnh tranh địa chính trị

Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã lên án cuộc gặp của ông Austin với chính phủ Philippines và cáo buộc ông đã cố gắng thúc đẩy “nghị trình chính trị chống Trung Quốc” của Hoa Kỳ bằng cách “bôi nhọ Trung Quốc” về vấn đề Biển Đông.

“Hy vọng rằng phía Philippines sẽ tiếp tục cảnh giác và chống lại việc bị lợi dụng và lôi kéo vào vùng biển rắc rối này,” Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phần lớn Biển Đông theo cái mà họ gọi là “đường chín đoạn”. Tòa án The Hague đã ra phán quyết có lợi cho Philippines vào năm 2016. Tuy nhiên, phán quyết này hầu như không ảnh hưởng gì đến hành vi của Bắc Kinh, với việc nước này liên tục xâm phạm các vùng thuộc lãnh thổ của Manila.

Philippines đã tìm cách tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông để ngăn chặn Trung Quốc xâm phạm lãnh thổ của mình. Quốc gia Đông Nam Á này cũng lo ngại về hành động gây hấn của Bắc Kinh đối với Đài Loan, do quần đảo này nằm gần hòn đảo tự trị đó.

Hôm 16/01, ông Marcos cho biết rằng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang phải đối mặt với “áp lực mạnh mẽ” từ các cường quốc trong việc lựa chọn bên trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Theo Thông tấn xã chính thức của Philippines, ông Marcos nói với các phóng viên ở Thụy Sĩ rằng, “Các lực lượng này đẩy chúng tôi trở lại kiểu kịch bản Chiến tranh Lạnh này, nơi quý vị phải chọn bên này hay bên kia, rất mạnh mẽ.”

“Tôi nghĩ rằng chúng tôi quyết tâm là một nhóm trong ASEAN và ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, những quốc gia xung quanh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bất chấp tất cả xung đột này, chúng tôi quyết tâm tránh xa điều đó.”

Aldgra Fredly là một cây bút tự do sống tại Malaysia, chuyên đưa tin về khu vực Á Châu-Thái Bình Dương cho The Epoch Times.

Nguyễn Lê biên dịch

Related posts