ATAR là cái gì? Xin thưa ATAR là cái 75% học sinh năm cuối trong chương trình trung học mong được và được cho thật nhiều. Không phải chỉ cô cậu mà từ cha mẹ, cô dì chú bác tới ông bà nội ngoại và hàng xóm láng giềng đều cầu chúc cho cô cậu được ATAR thiệt cao.
Cách đây mấy tháng, công ty dạy kèm Cluey Learning hỏi cô cậu học sinh nghĩ cái gì sẽ quyết định cuộc đời, thì 75% cho hay được ATAR bao nhiêu đời mình sẽ theo đó mà sống chết. ATAR là cái gì mà ghê gớm thế? Xin thưa khi cô cậu thi tú tài xong thì chờ kết quả. Ở Úc có nhiều bằng tú tài tuỳ theo thi ở tiểu bang nào. Khi bảng vàng kéo lên, có tới hai kết quả. Kết quả HSC, VCE, QCE, SACE, WACE, TCE… chỉ thoáng một chốc là bị quên lãng. Từ cô cậu cho tới cha mẹ và chó mèo trong nhà chỉ nhớ tới con số ATAR.
ATAR viết tắt từ Australian Tertiary Admission Rank. Đây là điểm cô cậu cầm trên tay để lách qua cổng trường đại học, trường TAFE hay không được nơi đâu nhận cả. 80% cô cậu trả lời trong cuộc thăm dò kể trên cho rằng: nếu không được ít nhất 60 ATAR thì đời mình coi như … tàn. Ngược lại, ATAR có chót vót thì cửa đại học nào cũng mở. Đặc biệt ba ngành làm nở mày nở mặt cha mẹ: y khoa, kỹ sư các ngành khoa học vật lý cũng như khoa học tự nhiên. Ba ngành này thường đòi ATAR cao ngất.
Nếu nghĩ là không học ba ngành đó thì ‘đi chết cho rồi!’ thì đời tàn thiệt. Nhưng xin bạn trẻ và cha mẹ nhớ cho trên đời không chỉ có vài ba ông / bà sỹ (sư) đó . Trong trường đại học có đến hàng chục phân khoa và mỗi phân khoa dạy đến hàng trăm chương trình cử nhân. Nhờ thế, khi bước ra xã hội ta thấy có ngàn – hay chục ngàn — nghề khác. Sinh viên không học ba ngành ‘quý tộc’ ấy vẫn phây phây, miễn là họ thấy yêu đời và yêu nghề là được.
Vì lẽ đó, ATAR không phải là tất cả. Sống yêu đời và yêu nghề mới là tất cả. Như thể những người lăn lóc trong đời thường ngộ ra ‘tiền bạc không là tất cả’ vì tiền bạc chưa chắc mua được tình yêu; chưa chắc làm ta hạnh phúc. Và cái lý lẽ quan trọng hơn hết: vì ngoài tiền bạc còn có … kim cương, hột xoàn. Với ATAR cũng thế. Trong năm ngoái, 40 trường đại học Úc đã nhận vào năm thứ nhất 276 ngàn tân sinh viên. Trong số này, hơn phân nửa lách qua cổng đại học nhờ nhiều thứ lỉnh kỉnh khác. Ngay đến ba ngành học được quảng cáo đòi ATAR cao ngất kể trên cũng đã ‘ngấm ngầm’ cho cô cậu vào học vì có những thứ ‘lỉnh kỉnh’ không phải ATAR. Trong niên khoá 2018, cứ năm sinh viên vào học năm thứ nhất ba ngành y khoa, kỹ sư các ngành khoa học vật lý cũng như khoa học tự nhiên tại các đại học Úc thì có một nhờ có thêm điều kiện gì khác. Quả như danh ngôn kia đã nói ‘tiến bạc không phải là tất cả, vì ngoài tiền bạc còn có kim cương, hột xoàn’.
Phụ huynh và cô cậu muốn biết các thứ ‘lỉnh kỉnh’ – như kim cương, hột xoàn — khiến cho trường đại học phải mở cỗng cho cô cậu bước vào không? Không có gì bí mật cả. Cứ mở sách cẩm nang hay vào trang web của trường đại học, tìm tới phần ‘admission, thâu nhận sinh viên’ là thấy.
Những thứ bài này gọi là ‘lỉnh kỉnh’ giúp cô cậu lách qua cổng đại học – ví như kim cương, hột xoàn (cũng làm cho người ta sung sướng như có tiền bạc) — có thể là the Educational Access Schemes tại tiểu bang NSW hay the Special Entry Access Scheme ở Victoria. Hai chương trình này giúp học sinh có ATAR thấp hay chẳng có tí chút ATAR nào trong tay cũng có thể vào đại học. Đó là học sinh nghèo, phải đỡ đần cha mẹ mưu sinh, xuất thân từ gia đình tị nạn hay gặp tai nạn… Nếu bạn trẻ rủi rơi vào trường hợp kể trên thì xin mạnh dạn hỏi thăm trường đại học. Nhà trường sẽ cứu xét từng trường hợp và mở cửa cho người có chí học.
Với bạn trẻ rủi gặp cảnh ‘học tài thi phận’ thì chớ vội kết luận đời mình tàn trong ngỏ hẻm. ATAR thấp té hay chẳng có chút ATAR nào lận lưng thì vẫn còn cơ hội kiếm ATAR cao hơn bằng cách lại một lần nữa lều chõng vào trường thi. Nào thử liên lạc với Australian Council of Educational Research (viết tắt thành ACER) để dự kỳ thi Special Tertiary Admissions Test (STAT). Ai thi STAT cũng được ATAR như ai.
Với bạn trẻ nuôi chí làm ‘sỹ’ làm ‘sư’ trong ngành y tế mà ATAR (hay UMAT) không đủ qua cổng thì xin… cứ mơ. Mơ bằng cách đi đường vòng qua các văn bằng cử nhân khác. Có cử nhân lận lưng, nào ta thi GAMSAT để vào trường y, trường nha. Rủi bạn trẻ gõ cửa đại học nào cũng bị từ chối thì ta thử bắt cầu bằng các chương trình có tên ‘bridging’ hay ‘foundation’ do chính trường đó mở ra. Trong năm 2017, ở Úc đã có 29 ngàn bạn trẻ bắt cầu để vào đại học.
Quả tình, ATAR đưa bạn trẻ vào cổng chính đại học (với kèn trống và Champagne). Còn thiếu ATAR thì bạn trẻ vẫn có thể vào đại học nhưng qua đường vòng (và thêm một chút lo âu).
Việt Luận