Dù chưa chính thức công bố quyết định
tranh cử, hôm thứ Sáu tuần qua (15.11.2019) tỷ phú Michael Bloomberg đã khởi sự
chiến dịch quảng cáo trên “mặt trận Internet”
với kinh phí 100 triệu Mỹ kim để chứng tỏ
với người Mỹ rằng ông Donald Trump hoàn toàn không xứng đáng ngồi trong Tòa Bạch
ốc thêm một nhiệm kỳ nữa!
Nhà kinh doanh với gia sản gần 57 tỷ Mỹ kim này tuyên bố trên Twitter: “Đây là thời khắc mọi người đều phải cùng góp sức. Chúng tôi sẽ trực tiếp cạnh tranh với ông Trump”.
Những quảng cáo của ông Bloomberg tập trung vào bốn tiểu bang sinh tử trong cuộc bầu cử tổng thống là Arizona, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin và không hề nhắm vào việc ca tụng ông Bloomberg mà chỉ để chỉ nhắm vào một điều duy nhất: Trump là mối nguy “chưa từng có” mà nuớc Mỹ đang gặp phải.
Như đã nói trong bài trước, ông Bloomberg là người có thể áp đảo ông Trump về mọi mặt, từ tài sản đến năng lực, uy tín, đạo đức và cả kinh nghiệm quản lý công quyền. Ông được xem là nhà chính trị có lập trường “trung dung”, không quá thiên về bên tả hay nghiêng về bên hữu, do đó có thể là nhân vật có thể đối phó với kẻ cực hữu như ông Trump. Tại New York, thành phố lớn nhất nước Mỹ và cũng là quê hương của ông và ông Trump, năm 2001 ông đã từng bỏ ra 100 triệu Mỹ kim để vận động tranh cử thế Thị trưởng New York.
Bây giờ, với chi phí khởi điểm “chỉ có” 100 triệu Mỹ kim, liệu ông Bloomberg có làm nên lịch sử tương tự 18 năm trước hay không?
Đầu tiên hãy tìm hiểu quan điểm và cung cách làm việc của ông ta.
“I’m a Liberal”
Năm 2001, dù gia nhập đảng Cộng Hòa để ứng cử Thị trưởng New York, Bloomberg vẫn tự tách biệt mình với khuynh hướng chính trị đảng này. Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thống đốc tiểu bang New York George Pataki để khai mạc chiến dịch tranh cử, ông ta đã làm đảng viên Cộng Hòa này lúng túng như gà mắc tóc khi dõng dạc tuyên bố: “I’m a liberal”.
Ở đây, câu trên có thể tạm dịch “Tôi là một người khai phóng”, ngụ ý rằng ông không bảo thủ như một đảng viên Cộng Hòa điển hình.
Từ “liberal” hay “liberalism” nếu dịch sát thì có nghĩa là “tự do” hoặc “chủ nghĩa tự do” nhưng nếu dùng để nói về một khuynh hướng chính trị thì sự thể sẽ hơi khác.
Tại Úc chúng ta quen với từ “Liberal Party” qua danh xưng của Đảng Tự Do có khuynh hướng bảo thủ. Tuy nhiên từ Liberal này chỉ có ý nghĩa “cởi mở”, “khai phóng” hay “tự do” trên khía cạnh kinh tế và Đảng Tự Do, ai cũng biết, chủ trương một “chính quyền nhỏ”, tháo bỏ những trói buộc để cho nền kinh tế phát triển tự do, chính quyền can thiệp càng ít càng tốt. Với chủ trương này Đảng Tự Do chủ trương giảm thuế cho giới chủ nhân, cắt bỏ những quy định rườm rà để khuyến khính họ đầu từ, đó là tý nghĩa của từ “tự do”. Chủ trương này hoàn toàn trái với Lao Động, là đảng muốn tiết chế quyền lực giới tài phiệt và do đó đặt ra nhiều ban bệ sở ngành kiểm soát, dẫn đên một “chính quyền lớn”, mà để có tiền nuôi “chính quyền lớn” này thì phải đánh thuế giới nhà giàu cao hơn.
“Tự do” về kinh tế nhưng Đảng Tự Do là cực kỳ bảo thủ về tôn giáo và xã hội, do đó giới đồng tính Úc phải rất khó khăn và chờ đọi rất lâu mới được công nhận quyền hôn nhân hợp pháp.
Anh là nơi khai sinh ra “liberalism”, ngụ ý chủ nghĩa tự do về chính trị hàm ý hòa đồng tôn giáo, tôn trọng pháp quyền do người dân lập ra và đề cao quyền tự do cá nhân lẫn tự do kinh tế của công dân. Úc cũng sử dụng từ “liberal” như là người Anh nên mới có đảng trên.
Nhưng người Mỹ thì sử dụng từ trên khác đi. Ý niệm “tự do” của người Mỹ hàm ý sự “cởi mở” về mặt xã hội và nới lỏng những định kiến tôn giáo thí dụ như công nhận hôn nhân đồng tính. Ý niệm “tự do” này đề cao quyền tự do của người dân và thể hiện sự ngờ vực với hệ thống tư bản chủ nghĩa tư bản nên đồng nghĩa với tư tưởng thiên tả, cấp tiến; hoàn toàn trái ngược với xu hướng bảo thủ hay hữu khuynh.
Có lẽ sự khác biệt này hình thành từ yếu tố “ly khai” trong lịch sử lập quốc của Mỹ. Các di dân đầu tiên lập nên nước Mỹ đã rời bỏ Âu Châu vì thiếu tự do và bị bách hại về tôn giáo, đến Mỹ để tự xây dựng cuộc sống trên một lục địa bát ngát, tinh thần “khai phóng” hay “tự do” của họ thể hiện sự vùng thoát khỏi những ràng buộc độc đoán của giáo hội Vatican, của Ðế Quốc Anh và sau này là của chính quyền liên bang Mỹ,
Gì thì gì, khi tuyên bố “I am a liberal” trong cuộc họp báo ra mắt với một Thống đốc Cộng Hòa, ông Bloomberg đã khẳng định rằng ông là đứng bên cánh tả. Điều này cho thấy ông ta không đếm xỉa gì đến yếu tố chính trị và đặc biệt là sự “phải đạo chính trị” (political correct).
Giống những nhà chính trị cấp tiến, như các Tổng thống Theodore Roosevelt và Woodrow Wilson, Bloomberg không đặt nặng lập trường chính trị đảng phái, mà quan tâm cho những chuyên gia và những người thực sự có năng lực. Chính vì thế ông đã quản trị New York với phong cách của một nhà kỹ trị, giống như quản lý một xí nghiệp, chủ yếu dựa trên dữ liệu, thông số và căn cứ thực tế. Và chính vì thế nên ông ta đã tuyển mộ một đội ngũ cố vấn và phụ tá của ông là các học giả, các chuyên gia và các quản trị viên với những quan điểm chính trị trái ngược khác nhau.
Hiện ông Blomberg bỏ ra 100 triệu Mỹ kim để “giải quyết” đối thủ chính của mình là ông Trump nhưng trước mắt ông phải qua mặt những đối thủ trong đảng Dân Chủ. Không con đường nào trải đầy hoa hồng và con đường này cũng vậy, cũng đầy chông gai.\
Đối mặt với Dân Chủ
Ở Mỹ muốn làm Tổng thống thì phải theo một trong hai đảng, hoặc Dân Chủ, hoặc Cộng Hòa. Trước đây Tỷ phú Ross Perot đã bỏ cả núi tiền để tranh cử trong vai trò độc lập nhưng hậu quả chỉ là giúp ông Bill Clinton đánh thắng ông George Bush cha vì làm chia phiếu những cử tri bảo thủ.
Bây giờ ra ứng cử trong tư cách đảng viên Dân Chủ, ông Bloomberg cũng đã từng là đảng viên Cộng Hòa. Năm 2001 ông bỏ đảng Dân Chủ để ứng cử Thị trưởng New York trong tư cách một đảng viên Cộng Hòa. Sau hai nhiệm kỳ thị trưởng, năm 2007 Bloomberg lại bất mãn với Cộng Hòa nên để tái ứng cử trong vai trò một ứng cử viên độc lập. Và năm 2018, vì quá bất mãn với ông Trump, ông lại tái gia nhập đảng Dân Chủ và nay thì chống lại ông Trump với tư cách là đảng viên Dân Chủ.
Việc này liệu có làm hài lòng toàn bộ những đảng viên Dân Chủ? Trước đây, khi ông Bloomberg chưa bày tỏ ý định, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết ủng hộ viên của Dân Chủ hài lòng vối với các ứng cử viên hiện tại. Kết quả thăm dò của Đại học Monmouth vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11 cho thấy 75% người được hỏi hài lòng với lựa chọn ứng cử viên của họ, chỉ 16% muốn có người khác.
Để chính thức trở thành đối thủ của ông Trump thì ông Bloomberg 77 tuổi phải chiến đấu chống lại 17 ứng cử viên khác của Dân Chủ trong đó nổi lên ba ứng cử viên đang dẫn đầu là: Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts, năm nay 70 tuổi, TNS Bernie Sanders của tiểu bang Vermont, 78 tuổi; và cựu Phó Tổng thống Joe Biden, 73 tuổi.
Tuy nhiên những ứng viên sáng giá nhất này của Dân chủ vẫn chưa chứng tỏ rằng họ có thể chiến thắng ông Trump. Ông Joe Biden từng được coi là ứng viên hàng đầu nhưng thời gian qua đã có những màn trình diễn kém hấp dẫn trong cuộc tranh luận, đã bị thua sút các đối thủ hàng đầu của mình trong việc gây quỹ và đang bị chất vấn sau những lời bình luận gây nhiều tranh cãi.
Bà Warren và ông Sanders thì không được giới tài phiệt ưa chuộng và khiến nhiều ủng hộ viên Dân Chủ lo sợ rằng họ sẽ đẩy đảng Dân Chủ thành một đảng cực tả.
Ông Sander là thủ lĩnh của phe cực tả trong đảng Dân Chủ, rất được lòng cử tri trẻ, tuy nhiên ông này tuổi cao sức yếu, vừa bị lên cơn đau tim, có thể sẽ bỏ cuộc giữa chừng. Bà Warren thì hăm he đánh thuế giới siêu giàu để lấy kinh phí tài trợ cho các chương trình từ chăm sóc sức khỏe toàn cầu đến học phí đại học miễn phí, do đó bà bị xem là “quá tả”.
Thời gian qua trong cuộc đua của đảng Dân Chủ lại nổi lên ứng viên Pete Buttigieg, 37 tuổi, thị trưởng của thành phố South Bend (Indiana). Nhưng nhân vật này quá trẻ và thiếu kinh nghiệm chính trị, sự nổi lên của ông ta cũng có vẻ như là một hiện tượng bạo phát, bạo tàn!
Nếu Bloomberg không phải nhọc công gây quỹ và có thể dễ dàng thuyết phục cử tri ôn hòa tương tự không ủng hộ Biden thì ông Biden và các ứng viên Dân Chủ khác sẽ không khoanh tay ngồi yên. Cùng với phe của Trump, họ sẽ thọc tay vào “hồ sơ Bloomberg”, bới bèo ra bọ những gì ông ta đã làm và gây tranh cãi trong cuộc đời chính trị và cuộc đời kinh doanh, sau ba nhiệm kỳ làm trưởng New York, và trong gần 40 năm điều hành công ty riêng của mình
“Hồ sơ Bloomberg”
Bloomberg từng bị chỉ trích là kỳ thị chủng tộc khi cho bố trí các điểm chốt khẩn cấp ở New York với mục tiêu giúp cảnh sát hoạt động hiệu quả và giảm tỷ lệ tội phạm. Chính sách này cho phép cảnh sát chặn và lục soát những thành phần khả nghi mà đối tượng chủ yếu là người da đen. Con số chốt kiểm soát đã tăng từ 97,296 điểm dừng vào năm 2002 lên 685,724 năm 2011 và đã thực sự góp phần làm hạ giảm tỷ lệ tội phạm thế nhưng nó lại gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống của một số cộng đồng tại New York, đặc biệt là cộng đồng da đen. Họ đã kiện ra tòa và năm 2013 chính sách này bị tòa tuyên bố là vi hiến.
Bây giờ, ông Bloomberg sẽ phải tốn khá nhiều công sức để thuyết phục lá phiếu của các cử tri da đen từng bị hành hạ hay giận dữ với chính sách này.
Một tranh cãi khác là của dự án sân vận động West Side, một đấu trường thể thao khổng lồ với chi phí đắt đỏ mà theo đó sẽ làm xáo trộn đời ở khu Tây Manhattan. Kế hoạch này được cho là một sai lầm, gây ra nhiều giận dữ tại đây và cuối cùng dự án bị bác bỏ.
Năm 2010 ông Bloomberg lại phê duyệt dự án xây thánh đường Hồi giáo tại “Ground Zero” ở New York, nơi toà tháp đôi bị quân khủng bố tấn công vào ngày 11.9.2001 khiến trên 3000 người thiệt mạng. Theo ông thì đây là lực “hoà hợp tôn giáo” và chứng tỏ giá trị khoan dung của nước Mỹ. Công trình này được gọi là “Dự án Park 51”, dự tính sẽ khởi công vào năm 2011 và khi hoàn tất sẽ có một trung tâm cộng đồng 13 tầng và chỗ để 500 tín đồ Hồi giáo cầu nguyện. Dĩ nhiên chỉ mới đưa ra thôi, công trình này đã gây tranh cãi và tạo nên làn sóng bài Hồi giáo nên sau đó phải xếp xó.
Bloomberg còn gây tranh cãi khi ra lệnh cấm soda trong cốc lớn hơn 16 ounce (473 mililít) và sau đó bị thua trắng khi bị kiện ra tòa.
Trong cuộc chạy đua chính trị này, ông Bloomberg còn phải chiến đấu với một đồng minh trung thành của ông Trump là Hội xạ thủ.
Khác với những chính trị gia rất e dè trong vấn đế kiểm soát vũ khi, ông Bloomberg là một trong những nhà vận động cấm súng mạnh mẽ nhất. Năm 2012, khi còn là thì trưởng New York, sau vụ thảm sát ngày 14 tháng 12 khiến 26 học sinh thiệt mạng, trong khi nguyên Tổng thống Barack Obama cò e dè, chảy nước mắt lên tiếng thúc giục là nước Mỹ phải có “hành động có ý nghĩa” chống lại tình trạng tội phạm liên quan tới súng vì đã “trải qua quá nhiều những lần như thế này”, ông Bloomberg đã mạnh miệng, nói toạt móng heo: “Chúng ta đã nghe toàn những lời hùng biện. Nhưng điều chúng ta chưa nhìn thấy là vai trò lãnh đạo – chưa thấy từ Tòa Bạch Ốc và chưa thấy từ Quốc hội. Chuyện này phải chấm dứt ngày hôm nay.”
Trong vụ thảm sát này, sau khi bắn chết mẹ tại nhà của mình, một thanh niên 20 tuổi tên Adam Lanza đã mang súng trường xông vào trường tiểu học Sandy Hook ở hạt Neuton thuộc tiểu bang Conecticut xả đạn bừa bãi vào hai phòng học giết chết 26 người rồi quay súng tự sát.
Trong số nạn nhân có 20 học sinh trong độ tuổi từ 6 đến 7 và 6 giáo viên trong đó có cả bà hiệu trưởng. Nếu tính luôn hung thủ và mẹ của anh ta thì có tổng cộng 28 người mất mạng.
Trước thảm nạn này, ông Obama chỉ dám e dè với những lời nói bọc đường, nào là “hành động có ý nghĩa”, nào là “tình trạng tội phạm liên quan tới súng”, ông Bloomberg đã nói thẳng là phải cấm súng!
Như vậy hiện thời chúng ta thấy ông Trump có một đội ngũ ủng hộ nhiệt thành là Hội xạ thủ và đây sẽ là những cử tri chống ông Bloomberg dữ dội nhất.
Thay lời kết
Hiện tại các kết quả thăm dò không mấy lạc quan cho ông Bloomberg nhưng cần nhắc rằng việc ông ta thắng cử Thị trưởng New York vào năm 2001 cũng đầy bất ngờ giống như chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc đua tổng thống năm 2016.
Nếu ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016 là nhờ dám dẫm lên những cấm kỵ xã hội mang tên “chính trị phải đạo” (political correct) thì 15 năm trước đó ông Bloombert đã làm điều này với tuyên bố “I am a Liberal”, hoàn toàn không sợ gì những cấm kỵ của đảng Cộng Hòa, dù ông ra tranh cử trong màu áo đảng này.
Không chỉ là một tỷ phú với số tài sản kếch xù, Bloomberg cũng là một nhà kỹ trị tài ba và thay đổi New York rất nhiều trong 12 năm ông làm thị trưởng, khiến tỷ lệ tội phạm giảm mạnh, các trường học được cải thiện, căng thẳng về chủng tộc hòa dịu hơn, nghệ thuật được phát triển mạnh mẽ, du lịch tăng trưởng cao và ngân sách thành phố được thặng dư.
Cũng là người dám vượt qua những cấm kỵ “phải đạo chính trị”, cũng là tỷ phú, ông Bloomberg không hề giống ông Trump. Nếu Trump luôn cao rao rằng một người giàu có phải làm việc rất hối hả, liên tục thực hiện các giao dịch, thì ông khẳng định rằng ông giàu có là nhờ không quan tâm tới các giao dịch nhỏ nhặt mà là một phương pháp làm việc thực tế, với mục tiêu cốt lõi là giải quyết được vấn đề chính.
Liệu ông có thể bỏ qua những điều lặt vặt trên để giải quyết vấn đề chính là ông Trump, một người mà ông ta diễn tả như là “mối nguy chưa từng có” của nước Mỹ?
Phạm Đức Đồng Hùng