Seadrift, một bi kịch Việt Mỹ

Cuối tuần, đi coi Seadrift tại Cinémathèque, Paris. Seadrift là một cuốn phim của Tim Tsai, về một cuộc đụng độ đẫm máu giữa ngư dân gốc Việt và ngư dân da trắng tại một vùng biển Texas, Hoa Kỳ.

Bích chương Seadrift

Rất thích Cinémathèque, cơ sở của Bộ Văn hoá Pháp, nơi sưu tầm, tích trữ tất cả những gì liên hệ tới nghệ thuật thứ bảy, trình chiếu phim của các điện ảnh gia độc lập, hay những tác phẩm hiếm quý, ngoài hệ thống thương mại. Sau phần chiếu phim, cũng thú vị không kém, là phần đạo diễn thảo luận với khán giả Tim Tsai, người Mỹ, gốc Đài Loan, 38 tuổi, nói những gì xảy ra ở làng đánh cá Seadrift là một trang sử của Texas, không thể để chìm vào quên lãng.

Chuyện xảy ra cách đây 40 năm, nhưng đề tài nêu ra vẫn còn là vấn đề thời sự, có lẽ nóng bỏng hơn bao giờ hết: vấn đề kỳ thị chủng tộc, vấn đề di dân, những xung đột không thể tránh, trong cuộc sống chung giữa những cộng đồng không cùng một văn hoá.

TỪ ALAMO BAY TỚI SEADRIFT

Một cảnh trong phim

Trong một cuộc đụng độ giữa các ngư dân, ở ngoài khơi Seadrift, năm 1985, một thanh niên gốc Việt bắn chết một ngư dân da trắng, Billy Joe Aplin.

Không khí Seadrift đã ngột ngạt, khó thở từ ngày dân tị nạn người Việt, càng ngày càng đông, tới hành nghề, gây khó khăn cho cho chuyện mưu sinh của dân địa phương, trở thành một cơn bão tố hận thù.

Tổ chức kỳ thị chủng tộc KKK không bỏ qua cơ hội, nhảy vào, hô hào dân địa phương nổi dậy, trừng trị và đuổi hết dân tị nạn ra khỏi nước Mỹ. Nhiều gia đình Việt, Mỹ cửa đóng then cài, không dám ra đường. Thuyền bè nhà cửa của người Việt bị đốt phá. Nhiều người phải bỏ nghề, bỏ Seadrift đi nơi khác tìm đất sống.

“Đất nước này là của chúng tôi”, câu đó người ta nghe thấy, không phải chỉ ở Seadrift, nhưng ở khắp nơi trên thế giới, từ ngày có phong trào di dân. Louis Malle, một đạo diễn hàng đầu của điện ảnh Pháp, trước đây đã thực hiện cho Hollywood cuốn phim Alamo Bay về cùng một đề tài.

Alamo Bay (1985) là một chuyện hư cấu, xây dựng trên những gì xảy ra ở Texas. Seadrift là một cuốn phim tài liệu, nhưng hấp dẫn từ đầu tới cuối, trong đó không có lời bình của người làm phim, chỉ có lời tường thuật và ý kiến của những người trong cuộc, cả hai phe Mỹ, Việt. Người làm phim chỉ ghi nhận, không bày tỏ ý kiến. Seadrift nói lên những nỗi đoạn trường của người Việt ở Texas, không quên nhắc tới thảm kịch của Boat people, và trước đó, cuộc di cư của 1954 của những người từ miền Bắc chạy vào Nam Việt Nam, lánh nạn Cộng sản.

ASIAN TEXAN

Tim Tsai, bên trái và tác giả bài báo, Paris 15/11

Tim Tsai bắt đầu theo đuổi đề tài Seadrift sau khi đọc bài viết về sư kiện Seadrift của tiến sĩ Thảo Hà (hay Hà Thảo) trong cuốn “Asian Texas: our Histories and Our Life”, Irwin Tang xuất bản năm 2008.

Tim mời Thảo Hà, giáo sư Xã hội học tại MiraCosta College, Nam California, cộng tác, trở thành nhà đồng sản xuất và trong 7 năm, đã giúp Tim tìm gặp, phỏng vấn các ngư phủ Việt Nam. Cùng một ngày với Paris, cuốn phim được Thảo Hà trình chiếu ở MiraCosta College.

Tim Tsai và Thảo Hà, tại California

Tim cho hay rất khó thuyết phục ngư dân Việt nói về thảm kịch, có lẽ vì họ không muốn gợi lại những kỷ niệm đau thương, muốn quên quá khứ, để hướng về tương lai. Đó là tâm lý chung của người Việt, không muốn gợi lại những vết thương quá bi thảm của mỗi người, mỗi cá nhân.

Seadrift, chiếm giải Spotlight Award, tại VietFilmFest 2019, cũng nói lên nghị lực phi thường của người Việt tỵ nạn. Đến với hai bàn tay trắng, ngày nay đã an cư lạc nghiệp, nhiều người đã thành công.

Seadrift, qua lời kể của người Việt, là một đoạn đường chông gai. Một người nói: Tôi đã chạy Cộng sản hai lần, rất sợ phải chạy một lần nữa. Một bà nói: Họ rất ghét mình, chỉ muốn đuổi mình đi nơi khác. Nhưng cũng pha nét khôi hài. Một ngư dân nói: Tôi có bệnh say sóng, sợ biển, ghét đi thuyền, ngày nay trở thành ngư dân chuyên nghiệp, hoặc: Tôi phải bỏ Seadrift đi nơi khác kiếm ăn, cuối cùng nhớ Seadrift, phải mò về. Một người Mỹ nói: Họ phạm luật chài lưới, bị phạt, khai tên Nguyễn, cảnh sát bó tay, không biết phải gởi giấy phạt cho ai, vì cả làng họ Nguyễn.

Seadrift cũng nói lên cái lớn, cái đẹp của công lý Hoa Kỳ. Bồi thẩm đoàn, 12 người, tất cả da trắng, trong vụ xử vụ án Billy Joe Aplin, đã tha bổng thủ phạm người Việt, vì lý do tự vệ chính đáng.

Chính quyết định can đảm này của toà án, trong khi KKK gào thét chung quanh, đã đổ dầu vào lửa, gây náo loạn cả thị trấn.

NHỮNG NGỘ NHẬN CHẾT NGƯỜI

Qua cuốn phim, người ta hiểu hơn những gì đã xảy ra ở Seadrift. Trước hết là sự khó khăn trong cuộc sống chung đụng thường nhật giữa hai cộng đồng, xa lạ từ ngôn ngữ tới văn hoá, lối sống.

Các nhân chứng Mỹ trách người Việt, không hiểu từ đâu tới, càng ngày càng đông, khiến đời sống đang êm ả, thoải mái trở thành khó khăn. Họ trách người Việt bất chấp lề lối hành nghề địa phương, đánh cá vớt tôm ngày đêm, không nghỉ, công nhân nhận lương rẻ mạt, khiến nhiều người Mỹ thất nghiệp. Khán giả Pháp không khỏi nghĩ tới câu trách móc: người di dân tới “manger le pain des Francais” (ăn bánh mì của người Pháp), thường nghe thấy trong những nhóm cực hữu.

Những người Việt đầu tiên tới Seadrift theo lời gọi của một hãng sản xuất đông lạnh, với lương 40 dollars mỗi ngày, là lương không người Mỹ nào nhận làm. Với số tiền tiết kiệm, họ mua thuyền đánh cá, làm việc không ngừng nghỉ, càng ngày càng phát triển, gạt một số người bản xứ ra ngoài.

Người Việt trách người Mỹ kỳ thị, tìm mọi cách phá hoại thuyền bè, lưới, rọ bắt cá của người Việt, với một thái độ, và những hành động khiêu khích, dẫn tới những cuộc đụng độ thường xuyên, và cuối cùng là án mạng.

Cuốn phim đi tới một kết luận gần như một “happy end “. Bốn mươi năm sau, không khí đã lắng dịu. Hai bên đã hiểu nhau hơn.

Một ngư dân Việt nói: có một số ít kỳ thị, bạo hành, nhưng Hoa Kỳ là đất lành, đa số người Mỹ là người tốt.

Một cựu quân nhân Mỹ, mang kỷ niệm cay đắng về chiến tranh Việt Nam, trước đây nghĩ những người Việt ở Seadrift là… Cộng sản, không hiểu tại sao phải đóng thuế để nuôi những người Cộng sản mò tận tới một xó ở Texas để gây rắc rối cho cuộc sống của họ. Khán giả ngạc nhiên, nhưng nhẹ nhõm, thấy ông ta phải mất mấy chục năm mới tìm hiểu rằng những người Việt đó đứng cùng một chiến tuyến.

Nhiều nhân chứng Mỹ trách chính quyền địa phương và trung ương không có một nỗ lực nào, thí dụ tổ chức những cuộc gặp mặt để hai bên hiểu nhau hơn.

Cô con gái của Billy Joe, người Mỹ bị bắn chết, nhìn nhận thủ phạm không có chủ ý giết người, và muốn quên chuyện cũ để sống.

Được hỏi anh có mục đích, khi thực hiện cuốn phim, tố cáo tệ nạn kỳ thị chủng tộc và tìm cách để các cộng đồng hiểu nhau hơn hay không, Tim Tsai nói chủ ý khởi đầu chỉ là muốn thuật lại một chuyện xảy ra trên nước Mỹ, nhưng dần dần, qua các nhân chứng, không thể không nghĩ tới những điều đó.

Hy vọng cuốn phim sẽ khiến những người Việt, ngày nay khắt khe với những di dân mới, nhớ về quá khứ của chính mình để có thái độ nhân bản hơn.

Cô con gái của Billy Joe nói, với thời gian, cô ta nghĩ nếu người Mỹ không tham chiến ở Việt Nam, người Việt đã không phải rời bỏ đất nước để tới sinh sống ở Seadrift. Cuốn phim của Tim Tsai, với vài đoạn ngắn về cuộc di cư 54 và thảm cảnh boat people sẽ giúp những người Mỹ như cô ta hiểu rõ hơn lý do tại sao người Việt chạy tới Seadrift, hay khắp nơi trên thế giới.

MỘT CUỐN PHIM VỀ NGƯỜI VIỆT

Đã đến lúc, muộn còn hơn không, phải có một cuốn phim giải thích, cho những người không theo dõi thời sự hiểu: nếu không có Cộng sản, người Việt Nam, vốn gắn liền với ruộng vườn, làng xóm, không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ làng lên tỉnh, chưa nói chuyện hy sinh tính mạng, trèo lên thuyền, vượt biển tìm đất sống, nơi xứ lạ quê người.

Chúng ta cần, khẩn cấp, một cuốn phim để nói với thế giới chúng tôi là ai, tại sao chúng tôi phải trôi giạt chân trời, góc biển. Chỉ có ngôn ngữ điện ảnh làm được chuyện đó, nhưng phải có một cuốn phim đáng gọi là một tác phẩm điện ảnh. Không phải là những phim tài liệu, tuyên truyền ngây ngô, chắp vá.

Ngày nay, lớp trẻ Việt Nam đã có nhiều người theo học nghề phim ảnh, không lẽ không có ai đủ khả năng? Và nhiều người Việt thành công, trở thành triệu phú ở nước ngoài, nên nghĩ tới chuyện tài trợ một dự án nghệ thuật có ý nghĩa, có tầm vóc, hơn là bỏ tiền làm những chuyện đồng bóng, vụn vặt, vớ vẩn.

Từ Thức

Related posts