Marcela không cao hơn tôi nhiều lắm. Nàng chỉ cao hơn tôi một chút thôi. Tất nhiên, điều đó chỉ đúng khi cô nàng không đi giầy cao gót hay giầy mùa đông. Khi cô nàng đi hai thứ giày đó thì chịu thua, không cứu gỡ được và tôi trông thấp hơn hẳn. Nhưng rất phiền, chỉ khi Marcela đi hai thứ giầy đó và mặc chiếc măng tô màu xanh đậm thì nàng trông mới thật đẹp. Nàng khác hẳn các cô gái Việt Nam mà tôi đã quen với dáng thanh mảnh, nhưng vẫn mũm mĩm, đầy đặn và mái tóc màu nhuộm vàng nhưng chân tóc màu hung như được chiếu sáng. Hơn thế, những cử chỉ rất tự nhiên và không miễn cưỡng khiến nàng càng mang vẻ có duyên và hấp dẫn khác. Còn so sánh nàng với các cô gái Tiệp khác thì không có nhiều khác biệt lắm, ít nhất là hình thức bên ngoài.
Kể cả lúc đi giầy cao, Marcel cũng không cao quá hơn tôi 10 cm. Vì thế nàng vẫn có thể là người yêu của tôi… được. Nàng vẫn ở trong giới hạn chiều cao có thể chấp nhận vì tôi đã tự cam kết là sẽ không thể yêu hay cặp bồ với cô gái nào cao hơn tôi 10 cm. Sự cam kết này khiến rất nhiều cô gái tự ái và buồn cười. Nhưng đó là điều bí mật chỉ vài cô biết mà thôi, không phải tất cả các cô gái bạn học hay ở cùng khu nhà sinh viên đều biết. Cũng chỉ vì chuyện đó mà tôi suýt làm hai cô bạn thân cãi nhau và suýt làm đổ vỡ tình bạn của họ.
Chuyện xảy ra rất là đơn giản, không có gì đáng nói cả… nhưng các cô nàng mà! Dù là các cô gái châu Âu hay nước nào thì họ cũng có những điểm rất giống nhau: Trước hết là thích làm đẹp, thích được khen và chiều chuộng cũng như… rất tò mò. Chính cá tính cuối cùng ‘tò mò’ đã khiến các cô hay gặp phải sự tự ái và giận dỗi nhiều lúc vô lý.
Hai cô bạn giận nhau mất một thời gian chỉ vì lời nguyền về việc cao không quá 10 cm của tôi. Mọi chuyện bắt đầu rất vô tội. Hôm đó, cả nhóm chúng tôi vào Club của sinh viên quen thuộc. Ngồi bên bàn quanh sàn nhảy, uống bia rượu, nói chuyện xem những kẻ đã khác đang quay cuồng trên sàn nhảy. Không khí thật quen thuộc, ánh đèn màu rọi sáng lắc lư theo tiếng nhạc và xoáy lượn vào từng góc bàn. Trên sàn nhảy các sinh viên đang dậm dật hay lắc lư theo những điệu vũ khác nhau, đủ kiểu. Chúng tôi chưa đạt tới trạng thái quen thuộc đó, còn khi đã tới trạng thái này thì cũng đâu khác gì họ nhiều lắm. Chắc chắn chúng tôi cũng quay cuồng như vậy, và đúng hơn đâu còn biết mình làm gì và chỉ nhún nhảy hay lắc người theo cảm giác của tiếng nhạc và tiếng trống đánh tức ngực.
Sau các bản nhanh và dữ dội, disc jockey cho chơi một bản nhạc rất chậm và lãng mạn. Theo bản năng tự nhiên, tôi muốn được ôm ghì lấy một thân thể ấm áp nào đó để nhẹ nhàng thưởng thức những nhịp điệu thong thả. Người ngồi gần tôi nhất là Lenka. Lenka có khuôn mặt rất đẹp, kiểu pha chút Á Đông và cũng có thân hình hấp dẫn, có thể nói gần hoàn hảo. Nhưng cô nàng hơi cao vì trước kia đã từng chơi bóng ném chuyên nghiệp. Tôi trườn người sang phía Lenka và hỏi: “Hey Lenka, cao bao nhiêu vậy?”
“Tại sao tự nhiên lại tò mò vậy?” Lenka ngước cặp mắt xanh nhạt lên ngạc nhiên, với bộ dạng đóng kịch rất ngây thơ nàng cười tò mò và chờ đợi.
“Đơn giản thôi, tôi rất muốn ôm ai đó nhảy. Nhưng nếu cao hơn tôi 10 cm thì tôi sẽ không mời nhảy những bài tình cảm như thế này, trông kỳ lắm!” tôi giải thích thẳng vào chuyện và rất rõ ràng.
Lenka lùi người lại nhìn tôi và trả lời: “1 m 76”
“Xin phép được mời quý cô nhảy bài nhạc trữ tình tiếp theo, được không?” tôi chìa tay nắm lấy tay Lenka rất lịch thiệp theo đúng kiểu người ta đã dạy tôi ở khóa dạy nhảy cổ điển.
“Rất cám ơn và hân hạnh,” Lenka để yên cho tôi nâng tay cô nàng lên và phá lên cười. Nói rồi cô nàng ôm chầm lấy tôi hôn lên má với cử chỉ rất đóng kịch.
Tất nhiên những màn trình diễn đó không qua mắt được đám bạn cùng bàn. Katka, cô bạn coi là thân của Lenka tò mò: “Có chuyện gì mà bọn mày vui vậy?”
“S…u…y..t.,” tôi đưa tay lên môi ra hiệu bí mật. Lenka cười tủm tỉm và trả lời: “Bí mật giữa tôi và Nam thôi, không nói được.”
Chính câu nói đó làm Katka tự ái và nghĩ rằng là bạn thân mà Lenka giấu không cho cô biết.
Sau một vài bản nhạc “house” và “techno” lại đến một bài chậm tình cảm. Tôi và Lenka đứng lên và cả hai siết vào nhau nhẹ nhàng. Trong lúc nhảy, tôi kể lý do cho cô nàng nghe tại sao tôi lại hỏi chiều cao. Cô nàng cười nghặt nghẽo và khoái chí ghì chặt lấy tôi trong điệu cười giữa những bước chân nhẹ nhàng. Điều này tất nhiên không lọt qua sự quan sát của đám bạn ngồi tại bàn và tất nhiên của cô bạn vốn thông minh Katka.
Vì khá quen nhau, nên chúng tôi phá hết thông lệ khi nhảy. Người ngoài nhìn chắc phải thấy thân mật quá trớn. Thông thường khi nhảy những điệu tình cảm chậm thường tay phải tôi phải tì vào eo bạn nhảy và tay trái nắm tay cô đưa ra, theo những điều được dạy trong khóa học nhảy cổ điển. Còn ở đây, trong Club sinh viên, với chúng tôi, và cả những cặp xung quanh thì khác hẳn. Tất cả phá lệ, nói đúng hơn tất cả tự nhiên theo thông lệ tại đây, hoàn toàn không “cổ điển” chút nào. Cả hai tay tôi ghì siết vào eo người Lenka còn hai tay cô nàng ôm quàng treo người qua cổ tôi. Chúng tôi ghì sát vào nhau và cảm thấy làn da ấm mềm mại đang như dính quyện vào nhau. Chúng tôi trông giống như những cặp khác xung quanh. Tôi cũng cảm thấy thoải mái hơn và cả đỡ mỏi tay, khỏi phải giơ ra đúng như kiểu cách. Tất nhiên, tôi vẫn còn giữ lịch sự và chưa sàm sỡ như nhiều kẻ khác vì trong tư thế hai tay siết người cô gái như vậy bạn có thể làm nhiều chuyện khác nữa.
Nhảy xong, lại bàn ngồi Katka lại vẫn tò mò hỏi Lenka: “Thằng Nam nó nói gì mà mày cười hạnh phúc vậy? Cả hai nhảy rất vui vẻ và thắm thiết như cặp tình nhân thật sự! ”
Lenka quay đôi mắt xanh nhạt sang nhìn tôi rất “âu yếm” giả bộ: “Nói được không?”
“Không, phải giữ bí mật nó mới hay, nói ra thì thường quá!” tôi lắc đầu. Lenka quay sang Katka và nói: “Nam nó không muốn, mày đừng giận toàn chuyện vớ vẩn mà.”
Đó là lý do khiến Katka giận Lenka mất gần hai tuần.
Lời nguyền chỉ yêu hay cặp bồ với những cô gái không cao hơn tôi 10 cm bắt nguồn cũng từ sự tự ái của thằng đàn ông Việt Nam. Con Rồng cháu Tiên gì mà thấp bé vậy. Tất cả bắt đầu chỉ từ những lần xếp hàng tại nhà ăn sinh viên, tôi bị đứng lọt vào giữa một đám các cô bạn mà cô nào cũng cao hơn tôi cả cái đầu khiến tôi chẳng nhìn thấy gì phía trước và phía sau cả. Nhưng giọt nước làm tràn đầy li là sau một buổi gặp mặt Noel, khi chia tay tôi và cậu bạn Martin và tiễn hai cô bạn ra bến tàu điện về nhà. Khi tàu từ xa chạy gần đến chúng tôi hôn chia tay nhau. Các cô hôn cậu bạn tôi thì bình thường, nhưng khi Alena hôn tôi thì dù tôi đã nhướn người lên mà cô vẫn phải quỳ hẳn xuống để ôm hôn tôi. Đúng chẳng khác gì cảnh cụ Tú Xương đã phán: ”Đôi vú ấp vai, đầu nghển nghển.” Hoàn cảnh tôi chưa đến nỗi tệ như thế nhưng cũng thấy mình thật bất hạnh. Sau hôm đó tôi thề sẽ hạn chế chơi và không thể yêu các cô cao hơn mình 10 cm được.
Tôi quen Marcela bắt đầu từ nhà ăn sinh viên. Gần khu trường học bao giờ cũng có nhà ăn sinh viên với giá ưu đãi chỉ dành cho sinh viên. Hàng tháng, chúng tôi mang tiền và thẻ sinh viên đến nhà ăn và mua vé (coupon) đặc biệt với các màu khác nhau cho bữa sáng, trưa, chiều tại các nhà ăn khác nhau với giá chỉ bằng 30% giá bữa ăn như vậy bên ngoài. Cứ mỗi lần đến ăn, chúng tôi xé ra một vé và trả cho nhà ăn thay tiền. Nó giống như một dạng tem phiếu cho sinh viên. Nhiều nhân viên của trường hay bạn bè cũng thường nhờ chúng tôi mua hộ các vé ăn như vậy khi chúng tôi không cần đến. Ví dụ bản thân tôi luôn bỏ không bao giờ mua vé bữa sáng vì không dậy được. Tất nhiên, vé ưu đãi thì cũng có giới hạn của nó, bữa sáng từ 5-6:30, bữa trưa từ 12:00 đến 2:30 và bữa chiều từ 5:00 đến 7:00. Nếu bạn về muộn hay vì lý do gì đó lỡ thời gian trên thì coi như mất suất ăn. Chưa kể, những hôm về muộn hay đến muộn chỉ còn những món ăn không ai lấy, sợ mà vẫn phải ăn.
Buổi trưa hôm đó, sau khi lấy khay đồ ăn xong, nhìn quanh chẳng có bàn nào trống cả. Nhìn chán chê chỉ có một bàn có đúng một cô vừa ăn vừa đọc sách, tôi đành lên tiếng hỏi: “Je to volné?” (Chỗ này trống không?)
“Jo,” cô gái không buồn ngửng mặt lên trả lời.
Tôi ngồi xuống và vừa ăn, vừa quan sát cô gái. “Trông cũng hay, cô gái trông dễ thương, đẹp, và thuộc nhóm các cô gái ‘ngoan’,” tôi nghĩ trong đầu vậy và tìm cách làm quen.
“Hey, bạn đọc gì mà có vẻ chăm chú vậy? Sách tham khảo để đi thi à?” tôi hỏi.
“Không, toàn chuyện tình cảm vớ vẩn,” cô gái cười và ngẩng đầu lên.
“Ahoj,” cô gái chào “Tôi là Marcela.”
“Nam z Vietnamu,” (Nam từ Việt Nam) tôi giơ tay bắt tay cô gái và nói ngay vì tôi biết sau khi ngửng đầu nhìn tôi cô gái sẽ hỏi tôi là người nước nào.
Chúng tôi gặp nhau từ đó. Hóa ra Marcela học cùng tôi môn Lịch sử triết học và lôgic. Cả hai đều là sở trường của tôi và tôi có cơ hội giúp đỡ chứng tỏ tài năng của mình. Marcela có gì đó khác với hai cô bạn Lenka và Katka của tôi. Chúng tôi gần gũi nhau và yêu nhau từ lúc nào không hay.
Các cô gái Tiệp tự nhiên, rõ ràng và hơi quá sòng phẳng. Lúc đầu tôi vẫn có định kiến là các cô lạnh lùng hay không tình cảm. Không phải vậy, khi đã quen, đã yêu các cô cũng thắm thiết không khác gì phụ nữ bất kỳ nước nào. Dù họ có những thói quen khác nhau trong những chuyện cư xử hay cuộc sống, nhưng họ cũng mong muốn những điều như mọi cô gái ở khắp nơi mong muốn: Được yêu quý, chiều chuộng và cả khen ngợi.
Có nhiều chuyện tôi vẫn không thể quen được. Ví dụ chuyện trả tiền quán ăn. Khi dẫn Marcela đi ăn, tất nhiên tôi trả tiền nhưng cô nàng có vẻ không thấy thoải mái và thường tìm lúc mời tôi đi ăn lại. Cũng giống vậy, tôi mời em đi xem phim vì cả hai đều thích và có những giây phút thú vị nhưng sau đó tôi lại bị tấn công bằng những lời nhắn là rạp có bộ phim này, phim kia và Marcela muốn tôi đi xem cùng… nhưng do nàng trả tiền.
Nhưng điều tôi thích nhất là Marcela không dấu diếm tình cảm và tự nhiên như các cô gái Tiệp khác. Marcela rất thích được tôi ôm ấp hay chiều chuộng. Chúng tôi không phải giấu giếm sự thoải mái và thích thú khi có thể âu yếm nhau như vậy. Cả hai đã bắt đầu quen nhau đến mức mỗi lần, khi em về nhà thăm bố mẹ và quay lại nhà sinh viên là tôi lại cảm thấy thời gian trôi đi thật chậm. Và những giây phút gặp lại thật hạnh phúc và dữ dội. Chỉ khổ và phiền chút ít cho cô bạn cùng phòng của Marcela và anh bạn cùng phòng của tôi. Những lúc đó họ đành phải đi tìm nơi giải trí bên ngoài. Ở khu sinh viên, chúng tôi phải ở hai người trong một phòng, nam nữ rất ít khi ở chung (chỉ có thể sau một loạt các thủ pháp đổi phòng chéo nhau). Chúng tôi thường tìm thời gian lệch nhau để Marcela về thăm cha mẹ khác với tuần mà cậu bạn cùng phòng tôi về nhà thăm bố mẹ.
Tôi vừa bước chân vào đại học được hơn một năm, quen Marcela chưa đầy một học kỳ thì cuộc Cách Mạng Nhung bùng nổ. Bắt đầu chỉ từ tin một sinh viên Khoa Toán Lý bị chết do cảnh sát đàn áp trong cuộc diễu hành nhân ngày Quốc Tế Sinh Viên 17/11 năm 1989. Tôi cũng có một số bài giảng ở Khoa Toán Lý nhưng không hề biết về chuyện đó. Bỗng nhiên, tôi thấy rất nhiều bạn học tụ tập nhau và nói chuyện bãi khóa, tổ chức họp hành và đi biểu tình công khai ngay trong giờ học, giờ nghỉ tại trường khiến tôi vô cùng kinh ngạc. Tôi thầm nghĩ: “Tự do thật dễ sợ! Sinh viên và thầy cô giáo có thể bàn nhau công khai về chuyện bãi khóa, biểu tình.”
Đêm đến, quấn mình trong hơi ấm thân thể của Marcela, tôi tò mò hỏi và thắc mắc về những chuyện đó. Marcela sôi nổi giải thích cho tôi và nhiều khi nàng vùng dậy để diễn tả những điều nàng nghĩ khiến tôi bất bình vị bị lạnh. Marcela không còn hiền lành lãng mạn ngày nào mới gặp ở nhà ăn, nàng bỗng quan tâm đến chuyện bãi khóa và….
Tôi đứng bối rối không biết làm gì giữa căn phòng nhỏ tầng một tại Khoa Triết. Các sinh viên xấp xỉ tuổi tôi đang chạy đi chạy lại, copy, bận rộn làm các tấm biểu ngữ cho cuộc tổng bãi công sắp tới. Chiếc máy photocopy chạy liên tục đẩy ra những mảng tin, các khẩu hiện và những lời giải thích về “Obcanske Foroum” -Diễn đàn công dân, tổ chức tập hợp những người phe đối lập mới hình thành. Jan Kreten bảo tôi: “Có muốn giúp gì không?”
“Cho tôi làm gì đi. Đứng không thấy khó chịu,” tôi trả lời.
“Được, bây giờ cậu lấy những trang khẩu hiệu ‘Tình thương và sự thật sẽ chiến thắng’ cùng hình trái tim biểu tượng của Diễn Đàn Công Dân đã copy này ra xếp vào với đám kia và rồi ghim lại thành từng tập nhỏ,” Jan giải thích.
Tôi đã đi dự các cuộc biểu tình hàng ngày trên quảng trường Vaclav hàng ngày, phần nhiều vì tò mò. Một sự kiên trì và tự giác kỷ luật đặc biệt. Hàng ngày, hàng chục, trăm ngàn người tập trung nhau tại quảng trường trung tâm Praha và nghe diễn thuyết. Nhưng điều đặc biệt nhất là họ đi đấu tranh, biểu tình rất ôn hòa và không có những màn bạo động khiêu khích. Tất cả đi tuần hành, hô khẩu hiệu và không hề đập phá hay gây lộn xộn cho các cửa hàng, các hoạt động thương mại vẫn đang diễn ra. Lần lượt các nhân vật quan trọng của giới văn hóa, nghệ thuật Tiệp lên tiếng ủng hộ công khai những người biểu tình. Các cuộc mít tinh tự phát và biểu tình đã kéo dài cả tuần lễ và không thấy bóng cảnh sát mặc đồng phục ở đâu cả.
Sau vụ đàn áp sinh viên trên Đại lộ “Dân Tộc” và tin đồn họ đánh chết một sinh viên đã khiến dân chúng gọi cảnh sát là “Ghetapo” và mất hoàn toàn sự tôn trọng với họ. Mỗi khi có bộ quân phục cảnh sát xuất hiện là tiếng huýt sáo, la ó vang lên và vị cảnh sát nọ lại từ từ biến mất. Các cuộc biểu tình tự phát nhưng rất yên tĩnh và có sự tự giác nhất định. “Dân trí của họ cao thật, và họ cũng có văn hóa hơn hẳn dân mình,” anh Hùng, đang làm Tiến sĩ tại cùng trường tôi đã thốt lên vậy trong một lần đi “xem” biểu tình cùng tôi trên quảng trường.
Cú sốc lớn nhất với tôi là một tối, khi cùng đám bạn đi uống bia ở Club tôi bỗng nhìn thấy một thầy giáo tôi, người dạy phần thực hành về máy tính đang đứng bàn với một nhóm sinh viên về kế hoạch biểu tình ngày hôm sau sao cho ít lộn xộn nhất. Mọi sự kính trọng đặc biệt cùng những quan niệm trước kia về thầy cô giáo bỗng sụp đổ trong tôi.
Marcela cũng thay đổi và trở thành nhân vật tích cực tham gia vào các hoạt động của sinh viên. Chúng tôi ít gặp nhau hơn. Cũng như chuyện Marcela bỗng nhiên trở thành ít nhiều xa lạ với tôi vì tôi quả thật chưa hiểu lắm ý nghĩa của tất cả những chuyện xảy ra. Tôi chỉ cảm thấy không vui vì không gặp mặt em thường xuyên và cũng chẳng có nhiều thời gian mỗi lần gặp. Chúng tôi chỉ kịp hôn nhau và rồi Marcela bảo: “Em phải đi mang đám truyền đơn này sang Praha 6, anh đi cùng không?” Tôi đi cùng vài lần nhưng rồi không thấy thoải mái vì không hiểu mình đang làm gì.
Quan hệ tình cảm của chúng tôi đi ngược chiều với sự thành công của cuộc “Cách Mạng Nhung.” Cuộc Cách Mạng Nhung thành công và ngày càng được sự ủng hộ to lớn của dân Tiệp Khắc.
Đảng Cộng Sản Tiệp họp trung ương bất thường, cách chức Tổng bí thư Jakes. Vị Tổng bí thư này là người mà rất nhiều bạn bè Tiệp của tôi đánh giá là giốt nát và chỉ có khả năng duy nhất là bảo thủ và trung thành với đảng. Ông Urban, một người không ai biết đến, lên làm Tổng bí thư.
Đại diện của chính phủ Cộng Sản do đích thân Thủ Tướng Adamec chấp nhận ngồi vào bàn tròn với phe đối lập hình thành quanh “Diễn đàn công dân” và do một nhân vật phản kháng có tiếng, nhà soạn kịch Vaclav Havel đại diện.
Chính phủ hòa giải lần thứ nhất bị từ chối vì có quá nhiều bộ trưởng là đảng viên CS.
Hai bên ngồi lại và thành lập ra chính phủ Hòa giải thứ hai do ông Calfa làm thủ tướng. Chính phủ này được TT CS cuối cùng Jan Husak tiếp nhận trong lễ tuyên thệ nhậm chức tại Lâu Đài Praha (như Phủ Tổng Thống). Một nghịch lý thú vị.
Theo thỏa thuận giữa các bên họp tại bàn tròn, nhiều đại diện của phe đối lập quanh “Diễn đàn công dân” được bổ sung vào quốc hội liên bang.
Đỉnh cao của cuộc Cách Mạng Nhung diễn ra ngày 21/12/1989, chỉ hơn một tháng sau sự kiện đàn áp cuộc diễu hành sinh viên ngày 17/11 được đánh dấu bằng sự kiện khi ông Vaclav Havel, một nhà phản kháng nổi tiếng, đại diện của “Diễn đàn công dân” được Quốc hội (với hơn 50% đại biểu vẫn là các đại biểu cộng sản) bầu làm Tổng thống nước Tiệp với 100% số phiếu.
Nói về sự kiện này 10 năm sau, ông Petr Pithar (Chủ tịch Thượng Viện CH Séc hiện nay, một nhà phản kháng trước kia) cho biết: “Tôi cảm thấy vô cùng xấu hổ cho nhiều vị dân biểu CS là họ đã trơ trẽn bỏ phiếu bầu cho Havel, một kẻ mà họ trước kia sẵn sàng tống giam, trở thành Tổng thống Tiệp Khắc.”
Câu chuyện tình của tôi cũng rơi vào khủng hoảng sau hơn một tháng biến chuyển. Bỗng nhiên chúng tôi tự thấy có khoảng cách giữa cả hai. Hình như một tháng qua mới bộc lộ sự khác biệt ít nhiều giữa hai nền văn hóa và cách suy nghĩ hành xử. Gặp nhau, vẫn hôn nhau nhưng không có vị mặn mà ấm áp nữa mà đã mang chút ảnh hưởng của thói quen. Cả hai chúng tôi cùng như chờ đợi một dấu chấm kết thúc mà không ai dám nói trước. Marcela đã trở thành một cô gái khác trước, mạnh bạo và có phần tự tin hơn. Cô quyết định sẽ tạm thôi học và làm trợ lý cho một nhà phản kháng được bổ nhiệm làm Bộ trưởng của chính phủ liên hiệp. “Em quyết định sẽ bước vào học ở trường đời, khi cần sẽ quay lại trường học tiếp sau. Kinh nghiệm trải qua thời gian này sẽ khó có thể có được khi khác…,” cô nàng nói vậy.
Giao thừa năm đó, năm đầu tiên sau Cách Mạng Nhung Marcela cho biết sẽ về nhà đón giờ phút đặc biệt tự do đầu tiên cùng gia đình ở thành phố cách xa Praha 80km. Tôi và anh Hùng sau khi đã ăn bữa chiều đơn giản, vì cả hai chúng tôi đều lười nấu ăn, quyết định sẽ ra quảng trường Vaclav để xem “chúng nó làm gì trong đêm giao thừa tự do đầu tiên.”
Chúng tôi đi chuyến tàu điện đêm số 18 quen thuộc, cũng là chuyến tàu thường xuyên đưa chúng tôi đến trường học và có một tuyến đường đi xuyên qua khu phố cổ rất đẹp của thành phố Praha. Trời mùa đông lạnh giá, tuyết rơi đọng lại và được cào hất ra hai bên đường khắp nơi thành những đống cao thấp khác nhau phản chiếu ánh đèn xe đêm làm khung cảnh trở nên lấp lánh khác thường. Một tối mùa đông ảm đạm không khác gì những tối khác nhưng vẫn mang lại một sự chờ đợi, một không khí lạ khác thường. Lẹt đẹt đâu đâu đó là tiếng pháo mà lâu lắm rồi chúng tôi không được nghe ở đây. Chuyến tàu sau 11 giờ đêm mà vẫn đông đúc và vui vẻ. Họ uống bia và vui vẻ ca hát ngay trên tàu nhưng không thấy ai nói gì, kêu ca gì, kể cả lái tàu. Ngày thường chắc hẳn ông lái tàu điện sẽ dừng lại và yêu cầu đám thanh niên “ồn ào” đó xuống. Nhưng hôm nay là ngày đặc biệt, tất cả độ lượng hơn, vui hơn và dễ dãi hơn. Họ đang được hít thở không khí và cảm giác tự do sau bao nhiêu năm bị hạn chế.
Xuống ga ngay cạnh khu trường, hai anh em đi bộ tới khu Quảng trường thành phố cổ. Một quang cảnh lộn xộn, vui vẻ và tự phát nhưng ôn hòa chưa từng thấy bao giờ. Cả quảng trường đông nghịt người, trẻ có, già có, gia đình có, vui vẻ và uống rượu bia công khai. Đó đây từng đám cất tiếng hát đủ bài hát quen thuộc và không quen thuộc. Trên đỉnh tháp cao của Tòa Thị Chính, phía trên Đồng Hồ Vĩnh Cửu, dàn nhạc chơi các bài nhạc cổ điển được ưa chuộng nhất. Tất cả vui vẻ, tất cả cùng có những động tác, nhảy múa và làm nhiều điều kỳ quặc dưới con mắt của chúng tôi. Nhưng tất cả đều thân thiện và độ lượng.
“Nhìn kìa,” anh Hùng giật tay tôi. Tôi quay lại, một nhóm thanh niên đang đốt ảnh Husak, vị Tổng thống cộng sản cuối cùng của nước Tiệp trong tiếng reo hò cổ vũ của một đám đông tụ tập xung quanh. Đó là một hình ảnh không mấy người dân Tiệp Khắc có thể tưởng tượng nổi trong hàng chục năm trước đó. Một nhóm khác đang tưới rượu lên lá cờ của Liên Xô (ngày nay đã không còn tồn tại). Đó là điều mà tôi thật sự ngạc nhiên và chưa nhìn thấy từ trước đến nay ngay cả tại nước Tiệp Khắc vốn tự do này. Đó là những điều cấm kị. Một không khí đặc biệt thoải mái cùng cảm giác “tự do” kỳ lạ bao trùm khắp quảng trường và hiện rõ trên từng khuôn mặt. Những giây phút này chỉ có một lần và sẽ không bao giờ lặp lại. Một lần trong những năm sau đó tôi cũng quay lại Quảng trường này trong một đêm Giao thừa khác sau đó, nhưng không bao giờ gặp lại không khí ngày này. Cả quảng trường cũng tràn ngập người, nhưng phần đông là khách du lịch và chỉ giống hình thức của buổi tối đặc biệt hôm đó, nhưng… không bao giờ có được không khí đặc biệt ngày Giao thừa đầu tiên trên ngưỡng cửa bước vào năm 1990 đó.
Tôi và anh Hùng đi xuyên qua đường phố cổ sang quảng trường Vaclav, nơi diễn ra các cuộc biểu tình thường xuyên nhiều tuần lễ. Tại đây khung cảnh giống ở quảng trường Thành phố Cổ nhưng không gian khổng lồ to lớn hơn. Tất cả đều say, đều vui vẻ và làm những điều kỳ quặc. Giữa quảng trường và hai đầu là ba chiếc xe cứu thương đợi sẵn. Một đám thanh niên vui quá mức đi qua và rót rượu sâm banh lên kính chiếc xe cứu thương. Bình thường và ngày thường chắc hẳn đã xảy ra sự va chạm hay can thiệp của cảnh sát. Nhưng mà hôm nay không hề thấy cảnh sát đâu. Những nhân viên trong xe cứu thương cũng không phản đối gì, thậm chí lái xe cứu thương còn mở cửa kính và nói gì đó để đám thanh niên rót rượu cho ông. Xong rồi, ông ta lại kéo kính xe lên như cũ, như không có chuyện gì xảy ra.
Anh Hùng bảo tôi: “Tao thấy bọn nó điên khùng tất cả. Hóa ra không phải vậy, mình mới điên khùng.”
Thấy tôi không hiểu, anh giải thích thêm: “Khi tất cả đều say, thì bọn nó thấy mọi điều xảy ra đây đều vui vẻ và bình thường, chỉ riêng anh em mình thấy bất bình thường.”
Hai chúng tôi chui vào quán rượu gần nhất, mua nguyên một chai vang trắng và khui ra uống liền bằng chai. Chỉ không đầy mười phút sau tôi thấy tất cả vui vẻ và bình thường trở lại. Tất cả những người xung quanh thật đáng yêu, thật vui vẻ và nhẩy… rất đẹp. Cả quảng trường như lắc lư theo tiếng nhạc phát ra từ mọi phía. Ngay cả ông Vaclav cũng như đang cười và lắc lư trên lưng ngựa trên bức tượng khổng lồ gần đó. Tôi cũng bắt đầu lắc lư theo tiếng nhạc của một chiếc cassette của một đám thanh niên gần nhất.
“Ahoj Name, Vsechno nejlepsi a… promin,” (Hey Nam, mọi điều may mắn nhất trong năm mới và… xin lỗi), một tiếng nói quen thuộc vang lên. Tôi giật mình quay lại, Marcela và… Jan Kreten, cậu bạn ở phòng copy “cách mạng” sinh viên ngày nào. Tôi ngạc nhiên: Marcela lúc này đáng lẽ đang ở nhà cùng gia đình ở thành phố của cô! Jan ôm chầm lấy tôi: “Chúc mọi sự như ý… cậu biết đấy…”
Tôi bỗng cảm thấy thoáng nỗi buồn khó tả. Và tôi… chợt hiểu.
Marcela hôn nhẹ lên môi tôi và cả hai cùng ôm hôn choàng lấy nhau rất lâu lần cuối.
“Promin, ty vis.. a hodne stesti,” (Xin lỗi, mà anh biết rồi… chúc nhiều may mắn) Marcela nói nhỏ đủ để hai chúng tôi nghe.
Tôi cảm thấy nghẹn ngào dù biết chuyện đó sẽ đến nhưng không ngờ tại đây… và vào lúc bất ngờ này!? Marcela và Jan ôm hôn anh Hùng và cả hai lẫn vào đám đông đang múa may, nhảy nhót. Tôi lặng đứng nhìn theo và không rõ mình đang vui hay buồn.
Tiếng chuông đồng hồ trên tháp điểm đúng mười hai tiếng, cả quảng trường ào lên tiếng chúc mừng. Tất cả chúng tôi quay sang ôm hôn người xung quanh, bất kể là ai, quen hay không quen biết. Chúng tôi ôm hôn các cô gái và bắt tay ôm hôn cả các chàng trai. Già, trẻ, gái, trai… tất cả cùng chúc mừng và ôm hôn nhau như người thân hay bạn bè quen biết đã từ lâu. Ai cũng nói: “Chúc mọi sự may mắn năm mới.”
“Chúc mừng năm mới,” tôi quay sang ôm hôn một cô gái tóc màu hung trong nhóm các cô gái bên trái.
“Hey Name, To jsem já, Helena!” (Này, Nam, Helena đây!) tôi giật mình. Helena, học Tâm Lý Học dưới tôi một năm, vừa vào năm thứ nhất và chúng tôi quen nhau trong một buổi sinh nhật của cậu bạn Martin. Một cô gái khác hẳn Marcela, mang tính gia đình và có vẻ nội tâm nhiều hơn. Cả hai chúng tôi cùng tự động bật ra và nhìn nhau… giây lát. Rồi không ai bảo cả hai lại ôm choàng lấy nhau và hôn đằm thắm như quên hết mọi sự quanh mình.
“Nechces, abych ti libal takto kazdy den?”, (hey, em có muốn được hôn thế này hàng ngày không?) tôi nói nhỏ đủ để Helena nghe được.
“To se mi libi, proc ne?” (Em thấy hay, tại sao không!), Helena nói và chúng tôi hôn ghì lấy nhau và quên hết những người khác cũng đang ôm hôn nhau bên cạnh trong đêm giao thừa đặc biệt và duy nhất đó.
Nguyễn Ái Nhân