Câu chuyện tình sinh viên nổi tiếng thế giới xảy ra giữa Oliver Barrett IV, sinh viên khoa Luật của Havard, cầu thủ hockey và Jennifer Cavalleri, sinh viên âm nhạc của trường Radcliffe. What can you say about a twenty-five-year-old girl…? That she was beautiful and brilliant? That she loved Mozart and Bach, the Beatles and me? Chuyện tình sinh viên này qua mọi trở ngai, vượt không gian, thời gian chu du khắp thế giới. Khi chuyện được đạo diễn Arthur Hiller đưa lên phim đã đoạt một lô giải Oscar, Ryan O’Neal và nàng Ali Mac Graw cận thị cùng bản nhạc của Francis Lai góp phần đưa Love story trở thành bất tử.
Đó là tiểu thuyết xa lắc bên trời Tây. Tiểu thuyết khi nào cũng đẹp mơ mộng vì nó nằm trong trí tưởng tượng, nhà văn tha hồ cho nhân vật của mình nở hoa, hóa bướm bay lượn dưới ngọn bút, vẫy vùng trên trang giấy. Thế nhưng chuyện tình sinh viên trong thực tế và ở thành phố hằng ngày thì chẳng có chút thơ mộng, lãng mạn nào cả. Một chuyện tình sinh viên tiêu biểu của thời đại bây giờ đã xảy ra ở đường hẻm số Năm, khu nhà trọ sinh viên.
Đó là một khu xóm nhỏ san sát nhà cửa, nhà này mở cửa nhìn thấy tận bếp nhà bên kia chiều nay ăn cơm với món gì. Khu xóm nay lại đắc địa ở chỗ khá gần với nơi tập trung mấy trường vừa đại học vừa cao đẳng, cả trường công lẫn trường tư. Ký túc xá thường không đủ chỗ cho khối lượng sinh viên ngày càng đông đảo hoặc xa trường quá không thuận tiện cho việc đi lại học hành. Vì thế sinh viên thường tìm chỗ trọ gần trường, nhất là gần kỳ thi tuyển đại học, cơn sốt phòng cho sinh viên lại gia tăng.
Một ngày đẹp trời, bà Lan đang ngồi bậc thềm rầu rĩ tới cảnh xăng dầu tăng giá hoài mà lương nhân viên cứ dậm chân tại chỗ, cô sinh viên từ đâu lang thang tới hỏi thuê phòng. Suy nghĩ kỹ, bà tém dẹp cả gia đình cho gọn gàng, dành căn gác cho 3 cô sinh viên thuê phòng ở chung. Ngân sách gia đình được tăng lên, đồng thời giúp các cô có chỗ đi học gần nhà. Các nhà khác thấy thế bắt chước ngăn phòng cho thuê, có cả vài nhà cho thuê nguyên căn trống. Thế là hình thành nên một xóm sinh viên đông vui đáo để.
Xóm sinh viên ban ngày thường yên tĩnh, vắng vẻ. Chiều đến bắt đầu đông do mọi người lục tục về và đêm tới các ô cửa sổ đều sáng đèn vì các cô cậu thức khuya học bài. Nhà này ra balcon phơi áo đụng mặt nhà kia nên chi các nhóm sinh viên đều biết mặt nhau, qua lại hỏi thăm giới thiệu chỗ làm thêm, nơi xin học bổng hay hỏi bài vở…
Thành là sinh viên một trường đại học quốc gia. Con đường học hành của Thành quá đỗi gập ghềnh. Tuy rất thông minh vì đã từng hai lần thi đậu vào hai trường đại học nhưng không đủ tiền đóng học phí nên đành bỏ dở, cuối cùng đậu lại nơi trường hiện tại tuy cũng đại học nhưng không được danh giá lắm. Giống như mọi chuyện tiểu thuyết mà thật ra mọi tiểu thuyết cũng hư cấu, thêm thắt từ một sự thật; một hôm đẹp trời Thành ra ngõ gặp một cô gái dễ thương, Phượng dắt xe đi học vừa ngồi lên yên thì tuột sên. Điều đương nhiên Thành ra tay nghĩa hiệp với cô hàng xóm cách một dãy nhà.
Cư dân trong xóm biết nhau rất rõ dù chưa có dịp quen biết. Phượng học cao đẳng, dù nước da hơi ngăm và vóc dáng hơi tròn nhưng đôi mắt long lanh và mái tóc dài thật duyên dáng. Dưỡng tóc dài mất công lắm nên điệu mấy, đa số các cô chỉ để tóc quá vai rồi buộc lên cho đỡ nóng, hiếm thấy mái tóc nào dài và mượt như tóc Phượng, mượt mà như mấy cô quảng cáo dầu gội đầu trên TV, mỗi bước đi mái tóc sóng sánh như làn sóng huyền xô đẩy làm chao đảo trái tim ai lỡ ngó thấy. Phượng cũng nghe tiếng Thành từ khi mới dọn về đây ở do thành tích thi đâu đậu đó của Thành, trong đó có một lần thiếu nửa điếm đậu vào Bách Khoa là ngôi trường mà chỉ số thông minh của sinh viên cao hơn những trường khác, tuy chưa được là sinh viên Bách Khoa nhưng thành tích thiếu nửa điểm đó cũng thật đáng cho các cô cao đẳng ngưỡng mộ. Thành đeo kính trắng coi sáng sủa đẹp trai, mồm mép lại hoạt bát linh lợi khiến ai cũng được lòng.
Thành thông minh thật sự vì khi Phượng mang sang bất cứ bài gì hỏi thì Thành đều giảng thao thao bất tuyệt ngay không cần lôi sách vở ra tra cứu. Một người dù không cần cũng hỏi bài và người kia được dịp qua cầu. Giao du hồi lâu khám phá ra Thành và Phượng hơi hơi… đồng hương, quê quán tuy hai tỉnh riêng biệt nhưng đích thị đồng hương vì nằm cạnh nhau và môn địa lý đã xếp hai tỉnh đó có khí hậu, thổ nhưỡng… giống nhau. Xa nhà gặp đồng hương thật mừng như trở về cùng một chốn quê xa, dễ dàng kéo người ta xích lại với nhau lắm nên dần dần Thành và Phượng ngày càng thân hơn. Thành thường xuyên trao đổi đĩa nhạc, sách báo. Cũng như mọi cô sinh viên tầm tầm khác, Phượng rất thích đọc các loại báo phụ nữ, tạp chí tiêu dùng, kiến thức phổ thông… Thành mượn báo của con nhỏ học trò dạy thêm mang tới cho Phượng và các bạn chuyền tay đọc khỏi cần mua. Vả lại trong danh sách chi tiêu hạn hẹp của sinh viên, ít có khoản dư dả nào dành cho sách báo lắm.
Thành qua Phượng chơi chỉnh dùm chiếc máy cassette học ngoại ngữ đang chạy sao thỉnh thoảng cứ bị tuột băng giữa chừng. Biết ơn quá đỗi vì không có Thành, mấy cô phải hè nhau ôm ra tiệm sửa thật mất công nên cả bọn mời Thành ở lại dùng cơm, thêm đũa thêm chén chứ có chi đâu. Bữa ăn có khách quen trở nên vui vẻ, sôi động hẳn lên với đủ chuyện tiếu lâm của giới sinh viên. Sau đó, nếu vào cuối tuần, Thành rủ Phượng ra đầu đường ăn trái cây dĩa, uống sinh tố hay đi câu lạc bộ xem ca nhạc, nghe nói chuyện chuyên đề… Không thể xem ciné được vì 2 vé một trăm ngàn hao hụt khá nhiều cho ngân quỹ và cũng không thể ra công viên tâm tình e mất.. xe đạp hay đồng hồ. Bởi thế nếu không đi đâu, Thành sẽ ở lại chỉ bài cho Phượng và 2 cô bạn cùng phòng nên biết điều ôm tập vở qua nhà kế bên học hay đi chơi đâu đó để việc dạy học của “đôi trẻ” được tự nhiên.
Tình yêu chín muồi không thể xa nhau nên chi Thành và Phượng rủ nhau “ra riêng”. Hai bên gia đình quyết liệt phản đối. Gia đình Thành còn một đống em dưới quê chỉ đợi ông anh ra trường tìm được công ăn việc làm khấm khá, đón dần từng đứa lên thoát cảnh đầu tắt mặt tối không có ngày mai. Mẹ Phượng góa bụa, một mình nuôi con, biết con mình học hành không xuất sắc, chỉ mong Phượng có được tấm bằng cao đẳng lận lưng, rồi từ từ kiếm người chồng thành phố khá một chút để lấy hộ khẩu thành phố hưởng nhàn. Mỗi sinh viên là rường cột quốc gia, là niềm hy vọng của cả một gia đình, chưa chi đã vướng vào “lụy tình”! Yêu nhau chút chút cho vui thôi chứ mỗi tháng sống nhờ trợ cấp từ dưới quê còn đều đều gửi lên, làm sao lấy nhau được?
Phượng đã lén đi Từ Dũ một lần không ai hay. Nếu cha mẹ không đồng ý, hai người quyết định vẫn ở với nhau. Cả hai trù liệu cố đi làm thêm rồi mọi việc từ từ tính sau. Đầu tiên dồn qua ở căn phòng khoảng 7 mét vuông mới thuê. Ngày dọn nhà vui lắm, đám bạn xúm xít mang đồ đạc dùm Phượng, vài món đồ đơn giản trong túi xách thôi chứ đâu có gì cần khuân vác. Kết thúc bằng một bữa tiệc nho nhỏ do bạn bè hùn nhau khoản đãi vô cùng vui vẻ, náo nhiệt. Hai cô bạn của Phượng nhanh chóng tìm ngay một cô bạn khác trám chỗ để chia tiền phòng.
Thành không đi ăn cơm bình dân ngoài đường hăm lăm ngàn một đĩa nữa. Phượng nấu nướng trong hai cái nồi nhỏ xíu trên bếp điện những bữa cơm nóng sốt ngon lành. Có vẻ một mái ấm gia đình đẹp đẽ đang hình thành. Cả hai bàn nhau khi ra trường có công ăn việc làm tử tế sẽ sinh những đứa con xinh xắn rồi dành dụm mua một căn nhà trả góp định cư luôn nơi thành phố.
Dầu sao cạnh những mộng mơ đó cũng nảy sinh nhiều vấn đề nhức đầu, cả hai gia đình dưới quê rất giận dữ nhưng tội nghiệp con cái nên không cắt viện trợ, cuộc sống chung bắt đầu nảy sinh nhiều rắc rối tựu chung lại cái gì cũng quy ra… tiền! Ở riêng tùng tiệm được, vẫn dư dư chút ít để Phượng mau sắm quần áo bán sale và Thành nhậu lẻ tẻ với bạn bè. Một cây làm chẳng nên non. Hai cây chụm lại không hiểu sao lại chẳng ra cái trò trống gì hết?!
Toán hóc búa trong chương trình học có thể giải dễ dàng nhưng mấy bài cộng trừ nhân chia trong cuộc sống chung, cặp này giải hoài không ra. Tiền học, tiền nhà, tiền điện… càng lúc thiếu hụt, ăn uống mắm muối cọ quẹt vẫn không dễ. Không thể xin thêm gia đình nên cả hai tích cực đi làm thêm. Thành nhận hai lớp dạy kèm nữa và Phượng đi tiếp thị bia ở quán. Biết công việc tiếp thị bia này không hay ho gì nhưng nó dễ kiếm tiền và nhiều tiền chứ cứ đứng bán hàng hội chợ, phát tờ bướm quảng cáo, trông trẻ con… là những công việc khi có khi không và lương rất thấp. Mạnh ai nấy mải mê làm việc bù đắp cho các khoản chi.
Chỉ có điều đi làm thêm quá nhiều đâu còn thời gian dành cho học hành nữa. Thành bớt giờ lên giảng đường để dành cho các lớp dạy tư gia và đến gần mười hai giờ quán ăn đóng cửa, Phượng mới về nhà, hôm sau vào lớp ngủ gục ngon lành trên bàn chẳng còn biết thày giảng gì trên bảng. Bởi vậy tới kỳ thi, mặc dù hết sức xoay sở với đủ thứ bùa phép ếm kỹ khắp người, phao dấu khắp nơi và cầu cứu tới sự giúp đỡ của bạn bè chung quanh mà vẫn chết chìm cứu không nổi. Cả hai đều thi rớt, một là nghỉ làm ôn bài để thi lại, hai là dồn đống đến khi gần ra trường sẽ thi lại các môn tồn đọng. Trường hợp thứ hai khó lòng vì những môn học để lâu quá sẽ quên mất mà nghỉ làm ôn bài lại bở hơi tai giật gấu vá vai…
Cho nên thời kỳ lãng mạn bỗng nhiên chấm dứt mau chóng không kèn không trống. Thành tức tối nhìn Phượng má phấn môi son mặc bộ đồng phục mini jupe của hãng bia lội vào chốn sa trường tới giữa đêm mới về. Phượng cũng khó chịu vì thấy mình quá cực khổ, học hành ngày càng lem nhem mà Thành dường như không biết tới, thảnh thơi đi dự sinh nhật của con học trò nhí nhảnh tại nhà hàng trong khi căn phòng chung ngập lên như cái thùng rác, không thèm quơ tay dọn dùm một chút. Mặc dù theo học tại trường đại học quốc gia chứ không phải đại học tư hay đại học tỉnh nhưng thường sinh viên ra trường phải tốt nghiệp loại khá hay giỏi mới dễ xin việc chứ trung bình thất nghiệp dài dài là dĩ nhiên. Thành thử Thành và Phượng thất vọng nhận thấy viễn ảnh tươi đẹp của tương lai ngày càng trở nên mờ nhạt.
Chiếc điện thoại di động mới toanh của Phượng toàn giọng lạ hoắc cứ réo liên tục Phượng ơi Phượng à làm Thành chịu hết nổi, xáng cho Phượng một bạt tai nhằm dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về. Thế kỷ hăm mốt, nam nữ bình đẳng, lại sinh viên có học chứ đâu phải thời quân chủ độc tài đa thê mà dạy vợ thượng cẳng chân hạ cẳng tay kiểu đó. Thành xúc phạm Phượng quá thể nên nhân thể hết học kỳ được nghỉ, Phượng theo đúng truyền thống của những cô vợ vào trường hợp này là túm khăn gói đi một mạch về quê với mẹ. Bà mẹ nhắn đằng trai chưa bao giờ gặp mặt để nói chuyện phải trái, ông sui vẫn còn tức vì cuộc hôn nhân vội vã của con trai kéo theo tương lai mờ mịt của đám em tức là của cả gia đình, vả lại con ông là con trai đâu có cần nên ông làm lơ luôn không thèm trả lời dài dòng chi cho thêm vướng mắc.
Sau nhiều lần giận hờn, hòa giải không đi tới đâu. Theo cách nói thường nghe là “mâu thuẫn trầm trọng” không cứu vãn được vì chẳng ai thay đổi và chẳng muốn thay đổi làm chi. Lần cuối cùng Phượng nhờ một cô bạn giúp dọn đồ ra khỏi “tổ uyên ương”, may quá chưa kịp làm hôn thú, chẳng ai buồn nói với ai lời nào. Đâu có cần ra trường mới tìm được người chồng khá, trong thời gian tiếp thị bia, Phượng đã kiếm được một anh trưởng phòng “tài trợ” đều đặn để yên tâm học hành, phòng thuê đàng hoàng, quần là áo lượt khỏi cần vất vả đi làm thêm. Thành cũng thấy nhẹ mình, trở về thời kỳ sinh viên độc thân, tha hồ tư do cùng lũ bạn, trở về những giấc mơ và bổn phận như cũ, như chưa hề một lần có vợ có chồng.
Chỉ khác câu nói bất hủ của Erich Segal đặt vào lời Jennifer dành cho những người yêu nhau trên thế gian: Love means not ever having to say you’re sorry. Tình yêu không bao giờ nói hối tiếc. Riêng cặp nhân vật tiêu biểu cho tình sinh viên trong câu chuyện này cứ tiếc mãi thời gian phí phạm họ đã ở bên nhau.
Sài Gòn Cô Nương