Cha mẹ cần biết về EM ĐI EM ÂY

Em Đi Em Ây là gì? Xin thưa Việt Luận phiên âm bậy từ EDMA (cho dễ nhớ ấy mà!). Em Đi Em Ây một trong nhiều món cô cậu có thể nếm khi party, họp bạn, dự festival hay tham gia các buổi schoolies. Gần đến cuối năm học hay gân đến lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, không những cha mẹ có nhiều lễ lạc và gặp gỡ cho mình; mà cô cậu cũng có. Người lớn có món ăn chơi của người lớn. Cô cậu cũng có món riêng cho mình. Điều người lớn sợ nhất là cô cậu lãnh đủ tác hại ghê gớm của Em Đi Em Ây.

Nhiều người lo cơn dịch MDMA thổi tung nước Úc. Và từ đó làm bay tốc luôn cả cậu ấm cô chiêu hiền lành trong nhà của mình. Nói cho ngay, Úc xài nhiều MDMA nhưng người xài không phải là bạn trẻ. Trong đám thiếu niên, chỉ có 3% biết tới Em Đi Em Ây. Còn gộp chung bạn trẻ (tức người dưới 35 tuổi) thì con số này ở mức 7%. Nói cho cha mẹ có con cái tuổi mười mí trong nhà bớt lo: ở Úc 94% cô cậu học sinh trung học đều chưa bao giờ biết mùi Em Đi Em Ây phê tới mức nào.

Tuy nhiên, người lớn cứ sợ bạn trẻ nếm MDMA. Trước đây, chính phủ dùng lời lẽ dữ dằn và hình ảnh ghê rợn để cảnh cáo cô cậu chớ có đụng vào cái thứ MDMA giết người này. Nhưng càng nói quá lời thì càng khiến cô cậu không tin vào lời khuyên nữa. Thế là tiểu bang NSW đã rút lại các quảng cáo phản tác dụng ấy. Chắc là ông bà / cha mẹ cũng suy nghĩ lại khi doạ dẫm quá mức. Nếu lời mình nói không có bằng chứng – hay bị coi là võ đoán – thì chắc là không nhiều con cháu trong nhà nghe theo. Chúng được học trong môi trường thực nghiệm. Nói gì thì phải có chứng cớ. Nếu không, chúng chỉ cười ruồi.

Hiển nhiên đã có người toi mạng vì dùng MDMA. Mới nhất, vào Chủ nhật qua một cậu 24 tuổi đã giã từ cuộc chơi vì xơi MDMA ở đại nhạc hội Strawberry Fields, thị trấn Tocumwal, NSW. Nói đâu xa, trước đây có cả cô cậu mang họ Trần, Nguyễn và Phạm đã mất mạng vì dùng Em Đi Em Ây trong vài ba cuộc gặp gỡ của bạn trẻ ở NSW.

Đã có một thời, người lớn đưa ra mệnh lệnh tuyệt đối với thiếu niên: ‘Trước Em Đi Em Ây, mày phải nói NO’. Chỉ có NO mà thôi! Thái độ dứt khoát này có thể hiệu lực với một số con cháu. Nhưng không phải là tất cả. Nếu chỉ ra lệnh ‘NO’ thì người lớn đã quên dạy cho con cái bài học về lối xử sự với bạn bè (xấu). Cũng chẳng màng gì đến tâm trạng bồn chồn, ham muốn, tìm tòi và khám phá khi con người tới tuổi dậy thì. Mệnh lệnh tuyệt đối ‘Nói KHÔNG’ có thể mở đường cho bạn trẻ thêm háo hức trước ‘trái cấm’. Khi người lớn biến MDMA thành ‘trái cấm’ thì Em Đi Em Ây càng hấp dẫn. Khi cảnh sát ở NSW thả chó săn, khám xét kỹ lưỡng cô cậu vào dự festival thì vô hình trung cảnh sát bày ra một trò chơi thú vị cho cô cậu: trò chơi cút bắt.

Thống kê của cảnh sát Úc cho thấy ít thiếu niên (và bạn trẻ) nếm thử MDMA và cũng không đông sa vào tình trạng nghiện ngập thứ ma tuý này. Dù tỷ lệ thấp, nhưng không ông bà / cha mẹ nào muốn thấy con cháu mình biết mùi Em Đi Em Ây cả. Một hơi thuốc MDMA cũng là quá nhiều rồi. Việt Luận rất buồn khi nghe tin có bạn trẻ mất mạng vì NDMA. Buồn hơn nữa khi nạn nhân mang họ Việt Nam. Xin cho đừng có ai mất mạng hay bị hậu quả trầm trọng vì Em Đi Em Ây. Chắc chắn bạn đọc chia xẻ nỗi buồn ấy với Việt Luận. Nhưng chắc là không phải tất cả đồng ý với Việt Luận nếu lá thư toà soạn này đưa ý nghĩ: rủi ai đó nếm thử Em Đi Em Ây thì đừng để đến nỗi phải lãnh đủ hậu quả thê thảm, à nghen.

MDMA là chất hoá học methylenedioxy-methamphetamine vừa gây phấn khởi vừa đưa người dùng vào thế giới ảo. Như tất cả các thứ thuốc khác, Em Đi Em Ây gây ra nhiều phản ứng phụ. Phản ứng phụ này mạnh hay yếu tuỳ người dùng và dùng thuốc trong hoàn cảnh nào. Không dùng methylenedioxy-methamphetamine thì có thể tránh ‘chăm phần chăm’ phản ứng phụ. Còn đã nếm thì phải biết cách giảm bớt tai hại từ các phản ứng phụ.

Chính vì lẽ này, trong các buổi nhạc hội, schoolies ở Úc thường có sẵn nhân viên y tế, xã hội, nước uống và phương tiện cấp cứu. Ở Canberra, chính phủ còn mở ra chỗ ‘test’ thuốc trước khi cô cậu bước vào đại nhạc hội. Chỗ ‘test’ này học đòi từ Bồ đào nha. Ở bên ấy, người ta cho rằng nhiều cô cậu toi mạng khi dùng MDMA vì không biết liều lượng và phản ứng phụ. 74% cô cậu ở Bồ đào nha cho biết sẽ không nếm Em Đi Em Ây sau khi được biết kết quả từ bàn … test.

Chắc là bên cạnh mệnh lệnh ‘Say NO’ với NDMA, giá mà người lớn biết nhiều hơn về Em Đi Em Ây để chỉ bảo cho con cháu về các phản ứng phụ và cách chữa trị – thì bớt đi bạn trẻ bỏ cuộc chơi khi tóc còn xanh.

Việt Luận
.

Related posts