Gần như cả nước Pháp đều đau buồn trước cái chết của Victor Hugo vào ngày 22 tháng Năm, 1885. Hai triệu người tham dự lễ tang trọng thể dành cho ông. Điều này một phần là nhờ danh tiếng và sự ái mộ mọi người dành cho ông với tư cách nhà văn viết tiểu thuyết, nhưng cũng nhờ vào quá trình hoạt động xã hội và chính trị của ông cũng như sự đóng góp của ông cho nền Đệ tam Cộng hòa Pháp. Đối với người Pháp, đặc biệt vào lúc ông mất, Hugo không chỉ là người nghệ sĩ rất quý hiếm của quốc gia, mà còn là biểu tượng quốc gia. Lý do chính cho biểu tượng này, như minh chứng rõ ràng nhất qua tiểu thuyết lịch sử Những người khốn khổ của ông, là sự nhiệt tâm của nhà văn với ý tưởng trật tự đạo đức thay thế trật tự của luật pháp. Hugo, giống như những người Pháp dân chủ, tin rằng luật chính quyền, cũng như luật tôn giáo, đều lệ thuộc vào luật đạo đức bất tử, phổ quát, và cao quý hơn nhiều. Cuộc xung đột giữa những trật tự này hình thành nên nền tảng của tiểu thuyết lớn nhất của ông.
Những người khốn khổ mở đầu với chân dung giám mục Myriel, một người đầy lòng trắc ẩn và sùng đạo hành xử theo ý thức đạo đức thiên phú của mình. Myriel là nền tảng của toàn bộ tác phẩm. Tấm gương của Myriel đặt cơ sở cho quan điểm đạo đức xuyên suốt tác phẩm, cũng như niềm tin của Valjean, mà cuộc đời của ông đã được Myriel cứu vào đầu tiểu thuyết. Đạo đức của Myriel đơn giản. Từ thiện, nhân ái, và can đảm: đây là những giáo lý của Myriel và thay vì giảng giải về những điều này, ông thể hiện chúng qua những hành động của mình. Ông sống rất đạm bạc và, như lần va chạm với Valjean cho thấy, ông là thà cho đi những đồ vật có giá trị của mình cho sự nghiệp cao quý hơn là giữ chúng làm của riêng.
Tuy nhiên, Myriel không phải là một giám mục tiêu biểu, hay thậm chí một người Cơ đốc tiêu biểu. Ông cũng chẳng phải tiêu biểu cho người Cơ đốc bình thường, vì Hugo không tin chỉ đạo Cơ đốc không thôi tạo ra đạo đức. Chân dung Myriel được khắc họa để chứng minh rằng đạo đức là ở trên và tách biệt với bất kỳ tôn giáo nào. Điều này phản ánh quan điểm của Hugo về vấn đề ấy. Người ta biết ông đã từng nói, “Tôn giáo qua đi, nhưng Chúa ở lại.” Như vậy, trong phần mở đầu, Hugo đặt ra sự tách rời giữa đạo đức và tôn giáo.
Phần lớn tiểu thuyết tập trung hoàn toàn vào sự rạn nứt giữa luật thế tục và trật tự đạo đức. Điều này dễ hiểu, vì nước Pháp trong thời Hugo đã đối mặt trực diện với hoàn cảnh nan giải này, sau thời kỳ cách mạng Pháp mà suốt trong thời gian ấy quyền lực thiêng liêng của các quân vương bị chất vấn và cuối cùng bị lên án. Nhưng sự suy đồi của ngay cả hệ thống pháp lý với mục đích rất cao đẹp ấy đã bị phơi bày ngay sau đó theo sau cuộc thanh trừng và khủng bố của Robespiere, rồi chung cuộc chính ông cũng bị lật đổ và hành hình. Nước Pháp trượt dài giữa quân chủ, dân chủ, và vô chính phủ cho nên nhiều người tìm kiếm một hình thức chính quyền dựa trên đạo đức và nhân đạo.
Hoàn cảnh nan giải của Jean Valjean, nhân vật chính của Những người khốn khổ, tức phải trộm cắp để nuôi gia đình mình, là vấn đề đạo đức tiêu biểu. Phải chăng ta đúng khi bằng mọi giá phải nuôi gia đình của mình hay hành vi trộm cắp là sai trong bất kỳ hoàn cảnh nào? Trong tiểu thuyết của Hugo, cũng như trong đời thực, lời đáp phụ thuộc vào người mà ta hỏi. Nếu ta hỏi thanh tra cảnh sát Javert, nhân vật tiểu thuyết tiêu biểu cho luật pháp và phán xét thế tục, ta sẽ được bảo rằng rõ ràng trộm cắp là đáng khiển trách về mặt đạo đức dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Tuy nhiên, nếu ta hỏi ý kiến giám mục Myriel, thì có thể rằng lợi ích cứu người khỏi chết đói còn quan trọng hơn nhiều tội trộm cắp.
Nếu Javert tượng trưng cho Luật pháp và Myriel tượng trưng cho Đạo đức, thì Jean Valjean, và về mức độ nào đấy Fatine, là người bình thường, bị mắc kẹt giữa hai bên. Cuộc đời của Valjean, từ tội phạm, thành người tù, trở lại tội phạm, và cuối cùng thành người tốt, là cuộc đời bị chi phối từ bên ngoài bởi luật pháp và từ bên trong bởi đạo đức. Sau khi gặp giám mục Myriel, Valjean trải qua đêm tăm tối của tâm hồn, giữa khuya ngồi dậy thao thức, biết rằng trộm đồ của Myriel là sai trái, nhưng ông vẫn cứ làm. Đây là mầm đạo đức nội tâm của ông. Từ đấy trở đi, dù ông phải tiếp tục sống đời tội phạm, nhưng lòng ông đã bắt đầu “hướng thiện”.
Tuy nhiên, luật pháp không thừa nhận sự thay đổi rất lớn lao trong tâm hồn con người để xóa đi các tội hiện tại. Sự thay đổi rất lớn lao ấy chính là Valjean trở thành người mới, một người thành đạt và nhân ái, luôn luôn cố gắng hết sức mình noi theo tấm gương của giám mục Myriel. Nhưng thanh tra Javert không thể nào chấp nhận sự vi phạm luật pháp, cho dù dưới bất kỳ hình thức nào hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Xuất phát từ nguyên tắc, Javert truy lùng Valjean vào tận cuộc đời mới của Valjean, và đuổi theo Valjean không ngừng trong suốt tiểu thuyết. Javert thấy công lý là công lý thế tục, trật tự đạo đức là trật tự pháp lý, và con người phải trả giá cho tội của mình theo luật pháp mà chẳng lưu tâm đến bất kỳ những nhân tố giảm tội nào.
Hugo khắc họa Javert dưới ánh sáng hơi tàn nhẫn, thể hiện sự thương cảm không có ở Javert mà có ở các nhân vật mà Javert truy đuổi. Tuy nhiên, Hugo khắc họa như thế để chứng minh luật pháp có thể sai lầm. Javert, giống như chính luật pháp, thiếu nhân tính. Ông không thể nào cảm thông với hoàn cảnh của người khác hay cảm thấy thương xót cho họ cho tới cuối tiểu thuyết, khi nhận thức bất ngờ của ông về nhân tính làm thế giới quan của ông sụp đổ và khiến ông quẩn trí rồi rốt cuộc tự tử. Chỉ con người mới có thể nhân đạo và ai đặt luật pháp trên nhân tính của mình thì tự tước đi món quà quý giá nhất trong đời.
Valjean, khi đứng trước cảnh một người vô tội có thể bị treo cổ thay mình, liền từ bỏ mọi thứ để cứu mạng kẻ lạ này. Cảnh này, rất giống Tội ác và Trừng phạt của Dostoevsky, chứng tỏ tội lỗi là hiện tượng nội tâm, không phải là chức năng của hệ thống tư pháp. Tội lỗi nội tâm này là một biểu lộ khác nữa về đạo đức bẩm sinh của con người.
Truyện Myriel-Javert-Valjean là phần quan trọng của tác phẩm. Những nhân vật khác cũng tiêu biểu cho nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc đấu tranh này. Gia đình Thernadier là những kẻ vô đạo đức, tội phạm, và bị xã hội ruồng bỏ. Tuy nhiên ngay cả từ gia đình đáng ghê tởm này vẫn có Eponine, người mà cuối cùng có thể thực hiện một hành động hy sinh quên mình, qua đấy, đối với Hugo, chứng tỏ rằng đạo đức là bẩm sinh, chứ không phải là điều ta có thể học. Marius và Cossete là tương lai. Marius nhân danh đạo đức chống lại chính quyền còn Cossette nhân danh tình yêu chống lại hận thù. Qua phân tích một cách chi tiết ta có thể thấy rằng mỗi phần của tiểu thuyết đều vận vào hoàn cảnh đạo đức nan giải này. Nhưng, xung đột giữa Myriel-Valjean và Javert phản ánh nội dung của toàn bộ tác phẩm.
Tiểu thuyết toàn diện này của Hugo bao gồm nhiều nhân vật cũng như nhiều khía cạnh của vấn đề xung đột giữa đạo đức và luật pháp thế tục. Ngay cả những đoạn được xem bình thường như mô tả đường cống ngầm Paris độc giả cũng có thể đọc và hiểu theo nghĩa bóng trong ngữ cảnh này. Những trang mô tả nổi tiếng của nhà văn về trận chiến Waterloo, quy sự thua trận của Napoleon do một con kênh bình thường trên mặt đất, chứng tỏ ngay cả nhà lãnh đạo thế tục tài ba nhất (một hoàng đế tự phong lúc ấy) có thể bị lật đổ bởi những sức mạnh đơn giản nhất.
Ta có thể đọc Những người khốn khổ như ta đọc Ba người lính ngự lâm, một truyện giải trí đầy lãng mạn, hành động, và bí ẩn. Nhưng tác phẩm và tư tưởng của Hugo sâu sắc hơn thế nhiều; Những người khốn khổ là tác phẩm về triết học và đạo đức hoàn toàn giá trị như tác phẩm là tiểu thuyết, và chính tài năng kết hợp được cả hai khía cạnh này là lý do Những người khốn khổ vẫn tiếp tục cuốn hút tâm hồn độc giả và cũng là lý do ngày nay, một trăm hai mươi năm sau, Hugo vẫn còn nổi tiếng như ông đã nổi tiếng lúc đương thời.
Mark Brendle
Trần Quốc Việt dịch
Nguồn: Từ Barnes & Noble Community Blog năm 2010. Nguyên tác tiếng Anh “Morality and Law in Victor Hugo’s Les Miserables”. Tựa đề của người dịch là lời trích của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn.