Từ đầu năm 2020, Việt Nam là Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội Đồng Bảo an LHQ. Đó là tin mừng, nhưng cũng là thách thức. Ngay đầu năm mới đã có những chỉ dấu bất ổn. Trong nước, câu chuyện Đồng Tâm từ đối thoại nay thành đối đầu bạo lực, làm dư luận bất bình về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam. Tại Biển Đông, Trung Quốc lại cho tàu hải cảnh đến phía Nam Bãi Tư Chính quấy rối và bắt nạt Việt Nam, sau khi đã quấy rối và bắt nạt Indoneisa tại vùng biển Natuna. Trong khi Mỹ-Trung dự kiến ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào giữa tháng giêng, xung đột Mỹ-Iran xô đẩy Trung Đông vào một cuộc khủng hoảng mới, có thể tác động xấu khó lường đến diễn biến tại Biển Đông và Đông Á.
Câu chuyện Đồng Tâm
Theo dương lịch, Việt Nam đã bước sang năm mới (2020), nhưng theo âm lịch, còn gần hai tuần nữa mới hết năm Kỷ Hợi (2019). Đây là thời điểm gối đầu giữa năm cũ và năm mới, mà theo truyền thống người Việt thường nghỉ Tết để đón năm mới. Ngay trong chiến tranh Việt Nam, hai phe thường hưu chiến vào dịp Tết để đón năm mới. Sự kiện Tết Offenssive (1968) là một ngoại lệ khi Hà Nội đã quyết định bất ngờ tổng tấn công chiến lược.
Nhưng Đồng Tâm không phải là “Tết Offensive”, khi hàng ngàn cảnh sát cơ động tấn công vào rạng sáng 9/1/2020. Đó không phải là cuộc chiến sống còn giữa hai phe đối kháng, mà chỉ là tranh chấp ruộng đất (dân sự) đã bị hình sự hóa một cách cực đoan thành xung đột bạo lực giữa chính quyền và nhóm lợi ích thân hữu với người dân bị mất đất. Đồng Tâm cũng như Tiên Lãng, Dương Nội, Thủ Thiêm, khởi đầu bằng sự kiện Thái Bình (1997).
Khi được báo cáo về uẩn khúc tại Thái Bình, ông Đỗ Mười (cựu Tổng Bí Thư) lúc đó đã thốt lên “hóa ra ta đánh ta”. Chính quyền sau đó có “sửa sai” tại Thái Bình, và hy vọng đang tìm cách “sửa sai” tại Thủ Thiêm. Đã có lúc chính quyền chọn đối thoại với Đồng Tâm (4/2017) khi ông Nguyễn Đức Chung (Chủ tịch Hà Nội) cùng ông Dương Trung Quốc và Lưu Bình Những (đại biểu Quốc Hội) về Đồng Tâm hòa giải với dân để tránh đổ máu.
Nhưng đáng tiếc là sau đó chính quyền chỉ muốn dùng đối thoại như kế hoãn binh, để “một bước lùi, hai bước tiến”, chứ không thực sự muốn tìm giải pháp ôn hòa để tháo gỡ bế tắc, mà quyết dùng bạo lực để trấn áp. Cách xử lý khủng hoảng Đồng Tâm cực đoan hơn là “Ba Đặc khu” và “Đường Cao tốc Bắc-Nam”, không phản ánh xu thế đối thoại, làm dư luận bất bình. Trong bối cảnh chuẩn bị Đại hội Đảng XIII, có người nghĩ đến “thuyết âm mưu” khi các phe phái tranh giành quyền lực có thể hy sinh Đồng Tâm như thí tốt.
Câu chuyện Đồng Tâm lẽ ra có thể giải quyết ôn hòa, nhưng nay đã biến thành xung đột đổ máu vào đúng lúc người Việt cần đồng thuận dân tộc để đối phó với ngoại xâm và kiến tạo lại đất nước. Trước những thách thức trong một thế giới bất định, Biển Đông đã biến thành một thùng thuốc súng khó lường, vì tranh giành quyền lực Trung-Mỹ và các đồng minh hay đối tác. Trong khi ASEAN bị phân hóa bởi Trung Quốc, Việt Nam muốn phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN thì phải giữ được chủ quyền quốc gia và lấy đồng thuận dân tộc làm gốc.
Câu chuyện Biển Đông
Theo giới phân tích, đối đầu tại Bãi Tư Chính (trong 4 tháng 2019) là một thách thức đối với Việt Nam và một tình thế mà Việt Nam hoàn toàn bị động, phải đối phó một cách khó khăn và đơn độc. Năm 2020, chắc Trung Quốc sẽ tiếp tục gây sức ép với mức độ còn tùy thuộc vào cách phản ứng của Việt Nam. Theo quy luật “mềm nắn rắn buông”, nếu Việt Nam càng nhân nhượng thì Trung Quốc càng lấn tới. Việt Nam cần ứng xử cứng rắn hơn với Trung Quốc, và liên kết chặt chẽ hơn với Malaysia, Indonesia, Philippines, như một bó đũa.
Theo Đại sử ký Biển Đông và Ryan Martinson (Naval War College), từ 7-11/1/2020, có 4-5 tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, phía Nam bãi Tư Chính. Ngày 10/1/2020, các tàu này chỉ cách Côn Đảo 169 hải lý. Không loại trừ đây là “tiền trạm” để Trung Quốc triển khai tàu khảo sát và dàn khoan. Tàu chấp pháp Việt Nam đã ra ngăn cản, nhưng chưa đủ sức buộc tàu Trung Quốc phải ra vùng biển quốc tế. Tuy người phát ngôn BNG đã xác nhận và Ngoại trưởng Việt Nam đề nghị Tổng Thư ký LHQ “tiếp tục quan tâm đến tình hình tại Biển Đông”, nhưng Việt Nam chưa gửi công hàm phản đối.
Trong khi đó, Indonesia đã phản ứng quyết liệt để chứng tỏ quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia khi các tàu hải cảnh và tàu cá Trung Quốc xâm nhập vùng biển Natuna. Ngày 30/12/2019, Bộ Ngoại Giao Indonesia đã mời đại sứ Trung Quốc lên Bộ Ngoại Giao để tiếp nhận sự phản đối chính thức việc các tàu cá Trung Quốc (tổng số khoảng 30 chiếc) được các tàu hải cảnh hộ tống đã xâm nhập và đánh cá trong vùng biển Natuna của Indonesia.
Ngày 08/01/2020, Tổng thống Joko Widodo đã đích thân tới thăm Natura. Đây là chuyến thị sát thứ 4 của Tổng thống Widodo đến Natuna. Trước đó (6-7/1/2020), Indonesia đã triển khai thêm 4 chiến hạm (nâng tổng số lên 8 chiếc) và 4 máy bay F-16 đến Natuna để tuần tra bảo vệ chủ quyền. Trước phản ứng quyết liệt của Indonesia, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã thanh minh “không hề có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và Indonesia”. Sau 8/1/2020, hầu hết các tàu Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển Natuna, nhưng lại tăng cường hoạt động tại vùng biển chồng lấn giữa Việt Nam và Indonesia, gần Bãi Tư Chính. Trung Quốc muốn phân hóa các nước ASEAN như tách bó đũa để dễ thao túng và bẻ từng chiếc một.
Sự kiện đối đầu Trung-Việt tại Bãi Tư Chính năm 2019 cho thấy Trung Quốc không ngần ngại sử dụng vũ lực để bắt nạt các nước khu vực. Trong bối cảnh chiến tranh thương mại và cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, chia rẽ trong nội bộ ASEAN do Trung Quốc phân hóa là một thách thức khiến Việt Nam khó làm được gì nhiều trong năm 2020 (với vai trò Chủ tịch ASEAN). Trước mắt, Việt Nam phải điều phối để củng cố sự đồng thuận của các nước ASEAN trước lời mời của Tổng thống Donald Trump để lãnh đạo các nước ASEAN tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt Mỹ-ASEAN tại Washington, vào đầu năm 2020.
Câu chuyện Trung Đông
Ngày 3/1/2020, Mỹ đã dùng máy bay không người lái (drones) tấn công và giết được tướng Qasem Soleimani, một người hùng của Iran. Có thể tướng Soleimani đã chủ quan khi đến thăm một căn cứ ở Iraq và không ngờ Mỹ ra tay giết mình. Đó là cái chết bất ngờ mà hệ quả của nó không chỉ là tính mạng của tướng Soleimani, mà còn làm khủng hoảng Trung Đông gia tăng như “giọt nước tràn ly”. Cuộc khủng hoảng này có ba khía cạnh chính.
Một là quan hệ Mỹ-Iran trở nên căng thẳng từ khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân (8/5/2019) mà chính quyền Obama đã đàm phán và ký với Iran (2015). Nhưng vụ giết tướng Soleimani buộc Iran phải trả đũa, ít nhất để giữ thể diện. Theo CNN, sáng 8/1/2020, Iran đã phóng 15 quả tên lửa vào 2 căn cứ quân sự tại Iraq có quân Mỹ đồn trú, nhưng không gây ra thương vong đáng kể. Đó là phản ứng có giới hạn vì Mỹ và Iran không muốn chiến tranh.
Hai là quan hệ Mỹ-Iraq trở nên căng thẳng vì Mỹ tấn công giết tướng Soleimani đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền Iraq, làm Bagdad lo ngại bị kẹt vào cuộc đối đầu Mỹ-Iran. Theo thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ là “sự vi phạm trắng trợn chủ quyền Iraq và một cuộc tấn công trực diện vào nhân phẩm quốc gia”. Thay vì rút quân, nay Mỹ lại phải điều thêm 3.000 quân tới Trung Đông.
Ba là quan hệ Mỹ-Trung và Mỹ-Nga sẽ càng phức tạp hơn. Trong khi Iran chỉ là một cường quốc khu vực chứ không phải là đối thủ của Mỹ, Trung Quốc và Nga mới là đối thủ thực sự của Mỹ. Nếu Mỹ muốn “xoay trục” sang Châu Á (dưới thời Obama), hay triển khai tầm nhìn Indo-Pacific (dưới thời Trump) thì phải rút quân khỏi Trung Đông. Nhưng trong bối cảnh xung đột Mỹ-Iran hiện nay, Mỹ có thể tiếp tục bị sa lầy tại Trung Đông (như một cái bẫy) trong khi phải đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông (như một cái bẫy kép).
Theo Foreign Affairs (January 3, 2020), bằng cách ám sát một trong những người có quyền lực và quan trọng nhất của Iran, Mỹ đã chọn một nước cờ thế nguy hiểm. Gần đây, các sự kiện cho thấy rủi ro vì tính toán nhầm rất nguy hiểm. Iran không phải là Bắc Triều Tiên và Trung Đông không giống Đông Bắc Á. Iran có thể tiếp tục làm giàu uranium đến mức 19,75%, để họ có thể chế tạo vũ khí hạt nhân. Họ có thể đi một nước cờ nguy hiểm nữa là bỏ Hiệp ước Không Phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) và trục xuất các thanh sát viên quốc tế.
***
Nhưng đáng chú ý là xung đột Mỹ-Iran tại Trung Đông diễn ra đúng lúc Mỹ-Trung đang chốt đàm phán để thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Điều đó có mấy hàm ý: Một là Trung Quốc sẽ bị ràng buộc bởi thỏa thuận thương mại với Mỹ, nên khó có thể tự do hành động tại Trung Đông, như giúp Iran chống lại Mỹ. Hai là nếu Mỹ bị sa lầy tại Trung Đông thì sẽ khó xoay trục sang Châu Á để ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông và thực hiện tầm nhìn Indo-Pacific. Nếu điều đó thành hiện thực sẽ là kịch bản rất xấu cho Việt Nam. Trong bối cảnh đó, sự kiện Đồng Tâm chỉ có lợi cho Trung Quốc, khi Việt Nam tự bắn vào chân mình.
Nguyễn Quang Dy – 12/01/2020