“Biến đổi khí hậu” (Climate change) đã phân hóa nền chính trị Úc thành hai cực đối nhau rõ rệt là nhóm “dấn thân” và “vô can”, trong đó phe “vô can” là đảng Tự Do đang thắng thế vì nắm đuợc chính quyền trong tay. Tuy nhiên mùa cháy rừng với sức hủy diệt khủng khiếp hiện tại đang làm thay đổi cục diện.
Trước mắt, cho đến hiện tại nó đã khiến ít 27 người thiệt mạng, hơn 2000 căn nhà và 10.3 triệu héc ta đất rừng bị thiêu rụi, tức một diện tích tương đương lãnh thổ của Nam Hàn, khiến khoảng 1.2 tỷ gia súc và thú hoang bị thiêu cháy hay bị thương, khoảng 400 triệu tấn CO2 và các chất gây ô nhiễm khác bị thải vào bầu khí quyển. Khói do từ các đám cháy không chỉ bao phủ Sydney, Melbourne, thủ đô Canberra mà còn gây ảnh hưởng tới một số nước Nam Mỹ. Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho rằng khói rừng thậm chí có thể lan tới cả Nam Cực.
Những gì đang diễn ra đã được giới khoa học dự báo ra từ trước: do hệ quả của tình trạng biến đổi khí hậu, mùa cháy rừng ở Úc sẽ tới sớm hơn, sẽ kéo dài hơn, và sẽ hòanh hành dữ dội hơn. Mùa cháy rừng tại Úc thường diễn ra từ tháng 12 đến tháng 3, nhưng mùa cháy năm nay bắt đầu từ tận tháng 9 và hiện có nguy cơ kéo dào thêm nhiếu tháng nữa khi dự báo thời tiết cho hay sẽ không có mưa lớn trong vài tháng tới.
Nhưng thế nào là “biến đổi khí hậu”?
Chúng ta đã quen với những “biến đổi” thất thường của các yếu tố làm nên “khí hậu” như tình trạng nắng, mưa, mây, gió cũng như độ nóng và độ lạnh v.v.. Tuy nhiên sự thay đổi hầu như từng ngày và thậm chí từng giờ này chỉ là sự thay đổi của của “thời tiết” (weather) trong khi “khí hậu (climate) là một ý niệm cao hơn, ngụ ý một “quy luật thời tiết” đã định hình rõ nét trong thời gian dài, ít nhất là phải qua một giai đọan kéo dài ít nhất là 30 năm.
Thời tiết thay đổi là chuyện thường tình. Nhưng khi những “quy luật thay đổi của thời tiết” chuyển biến thì chuyện trở thành to tát bởi lẽ đó chính là nếp sống và họat động kinh tế của con người. Chúng ta sắp đặt các ngày nghỉ hè, nghỉ đông, thời khóa biểu làm việc của người lớn và việc học hành của con trẻ cũng theo quy luật của khí hậu. Chúng ta thực hiện việc chủng ngừa dịch bệnh là cũng theo quy luật của khí hậu. Các nông gia gieo trồng, thu họach hay các ngư phủ ra khơi cũng theo quy luật của khí hậu.
Trên thực tế, những thay đổi trong quy luật thời tiết ấy đã thực sự tác động đến họat động kinh tế của nước Úc.
Năm ngóai, trong bản phúc trình công bố ngày 18.12.2019, Cục Khoa học – Kinh tế Nông nghiệp và Tài nguyên Úc (Australian Bureau of Agricultural and Resource Economics and Sciences: ABARES) khẳng định nền nông nghiệp Úc đang bị thiệt hại nặng trước tình trạng biến đối khí hậu. Cụ thể thì kể từ năm 2000 đến nay lợi nhuận của các nông trại tại Úc bị giảm 22%, trung bình mỗi nông trại thiệt hại $19,000; trong đó nặng nhất là các trại chăn nuôi với mức lợi tức bị hạ giảm tới 35%, tương đương hơn $1 tỷ mỗi năm.
Rõ ràng là khí hậu đang biến đổi, trái đất đang nóng lên nhưng vấn đề tranh cãi là nguyên nhân gây ra.
Phe “dấn thân” cho rằng biến đổi khí hậu là do con người gây ra, cụ thể là lượng thán khí (CO2) mà con người thải vào bầu khí quyển đang mỗi ngày mỗi tích tụ cao hơn, trở thành chất cầm nhiệt, khiến trái đất này nóng dần lên. Do đó nhân lọai phải “dấn thân”, phải hành động gấp, phải ngưng ngay hay ít ra là phải giảm thiểu việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, chuyển sang năng lượng tái tạo như phong điện và quang điện.
Nhưng nếu răm rắp là như thế thì các kỹ nghệ sống còn nhờ nhiên liệu hóa thạch như các nhà máy nhiệt điện, các công ty than đá, dầu lửa v.v… sẽ bị thiệt hại nặng. Kỹ nghệ này lại là nhà tài trộ trung thành đảng chính trị bảo thủ, nêu cao chủ trương “vô can”, theo đó “biến đổi khí hậu” nếu có thì đó là…. lẽ tự nhiên của trời đất, không phải do bàn tay con người, con người không thể ngăn chặn tình trạng này, do đó cứ tiếp tục sử dụng than đá, tiếp tục xả thán khí lên trời.
Giới chính trị thì cãi nhau như thế, còn giới khoa học thì sao?
Bằng chứng khoa học
Nước Úc đang trải qua những đợt hạn hán nặng nề kéo dài nhiều thập niên.Thời tiết nóng, khô biến cây cối và những thảm cỏ thành nguồn nhiên liệu lý tưởng cho thần lửa, sấm sét đánh xuống nhưng không có mưa, chỉ có gió mạnh thổi lên, ngọn lửa càng dễ dàng bùng lên, lan xa, không gì có thể ngăn cản nổi.
Vấn đề này lại làm nổi lên câu hỏi nói trên: liệu những gì xảy ra ở Úc có liên quan đến biến đổi khí hậu không?
Câu trả lời của giới khoa học là có.
Báo cáo tóm lược mà Ủy ban Khoa học trình lên của Chính phủ liên bang Úc năm 2019 về cháy rừng và biến đổi khí hậu đã thừa nhận: “Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã dẫn tới những tình trạng thời tiết nguy hiểm hơn vì cháy rừng trong nhiều thập kỷ qua với nhiều khu vực của Úc”.
Cục Khí tượng Úc (Bureau of Meteorology: BOM) cũng đã tuyên bố rằng tình trạng biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chu kỳ và mức độ nghiêm trọng của các vụ cháy rừng tại Úc. Số liệu thực tế cho thấy năm 2017 và 2018 là hai năm nóng thứ tư và thứ ba từng được ghi nhận ở Úc và từ đầu năm nay các chuyên gia của BOM đã dự báo rằng năm 2019 còn nóng hơn nữa do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Năm ngoái nước Úc chứng kiến thời tiết nóng và khô kỷ lục. Theo BOM thì nhiệt độ trung bình theo của năm 2019 cao hơn 1.5 độ C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn từ 1960-1990. Nhiệt độ ở Úc trong tháng 12 có lúc đã lên tới 49.9 độ C.
Tiến sĩ Andrew Watkins – trưởng bộ phận dự báo tầm xa của BOM — thừa nhận thời tiết là yếu tố đáng kể khiến mùa cháy rừng năm nay dữ dội hơn. Tình trạng đột ngột ấm lên của tầng bình lưu ở Nam cực trong tháng 9 năm ngoái đã làm thay đổi những điều kiện thời tiết thông thường của Úc, khiến từ giữa tháng 10 trở đi xuất hiện những luồng gió mạnh liên tục thổi từ hướng tây, mang không khí nóng từ lục địa ra bờ biển. Với môi trường khô như vậy, nhiều đám cháy đã phát sinh vì các cơn dông gây sấm chớp nhưng lại rất ít mưa.,
Trận cháy rừng hiện tại cũng gây sự chú ý của các chuyên gia quốc tế.
Giáo sư Chris Field – chủ nhiệm phân khoa môi trường tại Đại học Stanford (California, Mỹ), đồng thời là chủ nhiệam bản báo cáo khoa học quốc tế về biến đổi khí hậu và những hiện tượng cực đoan – giải thích rằng mức độ dữ dội trong mùa cháy rừng hiện tại xuất phát từ “sự hội tụ khủng khiếp của nhiều yếu tố”. Yếu tố đầu tiên và lớn nhất, theo ông Chris Field, hiện tượng biến đổi khí hậu. Ông nhận định: “Những trận đám cháy rừng là sự thể hiện mang tính biểu tượng cho những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”,
Giáo sư Mike Flannigan – chuyên gia về cháy rừng tại phân khoa canh nông và năng lượng tái sinh của Đại học Alberta (Canada) cũng khẳng định rằng các đám cháy rừng của Úc là “ví dụ của biến đổi khí hậu”.
Lý lẽ của hai phe
“Mùa” cháy rừng hiện tại đã khởi sự vào tháng 9 năm ngoái với các đám cháy lai rai, đến đầu tháng 11 thì bùng lên dữ dội, dẫn đến hai nạn nhân bị thiệt mạng đầu tiên. Ngay lập tức câu chuyện “biến đổi khí hậu” lại bị mang ra hâm nóng trên bàn cờ chính trị.
Trong khi chính quyền liên bang và tiểu bang luôn tránh né thì Đảng Xanh lại cố nêu vấn đề này ra, thậm chí kết án rằng cả hai đảng Lao Động và Tự Do – Quốc gia “không tệ hơn bọn hoả tặc” vì ủng hộ kỹ nghệ than đá, nguyên nhân gián tiếp khiến trái đất nóng lên.
Trong một phiên họp tại Thượng Viện Tây Úc, một nghị sĩ Đảng Xanh đã nêu ra vấn đề này, khi bị các nghị sĩ thuộc hai đảng Tự Do và Lao Động ngăn chặn, đã nóng nảy phản ứng: “Làm sao các người có thể cho rằng thời điểm này không hề thích hợp để đưa ra một dự luật ngăn chặn việc sử dụng than đá. Các người không khá hơn bọn hoả tặc, cái bọn tâm thần nghiện đốt lửa, hổ thẹn thay cho các người”. (You are no better than a bunch of arsonists – borderline arsonists – and you should be ashamed.)
Tuyên bố này đã bị Nghị sĩ Murray Watt thuộc đảng Lao Động phản đối nhưng ông Steele-John nhất định bảo lưu quan điểm, cho rằng mình chỉ nói lên sự thật.
Lúc đó Dân biểu liên bang Barnaby Joyce – từng là lãnh tụ đảng Quốc gia và là phó thủ tướng – lại gây vạ miệng khi cho rằng hai nạn nhân trong vụ cháy rừng tại NSW là hai ủng hộ viên của Đảng Xanh, sau khi cho rằng chính các đảng nhỏ mới là thủ phạm làm gia tăng nguy cơ cháy rừng.
Bình phẩm này đã bị bài bác kịch liệt. Thủ tướng Scott Morrison thì lời lẽ này “chẳng giúp ích được gì ai” trong khi Thượng nghị sĩ Kristina Keneally đốp chát gay gắt: “Làm thế nào mà ông biết là họ bầu cho ai và chuyện này có liên quan gì ở đây? Họ đã thiệt mạng, thiệt mạng trong một trận cháy rừng. Chuyện đó chưa đủ hay sao?”
Trước đó Phó Thủ tướng Michael McCormack bị vạ miệng khi chỉ trích rằng có các đảng viên Đảng Xanh và những “thị dân điên cuồng” sống trong thành phố mới liên kết thảm hoạ cháy rừng với biến đổi khí hậu.
Hiện tại những thành phần cứng đầu nhất của phe “vô can” đang cố sức biện minh bằng cách quy lỗi cho Đảng Xanh: chính chính sách bảo vệ rừng của họ đã tích tụ “củi lửa” để nuôi trận cháy rừng dữ dội hiện tại.
Theo họ thì trước đây các cộng đồng thổ dân đã duy trì một môi truờng sống vững bền bằng cách đốt rừng, vừa để dễ đi săn, để có lá non nuôi thú. Tuy nhiên chính Đảng xanh –khả năng nắm lá phiếu cân bằng tại Thuợng Viện — đã cố bảo vệ rừng và do đó vô hình trung tích tụ một kho “chất đốt” vô tận cho thần lửa.
Tuy nhiên Đảng Xanh đã bác bỏ điều này và cả Giám đốc Sở cứu hỏa Nông thôn NSW, ông Shane Fitzsimmons, cũng xác nhận: Đảng Xanh không ghề ngăn chặn các chiến dịch đối rừng có kiểm soát của mình.
Hôm thứ Ba tuần qua (7.1.2019) trong cuộc phỏng vấn trên chương trình Good Morning Britain tại Anh, dân biểu ghế sau của Đảng Tự Do Úc là ông Craig Kelly đã tranh luận nảy lửa với ký giả Anh Piers Morgan bằng lý lẻ trên.
Khét tiếng là người bác bỏ hiện tượng biến đổi khí hậu, ông Kelly khẳng định rằng trận cháy rừng này chẳng có quan hệ gì với biến đổi khí hậu và mức độ dữ dội của nó là hậu quả của tình trạng khô hạn kéo dài và sự tích tụ của nguồn “chất cháy” (fuel load). Theo ông thì vấn đề là “thảm họa đã bị các chính trị gia khai thác cho mục đích chính trị để lái đến chủ truơng giảm thiểu khí thải”.
Nhưng Kelly đã nêu lên yếu tố nước Úc bị “khô hạn kéo dài”, và đó có phải là hậu quả của hiện tượng biến đổi khí hậu hay không?
Lý lẽ của ông Kelly đã bị ký giả Morgan bác bỏ, cho rằng ông Kelly hãy thức tỉnh: “Biến đổi khí hậu và ấm hóa tòan cầu là điều có thực, ngay bây giờ nước Úc đang cho thế giới thấy rõ mức độ tàn phá của nó. Thế mà một số chính trị gia có hạng của Úc vẫn vờ vịt là chẳng có mối quan hệ gì, thật là điều đáng hỗ thẹn.”
Tuy nhiên chỉ hai ngày sau, lãnh tụ của phe “vô can” là Thủ tướng Scott Morrison đã tỏ dấu hiệu xuống nước. Ông Kelly chỉ là một dân biểu ghế sau, chưa hề có chân trong nội các, khoan nói là “tổng trưởng cao cấp” và ông Morrison “không thèm” nhắc đến ông này.
Hôm thứ Năm tuần qua (9.1.2019), trả lời trên đài ABC, ông Morrison minh định rằng những tuyên bố bác bỏ mối quan hệ giữa biến đổi khí khậu với trận cháy rừng của các tổng truởng cao cấp trong nội các, không hề thể hiện quam điểm của chính phủ!
Cũng theo ABC, ông Morrison đã nêu ra ý tuởng về một cuộc điều tra độc lập trên tầm quốc gia (royal commisson) để xác định nguyên nhân của trận cháy rừng khủng khiếp hiện tại và tìm ra những giải pháp để ngăn chặn trong tuơng lai, và do đó, cuộc điều tra sẽ không lọai bỏ vấn đề hệ quả của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên có vẻ như ông ta vẫn không thật tâm thay đổi lập trường mà chỉ xử nhũn vì những sai lầm chính trị của mình, sai lầm đã khiến ông ta bị bẻ mặt khi bị người dân và nhân viên cứu hỏa từ chối, không thèm bắt tay!
Mặt khác, trong các lời phát biểu sau đó, ông Morrison đã thể hiện tài “đi dây”, sử dụng ngôn từ rất cẩn trọng, cho thấy phe “vô can” vẫn còn khống chế sự cân bằng quyền lực trong nội bộ đảng Tự Do.
Sự “vô can” và sự thối tha
Quốc hội liên bang đóng cửa từ ngày 5.12.2019 cho đến ngày 4.2.2020 và kỳ nghỉ này đã khiến nhiều chính trị gia bị mất tích.
Trận cháy rừng hiện tại được chính thức là một thảm họa quốc gia tuy nhiên trong nhiều tuần lễ của giai đọan đầu, người đứng đầu quốc gia là ông Morrison đã tỏ thái độ hầu như là “vô can”.
Trong những ngày cận lễ Giáng Sinh năm ngóai, giữa lúc cư dân tại các điểm cháy rừng hay các giới chức ngành cứu hỏa cho rằng đây không phải là “cháy rừng” là là “một cuộc chiến”, đòi hỏi phải tuyên bố là “thảm họa quốc gia” thì ông Morrison lén lút bỏ đi nghỉ mát tại Hawai.
Nhưng lửa rừng ngày càng dữ dội. Tối 19.12.2019 xảy ra tai nạn tại thị trấn Buxton khiến hai nhân viên cứu hỏa thiệt mạng, thế là ngày 21.12.2019 ông Morrison vội vả quay lại Úc, cắt ngắn hai ngày, tuyên bố là ông “vô cùng ân hận”.
Gọi là “lén lút đi nghỉ mát vì trước đó Văn phòng Thủ tướng đã phủ nhận thông tin ông Morrison đang đi nghỉ ở Hawaii. Khi trở về, bị chất vấn việc này, ông Morrison phân trần là muốn giữ bí mật để tạo cho các con gái ông “một sự bất ngờ”, tuy nhiên đây chỉ là lời lấp liếm, không trung thực.
Thứ nhất, khi ông Morrison đã đến Hawai rồi, sự “bất ngờ” đã hết… hiệu lực, Văn phòng thủ tướng tiếp tục phủ nhận rằng ông đang ở Hawaii.
Thứ hai, ông Morrison không thể xem một việc nhỏ của gia đình, xem chuyện “món quà bất ngờ cho con” trọng đại hơn là một chuyện quan trọng của quốc gia.
Với thái độ đầy “mặc cảm tội lỗi”, ông Morrison phân trần là dù đi nghỉ mát, ông vẫn thường xuyên theo dõi và cập nhật tình hình cháy rừng, rồi ông “xin bày tỏ lời chia buồn chân thành đối với gia đình của hai tình nguyện viên thiệt mạng”.
Tuy nhiên cách biện minh của ông càng làm công chúng nổi giận. Ông Morrison cho rằng ông không phải là người “trực tiếp cầm vòi xịt nước”, rằng ông cũng có sự cân nhắc khi phải “lựa chọn giữa gia đình và công việc, giống như một thợ ống nước khi phải chọn lựa là đưa gia đình đi nghỉ cuối tuần hay nhận việc”. Lời biện minh này đã tạo ra tác dụng ngược với làn sóng phản ứng dữ dội.
Thứ nhất, không ai có thể so sánh công việc của một thủ tướng với thợ ống nước. Thứ hai, nước Úc đang bị cháy, người Úc đang mất nhà, mất tài sản, nếu nhà người thợ bị cháy, ông ta phải dừng cả công việc lẫn ngày nghỉ để cứu nhà.
Vấn đề đặt ra là tầm nhìn, là viễn khiến và thậm chí cả “trực giác” của một nhà lãnh đạo quốc gia. Rõ ràng khi quyết định đưa gia đình đi Hawai nghỉ mát, ông Morrison đã cho thấy ông ta thiếu sự nhạy bén về chính trị, thiếu một cái nhìn có tầm xa và một trực giác đúng đắn trong những giây phút mang tính quyết định!
Tuy nhiên, khác với mọi lần, hành vi “đào ngũ” này của ông Morrison đuợc đa số các chính trị gia khác “tha thứ”, cho qua, không hề khai thác, kể cả đang Lao Động đối lập cho đến Đảng Xanh.
Không chỉ một mình ông Morrison mất tích mà lúc đó cả Lãnh tụ đối lập Anthony Albanese dường như cũng mất tích luôn. Việc ông Albanese không hề ra mặt đả kích ông Morrison cho thấy lúc ấy ông ta cũng đang thầm lặng đi… trốn nóng ở đâu đó trong mùa nghỉ hè. Nếu chỉ trích ông Morrison thì sau đó sẽ bị nghiệp báo và lâm ngay vào tình trạng há miệng mắc quai!
Nhưng hãy tưởng tượng rằng vài tuần nữa thì nước Úc sẽ tổ chức bầu cử, chắc chắn từ cuối năm ngóai tòan bộ các chính trị gia này sẽ lăng xăng tại các khu vực cháy rừng để… nói tối cho mình và nói xấu đối thủ để giành phiếu. Người thì mặt đồ cứu hỏa lăn xả vào các cánh rừng mù khói. Người sẽ lăng xăng đứng phát nước, phát thức ăn cho các nạn nhân bị mất nhà v.v…
Một khía cạnh thối tha khác của nền chính trị còn thể hiện ở vụ đào ngũ của ông David Elliott, Bộ trưởng Bộ Dịch vụ khẩn cấp NSW. Một tuần sau khi ông Morrison quay về Úc với khuôn mặt đầy “mặc cảm tội lỗi” thì ông Elliott thản nhiên bỏ đi nghỉ mát tại Anh và Pháp.
Tin trên báo chí Úc ngày 27.12.2019 dẫn lời Văn phòng ông Elliott, cho biết chuyến nghỉ mát đã được “lên kế họach” từ nhiều tháng trước và ông bộ trưởng không thể hủy bỏ, vả lại khi ông đi thì sẽ có Bộ trửơng Cải huấn Anthony Roberts thay mặt xử lý. Phần ông Elliott thì biện minh là dù đi nghỉ mát, ông vẫn “mang thảm nạn cháy rừng theo mình trong tâm tưởng” và mỗi này ông sẽ cập nhận tình hình từ Giám đốc sở cứu hỏa nông thôn “những hai lần”.
Tuy nhiên càng ngày giặc lửa càng lộng hành và nên chưa đầu một tuần sau ông Elliott đành phải quay lại nước Úc giữa những lồi chỉ trích dữ dội, theo đó Thủ hiến Gladys Berejiklian cách chức ông ta. Tuy nhiên ông ta bất chấp, không chỉ không thèm thể hiện một “mặc cảm tội lỗi” như ông Morrison mà còn vênh váo, tuyên bố với báo chí “I came to step up not step down.”, dịch thóat theo kiểu của Việt cộng là “Tôi không đến để từ chức mà để siết chặt sự lãnh đạo”.
Sở dĩ ông Eliott có thể ngạo mạn như thế vì ông biết bà Gladys không thể sa thải ông ta.
Ông ta lãnh tụ của phái cựu Hữu của đảng Tự Do tại NSW, là phái “vô can” trong vấn đề biến đổi khí hậu, đại diện cho quyền lợi của các chủ mỏ than và kỹ nghệ nhiệt điện.
Nếu bà Gladys động đến ông ta, phái Hữu sẽ hất văng bà ra khỏi ghế Thủ hiến.
Khí hậu thì đang biến đổi, tuy nhiên sự thối tha của chính trị vẫn chưa hề biến đổi!
Phạm Đức Đồng Hùng