Trong những ngày chuyển từ năm cũ sang năm mới, người sống ở Úc đã thấy thế nào là khí hậu thay đổi. Trời nóng và nóng khủng kiếp. Rừng cháy và cháy luôn nhà cửa. Sau cơn hạn hán hán đến đồng khô đất nẻ là những cơn mưa tầm tả. Không phải mưa như trút mà còn mưa đá – cục nào cục nấy tổ chảng đến lủng mái nhà và móp méo xe hơi. Chỉ riêng tại Canberra, cơn mưa đá đã làm thủng hơn 30 ngàn xe hơi.
Trời thương, khi bà Hoả nổi cơn lôi đình người sống tại thành phố lớn ở Úc chưa phải chịu cảnh khăn gói di tản, rồi khi trở về nhà chỉ thấy lù lù những đống tro tàn như số phận của hơn 2,000 gia đình trong trận hoả hoạn vừa xảy ra ở Úc. Đó cái phước trời cho ai nấy hưởng bởi vì sống trong thời đại này không ai dám vỗ ngực cho mình hoàn toàn an toàn. Dù chưa phải chịu cảnh màn trời chiếu đất vì bà Hoả hay bà Thuỷ, không ít người ở Sydney, Melbourne, Canberra đã phải qua nhiều tuần lễ thở hít không khí dơ bẩn vào hạng nhất thế giới.
Trước đây, người Úc gốc Việt khi về đây sau khi thăm quê cha đất tổ thường nói đại khái: xuống tới phi trường là hít một hơi thiệt dài để thưởng thức mùi trong lành của không khí Úc. Trong hai tháng qua, câu nói ấy đã sai bét. Trong tháng 12 năm ngoái không khí ở Sydney đã dơ bẩn gấp 12 WHO cho phép. Cùng thời gian đó, không khí ở Melbourne và Canberra dơ vào hạng nhất thế giới. Trước khi thế giới đeo mặt mạ vì con COVID-19, nhiều người ở Melbourne và Sydney đã che mặt và chính phủ ở Canberra phải phát không 100 ngàn mặt mạ cho dân.
Tiếp theo những ngày trời đất đỏ lòm như tận thế đến nơi là một tuần lễ đầm đìa ở Úc. Cộng cả bốn ngày mưa trong tuần qua, trời đã tưới xuống thành phố đông dân nhất nước Úc 391.6 milimet nước. Nghĩa là từ năm 1900 đến nay chưa bao giờ Sydney được nhiều nước như vậy. Các con sông Hawkesbury-Nepean, Georges, Parramatta, và Colo đều đầy nước. Đầy đến độ tràn vào nhà . Người sống tại các vùng Moorebank, Chipping Norton, Milperra, và Georges River – nơi có đông Việt Nam – đã phải di tản về phía Liverpool hay Bass Hill. Mưa to đến độ đập nước Warragamba tưởng sắp cạn vì hạn hạn, bỗng được cuồn cuộn nước đổ vào. Nước đã dâng đến 70% sức chứa của đập Warragamba. Hurahh! Ấy là chưa nói tới người dân ở một số nơi ven biển phía Nam tiểu bang NSW – như Lake Conjola, Lake Illawarra – vừa mới trở về vì lửa rừng, nay phải khăn gói bì bỏm lội nước di tản. Những địa danh từng xuất hiện trên màn ảnh truyền hình vì lửa rừng đe doạ như Tamworth, Gunnedah, Coonabarabran, Bendemeer, Tambar Springs và Dunedoo, vân vân nay lại bị nhắc tên vì nước lụt tràn vào.
Trời nóng thì nóng dữ dội. Trời lạnh thì lạnh teo. Hơn nữa, nắng mưa ngày nay không phải chỉ là ‘chuyện của trời’ như ông bà mình nói mà là hậu quả từ việc làm của loài người. Nếu bạn đọc nghĩ thế thì bạn đọc là người tin vào thuyết ‘Climate Change, Khí Hậu Thay Đổi – hay có người cũng nói ‘Thời Tiết Thay Đổi’ – là chuyện đang xảy ra. Ngược lại, bạn đọc không tin những ống khói ùn ùn từ hãng xưởng, các đồi trọc vì cây rừng bị người ta đốn sạch, hay khói thuốc phì phà từ một ống điếu nào đó đang làm cho trái đất nóng lên … thì bạn đọc đứng về phe ‘ bác bỏ, denial’. Hai phe đang choảng nhau chỉ khác nhau ở mấy chữ: một bên cho rằng ‘chính con người làm cho khí hậu nóng lạnh thất thường’; bên kia bác bỏ mà rằng: nắng mưa là chuyện của trời. Bạn đọc nghe bình luận hay coi truyền hình trên đài ABC thì khác hẵn khi nghe những Andrew Bold, Alan Jones trên đài truyền hình Sky News. Ngay đến báo chí Úc cũng chia làm hai phe: một bên dưới trướng Rupert Murdoch (như The Australian, The Daily Telegraph, hay Herald-Sun, The Courier-Mail, vân vân); bên kia của tập đoàn Fairfax gồm có những tờ như The Sydney Morning Herald, The Age, hay The Financial Review, vân vân.
Hiện nay, lớp trẻ và nhiều nhà khoa học lớn tiếng vận động để hoạt động của con người ít ảnh hưởng đến khí hậu của địa cầu. Nổi bật gần nhất là cô bé 17 tuổi Greta Thunberg, đến từ Thuỵ Điển. Ngược lại, những người cầm quyền và lớp kinh doanh lớn không muốn thay đổi kỹ nghệ khai thác quặng mỏ, dùng nhiên liệu từ khoán sản vì sợ ảnh hưởng đến đà phát triển kinh tế.
Ở Úc, nhiều chính phủ – từ thủ tướng Kevin Rudd, Julia Gillard, Tony Abbott, và Malcolm Turnbull – đã đổ nhào khi tìm giải pháp cho chuyện thay đổi khí hậu. Chính phủ Scott Morrison đương quyền đã từng tránh né hai chữ ‘climate change’ như tránh tà. Tuy nhiên, khi bà Hoả nổi giận ở Úc vào những tháng đầu tiên trong năm nay, ông Scott Morrison lần đầu tiên không tránh được hai chữ cấm kỵ này. Thủ tướng phải nhìn nhận: chuyện khí hậu thay đổi đã góp phần nào đó khiến cho hơn 100 ngàn cây số vuông rừng ở Úc bị thiêu rụi, hơn 6 ngàn rưỡi nhà cháy, và trên hết 34 người Úc mất mạng.
Tin hay không tin thuyết ‘Climate Change, Khí Hậu Thay Đổi’, khi chúng ta bị cháy nhà, phải di tản vì lửa hay lụt, phải thở hít không khí dơ bẩn thì ai ai cũng đưa tay lên cầu cứu. Ai sẽ cứu nếu chúng ta không tự thoát thân trước.
Việt Luận