“Coronavirus” và “giấc mơ” của Tập

Dịch cúm phổi Vũ Hán đã cho thấy rằng cái gọi là “sức mạnh Trung Hoa” cũng giống như “chất đạm Melamine”.

Melamine là chất hữu cơ sử dụng để sản xuất đồ nhựa, keo dán hay phân bón; có hàm lượng Nitrogen cao, đến 6 phân tử, nên khi xét nghiệm bằng phương pháp đồng vị kết quả thu được sẽ cho thấy “hàm lượng đạm cao”. Nhưng Melamine không phải là chất đạm, hoàn toàn không có công năng dinh dưỡng mà ngược lại còn làm độc và gây suy thận, sử dụng lâu dài dù với hàm lượng ít sẽ gây sỏi thận.

Đó là cơn ác mộng của hàng chục triệu bậc cha mẹ Trung Quốc đối mặt vào tháng Chín năm 2009 khi 6 bé sơ sinh tử vong và khoảng 300,000 ngàn em khác nhập viện vì bệnh thận do uống thứ… sữa bột “Made in China” giàu… đạm. Hậu quả là dân Trung Quốc sợ sữa Trung Quốc, sợ toàn bộ thực phẩm Trung Quốc và tình trạng này đã đẻ ra cái nghề “daigou”, những sinh viên hay kiều dân Trung Quốc tại Úc hay Mỹ, chuyên vơ vét sữa bột trẻ em và cả thực phẩm tươi để gởi về Hoa lục.

Nếu “sữa giàu đạm” trên chỉ làm dân Trung Quốc ngán thì hiện tại con virus phát sinh từ Vũ Hán đang làm cả thế giới rùng mình. Mà không chỉ một lần, lai rai cứ vài ba năm thì xứ sở đang lăm le qua mặt Mỹ này lại làm thế giới rùng mình một lần vì những bệnh dịch “Made in China”.

Bệnh dịch “Made in China”

Đầu tiên, hãy nhắc lại vụ dịch Hà Nam, nơi mà Lý Khắc Cường (Li Keqiang), đương kiêm thủ tướng, từng làm bí thư tỉnh ủy.

Công cuộc cải cách và mở cửa kinh tế do Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã gây ra tình trạng bất bình đẳng khi các vùng kỹ nghệ, các tỉnh ven biển và nhất là các tỉnh miền Nam giàu lên, còn các tỉnh miền Bắc và miền Trung thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Đầu thập niên 1990 chính phủ Trung Quốc nghĩ ra cách “xóa đói giảm nghèo” ở những vùng nông thôn các tỉnh miền trung: thu mua máu để lấy huyết tương trữ trong ngân hàng máu cũng như bán cho các công ty dược phẩm. Đi đầu trong “phong trào” này là Hà Nam (Henan). Chính quyền Hà Nam hăm hở phát động nền “kinh tế huyết tương”, cổ vũ nông dân bán máu với khẩu hiệu là “muốn thoát nghèo, hãy nhanh đi bán máu”. Chính quyền vừa “phát động phong trào” thì hàng triệu nông dân ồ ạt tham gia vì họ quá nghèo và trong số này những kẻ nghiện ngập không có gì để bán cũng tham gia, thậm chí còn tham gia hăng hái hơn, chỉ để kiếm tiền thỏa cơn nghiện.

Thế là tai họa ập đến. Thứ nhất, chương trình mua máu đã không chọn lọc máu sạch, không thử nghiệm để xem người bán có bệnh truyền nhiễm nào hay không. Thứ hai, phương pháp lấy máu thô sơ, không có biện pháp tẩy trùng thích hợp mà lại tiết kiệm, cùng dùng một thứ kim chích cho rất nhiều người bán máu. Hậu quả là virus HIV lây lan cho cả người đi bán máu và những nông dân bán mặt cho đất bán lưng hco trời, cả đời không biết thế nào là gái điếm hay ma túy, cũng bị căn bệnh mà chính quyền khư khư là hậu quả từ một lối sống trác táng, đồi trụy. Rồi những bệnh nhân khác cần truyền máu khi giải phẩu cũng bị vạ lây, cũng tự dưng rước con virus bất trị này vào cơ thể. Cuộc khủng hoảng y tế này đã khiến chính quyền Trung Quốc phải đóng chương trình này vào năm 1996 và vận dụng toàn bộ “sức mạnh chính trị của chế độ” để bưng bít thông tin.

Nguyên Bí thư tỉnh ủy Lý Trường Xuân (Li Changzhun) che giấu sự việc, phong tỏa 300.000 nghìn nông dân nhiễm HIV tại 15 khu vực, cấm cửa báo chí trong và ngoài nước. Mãi năm năm sau, đến năm 2001, chính quyền Trung Quốc mới chính thức thừa nhận dịch AIDS lây lan ở tỉnh Hà Nam là do bán máu.

Tuy nhiên Lý Trường Xuân không hề hấn gì về mặt chính trị mà thậm chí còn leo lên cao hơn. Năm 1998, Xuân được điều động đến làm Bí thư tỉnh Quảng Đông – một tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất thời bấy giờ nghĩa là được thăng chức, sau đó từ năm 2002 đến 2012, Lý Trường Xuân trở thành ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc, đặc trách ngành\y tuyên giáo dưới cái tên mỹ miều là “Chủ nhiệm Ủy ban Chỉ đạo Kiến thiết Văn minh Tinh thần Trung ương”.

Thay thế Xuân ở Hà Nam là Lý Khắc Cường, nhiệm chức bí thư tỉnh ủy tại đây từ năm 1999 đến 2004. Đó là thời gian mà nông dân Hà Nam, với sự ủng hộ của nhiều giới chức y tế hay hoạt động dân sự, đấu tranh đòi lại công bằng, đòi nhà nước phải bồi thường cũng như trừng phạt những quan chức chịu trách nhiệm. Nhưng thay vì giúp đỡ các nạn nhân, Lý Khắc Cường đã thẳng tay đàn áp và do đó đã khiến nhiều người trở thành nhà ly khai chống lại chế độ. Một trong những người này là là nữ bác sĩ Cao Diệu Khiết (Gao Yaojie). Trong lúc chính quyền Trung Quốc khẳng định đây là căn bệnh của “tư bản đồi trụy” thì vị nữ bác sĩ này đã tố giác tình trạng lây lan theo “nét đặc thù Trung Quốc”: bệnh AIDS tại Trung Quốc lây qua đường truyền máu cũng như lây nhiễm từ mẹ sang con chiếm từ hơn 80 đến 90%, còn tỷ lệ lây truyền qua sex rất thấp, khoảng từ 10% đến chưa đầy 20%.” Bị truy bức gắt gao, cuối cùng, năm 2009, ở tuổi gần 80, bác sĩ Cao Diệu Khiết buộc phải lưu vong sang Mỹ.

Từ đó đến nay, suốt hai thập niên qua, Trung Quốc đã bao phen làm thế giới rùng mình, nào là dịch do virus H5N1 năm 1997, dịch SARS năm 2003, lại dịch H5N1 năm 2006, dịch cúm gia cầm H7N9 năm 2013, dịch sốt lợn châu Phi 2018 và bây giờ là dịch viêm phổi Vũ Hán.

Sở dĩ dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên quy mô lớn như hiện tại là do, ngay từ đầu, biện pháp mà chính quyền Vũ Hán áp dụng với mối quan tâm của giới chuyên môn về căn bệnh lạ mới xuất hiện cũng chẳng khác gì chính quyền tại Hà Nam từng áp dụng.

Có nghĩa là qua hai mươi năm, và sau bao trận dịch, chính quyền Trung Quốc vẫn không khá hơn và “Giấc mơ Trung Hoa” của Tập vẫn tiếp tục là giấc mơ.

Giấc mơ của Tập

Cụm từ ‘Giấc mơ Trung Hoa’ được Tập Cận Bình đưa ra trong diễn văn đầu tiên trên cương vị chủ tịch nước vào tháng Ba năm 2013 và sau đó là trong diễn văn chúc Tết năm 2014. Đó là “công cuộc phục hưng vĩ đại” do Tập cầm lái để đưa Trung Quốc thành một siêu cường, giàu về kinh tế và mạnh về quân sự, thừa sức thay thế vị trí của Mỹ vào năm 2049.

Nếu trụ cột thứ nhất về kinh tế cho người dân Trung Quốc công ăn việc làm, nhà cửa thì trụ cột thứ hai làm cho họ “sướng” về tinh thần. Với cuộc thanh trừng phe phái nấp bóng chống tham nhũng gọi là “đả hổ diệt ruồi”, tư thế lãnh đạo của Tập mạnh hơn bao giờ hết. Phởn lên, năm 2018 Tập tu chỉnh đổi hiến pháp, xóa bỏ hạn chế hai nhiệm kỳ chủ tịch nước. Lúc này thế giới bắt đầu Tập là “hoàng đế”.

Thế nhưng chẳng bao l âu sau thì hoàng đế lâm cảnh “long thể bất an”. Năm 2208 thương chiến Mỹ Trung nổi lên khiến kinh tế lao đao, khi dân chúng thất nghiệp và mất nhà thì “giấc mơ Trung Hoa” trên đã trở thành trò lố bịch. Nhìn vào trong hay nhìn ra ngoài, càng ngày Tập càng đối phó với những thất bại hay áp lực chính trị nặng nề.

Phản ứng dữ dội của công chúng Hồng Kông với dự luật dẫn độ cho thấy Tập đã không đủ sức phán đoán, hoàn toàn thiếu viễn kiến, không lượng định chính xác tình hình. Thêm vào đó là sự phản đối của cộng đồng quốc tế với chính sách giam giữ và tẩy não người Duy Ngô Nhĩ. Chưa kể việc Đài Loan ngày càng cứng đầu, càng dùng binh lực dọa dẫm bao nhiêu, họ càng cứng cỏi với tinh thần độc lập bấy nhiêu. Bây giờ, thêm vào con virus corona Vũ Hán, giấc mơ trên càng rách nát thêm!

Điều ai cũng biết là năng lực của một chính phủ thể hiện ở cách họ điều phối, bảo quản và đầu tư tài nguyên quốc gia để chúng vừa sinh lợi, vừa không thiệt hại cho hế hệ mai sau. Năng lực của chính quyền còn phải thể hiện ở khả năng ứng phó trong những tình trạng khẩn cấp. Liên Sô đã không thể hiện khả năng ứng đối này trong vụ nổ lò nguyên tử Chernobyl vào năm 1986, ba năm sau đó thì Liên Sô sụp đổ.

Tài nguyên quốc gia Trung Quốc như thế nào, môi trường như thế nào, ai cũng đã rõ. Còn năng lực ứng xử trong tình thế khẩn cấp?

Trung Quốc đã cực kỳ cứng nhắc và cố chấp trong cuộc khủng hoảng Hồng Kông vào năm ngoái. Kể từ tháng Ba năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã hoàn toàn bị động khi bị chính quyền Trump phát động thương chiến. Và bây giờ, trong cuộc chiến với con virus corona, Trung Quốc cũng hoàn toàn cứng nhắc, bị động, hoàn toàn thiếu chuyên nghiệp.

Virus không đợi ngày bế mạc

Thượng tuần tháng 12, các bác sĩ tại Vũ Hán báo động nhau về căn bệnh với những triệu chứng giống viêm phổi do virus đây không thể xác định chính xác nguyên nhân. Tin đồn về loại virus bí ẩn bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội của giới y khoa Trung Quốc.

Tối 30.12.2019 Bác sĩ nhãn khoa Lý Văn Lượng (Li Wenliang) tại Bệnh viện Vũ Hán, trao đổi với các cựu đồng môn tại trường y rằng 7 người đã nhiễm virus mà ông diễn tả là giống như virus dịch SARS. Bác sĩ Lý tải đăng một đoạn phân tích RNA của con virus hiện diện trên đường hô hấp của bệnh nhân này,

Ngay tối hôm đó, Sở Y tế Vũ Hán gởi “thông báo khẩn” cho tất cả các bệnh viện về sự tồn tại của “bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân” và yêu cầu mọi bộ phận lập tức thống kê các trường hợp phát hiện để báo cáo lên trên. Tuy nhiên thông báo này không đề cập gì đến SARS hoặc virus corona.

Sau đó, với niềm tin rằng dịch bệnh có liên quan đến chợ bán buôn hải sản Hoa Nam (Huanan), Sở y tế bắt đầu tìm kiếm những có thể bị bệnh, tập trung vào những người bị viêm phổi và có mối liên hệ với chợ này.

Ngày 31.12, Trung Quốc thông báo cho văn phòng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Bắc Kinh này về các ca viêm phổi bí ẩn ở Vũ Hán. Các quan chức WHO gửi cho Bắc Kinh một danh sách các câu hỏi về dịch và đề nghị hỗ trợ.

Theo các quan sát viên thì việc này phải chờ lệnh của Tập Cận Bình và do đó, chính vì Tập, việc báo động với WHO đã bị trễ ba tuần.

Trong khi các nhà khoa học và chuyên gia y tế công cộng tốc lực thu thập thêm thông tin, các cơ quan công quyền của Trung Quốc lại dùng sức mạnh trấn áp.

Ngày 1.1.2020 Sở Công an Vũ Hán đã triệu tập 8 người buộc phải thú nhận hành vi “phao tin đồn nhãm”, trong đó có bác sĩ Lượng.

Hơn một tuần sau, ngày 9.1.2020, với 59 ca bệnh được ghi nhận, Trung Quốc tuyên bố đã phân lập và thu được trình tự bộ gene của chủng virus corona mới.

Thế nhưng ngay tại Vũ Hán, chính quyền địa phương vẫn an nhiên tổ chức một hội nghị chính trị, kéo dài từ ngày 11 đến 17.1.2020. Trong suốt thời gian này, Ủy ban Y tế Vũ Hán mỗi ngày đều tuyên bố không có ca nhiễm mới hay tử vong, lẽ đơn giản vì Thành ủy Vũ Hán muốn “hội nghị thành công tốt đẹp”, không bị ô nhiễm bởi tin xấu nào.

Ngay sau khi hội nghị bế mạc thì Sở Y tế mới có thông báo về bốn ca nhiễm mới, tuy nhiên họ hạ thấp nguy cơ virus lây lan giữa người và người.

Thậm chí cả sau khi các ca bệnh đầu tiên được ghi nhận ở Thái Lan và Nam Hàn, giới chức Vũ Hán vẫn tổ chức các hội chợ cùng một sinh hoạt ẩm thực cộng đồng ở trung tâm thành phố với sự tham dự của hơn 40,000 gia đình.

Thế là con virus trên tha hồ phát tán và chỉ một tuần sau đó, ngày 23.1.2020, tòa bộ thành phố Vũ Hán 11 triệu dân bị phong tỏa!

Tăng cường sự lãnh đạo với virus

Đây là một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng do đó cần phải giải quyết bằng cái nhìn chuyên môn trong lĩnh vực này, tuy nhiên điều đầu tiên mà Tập Cận Bình tuyên bố là… siết chặt sự lãnh đạo của Trung ương đảng!

T rong cuộc họp với Thường trực Bộ Chính trị ngày 25.1.2020, Tập trấn an rằng Trung Quốc có thể “chiến thắng” trong cuộc chiến chống dịch này bằng cách “tăng cường sự lãnh đạo tập trung và thống nhất của trung ương đảng”. Hình như Tập Cận Bình đã quên rằng do chính do đảng bộ địa phương tại Vũ Hán “tăng cường sự lãnh đạo” nên mới có chuyện công an triệu tập Bác sĩ Lý Văn Lượng về tội “phao tin đồn nhảm”, trong khi ông là người đầu tiên báo động về dịch bệnh, bằng kiến thức chuyên môn của mình.

Nhưng sự lãnh đạo “siết chặt” của Tập đã không đè bẹp được giống virus quái ác kia. Chỉ một tuần sau đó, trong cuộc họp khẩn lần thứ hai vào ngày 3.2.2020 của Thường vụ Bộ Chính trị, Tập Cận Bình đã thú nhận rằng việc kiểm soát trận dịch này có “ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của toàn bộ nền kinh tế và xã hội cũng như sự mở cửa của Trung Quốc”. Đây cũng là lần đầu tiên mà cơ cấu lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công khai nhìn nhận ” khuyết điểm” trong cách ứng phó dịch virus corona trong giai đoạn đầu.

Lúc này Tập dẹp cụm từ “tăng cường sự lãnh đạo” qua một bên mà nói đến mô hình quản lý: “Để giải quyết những khuyết điểm, thiếu sót đã lộ ra trong quá trình xử lý dịch bệnh, chúng ta phải cải thiện hệ thống quản lý khẩn cấp quốc gia và nâng cao các năng lực trong việc xử lý những vấn đề nguy hiểm và cấp thiết.”

Nhưng chính quyền Trung Quốc đang “nâng cao các năng lực trong việc xử lý những vấn đề nguy hiểm và cấp thiết” như thế nào?

Họ đang “nâng cao” bằng cách biến Vũ Hán thành một trại tập trung, tại đó bất cứ cư dân có thể trạng yếu đuổi nào cũng có thể trở thành một thứ người Do Thái tại các quốc gia Âu châu thời nằm dưới ách thống trị của Đức Quốc Xã: bất cứ lúc nào, nếu có dấu hiệu cảm cúm, họ cũng có thể bị xua vào trại tập trung dưới cái tên “khu cách ly”.

Ngày 6.2.2020 Phó thủ tướng Tôn Xuân Lan, Ủy viên Bộ chính trị, tới tận nơi và ra lệnh đặt Vũ Hán vào tình trạng thiết quân luật với mệnh lệnh “hoàn thiện cơ chế chỉ huy ứng phó khẩn cấp thời chiến, vận dụng các công cụ quản lý thông minh, thực thi điều phối nhân sự 24 giờ, nhanh chóng giải quyết vấn đề khám chữa của người bệnh, bảo đảm điều phối vật tư,…”.

Tập Cận Bình làm mạnh vì trong mấy năm qua ông ta đã đã thu tóm hết quyền lực vào trong tay và bây giờ những gánh nặng chính trị từ bệnh dịch Vũ Hán đè lên vai và lên đầu ông ta.

Gánh nặng của sự tập trung quyền lực

Trong khi phải lao đao đối mặt với những khó khăn bên ngoài, Tập còn phải đương đầu với cuộc chiến nội bộ khốc liệt.

Thâu tóm quyền lực, trở thành một thứ Tần Thủy Hoàng hiện đại, Tập Cận Bình thoải mái làm những gì mình muốn nhưng đây lại là con dao hai lưỡi đâm vào chính tay Tập.

Trong mấy năm qua thì Tập muốn là trời muốn, toàn bộ những cố vấn và phụ tá, các bộ trưởng hay các ủy viên bộ chính trị sẽ không có ai dám cãi, dám nói khác ông ta mà còn cố chứng tỏ sự trung thành của mình. Họ nghiên cứu kỹ ý đồ của “vua” và đưa ra những kế sách hợp với khẩu vị của vua. Không ai dám nói thẳng những thông tin, những thực tế mà Tập không muốn nghe. Hậu quả là càng ngày Tập càng lạc đường, dẫn đến những bước đi cực kỳ sai lầm ở Hồng Kông và ở Tân Cương.

Một số nhà bình luận chuyên về Trung Quốc cho rằng trong nội bộ Trung Cộng, phái cải cách đã mất niềm tin với Tập trong khi dư đảng của nhóm tham nhũng dưới trướng Giang Trạch Dân ngày nào thì đang chực trả thù.

Để duy trì quyền lực của mình thì Tập phải nuôi dưỡng hệ thống mật vụ, an ninh, phải mua chuộc quân đội, phải nuôi dưỡng hệ thống tuyên giáo và cả đám dư luận viên. Chi phí để giữ cho chế độ tiếp tục vận hành ngày càng cao. Tình hình kinh tế ngày càng ảm đạm, thêm vào trận dịch là đình trệ mọi thứ, năm 2020 này là năm xui thứ ba của Tập và cũng là năm xui nhất!

Trung Quốc đang ở thế bị động chưa từng có trên các lĩnh vực như kinh tế trong nước, ngoại giao quốc tế và quan hệ Mỹ – Trung. Các nước trên thế giới cũng ngày càng ác cảm với Trung Quốc.

Tình hình kinh tế ngày càng ảm đạm, thêm vào trận dịch là đình trệ mọi thức, năm 2020 này là năm xui thứ ba của Tập và cũng là năm xui nhất!

 Như đã nói ở trên, phái cải cách đã mất niềm tin với Tập, dư đảng của nhóm tham nhũng dưới trướng Giang Trạch Dân thì đang hằm hằm trả thù, còn cộng đồng quốc tế thì đã chán Tập như chán… virus, liệu ông ta có qua được trận dịch này hay không?

Chúng ta sẽ bàn về điều này trong một dịp khác!

Phạm Đức Đồng Hùng

Related posts