Hoà giải

Nói tới hoà giải, có người kể câu chuyện đại khái như thế này.

Hồi xưa, xưa lắc xưa lơ… Có ngôi làng kia đang sống yên tĩnh bỗng bị đổi đời. Trước kia, dân làng sống trong những chòi nhỏ. Nhà ai nấy ở. Vợ ai nấy thương. Ruộng ai nấy cày. Ngày ngày, người dân ra đồng tát đìa bắt cá. Cá ai bắt nấy ăn. Chó mèo thả rong ngoài đường vì tôm cá thừa bứa nên chẳng ai thèm mùi củ giếng hay mắm tôm gì sất.

Cho đến một hôm… có bọn mặt rằn đem tàu bay, tàu bò từ đâu đâu xông tới. Chúng nổ súng ầm ầm vào làng. Bô lão và trai tráng chết như rạ. Số nhỏ sống sót bị chúng bắt đi biệt tăm. Chiếm được làng, bọn mặt rằn xông vào từng nhà, lôi vợ người ta ra hiếp. Tịch thu luôn ruộng rẫy. Cấm dân tát đìa. Và làm thịt chó, thịt mèo mà nhắm rượu.

Hiển nhiên dân làng căm tức lắm. Họ xa lánh bọn mặt rằn. Lầm lủi chuyền cho nhau tiếng nói của cha ông. Ráng cầm hơi sống theo lối tổ tiên ngàn đời. Dân làng để mặc cho bọn mặt rằn tung hoành. Mà có chống cũng không đủ sức. Nói cho ngay, mặt rằn một lúc một làm ăn lên. Chúng đào đất ở gần làng moi lên từng vàng cục cho tới hột xoàn tổ chảng. Chúng san núi lấp sông biến thành những con đường thênh thang cho xe hơi bóng loáng chạy. Chúng xây biệt phủ ngay cạnh chòi lá của dân làng. Chúng còn mang những thứ lạ hoắc lạ quơ từ đâu đâu tới, như là: đèn điện, nước máy, điện thoại, trường học và nhà tù…

Thấy hai lối sống quá cách biệt giữa ông bà chủ miếng đất do tổ tiên để lại với của đám mặt rằn đi chiếm nhà chiếm đất của người ta, từ trong đám mặt rằn có người hô hào ‘hoà giải’.

Hoà giải làm sao được khi đất của ta nó chiếm, nhà của ta nó lấy, vợ của ta nó hiếp, con của ta nó bắt. Miệng nó nói hoà giải nhưng bụng nó muốn con cháu của chủ ngôi làng này phải trở thành … mặt rằn hết, à nghe.

***

Nghe chuyện này, bạn đọc có thể thấy chính mình ở trỏng vì nghĩ chuyện nói bóng gió về những gì xảy ra ở Việt Nam cách đây 55 năm. Bạn đọc nghĩ không sai. Nhưng thư toà soạn hôm nay không nói về tháng Tư đen ở Việt Nam mà xin thưa chuyện lịch sử đen ở Úc.

Xế chiều ngày 29 tháng Tư năm 1770, thuyền trưởng James Cook bẻ lái con tàu HMS Endeavour cập vào Botany Bay, bây giờ nằm về phía Đông thành phố Sydney. Khi người da trắng bước lên bờ, họ thấy cây cỏ, núi rừng và động vật có hình dáng khác với ở bên Anh. Ngay cả những người — bây giờ chúng ta gọi là ‘thổ dân’ hay ‘dân bản địa’ – thì người da trắng đâu có kể là người. Cho tới năm 1967, khi nói về dân số thì Úc không tính sổ những người có tổ tiên sống ở đây đã hơn 40 ngàn năm. Dân bản địa bị liệt vào số ‘cây cỏ và động vật hoang dã’. Vì dân bản địa không phải là người nên người da trắng cầm súng bắn, đánh thuốc độc cho chết hay xô ngã như thể bây giờ chúng ta săn thỏ, bẫy chuột và chặt bỏ cây cối. Khi nào rảnh, bạn đọc mở lại trang sử nước Úc vào những năm đầu người da trắng định cư ở đây sẽ rõ hơn. Bằng không bạn đọc sẽ thấy dân bản địa Úc bị giết hàng loạt không phải do vài ba tên da trắng khùng nổ súng bậy bạ, mà chính phủ thuộc địa ở Úc chủ trương như thế (xem loạt bài The Killing Times đăng trên báo The Guardian). Báo này tìm thấy trong 140 năm đầu tiên bị mất đất vào tay người da trắng, đã có ít nhất 270 vụ dân bản địa bị giết hàng loạt như người ta giết thỏ, giết chuột… Ấy là chưa kể hết thế hệ con nít này sang thế hệ con nít khác bị người da trắng cướp khỏi vòng tay cha mẹ bản địa. Có thể có người da trắng có ý tốt để dạy dỗ con nít bản địa biết sống theo lối ‘văn minh’. Nhưng sống ‘văn minh’ mà mất tình thương của cha mẹ thì còn gì khổ bằng. Sống ‘văn minh’ mà bị cắt cuốn rún khỏi phong tục tập quán ngàn đời của cha ông thì chỉ là người lưu đày ngay trên đất tổ của mình.

Bây giờ, chính phủ Úc không giết dân bản địa nữa. Bây giờ, Úc không bắt con nít bản địa để khai hoá nữa. Chính phủ đã xin lỗi. Hiện nay, chính phủ Úc đề ra 7 điểm để ‘Khép Lại Khoảng Cách, Closing The Gap’ giữa người da trắng với dân bản địa. Trong tuần qua, thủ tướng Scott Morrison trình bày nước Úc đã ‘Khép Lại Khoảng Cách’ với dân bản địa tới đâu rồi. Trong bảy điều ấy, chính phủ làm được hai. Đó là cho trẻ em bản địa đi học và giữ các em học cho tới hết lớp 12. Dư lại năm điều chưa làm được gồm có: giữ cho trẻ sơ sinh khỏi phải chết, khuyến khích học sinh bản địa đi học đều đặn, giúp các em đọc chữ và làm toán giỏi, tìm việc làm và tăng tuổi thọ cho dân bản địa.

Thật buồn khi Úc chưa khép lại khoảng cách giữa hai mức sống của người da trắng và của dân bản địa. Nhưng nghĩ lại: rủi Úc thực hiện xong chương trình ‘Khép Lại Khoảng Cách’ này thì vô hình trung người da trắng đã biến hết dân bản địa thành … da trắng, rồi đó. Lúc đó, dân bản địa cũng lái xe hơi, ở nhà lầu, uống bia và nhảy đầm như ‘Tây’. Không rõ dân bản địa lúc đó có sống hạnh phúc, thuần hậu như cha ông của họ vào thủa Mộng Mơ (Dreamtime) không? Đôi khi hai tiếng ‘hoà giải’ chỉ là cái bả.

Việt Luận

Related posts