Nước Úc và Hoa kỳ là hai quốc gia có rất nhiều điểm tương đồng. Nhưng điểm khác biệt mà tôi lưu ý là so với nước Úc, Hoa kỳ là một trong những quốc gia sùng đạo nhất trên thế giới. Các nguyên thủ quốc gia Hoa kỳ khi tuyên thệ nhậm chức thường đặt tay lên quyển Kinh Thánh và đọc lời thề. Kết thúc bài diễn văn bao giờ cũng có câu “God bless America”. Quốc hội Hoa kỳ thường có những phút cầu nguyện trước khi khai mạc các phiên họp và các chính trị gia thường đến thánh đường để tham dự những buổi thánh lễ chung với nhau. Nói chung người dân Hoa kỳ có chung một niềm tin rằng Thượng đế đã ban nhiều ơn phước cho đất nước vĩ đại này.
Tuy nhiên Hoa kỳ hiểu rằng chính trị và tôn giáo cần phải được phân biệt rạch ròi và vì thế hiến pháp Hoa kỳ đã giữ cho đất nước này luôn được điều hành bởi những chính quyền thế tục.
Nước Úc cũng là một quốc gia luôn luôn có những chính quyền thế tục. Nhưng nước Úc không phải là quốc gia sùng đạo như Hoa kỳ. Khi tuyên thệ các lãnh tụ chính trị của Úc đặt tay lên bản Hiến Pháp quốc gia chứ không tuyên thệ trên Kinh Thánh như Hoa kỳ.
Có thể nói đa số những thủ tướng Úc là những người theo chủ nghĩa vô thần. Ít nhất từ năm 1901 khi Liên bang Úc được thành lập cho đến ngày cựu thủ tướng Kevin Rudd bị truất phế, lịch sử Úc đã ghi nhận có ít nhất bốn vị thủ tướng tự nhận mình là những kẻ không tin vào Thượng đế.
Theo tài liệu thì có tám vị thủ tướng Úc được coi là ngoan đạo vì đã đi nhà thờ ít nhất mỗi tháng một lần trong khi còn tại vị, hai thủ tướng đi nhà thờ thỉnh thoảng và 9 vị còn lại là những người chỉ đi nhà thờ như những nghi thức bắt buộc.
Trong thực tế người ta không ghi chú niềm tin tôn giáo của các vị thủ tướng Úc, và coi rằng tôn giáo của các thủ tướng Úc không có liên quan gì đến trọng trách chính trị của các vị này. Do đó khi nghiên cứu niềm tin tôn giáo của các chính trị gia Úc, các nhà nghiên cứu thường gặp khó khăn và có khi phải suy đoán dựa trên nhiều yếu tố khác nhau.
Thủ tướng Robert Menzies được xem là một người theo đạo Tin lành. Tuy nhiên Robert Menzies cũng chỉ là một người thĩnh thoảng mới đi nhà thờ. Các vị thủ tướng kế nhiệm như Holt, Gorton và McMahon đều được xem là không mặn mà gì lắm với niềm tin tôn giáo. Trong đó thủ tướng Holt, người mất tích khi đang tắm biển, được xem là một “kẻ vô đạo”.
Như thế trong vòng 50 năm từ năm 1949 cho đến khi thủ tướng John Howard đắc cử vào năm 1996, nước Úc được lãnh đạo bởi 9 vị thủ tướng không tin vào Cơ đốc giáo, vốn là niềm tin tôn giáo đặc thù của các nước phương Tây. Việc không có niềm tin Cơ đốc giáo của các thủ tướng Úc được xem là một đặc điểm đáng lưu ý nếu người ta so sánh với các thủ tướng Anh và tổng thống Hoa kỳ.
Cựu thủ tướng Kevin Rudd được coi là một người sùng đạo. Trong thời gian làm thủ tướng ông Rudd Chúa nhật nào cũng cùng gia đình tham dự thánh lễ tại nhà thờ Anh giáo ở Canberra.
Trong hai năm ông Kevin Rudd làm thủ tướng, phe đối lập có ba lần thay đổi lãnh tụ. Những lãnh tụ này từ Brendan Nelson,đến Malcolm Turnbull và rồi cuối cùng là Tony Abbott. Mỗi nhân vật này cũng có những điều đáng nói liên quan đến đức tin tôn giáo của họ. Đáng nói nhất là lãnh tụ đối lập và nay là đương kim thủ tướng Tony Abbott.
Ông Abbott được coi là một tín đồ Công giáo với những quan điểm bảo thủ. Điều này đúng khi người ta nhớ rằng ông Abbott nguyên là một tu sĩ Thiên Chúa Giáo bỏ Chúa để đi làm chính trị. Ông Tony Abbott cũng là một người nổi tiếng với những quan điểm bảo thủ liên quan đến hôn nhân, gia đình, giới tính và tình dục.
Nếu căn cứ theo những tài liệu hiện có thì cựu thủ tướng John Howard cũng không phải là một người sùng đạo như chúng ta vẫn hiểu. Tuy nhiên trong giai đoạn ông John Howard làm thủ tướng, người ta ghi nhận có sự gia tăng đáng kể việc trích dẫn tôn giáo. Nhiều chính trị gia trước đó chẳng nói gì nhiều về đức tin, nay cũng bắt đầu nói nhiều về đức tin tôn giáo của họ và của cử tri trong đơn vị của mình.
Nhưng cần lưu ý, thủ tướng John Howard người lãnh đạo Úc từ 1996 đến năm 2007 đã nói đến nước Úc như là một quốc gia Cơ đốc giáo được hình thành trên những giá trị Cơ đốc giáo. Ông cũng nhấn mạnh rằng người Úc cần phải xem Chúa Jesus như là một nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại. Ông John Howard phê bình hệ thống trường công lập là quá thờ ơ về giáo dục tôn giáo. Ông tăng trợ cấp chính phủ cho những trường tư do các tôn giáo cai quản, thành lập Chương trình Tuyên Úy Học đường Quốc gia với chi phí 165 triệu đô la để bổ nhiệm các linh mục hay mục sư cho các trường công và tư và dành nhiều trợ giúp tài chính liên bang cho các trường Cơ đốc giáo.
Nghiên cứu phản ứng của dư luận về niềm tin tôn giáo của các lãnh tụ chính trị cũng có thể biết được quan điểm chung của dư luận liên quan đến tôn giáo trong sinh hoạt chính trị của xã hội hiện đại.
Trong ngày 29/06/2010 ngay sau khi lật đổ thủ tướng KevinRudd, bà Julia Gillard đã trả lời phỏng vấn của đài ABC. Khi ký giả Jon Faine hỏi: “Bà có tin vào Thượng đế không?”, bà Julia Gillard đã trả lời không hề ngập ngừng rằng “Không, tôi không tin”. Bà Julia Gillard đã mất một số lượng lớn phiếu bầu của những người Úc tin vào Thượng đế.
Những nhà nghiên cứu chính trị và tôn giáo tại Úc cố gắng xác định rằng liệu có những lá phiếu bầu mang nặng tính tôn giáo tại Úc hay không. Có phải chăng đã có một số lượng đáng kể những người Úc theo Cơ đốc giáo đã luôn luôn bầu cho những đảng phái chính trị có khuynh hướng coi trọng tôn giáo?
Tuy nhiên những kết quả nghiên cứu nhiều năm cho thấy rằng đại đa số cử tri Úc xem chính trị và tôn giáo là hai vấn đề ít có liên quan. Một điểm nổi bật nữa là dân chúng Úc cũng không sùng đạo lắm như dân Hoa kỳ hay dân Ý. Thành phần người Úc chăm chỉ đi nhà thờ rất thấp và vì thế nếu họ bầu cử theo đức tin thì thành phần này cũng không thể làm thay đổi kết quả bầu cử được.
Hầu hết các chính trị gia Úc đều có cùng chung một nhận định là cử tri Úc không bầu theo đức tin tôn giáo của mình. Họ cho rằng tôn giáo là chuyện riêng tư, chuyện cá nhân và họ chỉ bầu cho đảng nào có những chính sách hay.
Việc phân biệt rạch ròi chính trị và tôn giáo như dân Hoa kỳ và dân Úc là chỉ dấu cho thấy trình độ nhận thức về dân chủ và tự do rất cao của hai quốc gia này. Dân chúng Hoa kỳ và Úc đều nhận thức được nếu để tôn giáo phân hóa chính trị thì xã hội sẽ phân hóa ngay vì các tôn giáo không được chính phủ đề cao sẽ bị đối xử phân biệt.
Một chính phủ với một tôn giáo được coi là quốc giáo, sẽ ngay lập tức có những chính sách phân biệt đối xử hay kỳ thị với các tôn giáo khác. Và đó sẽ là mối đại họa cho đất nước. Hơn ai hết người Úc gốc Việt từng sống ở miền Nam trước năm 1975 đã có những kinh nghiệm về nền đệ nhất cộng hòa do cố tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Có nhiều sử gia tin rằng Tổng thống Ngô Đình Diệm đã coi Thiên Chúa Giáo là quốc giáo trong khi có hơn 90% dân chúng miền Nam không phải là tín đồ Thiên Chúa giáo.
Một trong những sự kiện tại Úc cho thấy sự nguy hiểm của sự xâm nhập của tôn giáo vào các sinh hoạt chính trị đó là việc đảng Lao động Úc đã phân hóa thành hai đảng khác nhau. Một thành phần nhỏ trong đảng Lao động có đức tin Thiên Chúa Giáo mạnh hơn đã tách ra khỏi đảng Lao động và thành lập đảng Lao động Dân chủ. Trong hơn 20 năm đảng Lao động Dân Chủ đã liên minh với các đảng bảo thủ khác đã tạo ra rào cản đối với đảng Lao động khiến đảng này không thể trở thành đảng cầm quyền.
Sự phân hóa này theo nhiều sử gia thì có lẽ do ý thức chống Cộng nhiều hơn, do nhiều người vốn coi đảng Lao động Úc có khuynh hướng thân Cộng. Tuy nhiên thực ra sự phân hóa này là do hai phía. Một phía sùng đạo Thiên Chúa Giáo hơn phía bên kia. Đảng Lao động Dân chủ rõ ràng có khuynh hướng nghiên hẳn về phía giáo hội Thiên Chúa Giáo.
Sau sự kiện này các đảng chính trị và cả người dân Úc đều thấy sự nguy hiểm nếu để vấn đề tôn giáo chi phối các đảng phái chính trị hay chính phủ Úc.
Có một điều chắc chắn là chỉ có một thiểu số người Úc sùng đạo, trong khi đại đa số mặc dầu tự nhận mình là thuộc Tin Lành, Anh giáo, hay Thiên Chúa Giáo thường hiểu biết rất ít về tôn giáo và tuyệt đối không muốn liên kết vấn đề tôn giáo và chính trị và họ cũng không bảo thủ bằng những người Úc đi lễ thường xuyên.
Một điểm quan trọng khác cần lưu ý là những người Úc đi lễ thường xuyên thường là những người tốt bụng hơn những người ít hay không đi lễ nhà thờ. Họ có thái độ bao dung hơn về những tôn giáo khác, về các sắc tộc khác. Họ không thấy có sự khác biệt gì lớn giữa người Úc hay người Nhật, người Ý, hay giữa Thiên Chúa Giáo và Do thái giáo, họ cũng bao dung hơn với những người nghiện ngập. Chỉ có hai loại người bị những người Úc sùng đạo không ưa là những người cộng sản và những kẻ vô thần.
Thêm một điểm nữa là những người Úc không theo tôn giáo nào cũng là những người ít có thái độ kỳ thị chủng tộc, và sẳn lòng giúp đỡ những người tị nạn.Những người Úc Cơ đốc giáo “chỉ trên giấy tờ” là những người có thái độ kỳ thị chủng tộc nặng nề hơn cả.
Sự thật tại Úc, những người Cơ đốc giáo thường xuyên đi lễ nhà thờ thường xuyên cập nhật những tin tức về sự bất công xã hội, do đó có những quan tâm dành cho những người bị kỳ thị, ngược đãi tại những quốc gia khác. Những người không tôn giáo, do cảm nhận được sự khác biệt của mình, cũng thường có thái độ thông cảm đối với người tị nạn. Còn những người Úc Cơ đốc giáo “chỉ trên giấy tờ” thường là những người chỉ quan tâm đến quyền lợi của họ và không quan tâm những gì xảy ra bên ngoài biên giới của nước Úc.
Chính những người Úc Cơ đốc giáo “chỉ trên giấy tờ” này là những người nhanh chóng ủng hộ cuộc tấn công xâm lược Irag do Hoa kỳ cầm đầu. Trong khi những người Úc sùng đạo thì đa số chống lại hành vi xâm lược này.
Ls Lê Đức Minh