Đừng biến đám tang thành đám cưới

Lê Viên [Li Yuan]

The New York Times

Bác sĩ và y tá mệt đừ, mặt in hằn vết khẩu trang đeo nhiều giờ. Phụ nữ phát nguyện cạo đầu. Cán bộ hưu trí mang tiền hưu cả đời đến cơ quan đóng góp rồi chạy mất, không cần ai biết.

Đó chỉ là vài câu chuyện nhỏ, khi Bắc Kinh đang ‘bổn cũ soạn lại’ các chiêu thức tuyên truyền trong cuộc chiến chống virus Corona, hiện là thử thách lớn nhất trong mấy chục năm qua đánh vào tính chính danh của chế độ. Truyền thông nhà nước ồ ạt bắn tin vào điện thoại thông minh và lên sóng truyền hình những hình ảnh và câu chuyện ly kỳ về sự đoàn kết và hy sinh vì đại cuộc chống dịch, để người dân tiếp tục tin tưởng và đứng sau lưng chế độ. Có lúc, nhà nước còn dùng đến cả các nhân vật hoạt hình là Giang San Kiều (Jiangshan Jiao – nước non đẹp) và Hồng Kỳ Mạn (Hongqi Man – cờ đỏ khắp), để thúc giục lòng yêu nước trong giới trẻ mùa dịch.

Nhưng, ngặt ở chỗ, lần này các chiêu thức như thế không mấy tác dụng.

Trên mạng, người dân công khai chỉ trích truyền thông nhà nước. Họ thẳng thừng công kích các câu chuyện thái quá về sự hy sinh cá nhân trong khi thực tế là giới y bác sĩ ở tuyến đầu vẫn đang thiếu khẩu trang lẫn các vật tư bảo hộ cơ bản khác. Họ phản đối Giang San Kiều với Hồng Kỳ Mạn. Họ hoài nghi cảnh phụ nữ tự nguyện cạo đầu, họ hỏi có phải các chị bị ép xuống tóc, và tại sao không thấy cánh đàn ông cạo đầu tương tự.

Một blogger đưa lên nhận xét cay cú: “Báo đài hãy thôi đi! Đừng biến đám tang thành đám cưới”.

*

Daisy Triệu (Daisy Zhao), 23 tuổi, ở Bắc Kinh, nói cô từng tin vào truyền thông nhà nước. Giờ cô rất bất mãn khi nghe tin tám bác sĩ lên tiếng cảnh báo về nguy cơ bệnh dịch bị kết tội phao tin đồn nhảm. Hình ảnh họ bị khiển trách được dân mạng chia sẻ rộng rãi.

Cô Triệu nói: “Truyền thông chính thức đánh mất rất nhiều niềm tin của quần chúng”.

Guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc, vốn giúp chế độ tồn tại nhiều thập niên qua, và ngày càng tinh vi, đang đối đầu với thử thách lớn nhất từ trước đến nay.

Chính quyền không chỉ chậm trễ trong việc công bố nguy cơ bệnh dịch, họ còn ra tay trấn áp những người lên tiếng cảnh báo dân tình. Làm như thế, chính quyền đã vi phạm thoả thuận bất thành văn với người dân, thoả thuận đó là: người dân chấp nhận hy sinh một số quyền hạn riêng, để đổi lại an ninh.

Để trấn dư luận giận dữ, Bắc Kinh quyết dựng cho được một “môi trường dư luận tốt”, bằng cách gửi hàng trăm nhà báo quốc doanh đến Vũ Hán và nơi khác để viết ra những câu chuyện nao lòng về các y bác sĩ tuyến đầu và sự ủng hộ vị tha của quần chúng.

*

Nhưng đội ngũ thêu dệt thông tin tuyên truyền Trung Quốc đang bị cạnh tranh dữ dội. Người dân, qua thông tin ngoài luồng, họ đã thấy hình ảnh thiếu nữ gào khóc gọi “Mẹ ơi, mẹ ơi!” khi xác mẹ cô bị đưa đi. Họ đã thấy một phụ nữ gõ nồi trên ban-công nhà mình khi van xin được đưa vào bệnh viện. Họ đã thấy một y tá đổ gục và gào thét thê thảm vì kiệt sức. Và tất cả họ đã thấy gương mặt của bác sĩ Lý Văn Lượng, vị bác sĩ gióng tiếng chuông cảnh tỉnh về loại virus sau đó đã lấy đi mạng sống của ông.

Cuộc khủng hoảng đã mở mắt cho nhiều người, đặc biệt giới trẻ, thấy được mặt trái đáng báo động về cuộc sống dưới chế độ độc tài. Qua vụ bịt miệng những người như bác sĩ Lý Văn Lượng, họ thấy mối nguy khi tự do ngôn luận bị trấn áp. Qua những lời kêu cứu xúc động từ bệnh nhân và bệnh viện, họ nhìn xuyên qua lớp vỏ giả dối về một chính quyền toàn năng có thể giải quyết mọi sự.

Bắc Kinh đang làm mọi việc để giành lại thế chủ động trong tuyên truyền. Vì vậy, khán giả thấy truyền hình nhà nước liên tục đưa lên hàng loạt câu chuyện về những người chạy vào văn phòng công sở, vội vàng để lại vật phẩm cứu trợ rồi chạy mất, trước khi có ai kịp cảm ơn. Một bộ sưu tập về các vụ “đóng góp cứu trợ rồi chạy mất” như thế ghi nhận ít nhất 41 trường hợp.

Các câu chuyện khác cho thấy các bác sĩ lên đường đến tuyến đầu ngay sau khi “mẹ qua đời” hoặc “khi con vừa chào đời”. Cứ thế, cứ thế, những câu chuyện giống nhau.

Có những chuyện rõ ràng là không thể tin được. Một tờ báo ở thành phố Tây An đã phải xin lỗi sau khi đưa bài kể về cặp song sinh mới ra đời của một nữ y tá đã biết hỏi bố xem mẹ đi đâu. Tờ báo nói bài bị lỗi biên tập.

Một tờ báo khác viết rằng sau khi người y tá ra tuyến đầu, chồng của chị, người sống thực vật từ năm 2014, đã mỉm cười mỗi khi nghe tên chị, vì “dường như anh biết vợ đang tham gia vào đại sự”. Câu chuyện này sau đó bị tháo xuống.

Tại Trung Quốc, sự trân trọng dành cho đội ngũ y tế ở tuyến đầu rất lớn và chân thật. Nhưng truyền thông nhà nước đã không kể đến thực tế là rất nhiều y bác sĩ không có vật dụng bảo hộ cần thiết. Và đã có hơn 3.000 trong số họ bị lây nhiễm.

Một người sử dụng mạng Weibo, mạng xã hội phổ biến nhất Trung Quốc, viết rằng: “Chúng ta phải ghi nhớ những hy sinh của họ. Phải làm sao để những bi kịch như thế không xảy ra nữa, chứ không phải cứ hô hoán lên rằng ‘hy sinh là quang vinh’”.

Đặng Học Bình (Deng Xueping), người luật sư viết trên blog bài “Đừng biến đám tang thành đám cưới”, thuật lại chuyện một bệnh nhân xuất viện từ một bệnh viện dã chiến ở tâm dịch Vũ Hán. Câu chuyện kể rằng chị bệnh nhân này vì quá thích bệnh viện, nên chị đã rất ngại ngùng, vương vấn khi rời xa.

Anh Đặng viết: “Khi nhiều bệnh nhân ở Vũ Hán phải vất vả lắm mới được chữa trị, các máy quay TV của chúng ta lại chĩa ống kính vào những bệnh nhân ngoại trú vui vẻ. Phóng đại niềm vui của một người trong khi giấu cái khổ của phần đông còn lại, cách tường thuật về nạn dịch như vậy rất khó nói là trung thực”.

Quần chúng cũng giận dữ trước tin bài nhà nước về các nữ nhân viên y tế xuống tóc. Một video được phổ biến cho thấy hơn mười nữ y bác sĩ tại một bệnh viện Tỉnh Cam Túc, phía Tây Bắc TQ, trên đường đến Tỉnh Hồ Bắc, trung tâm nạn dịch, đã tự nguyện xuống tóc. Một số chị vừa xuống tóc vừa khóc.

Video này dấy lên câu hỏi của cư dân mạng rằng có phải các chị đã bị ép phải xuống tóc và tại sao các nhân viên nam không phải làm tương tự. Bệnh viện Tỉnh Cam Túc trả lời rằng các chị làm như thế là do hoàn toàn tự nguyện.

*>

Hai thần tượng chóng tàn. Hồng Kỳ Mạn [trái] và Giang San Kiều. Bài cổ vũ hai nhân vật đại diện cho lòng yêu nước bị tháo xuống sau vài giờ. Nguồn: ThinkChina

Bước lùi lớn nhất cho bộ máy tuyên truyền của đảng là vào tuần trước, khi Đoàn Thanh niên Cộng sản cho ra mắt Giang San Kiều và Hồng Kỳ Mạn, hai anh em hoạt hình mặc quần áo truyền thống Trung Quốc. Tên của hai nhân vật “Giang San” tượng trưng cho đất nước Trung Quốc, và “Hồng Kỳ” tượng trưng cho lá cờ đảng màu đỏ, xuất phát từ một bài thơ của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Bài trên mạng xã hội của Đoàn Thanh niên Cộng sản thúc giục người xem “Nào, hãy cổ vũ biểu tượng của Đoàn!”

Nhưng cư dân mạng làm ngơ. Và Đoàn đã phải xoá bài này chỉ vài giờ sau đó, sau khi cơ quan này của Đảng bị tố cáo đang tìm cách biến quan hệ của người dân với đất nước thành quan hệ của thần tượng với “fan” hâm mộ. Một bình luận viết “Tôi là dân, không phải fan của quý vị”, và được 50.000 người thích nhấn “like”.

Phản ứng này hé mở cho thấy thái độ mới của giới trẻ đối với nhà nước.

Chị Stephanie Hạ (Stephanie Xia), 26 tuổi, ở Thượng Hải, cho biết: “Trong tháng vừa qua rất nhiều người trẻ lên mạng đọc tin trực tiếp và các tường thuật chuyên sâu về nạn dịch”, họ đã rất giận dữ đồng thời hoang mang, vì những gì biết được.

Chị Hạ nói: “Giới trẻ nghĩ họ là ai là một chuyện, chính quyền nghĩ giới trẻ là ai lại là chuyện khác, hai chuyện không giống nhau”.

*

Dù hoài nghi gia tăng, đảng và nhà nước vẫn được ủng hộ rộng rãi. Phần lớn số người ủng hộ chế độ là người già, nhưng đảng vẫn quan tâm và mong muốn những người trẻ “phi chính trị” như bạn Lục Dĩnh Hân (Lu Yingxin) ủng hộ mình.

Cô Lục nói cô cảm động khi đọc bài nói về sự hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu và người dân quyên đóng uỷ lạo Vũ Hán. Nhưng cô cũng buồn vì bác sĩ Lượng đã chết, và không thấy vui vì trước đó công an đã tố cáo bác sĩ phao tin đồn nhảm.

Tuy vậy, cô vẫn không thất vọng với chính quyền, cô bảo chắc vì nhà nước có quá nhiều việc phải lo.

Cô cũng nói thêm: ”Ngay cả nếu tôi nói tôi không tin chính quyền, thì tôi có thể làm được gì nào? Dường như tôi không thể làm gì được”.

*

Hiện không có phương pháp khoa học nào để đo lường cảm tình của quần chúng ở Trung Quốc. Nhưng cảm nhận của cô Lục có lẽ cũng là cảm nhận của nhiều người, và là thứ mà chính quyền TQ muốn nuôi dưỡng.

Để đạt được điều đó, Bắc Kinh đã tăng cường kiểm duyệt trong vài tuần qua. Nhiều tài khoản mạng xã hội đã bị xoá hoặc treo. Từ thứ bảy 28/2, các trang mạng sẽ chịu sự chi phối của những quy định mới, gắt gao hơn nữa.

Một số người thuộc thế hệ đi trước lo ngại rằng rồi đây nạn dịch này cũng sẽ qua đi và bị lãng quên, y như những thảm kịch khác ở Trung Quốc.

Diêm Liên Khoa (Yan Lianke), tiểu thuyết gia, phát biểu trong một bài giảng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông vào Tháng 2/2020 rằng: “Nếu bạn không thể trở thành một người thổi còi báo nguy cho cộng đồng như Lý Văn Lượng, thì hãy trở thành người nghe được tiếng còi”.

Tưởng niệm bác sĩ Lý Văn Lượng, người tìm cách cảnh báo Trung Quốc về Virus Corona trước khi ông chết vì bệnh. Ảnh: Kin Cheung/Associated Press

Ông Diêm nói: “Nếu ta không nói to lên được, thì hãy nói thì thầm. Nếu ta cũng không thể nói thì thầm, thì hãy im lặng và ghi nhớ điều gì đã xảy ra … hãy trở thành người dựng mộ trong tim”.

Trong một nỗ lực để xây dựng kho ký ức chung, hàng ngàn bạn trẻ đang thành lập các kho lưu trữ trên mạng, để giữ các bài báo, các video, và các câu chuyện về nạn dịch đã bị kiểm duyệt xoá bỏ, hoặc có thể sẽ bị tháo xuống, và đăng tải lại trên các trang mạng ở nước ngoài.

Một số bạn trẻ đã là người “dựng mộ trong tim” như ông Diêm đề cập, và họ muốn những bạn trẻ khác cũng có những phần mộ trong tim để lưu giữ ký ức như vậy.

Cô Triệu, ở Bắc Kinh, cho biết sau khi chứng kiến tranh luận gay gắt trên mạng thời dịch bệnh, cô quyết định đi theo nghề giáo. Cô nói trên trang mạng Weibo, rằng cô muốn theo ngành giáo dục để có thể “quan tâm đến thế giới, quan tâm đến con người trên thế giới”.

Cô Hạ, ở Thượng Hải, người có tài khoản Weibo bị treo trong 30 ngày sau khi đăng các bài liên quan đến dịch bệnh, nói cô quyết tâm tiếp tục lên tiếng, bất chấp kiểm duyệt gắt gao đến đâu, để thế hệ trẻ có thể nhớ được.

Cô nói: “Bạn dũng cảm chừng nào thì hãy nói chừng ấy. Vì cuối cùng, nói vẫn tốt hơn câm lặng”.

L.V.

________

Người dịch: Phan Sinh

Tựa do người dịch đặt.

Bản gốc: Coronavirus Weakens China’s Powerful Propaganda Machine (Virus Corona làm suy yếu bộ máy tuyên truyền Trung Quốc) Bản tiếng Hoa trên The New York Times: 中國宣傳機器在新冠疫情中受挫

Related posts