Để bày tỏ lòng tri ân một vị chân tu đã hiến dâng cả cuộc đời cho dân tộc và đạo pháp vừa viên tịch tại Việt Nam, CĐNVTD/NSW đã tổ chức lễ Tưởng Niệm Hòa Thượng Thích Quảng Độ tại Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng vào lúc 7 giờ tối Chủ Nhật 8 tháng 3 vừa qua.
Ấn tượng đầu tiên đối với khách tham dự là bàn thờ được trang trí rất khang trang. Có khoảng 100 đồng hương đến tham dự, mặc dầu số người không đông do tổ chức buổi tối và dịch corona làm cho nhiều người lo ngại nhưng không vì thế làm mất đi sự trang nghiêm của buổi lễ và người tham dự rất cảm kích trước những lời phát biểu ngắn gọn nhưng xúc tích của các diễn giả.
Ông Vi Mạnh phụ trách MC cho buổi lễ và hai diễn giả của buổi lễ này là Chiến sĩ Võ Đại Tôn, và Giáo sư Lê Văn Ngọc.
Mở đầu buổi lễ, ông Paul Huy Nguyễn, Chủ tịch CDNVTD/NSW cám ơn quan khách và phát biểu một cách ngắn gọn như sau: “Hoà Thượng Thích Quảng Độ là một đấng cao tăng, đã tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền trong suốt 45 năm dưới chế độ độc tài Cộng sản. Ngài là biểu tượng của lòng dũng cảm, không chấp thuận bất cứ sự áp đặt nào của Cộng sản Việt Nam với Giáo hội Phật giáo. Hòa thượng đã nhận được hai giải Quốc tế về nhân quyền vì những thành tích tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam. Sự ra đi của ngài là một mất mát lớn cho Giáo hội Phật giáo và công cuộc tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam”.
Kế tiếp là phần phát biểu của ông Võ Đại Tôn. Với giọng vừa hùng hồn vừa cảm động, ông bày tỏ những suy nghĩ của ông về Hòa Thượng Thích Quảng Độ như sau: “Thưa quý vị, trong bài phát biểu của Đức Đạt Lai Lạt Ma vừa phổ biến khắp thế giới. Ngài có viết một câu làm tôi suy nghĩ mấy ngày hôm qua. Trong câu đó Ngài có nói rằng: “Mặc dù cá nhân tôi không được hân hạnh tiếp xúc với đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ nhưng tôi tin rằng trong nỗi đau cùng chung của chúng ta khi nhận được tin Ngài đã viên tịch thì chúng ta cũng cần nên hãnh diện và hân hoan khi biết được cả cuộc đời của Ngài đã tận tụy hy sinh cho đạo pháp và luôn cả quê hương dân tộc đấu tranh cho tự do và nhân bản”. …
Tôi chỉ xin thưa một điều về một điểm căn bản đã tu luyện con người và đã tạo ra một tinh thần “vô uý” không sợ hãi trước bạo lực và sự gian dối của chế độ cộng sản và muốn làm như vậy trong những ngày tháng lao tù khổ nhục, cô đơn có thể nằm luôn trên vũng máu, thì làm thế nào để rèn luyện một trí óc không bao giờ bi quan bó khổ trước áp lực của chế độ vô thần, và đại lão Hòa thượng trong hoàn cảnh như thế đã nghiên cứu viết trong trí óc những tập thơ tù, tập thơ đạo. Và cũng nhờ đó để sinh tồn – không phải cho bản thân mình nhưng muốn rằng còn được sống để làm chứng nhân cho một thời đại mà dân tộc đang bị đàn áp dưới một chế độ vô thần.
Ngày hôm nay chúng ta đọc được những bài thơ của Đại Lão Hoà Thượng mà trong những câu thơ đó chúng ta không quên được như là: “Trong này miền Nam là một tù giam chật hẹp, ngoài kia là một miền Nam lao tù rộng lớn.” Đó là một sự chứng kiến của chân tu thấy rõ từ trong lao tù và Ngài còn viết thêm là “Đạo giáo bị kết trùm bởi màu ảm đạm và phủ kín bởi một màu tang”. “Một vị chân tu chỉ lo hoàng Dương đạo pháp cứu độ chúng sinh mà còn biết rằng cả quê hương đang nằm trong lao tù của chế độ cộng sản.
Đó là một bài học để cho mọi người trong chúng ta tiếp tục đấu tranh hiểu rằng nỗi đau thương của dân tộc vẫn còn hiện hữu mỗi ngày.
Hôm nay trước Hương linh của đại lão Hòa Thượng trước những người anh em chiến hữu tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm đã chết trong lao tù cộng sản, tôi chỉ mong học được bài học để tiếp tục làm người “Công đạo” để cùng với tất cả quý vị, các bậc thầy của tôi đi trọn con đường mà mình đã chấp nhận như linh mục Nguyễn Văn Lý vừa mới gửi thư nói rằng – một câu cuối cùng dù Ngài đã nằm trên giường bệnh “cho tới hơi thở cuối cùng tôi vẫn tiếp tục đấu tranh cho chính nghĩa cho dân tộc.”
Kế tiếp, Giáo sư Lê Văn Ngọc, một cây viết thường xuyên trên Việt Luận với những bài viết nghiên cứu thâm sâu về văn hóa Việt Nam. Để nói về công đức của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, ông nói: “Cái sợ của Cộng Sản là tinh thần Phật giáo chân chính hướng về sự tu dưỡng để có đời sống tâm linh. Thầy Quảng Độ có một kiến thức uyên thâm về Phật học, cùng với thời gian tu tập trở nên một mẫu mực có thể làm rung chuyển đến tà thuyết phi nhân của Cộng Sản đang trên đà phá sản ý thức hệ, nên Cộng Sản rất sợ để Ngài ở ngoài, ảnh hưởng đến phong trào đòi dân chủ, tự do và nhân quyền. Một trong những điều cơ bản của nhân quyền là tự do kiến tạo đời sống tâm linh riêng của mình, nói rõ là tự do tôn giáo.
“Thầy Quảng Độ chọn con đường nằm trong hỏa ngục mà tranh đấu cho nhân quyền, thể hiện trong tự do tín ngưỡng.
“Cuộc tranh đấu vì nhân quyền của thầy Quảng Độ cho chúng ta thấy một điều là ai trong chúng ta cũng mang sẵn một dũng lực, nhưng chúng ta chưa phát huy được nó trong công cuộc tranh đấu cho nhân phẩm con người. Những người gọi là “tù nhân lương tâm” mà hôm nay chúng ta muốn vinh danh, phải chăng là những người đã tự khơi dậy được dũng lực, để từ “ít sợ” đến chỗ “không sợ” “vô úy” của đạo Phật trong công cuộc tranh đấu cho nhân quyền và tự do của dân tộc”.
Sau phần trình bày của các diễn giả, mọi người tham dự tuần tự bước lên đốt một nén nhen để tưởng nhớ và ghi ơn một người đã hy sinh trọn cuộc đời cho dân tộc. Trước khi bế mạc là phần văn nghệ ngắn gọn. Thanh Thúy, một ca sĩ quen thuộc trong cộng đồng, phụ trách phần văn nghệ, cùng với ca sĩ Quỳnh Xuân đã cống hiến cho đồng hương những bản nhạc thật hay và ý nghĩa.
Buổi lễ chấm dứt lúc 9 giờ. Ban tổ chức đã dành nhiều thì giờ để tổ chức một buổi lễ chu đáo, trang nghiêm và ý nghĩa. Tuy nhiên những người tham dự ra về khó tránh khỏi một nỗi buồn ray rứt cho quê hương Việt Nam vừa mất đi một vị chân tu, một nhà yêu nước, một người thể hiện trọn vẹn tinh thần “đại dũng” của nhà Phật – dù dưới bất cứ hoàn cảnh nào cũng không khuất phục trước bao lực. Tiếc là ngài ra đi giữa lúc dân tộc Việt Nam vẫn chưa giành lại được quyền tự do và dân chủ – đó là mục đích mà ngài đã tranh đấu liên tục suốt 45 năm qua. Nhưng chắc chắn là những hy sinh của ngài sẽ không vô ích. Các thế hệ kế tiếp sẽ tiếp tục sứ mệnh của ngài.
Việt Luận tường thuật.