Hiếu Bá Linh
Lời người dịch: Vụ ông Trump bỏ cả tỉ Mỹ kim ra đàm phán với công ty CureVac, một công ty tư nhân của Đức, để mua vaccine ngừa virus Vũ Hán, nếu công ty này nghiên cứu thành công và vaccine này chỉ bán riêng cho Mỹ, có thể thấy rõ sự nhạy bén của “con buôn“ trong con người Trump khi nghĩ rằng, cái gì không mua được bằng tiền, thì có thể mua được bằng nhiều tiền.
Cũng qua vụ này, có thể nhận ra rằng, có lẽ Trump không quan tâm tới nhân loại, mà chỉ phục vụ mục đích chính trị của cá nhân ông ta, bởi dân Mỹ hay dân Đức, cũng đều là con người, vì sao Trump chỉ muốn vaccine phục vụ cho riêng dân Mỹ (nếu quả thật đúng như vậy), mà không phải dân Đức, nơi có khả năng sản xuất vaccine để ông ta mua? Phải chăng ông ta chỉ quan tâm tới cái ghế của mình ở Nhà Trắng, nếu nhiều người dân Mỹ bị virus Vũ Hán giết chết, thì sự nghiệp chính trị của ông ta cũng tiêu vong?
Tin giờ chót: Vụ mua bán của Trump thất bại. Công ty CureVac đã chính thức tuyên bố từ chối bán vaccine chống virus corona cho riêng nước Mỹ. Tổng Giám đốc của CureVac, là người đã gặp gỡ với Trump đầu tháng Ba, đã bị bay chức. Cổ đông lớn nhất, giữ 80% cổ phần của CureVac, là tỉ phú Dietmar Hopp, tuyên bố: “Hy vọng là sắp tới, nếu chúng tôi chế tạo thành công vaccine chống virus corona, thì không phải cho riêng một quốc gia nào, mà để tương ái bảo vệ cho toàn thế giới.”
***
Mỹ và Đức đang phải đối mặt với một tranh chấp kinh tế – chính trị, tuy gián tiếp nhưng mãnh liệt, liên quan đến cuộc khủng hoảng dịch bệnh Corona. Lý do: Bằng cách tài trợ một số tiền lớn, Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như cố gắng lôi kéo các nhà khoa học Đức đang nghiên cứu một loại vaccine có tiềm năng chống virus corona đi sang Mỹ, mục đích để giữ loại vắc xin này cho riêng nước ông. Báo Welt am Sonntag biết được tin này từ giới chức chính phủ Đức.
Tâm điểm của tranh chấp giữa Đức và Mỹ là công ty CureVac có trụ sở tại Tübingen, công ty này đang hợp tác với Viện Paul Ehrlich của Đức, nơi chuyên về vaccine và thuốc y sinh, để sản xuất vaccine chống lại virus corona.
Ông Daniel Menichella, người đứng đầu công ty CureVac, cho đến thứ Tư tuần trước đã tham dự một cuộc họp của các nhà quản lý (manager) dược phẩm với Tổng thống Trump tại Nhà Trắng vào ngày 2 tháng 3 vừa qua.
Tổng thống Mỹ hình như đề nghị tài trợ một số tiền lớn cho công ty Đức để bảo đảm công việc của mình. Giới chức Berlin nói là một tỷ đô la. Vấn đề ở chỗ: Trump làm mọi cách để có được vaccine này cho Mỹ. “Nhưng chỉ dành cho Mỹ mà thôi“, một giới chức Chính phủ Đức nói.
Chính phủ Đức phản kháng
Chính phủ Đức hiện đang cố gắng ngăn chặn hành động của Trump. Nếu đó chỉ là về công việc nghiên cứu của Viện Paul Ehrlich, thì Chính phủ Liên bang Đức sẽ không khó thực hiện. Bởi vì viện này thuộc về nhà nước, cho nên Chính phủ Đức có thể cấm bán bất cứ lúc nào. Nhưng CureVac là một công ty tư nhân. Một lệnh cấm bán công ty chỉ có thể thực hiện trong các điều kiện đặc biệt.
Chính phủ liên bang hiện đang đi một con đường khác: đại diện của Bộ Y tế và Bộ Kinh tế đang đàm phán với công ty CureVac. “Chính phủ Liên bang Đức rất quan tâm đến vaccine này và các dược chất chống lại virus corona chủng mới, cũng đang được nghiên cứu ở Đức và châu Âu“, người phát ngôn của Bộ Y tế Đức cho biết. “Về vấn đề này, chính phủ Đức đang trao đổi ráo riết với công ty CureVac“.
Theo tin từ giới chức ở Berlin cho biết, Đức đang cố gắng giữ chân công ty với các đề nghị tài chính. Tuy nhiên cho đến chiều thứ Sáu vẫn chưa đạt được thỏa thuận. Công ty CureVac từ chối trả lời câu hỏi của tờ báo.
Đây là một vấn đề an ninh quốc gia
Theo quan điểm của các quan chức Chính phủ Đức, tranh chấp trong trường hợp cụ thể này vượt xa hơn mức độ bình thường. Bán một công ty với một loại thuốc quan trọng là một vấn đề an ninh quốc gia, căn cứ theo theo Bộ luật Biên giới Schengen, chương 6 áp dụng cho các trường hợp rất đặc biệt.
Trong đó nói có nói: “Kiểm soát biên giới sẽ giúp chống lại việc nhập cư bất hợp pháp và buôn người cũng như ngăn chặn mọi mối đe dọa đối với an ninh nội địa, trật tự công cộng, sức khỏe cộng đồng và quan hệ quốc tế giữa các quốc gia thành viên“.
Trên thực tế, tại một số Bộ, một sự di cư của các nhà khoa học hoặc thuyên chuyển kết quả nghiên cứu hiện được đánh giá là một vấn đề thuộc trật tự công cộng. Theo Luật Ngoại thương, cũng không thể loại trừ lệnh cấm bán các công ty một khi có nguy cơ về trật tự công cộng hoặc an ninh.
Tuy rằng các công ty khác cũng đang nghiên cứu một loại vaccine chống virus corona, nhưng số lượng người nhiễm bệnh ngày càng tăng, sẽ làm tăng áp lực lên Chính phủ Liên bang Đức trong việc giữ chân công ty CureVac với vaccine ở lại Đức.