Trung Quốc: Dịch bệnh và các triều đại suy vong

Phạm Đức Đồng Hùng

Trận dịch Covid -19 hiện tại có thể là dấu hiệu cho sự lập lại của lịch sử nếu nhìn vào sự suy tàn của “đế quốc Hán”  hay “đế quốc Nguyên Mông”.

Nhà Hán đã mở ra “Con đường tơ lụa” và mở rộng thương mại “toàn cầu” vào thế kỷ thứ hai trước Thiên Chúa Giáng Sinh. Tính tới thời điểm đó, nhà Hán đã xây dựng nên thực lực kinh tế – quân sự tầm cỡ “đế quốc” và mở rộng bờ cõi và xây dựng nên ảnh hưởng chưa từng thấy trong lịch sử của Trung Quốc.  Đế quốc Hán kiểm soát một diện tích đến 6 triệu cây số vuông, hơn xa đế quốc La Mã huy hoàng trước đó đến 2 triệu cây số vuông. Nhưng rồi dịch bệnh do những virus lạ mà “Con đường lụa” mang về cùng những lý do chính trị xã hội khác đã khiến nhà Hán diệt vong vào thế kỷ thứ tư, sau 4 thế kỷ cai trị.

Đế quốc Nguyên Mông hình thành vào thế kỷ 13, đã khôi phục lại “Con đường lụa” sau nhiều thế kỷ bị gián đoạn vì chiến tranh cát cứ, nạn thảo khấu v.v.. Nhưng rồi con đường này cũng mang tang tóc đến khắp đế quốc này theo bệnh dịch hạch, góp phần làm suy tàn đế quốc rộng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, kiểm soát một diện tích rộng đến 25 triệu cây số vuông.

Liệu đế quốc Trung Cộng đang hí hửng vói giấc mơ Trung Hoa, đang nôn nóng về thời diểm “không phải giấu mình” và vung ra hàng chục tỷ đô la cho “Con đường tơ lụa mới” mang tên “Một vành đai, một con đườmg” có thoát khỏi những tiền lệ trên hay không?

Nhà Hán

Nhà Hán trị vì từ năm 206 BC đến 220, kéo dài 4 thế kỷ, được xem như là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Ngày nay, nhóm sắc tộc chiếm tuyệt đại đa số tại Trung Quốc tự cho mình là người Hán, chữ viết Trung Quốc cũng được xem là chữ Hán và chủ nghĩa quốc gia hiện đang được Đảng cộng sản Trung Quốc thổi  bùng cũng được xem là “Chủ nghĩa Đại Hán”.

Nhưng bốn thế kỷ cai trị của nhà Hán bị gián đoạn bởi Vương Mãng,  người có đầu óc “xã hội chủ nghĩa”, kẻ đã soán ngôi và lập nên nhà Tân, trị vì từ năm 9 đến 23. Chính “Loạn Vương Mãng” này đã chia nhà Hán thành hai giai đoạn: Tây Hán với kinh đô ở Trường An và Đông Hán (23–220) với kinh đô ở Lạc Dương. Cũng cần nhắc thêm là 17 năm sau
“loạn Vương Mãng”, Hai Bà Trưng đã nổi dậy chống lại nhà Hán vào năm 40, xây dựng nền độc lập ngắn ngủi trong ba năm.

Thoạt đầu, khi mới trị vì, nhà Hán luôn thất thế trước sự tấn công của người Hung Nô (Xiangnu hay Hsiungnu), là tập hợp những bộ lạc sống du cư  ở khu vực Trung Á và khu vực là Mông Cổ ngày nay.  Năm 200 BC, chỉ sáu năm sau ngày ra đời, nhà Hán bị Hung Nô đánh bại và để tồn tại  phải chấp nhận quy phục, đầu tiên là gã công chúa cho vua Hung Nô và sau đó đều đặn cống nạp. Dẫu vậy, người Hung Nô vẫn thường xuyên tấn công biên giới phía Bắc nhà Hán để cướp bóc.

Đến thời Hán Vũ Đế, ông vua thứ bảy của nhà Hán, trị vì 29 năm từ 156  đến 87 BC, nhà Hán mới lấy lại ưu thế theo sự hình thành của “Con đường tơ lụa”.

Hán Vũ Đế được người Trung Quốc tôn sùng là một ông vua tài ba, đã củng cố viện nội trị và bành trướng lãnh thổ ra ngoài với các cuộc xâm lược vào các nước chung quanh trong đó có Việt Nam.

Để làm như thế thì đầu tiên phải giải quyết cái gai Hung Nô. Muốn làm như vậy thì phải cô lập nước này, liên kết với các thế lực quân sự khác ở vùng Trung Á. Với ý đồ địa lý chính trị này, Hán Vũ Đế đã vô tình phát minh ra “Con đường tơ lụa”.

Con đường tơ lụa và con đường dịch bệnh

Năm 138 BC Hán Vũ Đế sai Trương Khiên (Zhang Qian) đi sư sang Tây vực để liên kết với người Nguyệt Chi để chống lại Hung Nô. Nguyệt Chi là cách phiên âm Hán Việt từ từ  “Yuezhi”, vương quốc mà ngày nay là Tajikistan, một cựu “cộng hòa sô viết” thuộc Liên Sô trước đây.

Ý tưởng về sứ mạng ngoại giao này hình thành từ hai năm trước đó, khi một tù binh Hung Nô khai rằng vua Hung Nô từng chém đầu vua nước Nguyệt Chi rồi dùng đầu lâu làm đồ đựng rượu. Hán Vũ Đế tin rằng với mối thù này, người Nguyệt Chi sẽ liên kết với Hán và nhờ đó ông ta có thể uy hiếp Hung Nô theo thế hai gọng kềm. Trương Khiên được giao sứ mạng này, dẫn đầu một đoàn tùy tùng hơn trăm người, do một thủ túc tín cẩn người Hung Nô dẫn đường. Thủ túc này là  Cam Phụ (Ganfu), được Trương Khiên thu phục  từ những là tù binh.

Khởi hành chưa được bao lâu, phái bộ ngoại giao của Trương Khiên đã bị quân Hung Nô bắt được và Trương Khiên trở thành một nô lệ. Để thu phục lòng tin, Trương Khiên đã hòa nhập vào xã hội Hung Nô, lấy một phụ nữ Hung Nô làm vợ, có với bà ta một đứa con nhưng luôn rắp tâm trốn thoát. Mười năm sau, cơ hội nay đã đến, Trương Khiên cùng vợ con và Cam Phụ trốn thoát, tiếp tục cuộc hành trình và đến được xứ Nguyệt Chi. Nhưng vua nước này đã an cư, không muốn dây dưa với chuyện chiến chinh mà cũng không tin vào quan hệ đồng minh với nước Hán xa xôi và sau một năm lưu trú tại đây, Trương Khiên ra về. Trên đường trở về, Trương Khiên lại bị Hung Nô bắt, suýt bị xử tử nhưng người Hung Nô cảm phục khí tiết và “tinh thần nhiệm vụ” nên tha cho, chỉ giam lỏng. Một năm sau, 126 BC, Trương Khiên trở về diện khiến Hán Vũ Đế với một báo cáo chi tiết về tình hình vùng Tây Vực.

Trương Khiên đã vẽ lại bản đồ, mô tả tỉ mỉ những vùng đất ông đã đặt chân qua, từ vị trí địa lý đến phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và tiềm năng giao thương, tất cả trình bày trong cuốn Triều dã kim tài. Trong số những sản vật Trương Khiên đề cập, có một thứ mà Hán Vũ Đế đặc biệt chú ý là giống ngựa Hãn Huyết của người Nguyệt Chi: với giống ngựa này, kỵ binh Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trước kỵ binh Hung Nô. Sau đó, theo lệnh Hán Vũ Đế,  Trương Khiên tiến hành thêm hai sứ mạng ngoại giao nữa về phía  Tây và nhờ nắm vững tình hình, Hán Vũ Đế đã tiến hành nhiều chiến dịch quân sự  và cuối cùng khiến Hung Nô phải thần phục và hằng năm nộp cống cho nhà Hán.

Cũng nhờ nắm vững tình hình, Hán Vũ Đế cũng tiến hành những chiến dịch mở rộng cương thổ  tại vùng Trung Á và sau đó thiết lập một hệ thống giao thương rộng lớn tới tận khu vực Địa Trung Hải mà đời sau gọi là “Con đường tơ lụa” (Silk Road).

Con đường này bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh (Trung Quốc) qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Kazakhstan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Con đường cũng đi đến cả Triều Tiên và Nhật với chiều dài khoảng gần 6,5000 km.

Lợi ích thương mại từ con đường này giúp nhà Hán phồn thịnh nhưng cũng khiến nhà Hán suy vong.

Chính mối giao thương từ “Con đường tơ lụa” đã đem những con virus lạ từ vùng Địa Trung Hải vào Trung Quốc, những giống virus phát sinh từ súc vật và chỉ có thể sống sót và tác oai tác quá trên cơ thể con người khi gặp một cộng đồng có dân số ít nhất là 300,000 người.

Với “Con đường lụa” người Trung Quốc bắt đầu nếm mùi các căn bệnh chưa từng thấy đậu mùa, bệnh sởi, bệnh quai bị và bệnh ho gà, trong đó thê thảm nhất là những trận dịch sởi và đậu mùa lan liên miên trong thế kỷ thứ hai và thứ ba. Chỉ tính riêng bệnh dịch từ đoạn từ năm 165 đến 180 đã triệt hạ phần lớn dân số.  Ước tình vào thời điểm cao nhất, dân số Trung Quốc dưới thời nhà Hán là 60 triệu, đến năm 400, sau khi nhà Hán diệt vong, dân số là 50 triệu!   

Trong lúc đó thì nền chính trị lại nát như tương. Dưới thì ông chúng phẩn uất vì thuế cao,trên thì  nạn bè phái trong triều đình, nạn hoạn quan lũng đoạn nội chính, nạn cát cứ của các thế lực công thần sau vụ nổi dậy Hoàng Cân. Tất cả điều này đã khiến triều đình tê liệt và bất lực trước những thách thức của xã hội trong khi công khố thì cạn kiệt vì chinh chiến liên miên, vì phải trấn áp các cuộc nội dậy v.v..  Dịch bệnh lại làm kinh tế đình đốn, triều đình không thể thu thuế. Nhà Hán đi vào con đường suy tàn, sụp đổ là điều dễ hiểu.

Nữ sử gia Chang Chia Feng, giảng dạy tại Đại học Quốc gia Đài Loan, trong luận án tiến sĩ “Những khía cạnh của bệnh đậu mùa và vai trò của nó trong lịch sử Trung Quốc” (Aspects of Smallpox and Its Significance in Chinese History), trình tại Đại học London năm 1996, cho rằng bệnh đậu mùa đã được đoàn quân xâm lược của Mã Viện mang vào vùng Nam Trung Hoa và Việt Nan trong cuộc hành quân trấn áp cuộc nổi dậy của Hai Bà Trưng. Do thiếu sử liệu, chúng ta không biết dịch này phát tán ra sao vào lúc đó, phải đợi đến mười mấy thế kỷ sau đó thì các danh y Việt Nam như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông mới hạ bút mô tả về bệnh này.

Nhà Nguyên – Đế quốc Mông Cổ

Tuần trước chúng ta đã bàn về trận dịch Black Death (Cái chết đen) vào giữa thế kỉ 14 mà hậu quả tàn khốc hơn bất cứ cuộc chiến nào. Cao điểm của dịch này là tại Âu châu từ năm 1348 đến 1350 khiến từ 25 đến 50 triệu người chết, tức chiếm từ 30 tới 60% dân số và châu lục này phải mất tới 150 năm để phục hồi dân số như trước trận dịch. Sức hủy diệt khủng khiếp của “Cái Chết Đen” đã khiến Giáo hội Công giáo lúng túng, không thể giải thích được “ý Chúa”, dẫn đến  sự phân rã hay ra đời của nhiều tôn giáo mới.  Nó cũng làm thay đổi thị trường và đưa đến những thay đổi lớn về kinh tế và xã hội châu Âu, tạo ra những ảnh hưởng sâu đậm tới tiến trình phát triển của Âu châu.

Nói tới “Cái chết đen” trước đây người ta chỉ nói đến Âu châu nhưng nay nhiều học giả cho rằng nó xuất phát từ Trung Quốc, theo chân “Con đường tơ lụa”.

Sau khi nhà Hán suy tàn, các cuộc chiến liên miên cùng nạn thảo khấu cướp phá khiến cho những đoàn người buôn bán luôn gặp nguy hiểm và “Con đường tơ lụa” dần dà đi vào quá khứ.

Nhưng sau khi Hốt Tất Liệt (Kublai) chiếm Trung Quốc và lập nên đế quốc Nguyên Mông, mở rộng bờ cõi ra khắp châu Á và châu Âu, con đường này tấp nập trở lại và vô tình mang cái chết đen đi khắp Á – Âu.

Image result for silk road under the Mongol

“Cái chết đen” hoành hành khắp châu Âu và Trung Á trong ba năm 1348 – 1350 nhưng các sử liệu cho thấy căn bệnh này bùng phát trước tại Hà Bắc vào năm 1331 và chỉ ba năm sau  xóa sổ 90% dân số tại đây.  Mà Hà Bắc (Hebei) vốn là lãnh địa ban  đầu của Hốt Tất Liệt (Kublai).

Hốt Tất Liệt là con trai của Đà Lôi, con út của Thành Cát Tư Hãn. Khi ông nội mất năm 1227, ông bác thứ ba là Oa Khoát Đài, lên ngôi hoàng đế. Năm 1232 Đà Lôi qua đời và năm 1236 Mông Cổ chiếm được nước Kim,  Oa Khoát Đài đã trao đất Hà Bắc thuộc nước Kim cho vợ con của Đà Lôi, trong đó Hốt Tất Liệt nhận được một gia sản của riêng  là một thái ấp có 10,000 dân.  Sau nhiền biến động và nội chiến với các hoàng tử khác, năm 1271 Hốt Tất Liệt chính thức tuyên bố lập ra nhà Nguyên và đặt kinh đô tại Bắc Kinh, gọi là Đại Đô,

Dưới thời Hốt Tất Liệt, triều đình đã kiểm soát chặt an ninh của “con đường tơ lụa” và liên hệ giao thương rực tiếp Á – Âu đã được thiết lập,. Vào đầu thế kỷ 13, người châu Âu và Trung Á – thương nhân, khách du lịch và nhà truyền giáo của các quốc gia khác nhau – đã đến Trung Quốc. Sự thống nhất của Đế quốc Nguyên Mông cho phép một số lượng lớn người Trung Quốc, có ý định chiến tranh hoặc buôn bán, đi đến mọi nơi, đến tận Nga, Ba Tư và Lưỡng Hà.

Trận dịch hạch bùng phát tại Hà Bắc đã lan ra khắp Trung Quốc rồi theo “Con đường tơ lụa” truyền sang vùng Trung Á và Địa Trug Hải. Riêng tại Trung Quốc các sử liệu ho thấy thì chỉ trong 20 năm nước này đã mất một phần ba dân số. Năm 1200 dân số Trung Quốc là 124 triệu, nhưng cuộc điều tra dân số năm 1393 chỉ cho thấy có 65 triệu còn sống sót của Trung Quốc. Dĩ nhiên một số trong đó có nhiều người chết cho nạn nói, trong cuộc chiến của nhà Minh với nhà Nguyên, tuy nhiên phần lớn là do dịch hạch!

Các sử gia tin rằng chính trận dịch “Cái chết đen” đã góp phần chính vào sự sụp đổ của đế quốc Mông Cổ hùng mạnh. Con đường tơ lụa đã giúp đế quốc này giàu có hơn nhưng cũng làm dịch bệnh lây lan hơn khi sự sụt giảm dân số lớn  gây ra sự mất ổn định, hiến kinh tế đình trệ và đế quốc Nguyên Mông bị khai tử vào năm 1368.

Thay lời kết

Tập Cận Bình hay Vương Nghị đã dở giọng “đế quốc Đại Hán” từ  lâu; họ cũng vung tiền ra hòng xây dựng một “con đường tơ lụa mới” với dự án “Một vành đai, một con đường”. Và họ cũng  đã mở rộng  thực lực kinh tài –  quân sự và bờ cõi ở mức độ chưa từng thấy như nhà Hán hay đế quốc Nguyên Mông đã từng làm trước đó.

Tuy nhiên trận dịch hiện tại càng làm dân tình Trung Quốc ngao ngán, phẫn nộ trong khi thế giới bên ngoài giật mình, xem lại cung cách “bỏ hết trứng vào một rỗ” trong mối quan hệ giao thương với Trung Quốc. Nội tình Trung Quốc thì đầy những âm mưu tranh đoạn, soán ngôi giữa những bè phái khác nhau v.v.. Phải chăng là  “Đế quốc Đại Hán” của Tập Cận Bình đang thể hiện những dấu hiệu đầu tiên của “Đế quốc Hán” hay “Đế quốc Nguyên Mông” trước đây,  khi chúng bước vào thời kỳ suy tàn, sụp đổ!?

Related posts