Báo đóng cửa

Xin thưa ngay với bạn đọc: Việt Luận CHƯA đóng cửa nhưng nhiều tờ báo gạo cội trên thế giới đã phải làm thế. Họ đóng hoàn toàn hay phải mở ra nhiều cánh cửa khác để tiếp tục phục vụ bạn đọc. Đóng của trước tiên là nhiều tạp chí. Ngày trước, người ta ghé vào tiệm báo hay tiệm sách và thủng thẳng lướt qua hàng chục kệ trưng bày đủ thứ tạp chí rực rỡ. Ngày nay, mời bạn đọc vào tiệm báo… những kệ ấy đã thành … ‘lối xe ngựa cũ hồn thu thảo’ rồi!

Người ta nói tờ báo đầu tiên trên giấy đã do một người Đức sống vào cuối thế kỷ 16 – đầu thế kỷ 17 in ra. Tờ này có tên ‘Relation aller Fürnemmen und gedenckwürdigen Historien, Sưu tầm các chuyện nổi bật và đáng nhớ’. Còn ở Việt Nam, tờ nhật trình đầu tiên có tên là ‘Gia Định Báo’ in số đầu tiên vào năm 1865 tại Sài-gòn. Thoạt đầu Gia Định Báo in công văn, giấy tờ của chính phủ; sau đó, thêm vào bài vở về văn hoá và nông nghiệp. Coi hình, thấy tờ báo đầu tiên của nước mình chữ nghĩa rất ngay hàng thẳng lối dù chỉ in mực đen trên giấy vàng khè.

Nhìn vào đoạn đường báo chí đã qua, Việt Luận tự nghĩ phải thích ứng vào thời đại. Thật vậy, báo chí đã phải lột xác nhiều lần mới có ngày nay. Thủa xưa, làm báo thì dài cổ chờ bài từ ký giả. Ký giả viết bài trên giấy pelure rồi trao cho thư ký toà soạn. Thư ký toà soạn đọc qua rồi đưa cho thợ sắp chữ. Gọi là thợ sắp chữ cho oai. Thật ra đây là những chú bé con nhà nghèo có khi… mù chữ. Các em dòm vô hàng chữ nguệch ngoạc của ký giả mà sắp mò chữ để làm bản kẽm. Khi xong bản kẽm thì cần được thầy cò coi lại. Thầy cò sửa lỗi. Nhưng nhiều khi thầy cò lại … sửa sai (sửa cho sai!). Cuối cùng, bản kẻm này lên máy in. Máy dập lên dập xuống thành tờ báo. Báo in xong cũng chưa chắc được phát hành vì có thể bị lưỡi kéo kiểm duyệt cắt bỏ hay tịch thu. Hu! hu! Để tránh thế, nhiều báo biết điều ‘tự ý đục bỏ’ chỗ không được phải đạo cho lắm.

Khi người mình sang đây, báo chữ Việt cũng theo chưn. Giữa anh em làm báo có nghe chuyện mấy nhà báo Việt đầu tiên ở Úc phải dòm qua cửa sổ (hay qua lỗ khoá gì đó) để học nghề của mấy tờ báo ‘Ethnic’ đi trước. Thấy họ cắt cắt dán dán. Mình cũng cắt cắt dán dán. Làm báo thời đầu ở Úc phải sắm ngay cái kéo và bình keo. Kéo thiệt sắc và keo thiệt bự. Bài vở từ ‘cộng tác viên’ gởi về liền được gõ trên máy chữ. Chữ hồi đó không có dấu. Gõ xong thì bỏ dấu. Bỏ dấu là chuyện cười ra nước mắt. ‘Dam dang’ có thể là thành ‘đảm đang’ hay cũng có thể thành ‘Dâm đãng’ tuỳ theo óc tưởng tượng của người bỏ dấu. Bỏ dấu xong, chủ báo cắt bài thành từng cột dài ngoằn. Rồi phân ra và dán lên tờ giấy tổ bố bằng tờ báo bạn đọc đang cầm trên tay. Sau đó, ôm xấp giấy dán dầy cộm này trao cho nhà in.

Thời bỏ dấu chấm dứt khi có máy đánh chữ Việt đủ dấu diếc râu ria. Những dải băng bài vở dài ngoằn biến mất khi máy computer bự tổ chảng có bộ chữ VNI, VPS, hay gì gì đó. Rồi cây kéo và lọ keo của chủ báo bị loại khỏi chiến trường vì phe ta sắm những CoreDraw, PageMaker. Và bây giờ là Adobe Indesign không thua gì báo Tây. Trong thời đại tin học như hiện nay, nhiều báo như Việt Luận nhận bài vở, quảng cáo qua email, rồi indesign và FTP tới nhà in. Khoẻ re!

Tưởng là khoẻ nhưng … có ai học được chữ ngờ. Ngờ đâu kỹ thuật tin học cũng mở ra trang Web, Facebook, Instagram, WhatsApp, Twitter, Google+, vân vân. Các thứ đó chỉa ngàn mũi dao tùng xẻo báo giấy. Thế là báo giấy một là ‘fermer la boutique’ – nói như Chu Tử chủ báo Sống ngày trước; hai là không uýnh nổi mạng xã hội thì cúi mình kết thân với mạng xã hội.

Ngày nay, gần hết báo lớn nhỏ trên thế giới đều có trang Web, Facebook, Instagram, Twitter, vân vân. Việt Luận cũng có. Trước đây, các báo coi mạng xã hội như con ghẻ trong nhà. Nay con ghẻ làm ăn ra thì người ta xúm vô tôn các trang đó thành ‘cháu đích tôn’ với quyền nối dõi tông đường. Tương lai của báo giấy thuộc về Web, Facebook, Instagram, Twitter.

Nhiều người sờ vào mu rùa của lịch sử đã bói: vào năm 2040 trên thế giới sẽ không còn ai cầm trên tay một xấp giấy có in chữ chằng chịt mà đọc tin tức, bình luận hay coi hình ảnh nữa. Ai muốn giữ lại cái thú ấy: xin bước vào viện bảo tàng. Vậy thì chỉ 20 năm nữa thôi, rất đông bạn đọc ‘xấp giấy’ này sẽ kể chuyện cổ tích ‘ngày xửa ngày xưa … có một xấp giấy đề chữ Việt Luận….’

Thật vậy, báo in lên giấy dần dần nhường chỗ cho báo tung lên mạng, ví như tấm hình chụp bằng phim Kodak rồi rửa ra giấy bóng láng đã lùi bước cho hình ‘digital’ chụp bằng máy điện thoại di động. Nội đêm về sáng, hình in trên giấy đã biến mất. Ngược lại, báo giấy vẫn cầm cự dù cho báo mạng tràn lan. Đã 40 năm kể từ khi tờ báo giấy The Columbus Dispatch bên Mỹ chuyển qua Online mà ngày nay vẫn còn nhiều báo giấy sống lây lất. Trong số này, có ‘xấp giấy’ mang tên là Việt Luận đang ở trên tay bạn đọc.

Để ‘xấp giấy’ này tiếp tục đến tay bạn đọc, Việt Luận đã mở ra nhiều cánh cửa khác. Đó là trang Vietluan.com.au và facebook.com/VietLuanOnline. Việt Luận hân hạnh giới thiệu với bạn đọc. Mỗi lần bạn đọc ghé vào trang VietLuan.com.au là một lần bạn đọc nuôi sống báo giấy Việt Luận. Mỗi bạn đọc bấm Like hay Follow vào trang facebook.com/VietLuanOnline thì báo giấy Việt Luận hùng mạnh thêm tí.

Việt Luận kính mời và xin gởi lời cám ơn đến từng bạn đọc.

Việt Luận

Related posts