Hồi xưa, cứ nghe ai học xong tiến sĩ (PhD), thì tôi thấy khâm phục vô cùng. Mới thi tú tài xong tôi cũng thấy quá vất vả lắm rồi vì giấc mơ làm cậu tú đã là cả một biển đời mông mênh. Cái chữ ‘tiến sĩ’ chẳng bao giờ nằm trong từ vựng của gia đình tôi, và ngay cả giấc chiêm bao tôi cũng không dám hó hé mơ màng.
Tôi thường than vãn với bạn bè: “Ghét cái gì thì Trời cho cái đó.” Tôi rất ghét tiền, thế mà Trời không cho tôi một cắc nào. Thật ra, tôi thì ít khi ghét cái chi cả, chỉ sợ thôi. Cứ nghe ai đề cập đến chữ ‘tiến sĩ’ thì tôi cảm thấy run rẩy, mặt mày tái mét. Phải công nhận ông Trời ác thật, sợ gì thì cho nấy. Đúng vậy, sợ tiến sĩ thì phải leo ngọn núi tiến sĩ cao vời vợi cho chóng mặt.
Một ngày nọ, sau khi học xong cử nhân ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn, tôi cảm thấy đời mình như bế tắc, chẳng còn lối đi nào sáng sủa phía trước, chỉ có nước lên xe hoa về nhà vợ, rồi làm Tú Xương, ngồi nhà lẩm bẩm với đàn con cho qua ngày qua tháng.
Có đất nào như đất ấy không?
Phố phường tiếp giáp với bờ sông
Nhà kia lỗi phép con khinh bố
Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng (Tú Xương)
Thế rồi một buổi chiều, trong khi lang thang trên những con đường cây cao bóng mát ở khu nhà thờ Đức Bà Saigon, tôi tình cờ đi ngang qua một biệt thư khang trang, và ngoài cổng có bảng đề tên tòa Đại Sứ Úc Đại Lợi. Tôi bước vào một cách khúm núm, may ra được ngồi trong phòng lạnh đọc sách và báo chí về đại học ở Úc, và nhất là tránh được những luồng gió nóng của Saigon vào mùa hè.
Đúng là chó ngáp phải ruồi. Mà thật sự tôi có ngáp vài cái, nhưng không được con ruồi nào cả vì đang ngồi trong một phòng có máy lạnh của tòa đại sứ, ruồi Việt rất lịch sự, không dám vào.
Tôi linh cảm là Ông Trời đang mở mắt nhìn tôi, và thế nào cũng chỉ đường đưa lối cho tôi đọc những gì mà Trời đã định. Trước mắt tôi là cuốn sách chỉ dẫn về học bổng hậu đại học của đại học Monash, Melbourne. Tôi say sưa đọc, và trực giác cho tôi niềm tin là ‘con ruồi Monash’ đang âm thầm đợi chờ tôi… ngáp ngáp.
Tôi luôn luôn lạc quan, theo tôi ly nước nên được xem như là nửa đầy thay vì nửa cạn. Do đó khi được Monash University đồng ý cho học bổng, tôi nghĩ rằng đời mình đang là màu hồng, Oui, la vie en rose. Ngày nào tôi cũng hồn bướm mơ tiên…
Tôi mơ: nào là khi qua Melbourne, “qua cơn mê, tôi sẽ vô từng nhà” và thăm từng con đường, tôi sẽ luôn luôn tươi cười chào hỏi: “Hello I’m from Ngã Ba Ông Tạ, Vietnam,” hoặc là “I love Melbourne” and “I love you,” tôi tự hứa sẽ gắng học không đứng chót lớp, và sẽ không bao giờ biết yêu, chỉ thương nhớ qua loa cho đỡ cô đơn.
Ba tháng sau, như mùa thu không lá thu rơi, đời tôi không còn là màu hồng nữa mà toàn là mây đen xám xịt. Tôi phải buồn ơi chào mi nhìn thực tế cuộc đời. Tuần nào tôi cũng đạp xe lên nha du học, xem đi xem lại, thở ra, thở vô, sao đợi mãi mà chẳng có tên mình trong danh sách được đi.
Có lẽ tôi chưa ‘cúng’ ông bà tổ tiên đang mong đợi tôi. Nghe nói nếu cúng ít, thì bị đòn, còn cúng nhiều thì chỉ có cách giả vờ làm người cùi ngày đêm rên rỉ với khách qua đường may họa kiếm được chút đỉnh cho ông bà.
Thật vậy, đúng là ‘hồng nhan bạc phận’ – Tôi tự an ủi mình, tuy rằng nhan sắc tôi thì hết chổ chê, phải cần nhiều dao kéo may họa không bị bồ đá.
Thế rồi một buổi chiều…
Thằng bạn rất thân thì thầm bên tai tôi: “Thầy Mai Thọ Truyền của Văn Khoa mình cũng ở trong ban xét hồ sơ du học.” Với tin sét đánh này, tim tôi đập thình thịch, mồ hôi chảy nhễ nhại như mưa đột xuất của Saigon. “Trời ơi là trời, sao mày không nói cho tao biết suốt mấy tháng ròng rã cay nghiệt đợi chờ này.” Tôi chửi rủa thằng bạn ác hiểm thay vì cám ơn nó, và tôi phóng nhanh xe đạp đến văn phòng của Thầy Mai Thọ Truyền, lúc đó là Quốc Vụ Khanh Văn Hóa (ngang hàng với Bộ Trưởng).
Tôi chỉ là thằng học trò, mà Thầy là một Bộ Trưởng, giống y như Trần Minh Khố Chuối, muốn gặp quan đại thần. “It is Mission Impossible,” nhưng tôi cũng phải gắng, vì đây là nước cờ cuối cùng vì còn nước còn tát.
Tôi thập thò ở ngoài dinh thự như ăn trộm, còn Thầy thì kín cổng cao tường. Việc gì đến sẽ đến. Sau khi trần ai ̣núp núp, lén lén, cuối cùng, với vốn liếng ăn nói còn sót lại, tôi lọ̣t vào được dinh thự, liền chạy đến văn phòng của Thầy như đang bị cọp rượt.
Hai anh bảo vệ mắt sáng quắc, dí súng như sẵn sàng đối xử thẳng tay với ‘suicide bombers.’
Trong tình trạng căng thẳng này, nửa muốn bỏ chạy, nửa muốn chống đối với nghịch cảnh, tự dưng tôi bỗng nhớ lại lời dạy về Khổng giáo mà tôi đã học năm xửa năm xưa: “dĩ hòa vi quý.”
Thật ra, hồi đó, tôi hơi say sưa với triết học hiện sinh của Jean Paul Satre, nên coi Khổng Tử như ông già lỗi thời, dạy người ta sống trong ràng buộc. Chắc chắn là Françoise Sagan sẽ bonjour tristesse “tam tòng tứ đức.” Trong lúc căng thẳng khủng hoảng này, chỉ có lời dạy của mẹ tôi là hiệu nghiệm nhứt: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi.”
Với một nụ cười rất duyên dáng hiền hòa, hơn cả khi hoa anh đào nở, tôi nhẹ nhàng bước đến phía hai anh bảo vệ dễ thương dễ ghét để ‘chuyện trò’, cố gắng thuyết phục họ với những lời lẽ nhẹ nhàng thương yêu. Tuy vậy, hai anh mắt cứ trợn tròn, mặt mày trơ trơ “như giọt mưa khô trên tượng đá.”
– Sao lạc vào đây? Muốn gì?
– Dạ thưa anh, tôi muốn gặp ngài Quốc Vụ Khanh. (Tôi vẩn giữ nụ cười
duyên)
– Gặp làm gì? (Một anh vừa méo miệng, vừa la quát)
– Dạ có chuyện riêng muốn thưa với ngài.
– Đi ra mau. Ai muốn gặp cũng được hay sao. (Anh kia vừa la vừa hét, còn
người thì to và khỏe còn hơn Từ Hải trong truyện Kiều)
Đẹp trai không bằng chai mặt! Tôi tiếp tục với nụ cười và lời năn nỉ như đã từng điêu luyện trong ngày đầu thuyết phục tình nhân. Nhưng than ôi, nước cứ chảy mà đá vẫn không chịu mòn. Thật y như Thái Thịnh nhắc nhở: “Sông sâu là bao, nào đo được đâu, lòng người ta ai biết có dài lâu.”
Tôi lấy bao thuốc ra, nhiệt tình mời hai anh hút, nhưng chỉ thấy hai cái đầu lắc qua lắc lại. Bầu trời bỗng dưng tối đen, có lẽ vì “ngươì buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” Mưa bắt đầu rơi phơn phớt trên khóe mắt của tôi; tâm hồn tôi không còn tươi tỉnh và nét mặt ngây thơ của một sinh viên nghèo và vô vọng đang là thực tế của cuộc đời. Tất cả những hoài bão, giấc mơ và niềm tin đang tan biến dần với những hạt mưa. Sorry Monash, I love you dearly but I can’t be with you.
Anh hôn nhẹ màn thời gian còn
lại
Rồi mai này anh về với hư vô
Đếm ngày qua trong thu lạnh bơ vơ
Anh nhớ mãi đôi mắt buồn quen thuộc. (Tamar Lê)
Tôi định quay gót ra đi, rồi lang thang một mình trên con đường phố quen thuộc của Saigon, để được xoa dịu bởi cơn mưa hạ, và ít nhất cũng được trò chuyện với hàng cây bên đường, ̣và được đi vào mộng mơ.
Bỗng dưng, mắt tôi hoa lên như tia nắng dạt dào của mùa xuân trở lại sau những ngày đông lạnh giá. Trước mắt tôi là một hình ảnh tôi không bao giờ quên được. Từ văn phòng, một hình dáng khả ái, nụ cười hiền hòa, nhẹ nhàng bước ra và khoan thai bước xuống bậc thềm, cạnh chỗ tôi đứng.
Tôi như đang rơi sâu vào vực thẳm, với nước cuốn bèo trôi, tay chân ngo ngoe cố níu kéo giây phút khấp khểng còn lạ̣i của cuộc đời, miệng thì ngáp ngáp ̣để may ra Ông Trời trên cao nhìn xuống và biệt mình còn ngáp ngáp mà ra tay cứu giúp.
Người bước đến phía tôi chắc chắn là Thầy giáo yêu thương Mai Thọ Truyền vì vóc dáng đạo mạo, nét mặt hiền hòa, trái tim không bao giờ ngủ yên khi thấy học trò mình đang buồn ơi chào mi.
Thật ra tôi chưa bao giờ học với Thầy ở Văn Khoa và Ông Trời cũng biết điều này, rõ ràng như giấy trắng mực đen. Thầy dạy môn văn hóa Việt Nam cho sinh viên yêu nước yêu nhà, còn tôi thì vọng ngoại, học ban Anh Văn, cứ lo tôn thờ Shakespear và Elisabeth Taylor thôi à!
Tuy vậy, tùy theo thời cuộc, với đầu óc thích ngụy biện, tôi nghĩ rằng ở Việt Nam yêu quý của mình, cái logic mà tôi học về Tam Đoạn Luận là:
– Các vị̣ dạy học ở Văn Khoa là thầy.
– Thầy Mai Thọ Truyền dạy ở Văn Khoa.
– Do đó thầy Mai Thọ̣ Truyền là thầy (… của tui)
Thật ra mà nói, tôi còn thời giờ đâu mà ngụ̣y biện, nhất là trong khi hai anh bảo vệ̣, mặt mày đằng đằng sát khí, sẵn sàng còng tay mang tôi đi ăn sáng. Thôi thì gắng liều, có còn hơn không.
Như con nhái nhanh nhẹn, tôi phóng thẳng đến Thầy:
– Dạ thưa Thầy, con là sinh viên của Thầy ở Văn Khoa. Con chỉ xin được gặp Thầy 2 phút thôi. Định mệ̣nh của con đang nằm trong tay của Thầy.
Hai anh bảo vệ vừa đưa tay nắm áo tôi kéo đi, thì Thầy đưa tay ngăn.
– Con theo Thầy vào văn phòng nói chuyện.
Tôi mừng quá, ngoan ngoãn đi theo Thầy, để lại sau lưng hai em bé bảo vệ ngơ ngơ ngác ngác nhìn theo mà thậ́y đời mình thậ̣t vô duyên bẽ bàng
– Con nói cho Thầy biết chuyện gì vậy. (với giọng nói hiền từ của một cư sĩ, không phải từ một quan lại)
– Dạ thưa Thầy, con là học trò giỏi của trường Văn Khoa mình…
Và tôi thao thao bất tuyệt từ câu đầu cho đến câu cuối, chỉ có 2 phút thôi, thời gian là kẻ thù trong giây phút quý hóa này.
Thầy im lặng, lắng nghe tôi nọ́i như mẹ tôi thường âu yếm nghe tôi thủ thỉ trong ngày trẻ thơ. Với đôi mắt hiền hòa, Thầy nói:
– Con tên gì, viết lên đây cho thầy.
Chỉ lời nói ngắn gọ̣n cùa Thầy thôi mà đã làm cho mắt tôi thấy cay cay; nước mắt tôi cứ tuôn ra trên gương mặt học trò phờ phạc sau những ngày tháng đợ̣i chờ âu lo…
Thế rồi thời gian đằng đẳng trôi qua; tôi được sang Úc học rồi may mắn cũng leo lên được ngọn núi tiến sĩ (PhD) của Đại Học Monash; cũng theo duyên nghiệp của thầy, tôi đi theo con đường làm thầy gõ đầu trẻ ở Đại Học Tasmania.
Hè năm ngoái, tự dưng tôi thấy lòng mình xuyế́n xao, chỉ muốn bay về Saigon để tì̀m lại trong vườn kỷ niệm những rung cảm của ngày xưa.
Chiều ấy, sau khi lang thang trên những con đường cây cao bóng mát của Saigon, tôi tì̀nh cờ đi ngang qua Chùa Xá Lợi ở đường Bà Huyện Thanh Quan, đôi chân tôi bắt đầu mỏi. Tôi bước vào chùa để dừng chân đôi phút, và may ra được làn gió mát của Saigon lau khô những giọt mồ hôi.Khi bước vào cổng trước của chùa, tôi bàng hoàng xúc động, tự dưng hai hàng nước mắt tôi tuôn chảy, tim tôi như ngừng đập từ bao giờ. Tôi bật khóc nức nở như đứa bé ngày xưa khóc òa trong lòng mẹ.
Trước mặt tôi là bức tượ̣ng đồng của Thầy, với tên khắc Cư Sĩ Mai Thọ̣ Truyền, người mà tôi thương kính không bao giờ quên.
Tự dưng, tôi nghe như ai nhỏ nhẹ hỏi tôi: “Con tên gì, viết lên đây cho thầy.”