Những giải pháp cho coronavirus

Hiện tại, thế giới như đang trải qua một cơn địa chấn: hàng trăm sự kiện bị hủy bỏ, trường học, cửa hiệu, quán bar… bị đóng cửa, các hệ thống vận tải đang trong bế tắc.

Các quốc gia còn rất ít lựa chọn. Con số ca mắc bệnh và số người chết gia tăng. Các bệnh viện ở Ý, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất châu Âu, đã rơi vào trạng thái quá tải khiến các bác sĩ phải đau đớn quyết định ai sẽ được điều trị và ai sẽ phải bỏ qua. “Điều này thật tồi tệ”, Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối cùng cũng thừa nhận về tình trạng mà COVID-19 gây ra vào ngày 16/3/2020 còn tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nói với người Pháp “Đây chính là chiến tranh”.

Cách hành xử của mỗi quốc gia phản ánh sự khác biệt giữa các pha bệnh dịch cũng như sự khác biệt về nguồn lực, văn hóa, quan điểm của chính phủ và luật pháp. Nhưng cũng có cả sự nhầm lẫn về những gì là cách triển khai tốt nhất và cách giữ cân bằng cần thiết với những gì là hợp lý, đặc biệt trong một thời gian kéo dài. Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore dường như đang có những bài học quan trọng trong đối phó với bệnh dịch xung quanh mà không cần đến chiến thuật có phần cứng rắn của Trung Quốc. Một số chiến lược ứng phó ở những quốc gia đó chưa được áp dụng ở nhiều quốc gia khác: xét nghiệm trên diện rộng để tìm ca mắc bệnh, duy dấu những tiếp xúc của họ để kiểm tra hoặc cách ly họ, và khuyến khích – hoặc bắt buộc –  những người lây nhiễm cô lập chính mình.

Một bước sẽ không đủ, tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trong một cuộc họp báo gần đây. “Không chỉ riêng xét nghiệm. Không chỉ duy dấu tiếp xúc. Không chỉ tự cách ly. Không chỉ giữ khoảng cách xã hội. Hãy làm tất cả những điều đó”.

Giữ khoảng cách xã hội

Có ít nghi ngờ là việc giữ khoảng cách xã hội – tức là giữ cho mọi người khỏi tiếp xúc gần – có thể giảm bớt sự lây truyền của virus: đó là điều cần thiết được rút ra từ việc Trung Quốc kiểm soát dịch bệnh trong vòng nhiều tuần, theo một báo cáo của nhóm chuyên gia WHO và chính phủ Trung Quốc vào ngày 28/2/2020. Nhiều quốc gia khác hiện đang quyết định khoảng cách tiếp cận này ở mức bao nhiêu là đủ.

Nhiều quốc gia đã cấm tụ tập hoảng 1000 người và đã thành công trong việc giảm bớt số lượng tụ tập. Một số đã đóng cửa các nhà hát, rạp chiếu phim, hàng ăn, phòng tập cũng như nhiều địa điểm tôn giáo. Đức đã đóng cửa nhiều cửa hàng bán đồ không thiết yếu nhưng lại nới rộng giờ bán hàng ở siêu thị để giảm số lượng ngươi mua trong cùng một thời điểm. Ở một số quốc gia, các cửa hàng  đã dành nhiều giờ bán đầu tiên trong ngày cho những người mua hàng lớn tuổi để tránh nguy cơ rủi ro bị nhiễm bệnh cho họ.

Trường học đóng cửa khiến nửa tỉ trẻ em ở nhà, theo UNESCO. Liệu điều đó có ý nghĩa vẫn còn gây tranh cãi. COVID-19 hiếm khi gây bệnh ở trẻ em, và vẫn còn chưa rõ là chúng phát triển những lây nhiễm không triệu chứng và làm lan truyền virus hay không. Việc đóng cửa trường học có thể khiến gia tăng thêm lợi ích của việc buộc cha mẹ phải ở nhà nhiều hơn. Mặt khác, một số trẻ em có thể được ông bà chăm nom. Dẫu vậy thì trẻ em có thể mất thêm nhiều tháng học tập nữa và việc nghỉ học đôi khi cũng có cái giá của nó: nhiều em phụ thuộc vào chương trình ăn trưa miễn phí ở trường. Đól à nguyên nhân giải thích tại sao một số chuyên gia y tế công cộng nói các biệp pháp đảm bảo tình hình cần được áp dụng một cách linh hoạt. Áo và Hà Lan đã gửi phần lớn sinh viên về nhà nhưng các trường phổ thông vẫn mở cho con cái của những người làm việc tại các khu vực quan trọng tới.

Nhiều quốc gia đã có những biện pháp cực đoan nhất: buộc toàn bộ dân số ở nhà. Trung Quốc áp dụng cách này vào cuối tháng 1/2020, khibuộc  hơn 50 triệu người ở Hồ Bắc ở nhà. Một số chuyên gia lập luận là các quốc gia phương Tây có thể không bao giờ có thể áp dụng các biện pháp hà khắc như vậy – với việc ảnh hưởng đến quyền con người và làm tê liệt nền kinh tế – nhưng ở Italy, người ta đã sốc bởi sự quá tải của hệ thống y tế tại miền Bắc. Tại Pháp, 100.000 cảnh sát bắt đầu tuần tra trên đường phố từ ngày 17/3/2020 để đảm bảo người dân ở nguyên bên trong, không đi ra ngoài ngoại trừ các lý do thiết yếu.

Xét nghiệm và cô lập

Một số quốc gia đã đánh bại được virus mà không cần đến các biện pháp hà khắc. Một ví dụ là Hàn Quốc, nơi đã xác nhận lây nhiễm từ 909 ca vào ngày 29/2 xuống còn 74 vào trung tuần tháng ba. Thay vào đó, yếu tố chính dẫn đến thành công là việc triển khai một chương trình xét nghiệm trên quy mô lớn và được tổ chức tốt, kết hợp với các nỗ lực mở rộng để cô lập người lây nhiễm, truy cấp và cách ly những người họ tiếp xúc. Vào ngày 16/3/2020, Hàn Quốc đã xét nghiệm hơn 270.000 người, nhiều người được xét nghiệm tại một mạng lưới hàng trăm bến xe, bến tàu, nhà ga…, một chiến dịch diễn ra ở khắp nơi có thể dễ dàng xét nghiệm và ngăn người bị nhiễm virus khỏi phơi nhiễm cho những người khác trong phòng chờ.

Nhưng ở Mỹ, sự tồn tại của một hệ thống quan liêu và những vấn đề với các bộ kit xét nghiệm nhanh đã khiến cho công việc như vậy khởi đầu chậm chạp. Vào ngày 16/3/2020 mới chỉ có 74 xét nghiệm trên một triệu dân, trong khi Hàn Quốc là 5200 xét nghiệm trên một triệu dân.

Ở châu Âu, Đức đang là người dẫn đầu với hơn 100.000 ca xét nghiệm trong một tuần, Christian Drosten, nhà vi trùng học tại Bệnh viện Charité ở Berlin, người phát triển xét nghiệm này nói. Nhưng các quốc gia khác cũng mới tăng quy mô xét nghiệm. Sự chậm chạm này khiến cho tổng giám đốc WHO Tedros luôn nhắc đi nhắc lại “xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm’ mỗi ngày. Các quốc gia không thể chống lại bệnh dịch này một cách mò mẫm được,” ông nói trong cuộc họp báo ngày 16/3/2020. “Họ phải biết nơi nào có ca mắc bệnh.” Marcel Salathé, một nhà miễn dịch học tính toán tại Viện Bách khoa liên bang Lausanne, đồng ý. “tại điểm này, 100% quốc gia đã kiểm sóa dịch bệnh bằng xét nghiệm, cô lập, cách ly”. Bây giờ việc cần làm là “tìm từng trường hợp lây nhiễm và tiếp theo từng phơi nhiễm tiềm năng và phá vỡ mọi chuỗi lây truyền có thể.”

Chưa tới điểm kết thúc

Với nhiều người, câu hỏi lớn nhất là: khi nào, và như thế nào, sẽ kết thúc bệnh dịch này? Bây giờ rõ ràng là con người khó có thể rũ bỏ COVID-19 như đã làm với SARS vào năm 2003, Mark Woolhouse, một nhà miễn dịch học tại trường đại học Edinburgh nói: “Chúng ta sẽ phải sống chung với chính virus này vô thời hạn.”

Như vậy có thể chúng ta phải đóng cửa xã hội trong nhiều tháng với một chi phí lớn cho nền kinh tế, đời sống xã hội, sức khỏe tâm thần, ít nhất cho đến khi một vaccine sẵn sàng được cấp phép. Đâ là điều không thể tưởng tượng nổi với Woolhouse và nhiều người khác.

Một vài quốc gia đang nghĩ về việc để cho người dân tự xây dựng miễn dịch bằng việc từ bỏ lệnh đóng cửa hoàn toàn và cho phép một số lây nhiễm tại chỗ, với nhóm ít có nguy cơ rủi ro như trẻ em và thanh niên. Đó là chiến lược mà thủ tướng Hà Lan Mark Rutte loan báo vào ngày 16/3/2020. “Với việc thực hiện cách tiếp cận này, một số người sẽ trải nghiệm một số triệu chứng nhẹ, chúng ta có thể hình thành sự miễn dịch và đảm bảo hệ thống y tế của chúng ta có khả năng ứng phó,” Rutte nói. Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, nhà miễn dịch học Jaap van Dissel của Viện nghiên cứu Sức khỏe công cộng và môi trường quốc gia Hà Lan giải thích mục tiêu là “chuẩn độ” các biện pháp kiểm soát để các bệnh viện khỏi quá tải. (Anh cũng đã đề xuất mong muốn xây dựng miễn dịch cộng đồng nhưng lại bỏ cuộc trước những phản hồi gay gắt.)

Một nghiên cứu mô hình của các nhà nghiên cứu ở Imperial College London, đưa lên mạng vào ngày 16/3/2020, kết luận là ngay cả một dịch bệnh giảm nhẹ thì vẫn làm quá tải các hệ thống y tế và là nguyên nhân dẫn đến ít nhất 250.000 người chết ở Anh và hơn 1,1 triệu người ở Mỹ. Kiểm soát virus bằng việc kết hợp tất cả những phương pháp hiện hành, bao gồm đóng cửa trường học và giữ khoảng cách tiếp xúc trong toàn bộ dân số, là “chiến lược khả thi duy nhất tại thời điểm hiện tại”, nhóm nghiên cứu viết.

Điều này gợi ý về một kế hoạch giãn cách, một dạng “nghỉ dùng thuốc” đan xen với những thời gian dùng thuốc, ở đây có nghĩa là có thể áp dụng những biện pháp hà khắc xen kẽ với giai đoạn nới lỏng. Theo kịch ban đó, dân số có thể sẽ hình thành được sự miễn dịch với virus, nhưng vẫn còn những cơn bùng phát dịch nhỏ thay vì một cơn  đại dịch. Đây không phải là kịch bản hấp dẫn nhưng có thể là không còn lựa chọn nào khác. Như nhà miễn dịch học Seth Berkley, người phụ trách Liên minh Vaccine GAVI, nói “Anh không thể nói trái đất phải dừng cho một hoặc hai năm được.”

Thanh Phương lược dịch

Nguồnhttps://www.sciencemag.org/news/2020/03/mass-testing-school-closings-lockdowns-countries-pick-tactics-war-against-coronavirus

Related posts