Lê Vy
Trung Quốc đã giảm hơn 21 triệu thuê bao điện thoại di động kể từ đầu năm 2020, theo tuyên bố vào ngày 19/3 của chính quyền Bắc Kinh. Nhiều nhận định cho rằng có khả năng những ca tử vong do virus Vũ Hán chiếm một phần trong số lượng thuê bao ngừng hoạt động này.
Điện thoại di động là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc. Người dân sử dụng điện thoại di động để đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng hàng ngày (mua sắm, mua vé tàu xe, thanh toán hoá đơn…) cùng các yêu cầu của chính phủ về lương hưu và an sinh xã hội.
Ông Tang Jingyuan, một nhà bình luận về Trung Quốc sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times ngày 21/3 rằng chính quyền Trung Quốc yêu cầu tất cả người dân Trung Quốc sử dụng điện thoại di động của họ để tạo mã sức khỏe. Hiện tại, chỉ người Trung Quốc nào có mã sức khỏe xanh mới được phép di chuyển tại Trung Quốc. “Gần như là không thể huỷ đi thuê bao điện thoại của mình,” ông Tang nói.
Ngày 1/12/2019, chính quyền Trung Quốc đưa ra quy định người dân phải quét khuôn mặt để xác nhận danh tính khi đăng ký điện thoại. Trước đó, từ tháng 9/2010, Trung Quốc đã yêu cầu tất cả người dùng điện thoại di động phải đăng ký điện thoại với các thông tin cá nhân được xác thực của mình, nhằm kiểm soát phát ngôn của người dân thông qua hệ thống giám sát quy mô lớn.
Ngoài ra, tài khoản ngân hàng và tài khoản an sinh xã hội của người dân Trung Quốc cũng gắn liền với số thuê bao di động.
Ngày 10/3/2020, chính quyền Bắc Kinh lần đầu tiên ra mắt mã y tế trên ứng dụng trên điện thoại di động. Tất cả mọi người ở Trung Quốc phải cài đặt ứng dụng và đăng ký thông tin sức khỏe cá nhân của họ. Sau đó, ứng dụng tạo ra mã QR với ba màu sắc khác nhau để phân loại mức độ sức khỏe của người dùng. Màu đỏ có nghĩa là người đó mắc bệnh truyền nhiễm, màu vàng có nghĩa là người đó có thể mắc bệnh và màu xanh lá cây có nghĩa là người đó không mắc bệnh.
Chính quyền tuyên bố các mã y tế nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus Vũ Hán.
> Tại sao Mỹ không tin các số liệu về dịch corona của Trung Quốc?
3 nhà mạng giảm 21 triệu thuê bao di động
Theo dữ liệu của cả ba nhà mạng điện thoại di động Trung Quốc, số thuê bao di động liên tục tăng vào các tháng trước đó, nhưng giảm mạnh từ đầu năm 2020.
China Mobile là nhà mạng lớn nhất, nắm giữ khoảng 60% thị phần. Trong tháng 12/2019, China Mobile có thêm 3,732 triệu tài khoản, nhưng đã mất 0,862 triệu tài khoản vào tháng 1/2020 và 7,254 triệu vào tháng 2/2020. Tổng cộng, China Mobile mất 8,116 triệu thuê bao trong tháng 1 và tháng 2. Sự sụt giảm mạnh này là một điều rất bất thường.
So sánh với cùng kỳ năm 2019, khi đó China Mobile có thêm 2,411 triệu tài khoản trong tháng 1/2019 và 1,091 triệu tài khoản trong tháng 2/2019.
Xem số liệu của China Mobile tại đây.
China Telecom với khoảng 21% thị phần di động, đã ghi nhận con số tăng 1,18 triệu người dùng vào tháng 12/2019, nhưng mất 0,43 triệu người dùng vào tháng 1/2020 và 5,17 triệu người dùng vào tháng 2/2020. Tổng cộng, China Telecom mất 5,6 triệu thuê bao trong tháng 1 và 2.
So sánh với cùng kỳ năm 2019, China Telecom đã có thêm 4,26 triệu người dùng trong tháng 1/2019 và 2,96 triệu người dùng trong tháng 2/2019.
Xem số liệu của China Telecom tại đây.
China Unicom với khoảng 19% thị phần di động, đã công bố dữ liệu 2 tháng đầu năm 2020. Theo đó, công ty đã mất 1,186 triệu người dùng vào tháng 1/2020, và mất 6,601 triệu người dùng vào tháng 2/2020. Tổng cộng, China Unicom mất 7,787 triệu người dùng trong 2 tháng.
So sánh với cùng kỳ năm 2019, China Unicom đã có thêm 2,76 triệu người dùng vào tháng 1/2019 và 1,962 triệu người dùng vào tháng 2/2019.
Những nghi vấn
Trung Quốc cho phép mỗi người trưởng thành được phép đăng ký tối đa 5 số điện thoại di động. Kể từ ngày 10/2, phần lớn học sinh, sinh viên Trung Quốc đã tham gia các lớp học trực tuyến bằng tài khoản được đăng ký với số điện thoại di động, trong đó có nhiều tài khoản đăng ký dưới tên cha mẹ họ. Điều đó có nghĩa là nhiều bậc phụ huynh đã phải đăng ký thêm tài khoản di động trong tháng 2, và lẽ ra con số thuê bao sẽ tăng lên.
Trước sự sụt giảm bất thường này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra, trong đó có nghi vấn liệu số lượng tài khoản điện thoại di động giảm mạnh có phải là do tài khoản của những người đã chết vì virus Vũ Hán bị đóng lại hay không.
Ông Tang cho biết có thể một số lao động nhập cư đã có hai số điện thoại di động, trong đó 1 số dùng cho công việc. Vào tháng Hai, họ có thể đóng thuê bao công việc vì không thể đến thành phố làm việc do lệnh phong toả. Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế cũng có thể khiến một số người có điện thoại di động phải huỷ bớt số.
Tuy vậy, ngày 17/3, Trung Quốc đã báo 90% lao động trên cả nước (trừ tỉnh Hồ Bắc) đã trở lại làm việc như bình thường.
“Nếu có 10% tài khoản điện thoại di động bị đóng vì người dùng đã chết vì virus Vũ Hán, thì số người chết sẽ là 2 triệu,” ông Tang ước tính.
So sánh với tình hình ở Ý cũng cho thấy Trung Quốc đã không báo cáo đầy đủ về số người chết. Ý cũng đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn khá tương tự như Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong của Ý ở mức 9%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ 4% tại Trung Quốc.
Các hoạt động tại tâm dịch Vũ Hán cũng cho thấy sự mâu thuẫn với số người chết được báo cáo ở Trung Quốc. Bảy nhà tang lễ ở thành phố này cho biết họ đã đốt xác 24 giờ một ngày, bảy ngày một tuần vào cuối tháng Một. Kể từ ngày 16/2, tỉnh Hồ Bắc đã sử dụng 40 lò hỏa táng di động, mỗi lò có khả năng đốt năm tấn chất thải y tế và thi thể mỗi ngày.
Do thiếu dữ liệu, nên số người chết thực sự ở Trung Quốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn là một bí mật. Tuy nhiên, việc hơn 21 triệu số điện thoại di động “biến mất” đã cho thấy số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều so với số chính thức.
Lê Vy (theo Epoch Times)