Không ai muốn, chúng ta phải sống trong thời đại mắc dịch. Nghe hai chữ ‘mắc dịch’ nhiều bạn đọc nhíu mày. Có người bực mình vì Việt Luận dùng chữ nghe… ‘mắc dịch’ quá đi. Ông bà mình chỉ dùng hai chữ này để chỉ hạng người… mắc dịch mà thôi. Nhưng sự thật là thế — đừng tránh né hay giấu diếm. Càng né thì càng bị …mắc dịch nhiều hơn.
Nhờ xảy ra đại dịch, cả thế giới phải giật mình giật mẩy khi làm những chuyện xưa rày mình làm như cái máy. Xin lấy cái bắt tay làm thí dụ. Bắt tay đã có từ thời cổ Hy Lạp. Trong những năm trước Công Nguyên, chiến binh Hy Lạp thường cầm sẵn trên tay vũ khí, gặp kẻ thù là vung vũ khí ra uýnh liền. Tuy nhiên, ở đời có những khi không gặp kẻ thù mà lại gặp bạn. Lúc đó, chiến binh Hy lạp chìa tay trơn ra cho bạn mình thấy tấm lòng thân. Ngược lại, người bạn cũng đưa tay trơn ra đón lấy tình thân của bạn. Họ rung rung hai bàn tay với nhau để cầm chắc người anh em phía bên kia không giấu tí vũ khí nào trong cánh tay.
Dần dần, cái lối bắt tay này phổ biến trong các nước theo văn minh phương Tây. Rồi lan rộng khắp thế giới. Ngày nay, gần khắp nơi trên thế giới người ta gặp ai cũng bắt tay: bất kể bạn hay thù.
Thoạt đầu, chiến binh Hy Lạp cần một tích tắc (hay một sát-na, nếu nói theo chữ nhà Phật) để nhận ra bạn hay thù. Nhận ra ai là người trước mặt, chiến binh ấy hoặc vung vũ khí ra giết hay chìa tay trơn ra để tỏ tình thân. Phải suy nghĩ kỹ lắm cho từng cái bắt tay vì sống hay chết tuỳ theo mình chìa tay trơn hay vung vung khí. Đó là chuyện cổ tích. Còn ngày nay người ta bắt tay như cái máy. Thấy người khác là chìa tay. Thấy người ta chìa tay là mình bắt liền. Không suy nghĩ.
Vào thứ ba tuần qua, ông thủ tướng Hoà Lan họp báo. Ổng uyên thuyên dạy dỗ dân Hoà Lan chớ bắt tay. Ghê lắm đó! Coi chừng lây con Corona bla… bla … bla. Nói xong ổng đứng dậy và …. chìa tay bắt một quan lớn đứng bên cạnh! Hì. Hì. Trong buổi họp báo ở Sydney vào tuần qua chung với ‘nội các quốc gia, national cabinet’, thủ tướng Úc Scott Morrison cũng khuyên dân Úc chớ bắt tay. Họp báo xong ổng đứng dậy và … chìa tay về phía bà Gladys Berejiklian, thủ hiến NSW! Hình như bà này hứ lên một tiếng và không đón bàn tay của thủ tướng Úc. Ở bên trời Tây cũng thế, bà thủ tướng Đức Angela Merkel họp báo khuyên dân Đức chớ bắt tay trong mùa mắc dịch này. Nói xong bà đứng dậy. Chìa tay…
Mà không phải chỉ có bắt tay. Chúng ta còn làm nhiều chuyện khác mà không suy nghĩ. Sờ lên mặt là chuyện khác gây giật mình trong thời đại mắc dịch này. Nào ta quan sát và đếm coi mỗi ngày mình sờ lên mặt bao nhiêu lần. Cứ mang con heo ra, mỗi lần sờ thì bỏ đồng cắc vào heo. Chỉ vài ngày là heo đầy bụng. Bình thường, mỗi ngày một người sờ mặt mình 23 lần. Trong thời đại mắc dịch như hiện nay, sờ vào mặt là … tự sát. Vậy mà ai cũng sờ. Và sờ mà không suy nghĩ. Ở Santa Clara, California – nơi có khá đông người mình định cư, bác sỹ Sara Cody mở họp báo. Bác sỹ này khuyên dân Santa Clara đừng lấy tay sờ vào mặt mình. Nguy hiểm lắm đó! Đang nói thế, bà bác sỹ lấy ngón tay bỏ vào miệng của mình thấm nước miếng để lật cuốn sổ tay sang trang khác. Boom! Chuyện này bay như gió trên mạng. Và bay còn nhanh hơn con Corona.
Khi dịch Corona bùng lên, người ta thấy bến bờ mỏng dính giữa sống chết chỉ cách nhau có cái mặt mạ. Rất buồn khi quá đông người dính và quá đông người không qua nổi con trăng. Nhưng dịch Corona này có thể thành lời cảnh tỉnh. Xã hội hối hả phải ngưng lại. Khi giao tiếp ngoài xã hội phải giữ khoảng cách và cần suy nghĩ trước khi làm những chuyện trước đây ai cũng làm một cách vô thức. Cuối cùng, chúng ta phải thu về trong nhà của mình. Nên còn lại trước mặt chỉ là người thân yêu. Nào ta yêu lấy người người thân yêu! Việt Luận cố ý lập lại hay chữ ‘yêu’ trong câu ấy để bạn đọc giật mình. Ta gọi người ấy là ‘thân yêu’ mà có ‘thân’ và có ‘yêu’ họ không? Xin dừng lại một sát-na để hỏi mình câu ấy nghen.
Và cũng phải dừng lại một sát-na để suy nghĩ khi làm bất cứ chuyện gì trong đời. Thức dậy, khi chà răng, rửa mặt và mặc quần áo – ta có nghĩ mình đang làm mấy chuyện đó không. Leo lên xe, rồ máy, sang số, đạp ga và bẻ tay lái – ta có nghĩ mình đang làm mấy chuyện đó không. Thưa không. Chỉ có mấy cô cậu học lái xe mới suy nghĩ. Nào ta trở lại làm cô cậu mới học lái xe. Và mở rộng ra: nào ta trở lại làm những chú bé bắt đầu tập sống.
Sống có suy nghĩ là đặc tính phân biệt giữa con người với thực vật và động vật. Tiếc thay! con ngươi bỏ xó cái đặc tính ấy từ khuya rồi. Bây giờ — nhờ thời mắc dịch — loài người cần trở về với cách sống của đức Phật: sống từng hơi thở, từng bước đi trong chánh niệm.
Chánh niệm sẽ cứu thế giới khỏi mắc dịch.
Việt Luận