Hai tuần lễ sống chết cho nước Úc

Cổ Nhuế

Vào thứ Hai đầu tuần qua, khi cập nhật về đại dịch COVID-19 bác sĩ Paul Kelly – phụ tá trưởng ban y tế của Úc (Deputy Chief Medical Officer) cảnh cáo: trong vài tuần lễ sắp tới con số người dính con Corona tại Úc có thể tăng lên theo cấp số nhân.

Cũng trong ngày đầu tuần qua Úc buộc người từ nước ngoài đến đây phải tự cô lập 14 ngày và người ở trong nước không được tập trung đông hơn 500 người. Liền trong ngày thứ Hai hôm ấy, tiểu bang Victoria và lãnh thổ thủ đô ACT tuyên bố tình trạng khẩn trương để nhân viên y tế được rộng tay thi hành các biện pháp ngăn ngừa con Corona lan rộng. Trước đó một ngày, tiểu bang Tây Úc tuyên bố tình trạng khẩn trương và cảnh cáo ai vi phạm luật tự cô lập 14 ngày có thể bị phạt lên đến $50,000. Ở Victoria, ai vi phạm có thể bị phạt lên đến $19,826. Ở NSW, ai vi phạm lệnh cô lập có thể bị phạt lên đến $11,000 Đô la.

Khi Cổ Nhuế viết bài này, ở Úc số người bị dính con Corona 568 hay hơn nữa. Trong số này đông nhất là ở NSW: tới mức 300 người (hay hơn nữa) bị dính. Sau NSW, hai nơi có đông người Úc bị dính con Corona là Victoria và Queensland. Trước con số ‘quán quân’ của NSW, ông bộ trưởng y tế tại tiểu bang Brad Hazzard cũng dùng đến chữ ‘tăng lên cấp số nhân’ khi nói về đà lan rộng của con Corona tại tiểu bang nhà.

Úc sẵn sàng: Thiệt không?

Chúng ta luôn luôn nghe nói Úc đã sẵn sàng. Nhà nước nói vậy thì cứ tin vậy cho lành. Tuy nhiên, thỉnh thoảng có người xì ra chỗ này chỗ kia cho thấy nước Úc không phải là Trung Cộng mà cũng chưa phải là … thiên đàng. Nào ta hí mắt dòm vào vài ba vết nứt ở đất nước phước đức này.

Úc có đủ bộ đồ nghề (kit) để thử con Corona nhưng – tiếc thay – theo lời bác sỹ Paul Kelly (phụ tá trưởng ban y tế của Úc) Úc lại gặp trục trặc về vài ba thứ ‘phụ tùng lỉnh kỉnh’. Vì thiếu mấy thứ lỉnh kỉnh này, bộ đồ nghề kia cũng phải… bỏ xó. Hơn nữa, có phòng thí nghiệm thử con Corona đã thử đến 1,600 người mà chỉ tìm được 1 người bị dính. Vin vào kết quả này, Úc đang nghĩ lại thử cách nào để bớt việc cho phòng thí nghiệm dù cho ông bác sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus, giám đốc tổ chức WHO, lớn tiếng kêu gọi các nước phải ‘test, test, test – thử, thử, thử’. Úc đã thử gần 100 ngàn nhiều người. Ở NSW các bệnh viện đã thử con Corona cho hơn 25 ngàn người. Ở Queensland, mỗi ngày ít nhất 1,200 người được thử. Trong tuần lễ này, chính phủ Úc tung ra thêm 100 ngàn bộ đồ nghề thử con Corona. Nhưng ngần ấy có lẽ vẫn chưa đủ. Ngay bây giờ số người Úc lo lắng bị dính đang tăng mạnh. Bác sỹ John Dwyer, thuộc đại học NSW, cho rằng Úc cần mở rộng hơn nữa số người được thử con Corona.Vì không thử đông người, chính phủ đang làm cho thêm nhiều người bồn chồn…và có thể khiến cho nhiều chết oan.

Sau khi thử con Corona, nếu ai đó bị dính thì có thể phải vào bệnh viện. Xin nhấn mạnh hai chữ ‘có thể’ vì lên đến 80% người dính con Corona không cần vào bệnh viện. 20% còn lại bị nặng nên phải vào đó. Khi vào bệnh viện thì chỉ có một số nhỏ phải nằm phòng cấp cứu (ICU, hay Intensive Care). Khi nằm trong phòng cấp cứu thì một số nào đó cần đến ‘máy thở, ventilator’. Máy thở là chuyện nhức đầu ở Úc.

Chuyện khác là không rõ bệnh viện Úc có sức đón hết bệnh nhân COVID-19 không. Bác sỹ Kerry Chant, trưởng ban y tế của NSW, cho biết NSW đang chuẩn bị đối phó nếu 20% dân chúng bị dính con Corona. Đồng thời, các phòng cấp cứu trong bệnh viện sửa soạn đón 5% người bị dính vào đó. Và hiển nhiên, nhà xác cũng bắt đầu sửa soạn đón…. Thật vậy, cứ cho là năm người Úc chỉ có một người dính con Corona (đây là con số thấp nhất) thì lên đến 5 triệu người dính. Lại lấy tỷ lệ thiệt mạng thấp nhất (1%). Trong vài tuần tới chúng ta phải đưa chân 50 ngàn người qua bên kia thế giới! Nhà xác và lò hoả thiêu sẽ phải làm việc ngày đêm không thua gì bệnh viện.

Đến đây, xin nói qua một trục trặc khác trong bệnh viện Úc. Thật vậy, một trong những triệu chứng của COVID-19 là khó thở. Vậy là bệnh viện thường cho bệnh nhân dùng ‘máy thở, ventilator’. Hiện nay Úc lại thiếu thứ máy này. Không biết Úc thiếu bao nhiêu máy thở. Chỉ biết ở Anh chỉ có 5,000 máy mà bộ trưởng y tế Anh đang than trời. Ở Ý vì thiếu máy thở, bác sỹ phải buộc lòng rút ống để cho người này chết rồi cho người kia được thoi thóp với chiếc máy cứu tinh này. Ở Mỹ, có ông thống đốc tiểu bang xin Bạch Ốc cung cấp máy thở, tổng thống Donald Trump trả lời ‘Lo mà tự kiếm lấy!’. Để có thêm ‘máy thở’ tiểu bang Tây Úc huỷ bỏ các cuộc giải phẩu không phải để cứu mạng sống và trưng dụng từ các bệnh viện tư.

Máy thở! Máy thở ơi! Xin đừng để ai ở Úc phải thều thào gọi ‘máy thở’ trong tuyệt vọng.

Sau khi được chữa trị, nhiều bệnh nhân được phục hồi sức khoẻ. Họ về nhà, tiếp tục đi… cày, đi … cấy. Nhưng số rất nhỏ đi tàu suốt. Số nhỏ này, theo lời bác sỹ phụ tá trưởng ban y tế Úc, ông Paul Kelly ở mức 1%. 1% là mức được coi là khá thấp so với con số hiện nay. Dù là tỷ lệ rất thấp nhưng số người bị dính (theo bác sỹ Paul Kelly) ở Úc có thể lên đến 20%. 20% dân số Úc tức là 5.1 triệu người. Nếu chỉ có 1% hui nhị tì vì con Corona thì ở Úc có thể đến 51 ngàn người qua bên kia thế giới. Con số này thiệt kinh hoàng vì một người ra đi đã là chuyện quá buồn.

Flatten the curve, đè đường cong xuống

Trong hai tuần lễ sắp tới, Úc phải bước đi những bước sống chết. Số người dính con Corona sẽ tăng vọt. Số người dính con Corona sẽ tăng thành hình hoả tiễn của Kim Jong Un hay thành hình cây nấm? Trong tuần lễ này, đà tăng dịch COVID-19 ở Úc đã lên như hoả tiễn rồi. Chính phủ phải đè mũi tên dọt thẳng này thành đường cong. Mà phải là đường cong xẹp lép. Thủ tướng Scott Morrison cho biết: nhiệm vụ của chính phủ là ‘đè đường cong, flatten the curve’ này xuống.

Gọi là tăng vọt nếu tiên đoán của bác sỹ Paul Kelly đúng: từ 20% cho đến 60% người đang sống ở Úc có thể dính con Corona. Úc đang có chừng 25 triệu 800 ngàn người. Nếu 20% bị dính thì chừng 6 triệu người. Nếu 60% dính thì hơn 14 người có Corona trong người. Ghê quá! Khi chuyện này xảy ra, mỗi ngày bệnh viện tại Úc có thể phải đón lên đến 300 ngàn bệnh nhân. Đó là tiết lộ của thủ tướng Scott Morrison. Nếu chính phủ không ‘đè được đường cong’ mà để cho COVID-19 dọt lên như trong tuần lễ vừa qua thì hệ thống bệnh viện rất xịn ở Úc chắc là khó kham nổi. Úc sẽ chết trong hai tuần nữa.

Đè cái hoả tiễn không có nghĩa là triệt hết người dính con Corona mà làm sao cho số người dính không dồn dập trong vài tuần lễ hay vài ngày. Thay vì mỗi ngày bệnh viện Úc phải đón 300 ngàn bệnh nhân thì làm sao con số này ‘bị đè’ xuống chỉ còn ‘lai rai’ chừng 100 ngàn.

Social distancing, giới hạn giao tiếp

Chính phủ đang tìm cách ‘đè đường cong xuống’ bằng nhiều biện pháp. Biện pháp đang được Úc và nhiều nước khác áp dụng là ‘social distancing, giới hạn giao tiếp’.

Ở Mỹ, thoạt đầu giới chức y tế khuyến cáo chính phủ phải ra lệnh cấm dân chúng tụ tập đông hơn 50 người. Sau đó Cổ Nhuế nghe đâu ông Donald Trump sửa lại thành: cấm tụ tập hơn 10 người. Riêng thành phố Geneva, Thuỵ sỹ, chắc là mạnh tay nhất thế giới khi cấm tụ tập hơn 5 người. Ở Úc thoạt đầu cấm tụ tập đông hơn 500 người. Vậy là mùa banh bầu dục (NRL và AFL) vừa mới nhú ở Úc đã bị cấm. Úc có thể không tranh tài thể thao, hay cũng có thể vẫn đá banh mà không cho khán giả vào sân vận động. Nhưng luật này có thể đổi nếu chính phủ không đè được đường cong xuống. Nay chính phủ đã sửa lại thành: không được tụ tập đông hơn 100 người. Hiện nay, chính phủ miễn trừ trường học và các phương tiện chuyên chở công cộng. Mai kia mốt nọ, chính phủ không đè được đường cong con Corona, có thể chính phủ ra lệnh đóng cửa trường học như ở Mỹ hay Geneva.

Cũng theo luật ‘Social distancing, giới hạn giao tiếp’ thì người này phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1 mét rưởi. Áp dụng luật này, các ghế dành cho ký giả kê khi ông Donald Trump họp báo đã cách xa nhau. Ở Úc, đã có luật không thành văn dành cho người đi bộ là ‘keep left, giữ bên tay trái’ (như khi lái xe). Bây giờ vì có thêm ‘Social distancing, giới hạn giao tiếp’ ta nên để ý cách xa người khác khi xếp hàng trả tiền trong siêu thị, lên xe buýt hay vào chùa chiền. Bên Ý người ta vẽ những vệt vàng trong cửa tiệm để khách hàng đừng đến quá gần người bán hàng. Ở Úc đã thấy có tiệm làm thế.

Nằm trong quy luật ‘giới hạn giao tiếp’ khi gặp người khác chúng ta được khuyên không nên hun hít, ôm ấp hay bắt tay. Không bắt tay nữa, thế giới đã chế ra ‘bắt…’ nhiều thứ khác. Sớm nhất là ‘bắt cùi chỏ’ (elbow bump). Bắt cùi chỏ là đưa cái cùi chỏ đụng vào nhau. Thật ra không phải con Corona là cha đẻ ra lối chào nhau bằng bắt cùi chỏ mà con Ebola. Nhớ lại: vào thủa Ebola hoành hành ở Congo, người ta đã chế ra lối bắt cùi chỏ này. Bây giờ bắt cùi chỏ thịnh hành giữa các người chơi thể thao và lan ra trong giới mần chính trị và người trẻ. Cựu hoàng tử Harry mới đây đã bắt cùi chỏ với ca sỹ Craig David khi bước vào nhà thờ Westminster Abbey. Trong khi đó, người bình dân ở Iran và Ý khi không thể ‘bắt tay’ nữa thì họ ‘bắt chưn’. Khi hai chàng trai gặp nhau, họ đưa chun ra, đá vào nhau. Dân Pháp không còn dễ dàng làm ‘la bise’(hun lên má) nữa mà chỉ … ‘corona bise’. Nghĩa là hun gió. Ở Mỹ thì người ta chế ra rất nhiều thứ như: đưa hai bàn tay ra hai bên người (Jazz hands), ra dấu hoà bình (peace signs), làm hai-phai lên gió (air high-fives), chìa ngón tay thành hình khẩu súng (finger guns) hay nhún gối như thể chào nữ hoàng Anh và gọi là ‘coronavirus curtsy’.

Ngoài những sáng chế kiểu chào mới, một số nơi dùng kiểu chào đã có. Ở Do thái, thủ tướng Benjamin Netanyahu khuyên dân chúng đừng bắt tay mà chào theo kiểu ‘namaste’ của Ấn Độ. Người Ấn Độ gặp nhau thì namaste: chắp hai tay trước ngực và hơi cúi đầu về phía người khác. Đông cung thái tử Anh Charles đang thực hành lối chào namaste này. Còn người Việt Nam thì sao? Đây là lúc chúng ta vực dậy lối cho của cha ông. Hình như người mình khi gặp nhau thì nắm hai bàn tay để trước ngực và chào hỏi. Còn trẻ em thì khoanh tay cúi đầu. Cái lối chào kiểu Việt Nam này bị bỏ xó lâu quá Cổ Nhuế cũng quên mất tiêu rồi. Bạn đọc Việt Luận có nhớ xin nhắc lại nghen.

Bên cạnh không bắt tay nữa, các bác sỹ còn khuyên: sống trong thời mắc dịch này người ta chớ lấy tay sờ vào mặt của mình. Nếu tay dơ mà sờ vào mắt, mũi và miệng thì khác gì gắp lửa bỏ vào người . Thật ra ai ai cũng có thói quen sờ mặt mình cả. Mỗi người trung bình mỗi ngày sờ vào mặt mình 23 lần. Sờ một cách vô thức. Vì thế, thay đổi việc làm này là chuyện rất khó.

Lớp người dễ dính và dễ đi nhất

Ở trên có nói, khi bị dính con Corona phần lớn (80%) bệnh nhẹ và không cần vào bệnh viện. Dư lại 20% phải được chữa trị. Trong số bệnh nhân được chữa trị thông thường 1% không qua khỏi con trăng. Ầy là nói tổng quát. Riêng về các cụ thất thập cổ lai hi (hí hí) thì tỷ lệ không kham nổi cao đến 15%. Nói khác, cứ trăm cụ dính con quái ác này thì con cháu phải cử hành 15 cái đám tang.

Biết các cụ là lớp người dễ dính và khi dính thì khó kham nổi, chính phủ các nước trên thế giới đã ra nhiều biện pháp chú ý đến người cao tuổi. Bên Anh, chính phủ Boris Johnson năn nỉ các cụ trong hạng tuổi 7 bó bớt ham vui mà ở trong nhà. Và ở nhà liền tù tì bốn tháng. Ở Úc, hình như biện pháp sắp tới do chính phủ ban ra sẽ là giới hạn người ta vào viện dưỡng lão thăm các cụ.

Khi ra các biện pháp kể trên, lúc nào chính phủ Úc cũng thoòng thêm ‘vì tình hình đại dịch thay đổi nhanh chóng nên đây chỉ là biện pháp tạm thời. Khi tình hình biến chuyển, chính phủ sẽ cập nhật’. Trong chiều hướng đó, khi nhà báo hỏi Úc có bị cô lập hoàn toàn như Ý không, bác sỹ trưởng ban y tế Úc, ông Brendan Murphy, trả lời: ‘biện pháp nào cũng được cứu xét’.

Cổ Nhuế

Related posts