Đại dịch: Cái giá phải trả của thế giới với chính quyền Trung Quốc

Đại Nghĩa

Ảnh chụp màn hình video: https://youtu.be/aV4seFl_o1k.

Trong mấy chục năm qua, cả thế giới dường như không thật rõ bản chất của chính quyền Trung Quốc. Hậu quả to lớn về sinh mạng và kinh tế, sinh hoạt xã hội đảo lộn từ đại dịch này liệu có giúp thế giới tỉnh ngộ?

Cuộc chiến tìm ‘tội đồ’

Những ngày qua, song song với diễn biến dịch bệnh căng thẳng, thế giới còn chú ý tới một cuộc khẩu chiến tìm “tội đồ” của đại dịch.

Trong giai đoạn đầu, cả thế giới khi đó, gồm cả chính quyền Trung Quốc mặc nhiên hiểu rằng xuất phát điểm của dịch là từ Vũ Hán – Trung Quốc. Nhưng ngay trong khi căng thẳng ứng phó với dịch bệnh, kỹ năng tránh né tội lỗi của chính quyền Trung Quốc đã sẵn sàng. Bắt đầu từ tổ chức y tế quốc tế cao nhất WHO, chính quyền Trung Quốc đã chi phối WHO về mọi mặt, từ phát ngôn về dịch tễ đến phát biểu về động thái các nước, gồm cả tên gọi của virus tránh sự liên hệ với Trung Quốc.

Tiếp theo, họ đã chuyển hướng tuyên truyền về xuất phát điểm của virus. Theo trình tự, họ bắt đầu chiến dịch từ một chuyên gia dịch tễ, ông Chung Nam Sơn. Cuối tháng 02/2020, ông Chung đá quả bóng dò đường: “dịch bệnh lần điều tiên xuất hiện ở Trung Quốc, nhưng không nhất định bắt nguồn từ Trung Quốc”.

Sau đó, các nhà ngoại giao và truyền thông của chính quyền Trung Quốc tiếp tục hướng dư luận về nguồn gốc của virus là từ quân đội Mỹ. Ngày 12/02/2020, dòng trạng thái trên Twitter của phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên có đoạn: “Có thể quân đội Mỹ chính là người đã đưa dịch vào Vũ Hán”.

Với những người đã quen với các chiến dịch tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc thì điều này không ngạc nhiên,  lần này phản ứng của giới chức Mỹ rất mạnh mẽ. Từ các nghị sĩ, cố vấn an ninh, ngoại trưởng, đến cả tổng thống Donald Trump cũng trực tiếp phản pháo khi nhiều lần gọi thẳng tên là “virus Trung Quốc”. Truyền thông Trung Quốc lập lại chiêu bài cũ, vốn thường gây nhạy cảm cho chính giới phương tây: phê phán giới chức Mỹ “phân biệt chủng tộc”.

Một số chính trị gia Mỹ vốn phản đối quyết liệt chính quyền Trung Quốc đã trực tiếp gọi bằng cái tên mà quan chức chính quyền Trung Quốc e ngại nhất: “virus đảng cộng sản Trung Quốc”. Giới chức ngoại giao Trung Quốc lập tức chuyển hướng. Đại sứ của chính quyền Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải uốn lưỡi nói về phát ngôn “virus có nguồn gốc Mỹ” của Triệu Lập Kiên là: “Làm sao chúng ta tin được những thứ điên rồ như vậy?” Tổng thống Donald Trump cũng hạ giọng khi nói sẽ không gọi tên “virus Trung Quốc”. Nhưng trên truyền thông quốc tế, cái tên “virus ĐCSTQ” dường như đã bắt đầu được chấp nhận rộng rãi.

Mỹ đã phản ứng khá nhanh, sao vẫn không kịp?

Mỹ là một trong số ít quốc gia đầu tiên thực hiện các biện pháp rất mạnh để phòng ngừa đại dịch ngay sau khi chính quyền Trung Quốc công khai tình hình. Các giải pháp sau đó cũng rất bài bản và mạnh, nhưng rốt cuộc vẫn tỏ ra chậm trễ, tại sao như vậy?

Thứ nhất là do chính quyền Trung Quốc che giấu tình hình tới gần 2 tháng, cho đến khi họ công khai thông tin thì dịch bệnh đã ra khắp thế giới, trước khi các chính phủ kịp trở tay. Riêng từ Vũ Hán, 5 triệu người đã đi khỏi thành phố này trước khi bị phong tỏa. Khi Mỹ áp dụng các biện pháp hạn chế người tới từ Trung Quốc, thì đã phát hiện ca dương tính thứ 7.

Trong khi Mỹ hành động khá sớm thì đa số các nước vẫn chưa có động thái gì, do sức ép phải giao hảo với chính quyền Trung Quốc. Do vậy tới khi chính phủ Mỹ cấm nhập cảnh với cả các nước châu Âu, thì lại thêm một lần nữa quá muộn.

Sai lầm tiếp theo của các chính phủ, bao gồm cả Mỹ là tiếp tục tin vào các thông tin diễn biến dịch tễ tại Trung Quốc. Cho nên các biện pháp về chuyên môn chuẩn bị không tương xứng với mức độ nguy hiểm của dịch. Tổ chức y tế thế giới bị thao túng, nên phát ngôn luôn đồng dạng với chính quyền Trung Quốc. Tổ chức chuyên môn quốc tế cao nhất này làm cho hầu hết các chính phủ mắc thêm sai lầm một lần nữa. Các thông tin thực từ các mạng xã hội thường lại không được coi là “chính thống”, trong khi việc kiểm chứng tại thực địa là rất khó khăn do sự ngăn cản của chính quyền Trung Quốc.

Vòng tuần hoàn thông tin sai lệch từ chính quyền Trung Quốc – WHO – truyền thông quốc tế – các chính phủ – cơ quan chuyên môn tới người dân các nước, rốt cuộc đã dẫn đến hậu quả thảm khốc hôm nay. Bởi vì yếu tố thứ nhất trong phòng chống đại dịch, “giai đoạn vàng” có tính rất quyết định đều đã bị bỏ lỡ. Thứ hai là thông tin dịch tễ tại khu vực khởi phát dịch đầu tiên là Vũ Hán, đáng ra đã giúp các nhà chuyên môn sớm đưa ra các giải pháp chuẩn bị, nhưng cũng đều bị che giấu, sai lệch vì thông tin giả từ chính quyền Trung Quốc.

Thêm một lần cơ hội nhận rõ bản chất chính quyền Trung Quốc

Vào giai đoạn cao điểm dịch bệnh tại các nước Âu, Mỹ, chính quyền Trung Quốc một mặt cung cấp nhiều vật tư y tế, một mặt mở ra các chiến dịch tuyên truyền mới. Chủ yếu nhằm tạo ra hình ảnh vị cứu tinh của thế giới, gồm cung cấp vật tư và “chia sẻ kinh nghiệm thành công” trong kiểm soát dịch bệnh. Trong khi các vật tư chủ yếu được bán thì cũng có một số được quyên tặng, nhưng truyền thông Trung Quốc thường gộp tất cả vào và sử dụng các cụm từ “cung cấp” chung chung, tạo ra cảm giác như tất cả đều được chính quyền Trung Quốc tài trợ.

Các chính phủ Âu, Mỹ còn thêm một lần nhận thức về rủi ro, bị động khi hàng loạt ngành công nghiệp đã bị di dời sang Trung Quốc, kể cả các công ty sản xuất thuốc và vật tư y tế thiết yếu. Bởi một nền kinh tế như Trung Quốc, nơi tất cả đều bị ĐCSTQ khống chế, thì ngay cả vấn đề nhân đạo như y tế khẩn cấp cũng bị dùng như một cơ hội thao túng các nước.

Sau hàng loạt phản hồi từ cơ quan y tế các quốc gia về chất lượng các thiết bị xét nghiệm và khẩu trang y tế từ Trung Quốc, chính phủ nhiều quốc gia có thêm một lần nhìn lại mức độ tin cậy đối với chính quyền Trung Quốc. Một số chính trị gia cũng bắt đầu nhận ra mục đích thực sự của ĐCSTQ là tuyên truyền hình ảnh, tiến tới chi phối các quốc gia. Trong đó có Chủ tịch ủy ban châu Âu, phủ thủ tướng Anh và một số chính trị gia khác, đặc biệt là nhiều chính trị gia Mỹ. Tuy nhiên, ở cấp độ chính phủ và chính thức thì hầu như chưa có trường hợp nào công khai phản đối chính quyền Trung Quốc. Đây là giới hạn mà các chính phủ chưa thể vượt qua và làm được như chính phủ Đài Loan.

Đài Loan là trường hợp hiếm hoi khi nguy cơ ban đầu thuộc nhóm cao nhất, nhưng ngay từ trước khi ĐCSTQ công bố dịch, thì chính phủ Đài Loan đã chủ động nắm bắt tình hình thực tế tại Vũ Hán. Họ thực thi các biện pháp phòng ngừa rất sớm, ngay từ ngày 31/12/2019 đã bắt đầu kiểm soát những người tới từ Vũ Hán. Tức là trước 20 ngày trước khi Tập Cận Bình lên tiếng chính thức về dịch. Do vậy họ kiểm soát được ngay từ “giai đoạn vàng” của dịch.

Cho đến ngày 03/04/2020, Taiwan News cho biết Đài Loan có 344 người được xác nhận dương tính với Covid-19, trong đó chỉ có 48 người bệnh nhiễm bệnh trong nước, còn lại 291 người do nhập cảnh, mới chỉ có 5 ca tử vong. Quá trình Đài Loan nhận thức được nguy cơ, tìm kiếm thông tin thực tế trực tiếp từ Trung Quốc Đại lục là điều các quốc gia Âu, Mỹ chưa thể làm nổi. Không tin vào ĐCSTQ đã trở thành quan điểm công khai chính thức của chính phủ Đài Loan, chứ không dừng lại ở cá nhân quan chức như các nước Âu, Mỹ. Chính điều đó đã tạo nên sự khác biệt về kết quả kiểm soát đại dịch lần này.

Việt Nam lại là một trường hợp đặc biệt khác, khi tuyệt đại đa số người dân có tâm lý đề phòng rất sớm, thông qua thông tin từ mạng xã hội. Tâm lý ấy mạnh đến mức được coi như quan điểm đại diện cho quốc gia, nó cũng tác động tới động thái của chính phủ để cả xã hội có bước đi trước kịp thời. Do vậy Đài Loan và Việt Nam hiện là hai quốc gia đang phòng chống dịch hiệu quả. Cả hai có một điểm chung, đó là tự mình tìm kiếm thông tin thực thay vì tin vào chính quyền Trung Quốc.

Kết luận

Khi quay về vấn đề gốc rễ là giá trị quan, người ta sẽ giật mình khi nhìn lại đặc điểm của chính quyền ĐCSTQ. Một lực lượng thao túng tất cả các lĩnh vực của tất cả cá nhân và xã hội, duy trì quyền lực bằng giả dối, bạo lực và cưỡng chế. Không chỉ thực hành tại Trung Quốc, ĐCSTQ còn có tham vọng mở rộng tính chất giả dối, độc ác ra toàn thế giới.

Mấy chục năm qua, các nước Âu, Mỹ đối với Trung Quốc chủ yếu đặt trong mối quan hệ khai thác lợi ích về kinh tế. ĐCSTQ với vai trò như một ông trùm, nắm được quyền bính chi phối một đất nước khổng lồ, dùng nó như một con tin trong quan hệ với thế giới. Nhưng bản chất giả dối, độc ác và tranh đấu của nó sẽ gây hại cho bất kì ai có quan hệ, hoặc chỉ đơn giản là tin vào nó. Đại dịch lần này, với cái giá phải trả to lớn về sinh mạng, kéo theo cả khủng hoảng kinh tế và xã hội, dù sao cũng giúp thế giới nhìn lại bản chất của chính quyền ĐCSTQ, để chọn bạn mà chơi trước khi quá muộn. 

Related posts