- Lê Xuân
Theo Thời báo Hoàn Cầu hôm 8/4, sau thời gian dịch bệnh, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đang tích cực hoàn thiện thuỷ phi cơ AG600 để chuẩn bị đưa vào bay thử trên biển, nhằm sớm trang bị phương tiện đổ bộ đủ sức “bao phủ khắp Biển Đông.”
Kế hoạch kiểm soát biển Đông phục vụ tham vọng bá quyền của Bắc Kinh chưa khi nào dừng lại.
Hôm 8/4, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin cơ sở sản xuất ở Kinh Môn (Hồ Bắc) dưới sự chỉ đạo của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC), đã làm việc trở lại sau khi tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán có dấu hiệu hạ nhiệt. Đây là nơi sản xuất thuỷ phi cơ AG600, một phương tiện chiến lược của nhà cầm quyền Bắc Kinh trong kế hoạch thống trị biển Đông.
Theo SCMP, thuỷ phi cơ AG600 có kích thước ngang ngửa máy bay Boeing 737, với chiều dài 36,9 mét và sải cánh 38,8 mét, có khả năng cất cánh và hạ cánh trên mặt nước. Nó có tầm bay hơn 4.000 km cùng tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ và có thể bay liên tục 12 giờ. AG600 còn có thể chở theo tối đa 50 binh lính cùng vũ khí, trang thiết bị để đổ bộ khẩn cấp trên biển, ngoài ra nó còn có thể được dùng để triển khai cứu hộ, tiến hành các hoạt động tuần tra, trinh sát, và chống tàu ngầm.
Nếu xuất phát từ thành phố Tam Á, đảo Hải Nam, AG600 có thể bay đến bất kỳ địa điểm nào trên Biển Đông, theo Tân Hoa Xã.
SCMP cho biết AG600 to hơn và có trọng lượng cất cánh lớn hơn thuỷ phi cơ ShinMaywa US-2 của Nhật Bản, hiện là dòng máy bay hiện đại nhất thế giới. Tuy nhiên, AG600 chỉ có thể hoạt động khi sóng biển cao không quá 2 mét, kém hơn so với khả năng chống sóng 3 mét của US-2. Điều này có thể sẽ hạn chế việc sử dụng AG600 trên Biển Đông do thỉnh thoảng có sóng lớn do gió to hoặc bão.
Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV cho hay việc tái khởi động lại sản xuất AG600 đang được tiến hành tích cực sau khi các thành viên trong nhóm phát triển của AVIC trở lại làm việc sau dịch bệnh. Hiện thuỷ phi cơ này đang điều chỉnh lại một vài chi tiết và tối ưu hoá thiết kế.
CCTV dẫn lời người đứng đầu căn cứ Chu Hải thuộc AVIC cho biết họ đang sẵn sàng để thử nghiệm bay huấn luyện AG600 trên biển trong năm nay. Các nhà phát triển hiện đang xây dựng bốn mẫu khác nhau. Nếu thử nghiệm thành công, máy bay dự kiến sẽ được hoàn thiện và bàn giao vào năm 2022.
Theo các chuyên gia quân sự, bay trên biển sẽ có nhiều thách thức hơn so với các chuyến bay trên đất liền hay sông hồ do các yếu tố phức tạp của môi trường, khí hậu đại dương. Do đó, việc bay thử nghiệm trên biển sẽ là một cột mốc quan trọng trong quá trình hoàn thiện dòng thuỷ phi cơ này.
Trước đó, AG600 đã thực hiện chuyến bay đầu tiên trên đất liền ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông vào tháng 12 năm 2017 và chuyến bay thử nghiệm dưới nước đầu tiên trên một hồ chứa ở Kinh Môn vào tháng 10 năm 2018.
Lê Xuân
Bộ Ngoại giao Mỹ lên án việc tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam
Ngày 6/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus đã đưa ra tuyên bố lên án việc Trung Quốc đánh chìm tàu cá Việt Nam ngày 2/4 ở quần đảo Hoàng Sa.
Tuyên bố của bà Morgan Ortagus nêu rõ:
“Chúng tôi vô cùng quan ngại trước những báo cáo về việc Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (PRC) đâm chìm tàu cá Việt Nam trong vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) ở Biển Đông.
Đây là vụ việc mới nhất nằm trong chuỗi một loạt các hành động của Trung Quốc nhằm áp đặt chủ quyền phi pháp cũng như gây bất lợi cho các quốc gia Đông Nam Á láng giềng ở Biển Đông.
Kể từ khi đại dịch bùng phát toàn cầu, Bắc Kinh cũng đã loan báo về “những trạm nghiên cứu” mới trên các căn cứ quân sự ở Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef) và Đá Subi (Subi Reef), và đã hạ cánh máy bay quân sự đặc biệt ở Đá Chữ Thập. Trung Quốc cũng đã tiếp tục triển khai lực lượng dân quân biển xung quanh quần đảo Trường Sa (Spratly Islands). Đường Chín Đoạn của Trung Quốc đã bị Tòa trọng tài đưa ra phán quyết là phi pháp theo Công ước Luật Biển 1982 vào tháng 7 năm 2016, một lập trường mà Chính phủ Hoa Kỳ đồng thuận.
Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc hỗ trợ các nỗ lực quốc tế chống lại đại dịch toàn cầu, và dừng việc lợi dụng sự mất tập trung hoặc dễ bị tổn thương của các quốc gia khác để mở rộng những yêu sách phi pháp của mình ở Biển Đông.”
Như đã đưa tin trước đó, ngày 2/4, một tàu cá ở Quảng Ngãi gồm 8 ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường tại vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam thì bị tàu Hải cảnh Trung Quốc ngăn cản và đâm chìm. Ba tàu cá khác gần đó đến ứng cứu thì bị các tàu Hải cảnh Trung Quốc rượt đuổi, xịt vòi rồng làm hư hại nhiều trang thiết bị trên tàu và làm bị thương các ngư dân. Ngoài ra, theo lời kể của ngư dân, Trung Quốc còn tịch thu số cá đánh bắt được, phá huỷ các thiết bị lặn, đánh bắt cá của các ngư dân Việt Nam.
Ngày 3/4, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh Trung Quốc nêu trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại.
Tuy nhiên, về phía Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói rằng tàu Việt Nam chủ động đâm vào tàu Trung Quốc và chìm, đồng thời yêu cầu Việt Nam giáo dục lại các tàu cá và ngư dân của mình.
Thanh Thuỷ