Khước từ

Xuân Thọ

Xưa nay không ai tin rằng người công giáo ngoan đạo lại không đi lễ nhà thờ vào ngày chúa phục sinh.

Tưởng như người hồi giáo không bao giờ bỏ lễ tụng kinh thứ sáu tại giáo đường.

Tưởng như làn sóng du lịch hàng năm vào dịp nghỉ phục sinh gây ùn tắc hàng trăm cây số đường xa lộ Châu âu sẽ lặp lại bất chấp mọi cảnh báo của giới chức.

Covid-19 đã xóa sổ nhiều điều tưởng như bất di bất dịch.

Người giàu có bỗng cảm thấy không cần giữ nhiều cổ phiếu nữa. Tiền bạc, nhà cửa cũng chẳng để làm gì nếu phải xếp hàng chờ được thở máy.

Các đại gia Việt bỗng thấy không cần phải ra quán nhậu mới ký được hợp đồng. Các học giả tây phương không cần đi xa hàng vạn dặm mới bàn được với nhau về cách chống virus.

Trong mấy tuần qua tôi biết hai đám tang ở Việt Nam vắng bóng hàng trăm khách viếng và hàng chục vòng hoa phủ kín sân, tường. Dù chỉ những người thân thiết nhất có mặt, tình cảm vẫn nguyên vẹn. Và có lẽ đám tang đã chân thật hơn, trang nghiêm khi vắng bóng một vài vòng hoa nào đó.

Như vậy là con người có thể từ bỏ được các các thói đời mà không hề bị giảm chất lượng cuộc sống. Hơn thế, ta được giải phóng khỏi nhiều ràng buộc.

Tại sao dân xứ văn minh không có trò đám cưới mời hàng trăm người, để rồi nhiều người phát sợ khi nhận được thiếp? Vì họ đã tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của món „nợ miệng“. Ho coi lễ hôn nhân chỉ là cuộc vui của gia đình.

Tại sao ở các nước phát triển người ta không chen nhau vào những chốn „tâm linh“ đang mọc lên như nấm. Rồi ai cũng lạy như tế sao, đốt hàng bó hương, bỏ tiền không tiếc vào các loại „Hòm công đức“ không có đáy? Người văn minh biết từ bỏ thói kiếm sống bằng vận may.

Đọc đến đây thế nào cũng có người nói: Chớ sính tây, nhiều cái chúng phải học ta đây này.

Vâng, ngay cả các xã hôi phát triển nhất cũng chứa đựng vô vàn bất cập. Không có gì biện bạch cho các sai lầm của phương tây trong các chính sách an sinh xã hội.

Một siêu cường như Mỹ mà có hơn 30 triệu người không được bảo hiểm y tế là điều không thể tưởng tượng nổi. Người da đen chiếm 30% dân số nước Mỹ, nhưng có tỷ lệ tử vong Covid-19 xấp xỷ 70%. Điều đó cho thấy những giá trị mà nước Mỹ theo đuổi đã bị bỏ rơi. EU đã để mặc cho Ý và Tây Ban Nha tự giãy rụa trong những tuần đầu của dịch là khiến họ phải nhờ các bác sỹ Cuba và Trung Quốc là một chứng chỉ xấu của tình đoàn kết.

Chủ nghĩa Tư bản với lối sống tiêu thụ đã đẩy loài người đến thảm trạng môi sinh hôm nay. Nó đang lúng túng ở ngã ba đường, như lời Tổng thống Đức Steinmeier nói đêm qua [2].

Trong khi Trung Quốc tự tiện lấy thông tin cá nhân từ smartphone của toàn dân để khoanh vùng virus, thì việc này không dễ áp dụng tại các xứ dân chủ. Dù biết việc đó có thể ảnh hưởng đến kết quả chống dịch, nhưng các thể chế dân chủ chỉ dám vận động người dân tự giác tham gia. Dân các xứ toàn trị thường xuyên nhận được thông báo của chính phủ vào máy cá nhân. Ở xứ dân chủ, chính phủ dù muốn cũng chỉ khuyên dân hãy vào mạng cập nhật.

Dù vậy khi đọc thành tích chống dịch của Trung Quốc, người Đức lên án các biện pháp dã man, vi phạm nhân quyền ở đó, từ việc săn bắt người, đến việc hàn cửa không cho đi ra. Không ai ca ngợi trình độ IT của Bắc Kinh cao đến mức đóng dấu kiểm dịch vào từng máy smartphon.

Nếu hỏi người Đức thích sống ở Việt Nam với 250 ca dương tính Covid-19 hay ở xứ họ với 115.000 ca thì chắc chắn họ chọn nước Đức. Cuộc sống có thể gặp rủi ro ở điểm này, nhưng được đảm bảo ở nhiều điểm khác.

Đời không cho ai mọi thứ. Con hổ là chúa sơn lâm nhưng khi xuống nước thì thua con hải cẩu, còn con chim ưng chỉ mạnh khi bay. Không thể có một con vật vừa có móng vuốt của hổ, có cánh chim ưng và da hải cẩu. Đời cũng vậy thôi. Anh chấp nhận lối sống này thì thôi lối sống khác.

Cũng tương tự, giả sử mệnh đề „Ở bẩn sống lâu“ có đúng thì không ai đang có điều kiện sống tốt lại ngu dại mà chui vào các ghetto để sống ở đó cho đỡ mắc bệnh. Tôi đã hơn một lần chứng kiến các khu ổ chuột ở châu Phi. Ở đó người ta chết vì đói, vì khát, vì thiếu nước sạch, vì ho lao, uốn ván, hoặc thậm chí vì bạo lực. Nhiều người nghèo chết vì các biện pháp chống dịch trước khi dịch đến.

Các nhà nước cảnh sát kiểm soát được thông tin cá nhân của công dân và dễ dàng định hướng được dư luận vì đa số người dân cho rằng việc đó tốt cho sự an toàn của họ. Vụ Corona đang là một chứng minh.

Dân Đức khước từ sự „an toàn“ để bảo vệ đời tư vì họ coi trọng tự do hơn. Chính phủ phải khuyên họ tham gia. May là nhờ nhận thức cao, số người tự nguyện sử dụng các apps chống dịch trên máy tính cá nhân vẫn đạt mức yêu cầu.

Tôi quen một số ca sỹ, nhà báo, nghệ sỹ Việt Nam có tài năng. Họ đã lên tiếng về các bất công trong xã hội để rồi bị bạn bè xa lánh, bị loại khỏi sân khấu, bị đuổi khỏi tòa soạn. Họ dám từ bỏ an toàn, giàu sang để sống theo lý trí, được thanh thản với lương tâm.

Muốn ngụp lặn dưới nước ăn hải sản thì hãy sống như hải cẩu. Nếu muốn bay lên trời hít khí lành thì hãy sống như chim ưng, dù không phải lúc nào cũng có cá bên miệng. Người ta không thể có tất cả.

Lịch sử loài người là lịch sử của đấu tranh và giành giật. Đấu tranh với thiên nhiên, giành giật với con người. Chỉ vì luôn nghĩ đến giành giật mà người ta đưa thế giới đến chỗ như hôm nay, khi mà một con virus có thể phá hủy tất cả. Kẻ giật được miếng to càng mất nhiều hơn. Người bị giật trắng tay thì chẳng còn gì để mất, ngoài cuộc đời khốn khổ.

Chớ quên rằng: Bên cạnh quyền giành giật, con người còn có nghĩa vụ là biết từ bỏ.

Ba tuần qua đã cho thấy, nhiều thứ bị tước bỏ mà cuộc sống đâu có tệ hại hơn. Ở Châu Âu, tiêu thụ bia rượu giảm mạnh, thay vào đó là sách. Nhiều nam thanh nữ tú đã không còn đeo ba-lô lang bạt khắp nơi nữa. Họ ở nhà chia sẻ nỗi cô đơn của ông bà mình. Thiêng liêng như buổi lễ phục sinh trên quảng trường nhà thờ thánh Peter ở La-Mã người ta vẫn bỏ được mà không hề mất niềm tin.

Ở Việt nam những ông quan vốn được doanh nghiệp bao nhậu quanh năm, nay bỗng thấy cơm nhà dễ nuốt hơn. Các cuộc hội họp đón nhận bằng cấp, huân chương tốn kém linh đình nay diễn ra thầm lặng mà đâu có ai bị mất mặt?

Có những hoàn cảnh buộc con người ta phải từ bỏ lề thói. Nhưng tốt hơn là mình tự từ bỏ, trước khi để hoàn cảnh giằng khỏi tay mình.

Đại dịch Covid-19 đang tạo cơ hội để ngày 30.4 năm nay, 45 năm kết thúc cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, sẽ không phải là ngày trống giong cờ mở, pháo hoa sáng trời của bên này đồng thời là ngày nuốt nước mắt của bên kia.

Người biết tự khước từ là người tử tế, khôn ngoan.

Köln 12.04.2020.
Lễ Phục sinh, ngày của hòa bình

[1]https://www.tagesschau.de/ausland/corona-us-afroamerikaner-101.html

[2] https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1088533761531908&id=100011258821919

Related posts