Thuận Văn
Nếu nhìn lại khoảng chừng bốn thập niên về trước rồi suy gẫm về trận bão ngầm mang tên Covid-19 hôm nay, thế giới không chỉ hiểu ra mà còn thấu cảm với người Việt chúng ta. Chúng ta từng nếm mùi “người tàu” và hằng nếm “mùi XHCN” lẫn mùi “Tàu XCHN” thì, với căn bệnh quái quỷ này, thế giới cũng đang buộc lòng phải nếm, nếm từng phần hay nếm đồng loạt ba thứ mùi này!
“Người tàu”, tôi xin nói ngay, không hề ngụ ý Chinese. Đó là boat people, thuyền nhân, người đi tàu thuyền mà, để thuận vần như thể hiện ở tên bài, tôi chọn cách diễn đạt này. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, những ký ức kinh hoàng về những giờ phút lênh đênh bất định giữa lòng biển cả vẫn còn bám rễ thật sâu trong ký ức của nhiều người Việt nhưng, kinh hoàng cách mấy, trải nghiệm đó cũng không ê chề cay đắng lúc cái háo hức của giây phút tưởng là cập bến tự do bị hụt hẫng thành cảm giác tủi nhục và đau đớn khi bị nước chủ nhà xua đuổi, như tà.
Đó cũng chính là “nỗi niềm” của những “người tàu” đủ loại quốc tịch trên các du thuyền sang trọng hôm nay. Họ đến từ các quốc gia Tây phương giàu có và, đa số, xuất thân từ thành phần trung lưu trở lên và, tệ ra, cũng là những chức nghiệp tầm tầm trong tuổi hoàng hôn của cuộc đời với chuyến đi dối già để tận hưởng cái đẹp, cái bao la của thế giới. Nhưng con virus kia đã biến những du thuyền sang trọng ấy những nhà tù trôi nổi trên biển cả, đến đâu cũng bị xua đuổi và, với họ, cuộc sống trước mặt chợt lênh đênh, bất định, y hệt tình cảnh của những người Việt liều mạng tìm dự do ngày trước. Nếu chỉ là một thiểu số ít ỏi trên vài mươi du thuyền bị nếm mùi “người tàu” thì, tuyệt đại đa số, thế giới Tây phương hiện cũng đang nếm mùi… XHCN.
XHCN, đầu tiên, là mấy chữ viết tắt từ cụm từ “xã hội chủ nghĩa”. Sau tháng Tư năm 1975, khi Đại lộ Công Lý bị đổi tên là Nam kỳ khởi nghĩa còn Tự Do bị đổi tên thành Đồng Khởi để hình thành nên câu đối chan chát, không chê vào đâu được:
Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do [1]
thì mấy chữ tắt ấy, nhan nhãn trên các khẩu hiệu, lại được diễn giải thành “xếp hàng cả ngày”. “Xã hội chủ nghĩa” là “xếp hàng cả ngày” và, cũng như bao người thời đó, tôi cũng đã rất nhiều lần xếp hàng như thế. Xếp hàng “cả ngày” với cuốn “Sổ mua hàng” nắm chặt trong tay, như một bảo vật. Xếp hàng “cả ngày” chỉ để mua vài ba lít dầu lửa, dùng cho việc thắp đèn. Xếp hàng “cả ngày” chỉ để mua hai mét vải, dùng để “mặc bền” trong chu kỳ mười hai tháng. Xếp hàng để mua một nhúm nhỏ bột ngọt, nước mắm, kim chỉ hay giấy bút, theo một “tiêu chuẩn” định lượng sắt đá bổ trên mỗi đầu người. Ký ức về cái thời khốn khó tưởng đã thực sự xa mờ ấy chợt sống lại trong tôi vào một sáng sớm đầu tháng Tư tại Sydney. Siêu thị Costco và cái hàng người dài rồng rắn, những ánh mắt ngán ngẩm, những tiếng thở dài chán chường: phải chầu chực thật lâu trong một cái hàng thật dài trong bãi đậu xe mới được leo lên cái cầu thang dành cho người đi bộ để vào bên trong cái siêu thị khổng lồ lác đác những kệ hàng giờ đây trống huơ, trống hoác; rồi lại phải nhẫn nại xếp hàng một lần nữa trong lòng cái siêu thị ấy để được vào nơi bán giấy vệ sinh, với “tiêu chuẩn” sắt đá mỗi người một bịch. “Cả cuộc đời qua, qua bao giờ tưởng tượng có ngày mình phải sống như thế này”, một phụ nữ Úc trung niên đã buột miệng than thở với tôi như thế, ở một khoảng cách an toàn.
Chưa bao giờ tưởng tượng ra thì nay là lúc phải nhìn nhận, như một hiện tượng toàn cầu. Thượng nghị sĩ Mỹ Bernie Sander, người vừa từ bỏ cuộc đua chạy vào Dinh Tổng thống, là một người thiên tả, yêu chủ nghĩa xã hội. Tháng Sáu năm 1988, khi còn là Thị trưởng thành phố Burlington của tiểu bang Vermont, ông ta đã đặt chân đến Liên Sô trong chuyến đi “kết nghĩa” và, tại đây, đã cạn lời chỉ trích tổ quốc của mình, đã hết lời tâng bốc nước chủ nhà qua việc so sánh chi phí gia cư cùng y tế hai bên. Nhưng lúc đó thì Liên Sô đã rệu rã lắm rồi, đang loay hoay đổi mới để tồn tại nhưng vẫn không kịp, bị sụp đổ hoàn toàn chỉ vài năm sau đó. Những kẻ phê bình cho rằng lúc đó ông Sander lóa mắt hay đui mù, đến một nước “xã hội chủ nghĩa” mà không hề nhận thấy cái cảnh “xếp hàng cả ngày”, không nhận ra những cửa hàng trống huơ trống hoác, không nhận ra cảnh những bệnh nhân thiếu thuốc trong các bệnh viện. Ba mươi hai năm trước ông ta có thể không nhìn ra cảnh ấy tại Nga nhưng bây giờ thì có thể thấy, mà lại thấy ngay ở trên đất Mỹ. Mà ở Mỹ hay ở Anh, ở Pháp, ở Đức, Ý, Tây Ban Nha v.v…, đâu đâu cũng vậy, hàng trăm triệu công dân của thế giới Tây phương sung túc hiện đang thực sự nếm “mùi XHCN”; cái mùi với ba “vị” đặc trưng là “xếp hàng cả ngày”, là những “tiêu chuẩn” sắt đá phân bổ trên mỗi đầu người, là những siêu thị với những kệ hàng trống hoác, trống huơ.
Vạn sự bắt đầu từ con virus khai sinh từ Vũ Hán. Mà căn bệnh từ con virus ấy chỉ bùng phát thành một đại dịch toàn cầu khi chính quyền nơi ấy khủng bố những người đầu tiên phanh phui sự thật, khi chính quyền của quốc gia ấy dối trá về bản chất và tầm mức của bệnh dịch trong bản báo cáo đầu tiên với Tổ chức Y tế Thế giới. Nó, bản chất dối trá và “khủng bố sự thật” ấy, chính là yếu tố khiến cái quốc gia trong hình thái “chủ nghĩa tư bản thân hữu” này vẫn còn tiếp tục là một nước “Tàu XHCN”. [2]
Nói một cách khác, khi nếm mùi Covid-19, cả thế giới hiện đang thực sự nếm mùi Cộng sản Trung Quốc. Cái “mùi” đã mang lại kiếp nạn cho dân tộc chúng ta mà, chỉ tính trong kỷ nguyên hiện đại thôi, cũng đã kéo rê và đều đều cập nhật suốt ba phần tư thế kỷ qua.
Chúng ta ngao ngán, chúng ta nản lòng tình trạng phá sản về đạo đức và tinh thần của xã hội hiện tại ư? Nó bắt nguồn từ khi Cộng sản Việt Nam máy móc rập khuôn mô hình đấu tranh giai cấp của Cộng sản Tàu để phá vỡ toàn bộ những giềng mối đạo lý truyền thống: khi xóm giềng hay thân tộc bị buộc thuộc vào thế phải xem nhau là kẻ thù để tồn tại, khi người thân này bị buộ phải giẫm lên đầu người thân kia để sống, khi con tố cha, khi con dâu đấu tố mẹ chồng hay trò tố thầy v.v… thì những nền tảng đạo lý đã bị bứng sạch, không còn. Chúng ta tặc lưỡi tiếc nuối về cuộc chiến vô nghĩa lý, phung phí tài nguyên và nhân mạng, phung phí cả thời gian và cơ hội ngửng mặt với đời ư? Cuộc chiến do những thành phần ít học nhất của Cộng sản Việt Nam phát động theo học thuyết chiến tranh Maoist này, xét cho cùng, chỉ là một trò xúi dại hay gài bẫy để biến Việt Nam thành một vùng đệm an toàn cho Trung Quốc, để buộc Việt Nam phải luôn luôn yếu cho Trung Quốc dễ dàng xỏ mũi, đè đầu. [3] Cho đến bây giờ, cái trò xúi dại và gài bẫy ấy vẫn đang tiếp tục cập nhật, giống như một con rắn đều đặn lột da. Cập nhật sự gài bẫy qua các cuộc “hội thảo lý luận” giữa hai đảng. [4] Cập nhật sự xúi dại qua các đột học tập chính trị giữa hai quân đội. [5] Xuyên suốt những đợt lột da như thế thì những nông dân lại canh cánh nỗi lo trước các tiểu xảo thương mại, cũng theo lối xúi dại và gài bẫy. Còn ngư dân thì, luôn luôn, là những nạn nhân đáng thương trước những đại xảo cướp biển.
Thế giới sẽ thấu cảm với chúng ta vì, trong cơn đại dịch, họ cũng đang thực sự nếm cái mùi Cộng sản Tàu như thế. Nếm những đại xảo trên bàn cờ chính trị – kinh tế và nếm những tiểu xảo thương mại hay tuyên truyền. Là thủ phạm gây ra cơn đại dịch, nó không thể hiện một chút áy náy của mặc cảm tội lỗi mà, thậm chí, còn lật mặt với những thuyết âm mưu, cái trò ranh gắp lửa bỏ tay người quen thuộc. Là thủ phạm gây nên đại dịch, nó lại thừa lúc thế giới đang chao đảo trong cơn dịch để thúc đẩy những tham vọng lãnh thổ hay những nghị trình chính trị chống lại lề luật chung của nhân loại. Con virus gây bệnh Covid-19, với những tham vọng bá quyền về lãnh thổ, kinh tế và tài chính, với những trò trí trá thương mại, cái mùi “Tàu XHCN” hiện đang bao trùm trên đầu nhân loại, như một bóng ma.
Lời ví von này tôi mượn từ Karl Marx và Friedrich Engels. Mở đầu bản “Tuyên ngôn của đảng cộng sản” công bố năm 1848 hai ông thánh tổ của chủ nghĩa cộng sản tuyên bố: “Một bóng ma đang ám ảnh Châu Âu: Bóng ma chủ nghĩa cộng sản. Tất cả thế lực của Châu Âu cũ: Giáo Hoàng và Nga Hoàng , Metternich và Guizot, lực lượng cấp tiến Pháp và cảnh sát – gián điệp Đức, đều đã kết hợp lại thành một liên minh thần thánh để trừ khử bóng ma đó.” Nhưng “liên minh thần thánh” này đã thất bại và bản tuyên ngôn nói trên được các sử gia nhìn nhận như là một trong những văn kiện chính trị có ảnh hưởng nhất, làm thế giới thay đổi nhiều nhất, thay đổi một cách tàn khốc nhất, và đẫm máu nhất.
Bây giờ, giữa lúc thế giới còn đang vất vả chống đỡ với bóng ma của con virus phát sinh từ Trung Quốc kia thì chính Trung Quốc lại huỵch toẹt với tham vọng bá chủ toàn cầu theo sự kết thúc của “Thế kỷ Mỹ”. Trung Quốc chưa bao giờ che giấu ý đồ làm bá chủ hoàn cầu nhưng, có lẽ, chưa bao giờ Trung Quốc hí hửng như những ngày này.
Nhưng khác với Mỹ, có một nền kinh tế chủ yếu dựa vào thị trường nội địa, Trung Quốc đạt đến sự thịnh vượng ngày hôm nay là nhờ vào việc khai thác thị trường rộng lớn của thế giới. Nó làm giàu bằng cách dựa vào sự phát triển của một cộng đồng thế giới dựa trên lề luật nhưng lại huỵch toẹt chà đạp lên những lề luật của cộng đồng thế giới. Để chống lại một con ma như thế thì thế giới không cần đến một “liên minh thần thánh” mà là một liên minh dựa trên lề luật.
Trước mắt, Henry Jackson Society – một viện nghiên cứu chính sách tập trung những học giả hàng đầu và những nhà ngoại giao kỳ cựu của Anh — đã đề cập đến một liên minh như thế. Henry Jackson Society cho rằng nếu Trung Quốc cung cấp chính xác thông tin trong giai đoạn đầu, dịch bệnh đã không rời khỏi nước này nên, do đó, những liên minh như Khối Thất Cường, hay gọt tắt là G7, có thể đưa Trung Quốc ra tòa để đòi lại ít nhất số tiền 6,500 tỷ Mỹ kim đã bỏ ra nhằm cứu vãn nền kinh tế.
Và như thế, dĩ độc trị độc, tôi đành phải một lần nữa mượn lời mở đầu cùng khẩu hiệu xướng ngay trên trang bìa bản tuyên ngôn nói trên của hai ông tổ cộng sản như là lời kết: Một bóng ma đang ám ảnh cả thế giới – Những nạn nhân của Cộng sản Trung Quốc, hãy liên hiệp lại!
Tham khảo:
[1]. Có tài liệu cho biết tác giả câu này là nhà thơ Vũ Hoàng Chương, ứng tác trong tù khi nghe tin tên đường bị đổi!
[2] Các học giả xem hình thái của Trung Quốc hiện tại là “Crony capitalism”, tiếng Việt là “chủ nghĩa tư bản thân hữu” hay “chủ nghĩa tư bản thân tộc”. Đó là nền kinh tế dựa trên mối quan hệ giữa doanh nghiệp và chính phủ. Việc kinh doanh của một tổ chức phụ thuộc vào ân huệ của những người có quyền lực trong chính quyền, kết thành những “nhóm lợi ích”. mà các doanh nghiệp khác bên ngoài không thể tiếp cận được.
[3] Theo tác giả Vũ Thư Hiên trong Đêm giữa ban ngày thì Lê Duẫn và Lê Đức Thọ chủ trương chiến tranh vì thân phận ít học của mình: nếu không có chiến tranh, họ sẽ bị lép vế so với những thành phần có học hơn như Võ Nguyên Giáp, Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Bùi Công Trừng v.v..
[4] i. “Hội thảo lý luận giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc” (21.7.2019):
‘Thực hiện chương trình hợp tác giữa hai đảng về nghiên cứu lý luận, sáng nay, tại thành phố Quý Dương, thủ phủ tỉnh Quý Châu, Tây Nam Trung Quốc, đã khai mạc hội thảo lý luận lần thứ 15 giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc với chủ đề “Một số vấn đề có tính quy luật trong quá trình hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa”.’
ii. “Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc tại Trung Quốc” (18/12/2028)
‘Thực hiện thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Bùi Trường Giang, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương làm trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại Trung Quốc.’
[5] “22 cán bộ chính trị tập huấn tại Trung Quốc” (Quân đội nhân dân, 5.6.2013)
‘Ngày 6-6, Đoàn cán bộ chính trị cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ lên đường sang Trung Quốc tham gia khóa học ngắn hạn (15 ngày), trong khuôn khổ Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương và thỏa thuận hợp tác quốc phòng giữa 2 nước…”
Đoàn này gồm 22 “tướng lĩnh, sĩ quan cấp cao là cán bộ chủ trì công tác Đảng, công tác chính trị tại các đơn vị cấp chiến lược, chiến dịch toàn quân”.