- Joseph Bosco
Ngày 21/4 vừa qua, tờ The Hill đăng tải bài viết “Trung Quốc phải trả giá vì mang đến thảm họa cho thế giới” (China must pay for the calamity it has unleashed on the world), nêu ra những nghi vấn có căn cứ về việc liệu chế độ cộng sản Trung Quốc có cố tình tạo ra đại dịch hiện nay hay không. Tác giả bài viết là ông Joseph Bosco, cựu giám đốc về Trung Quốc cho Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ năm 2005 đến 2006, giám đốc hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa châu Á-Thái Bình Dương từ năm 2009 đến năm 2010. Ông là thành viên hội đồng tư vấn của Viện toàn cầu Đài Loan và là thành viên của Ủy ban về Nguy cơ Trung Quốc (CPDC).
Dưới đây xin được giới thiệu toàn văn bản dịch. Bản gốc xem tại đây.
Trong một bài diễn thuyết vào năm 1957, lãnh đạo cách mạng của Trung Quốc, Mao Trạch Đông từng đưa ra một tuyên bố khiến thế giới bị sốc: “Tôi không sợ chiến tranh hạt nhân. Có những 2,7 tỷ người trên thế giới, nên không phải vấn đề gì khi một số bị giết. Trung Quốc có dân số 600 triệu, thậm chí nếu chết một nửa, vẫn còn tới 300 triệu người sống.” Ba năm sau, Mao lại nói với thủ tướng Ấn Độ: “Nếu điều tồi tệ của tồi tệ xảy ra, và một nửa dân số thế giới chết, một nửa còn lại vẫn sống, chủ nghĩa đế quốc sẽ bị san phẳng, và cả thế giới sẽ theo chủ nghĩa xã hội.”
Tại sao mẩu chuyện lịch sử khiến người ta sửng sốt này lại khiến bạn liên tưởng tới ngày nay? Đối với những người chưa biết, Mao vẫn là hình mẫu anh hùng của rất nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là của Tập Cận Bình, người đã kêu gọi khôi phục tư tưởng Mao.
Tiếp nữa, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay vẫn giữ nguyên cách nhìn nhận đối nội và đối ngoại được dựng lập bởi Mao và những kẻ kế vị, trong chiến tranh Triều Tiên khiến hàng triệu người lính Trung Quốc tử trận; trong cuộc xâm lược và chiếm đóng Tây Tạng và Đông Turkestan; trong Đại cách mạng văn hóa và Đại nhảy vọt gây ra cái chết của 50 triệu người Trung Quốc; trong “chiến tranh giải phóng dân tộc” tại châu Á, châu Phi và các nước Mỹ La Tinh; trong cuộc thảm sát Thiên An Môn khiến hàng nghìn người Trung Quốc trẻ tuổi bị giết dưới thời Đặng Tiểu Bình.
Sự tôn trọng mạng sống của con người và lòng trắc ẩn đối với khổ đau của con người không bao giờ là tiêu chuẩn của cộng sản quốc tế, dù có là loại [cộng sản] Liên Xô hay Trung Quốc. Những hành vi vô đạo trắng trợn ngày nay [của ĐCSTQ] có thể kể tới như cuộc diệt chủng văn hóa Tây Tạng và Tân Cương, các trại tập trung Duy Ngô Nhĩ, thu hoạch tạng trên quy mô công nghiệp, gây hấn vũ trang trên biển Đông; hung hăng tại biển Hoa Đông; và đe dọa tiêu diệt các thành phố của Mỹ vì tranh chấp Đài Loan.
Các học giả về Trung Quốc và các chuyên gia an ninh quốc gia của Hoa Kỳ đang tranh luận về việc liệu đại dịch toàn cầu hiện nay có phải “chỉ là” kết quả của một tai nạn đã giải phóng ra virus – dù là từ một chợ động vật tươi sống tại Vũ Hán, hay là từ một phòng thí nghiệm sinh học tại đây. Tuy nhiên, vượt lên trên câu hỏi về xuất xứ từ phòng thí nghiệm hay từ truyền nhiễm động vật, một vấn đề cực kỳ quan trọng đã được đưa ra: Liệu việc virus thoát ra ngoài hay liệu cách hành xử bước đầu của Trung Quốc trước đại dịch có phải là hành động cố ý nhằm chống lại Mỹ và phương Tây? Liệu [chế độ Cộng sản] Trung Quốc có cố ý cho phép virus lây lan trong một phần có kiểm soát của dân số để nó lây lan ra cộng đồng quốc tế – bởi vì theo tư tưởng Mao Trạch Đông, thì phương Tây phát triển sẽ chịu thiệt hại nặng nề hơn nhiều so với Trung Quốc?
Hay, ở một mức độ ít ác độc hơn, liệu chính quyền [Cộng sản] Trung Quốc chỉ là quá cẩu thả lúc đầu, nhưng rồi họ đã nghĩ rằng họ sẽ chiếm được lợi thế địa chính trị khi dịch bệnh đang tấn công phương Tây, còn Trung Quốc thể hiện bề ngoài là đã hết dịch? Dù cố ý hay vô tình, liệu Tập Cận Bình có nhìn thấy những cơ hội mà virus tạo ra, cơ hội mà ngay cả người hùng tư tưởng của ông ta là Mao Trạch Đông cũng chỉ có thể mơ đến thông qua chiến tranh hạt nhân – cơ hội để khiến phương Tây quỳ gối, mà chỉ phải trả giá bằng một thành phố Trung Quốc, thay vì một nửa dân số Trung Quốc?
Đối với câu hỏi về động cơ, chắc chắn có một lời giải thích hợp lý cho việc tại sao Bắc Kinh muốn sử dụng một kế hoạch hiểm độc đến thế. Mỹ dứt khoát sẽ chiến thắng cuộc chiến tranh thương mại mà tổng thống Trump đã khởi đầu với Trung Quốc vào năm ngoái. Nền kinh tế thịnh vượng một thời của Trung Quốc sẽ xuống dốc trong khi nước Mỹ dưới thời Trump ghi điểm trong hàng loạt lĩnh vực kinh tế. Và, với kinh tế mạnh mẽ trong tay, tổng thống sẽ yêu cầu giai đoạn cải tổ tiếp theo, dẫn đến sự thay đổi cơ bản trong hệ thống kinh tế của Trung Quốc, điều có khả năng sẽ dẫn tới một thay đổi trọng yếu trong hệ thống chính trị của quốc gia này.
Tập chắc chắn không thể hạnh phúc trước áp lực chưa từng có từ chính quyền Mỹ hiện tại, chính quyền mà Bắc Kinh đã đánh giá thấp. Ông ta phải hy vọng vào một cách nào đó để xoay chuyển tình thế không có lợi đối với chế độ cộng sản Trung Quốc (nhưng lại có khả năng là rất có lợi cho người dân Trung Quốc). Dù là ngẫu nhiên hay là được lên kế hoạch, đại dịch này đã làm rung chuyển tới tận cốt lõi của tình thế ấy, và khiến lực xoay thân Mỹ lệch khỏi quỹ đạo.
Những nhà phê bình sẽ xếp suy đoán về động cơ của Trung Quốc trên đây vào dạng cực đoan, thậm chí, hoang tưởng. Họ sẽ yêu cầu phải có bằng chứng cho thấy Trung Quốc cố tình trong mọi sự kiện của thảm họa đã ập xuống thế giới vài tháng qua. Những nhà phê bình ấy cần phải xem xét sự thật một cách đa chiều và hiển nhiên:
Trong khi virus đang lan ra tại Vũ Hán vào tháng 1, chính quyền Trung Quốc khuyến khích 100.000 người dân và người du lịch tập trung cho một bữa tiệc mừng năm mới. Trong vòng 2 tuần, những người đó phải đối mặt với địa ngục truyền nhiễm;
Nhằm kìm chế dịch, chế độ Trung Quốc lại phong tỏa khắc nghiệt toàn bộ Vũ Hán, thậm chí hàn cửa của các hộ dân để buộc họ ở trong nhà;
Đường bay giữa Vũ Hán tới các nơi khác của Trung Quốc bị đình chỉ đột ngột nhằm ngăn chặn virus, nhưng đường bay từ Vũ Hán tới các nơi khác trên thế giới được cho phép, nhằm tiếp tục lan truyền dịch bệnh ra ngoài – trong khi Bắc Kinh và tổ chức Y tế Thế giới WHO phản đối việc tổng thống Trump áp đặt hạn chế du lịch đối với Trung Quốc.
Sự thực tàn khốc là hành động của Bắc Kinh đã cho phép đại dịch tại Vũ Hán, hầu như được kiểm soát tại Vũ Hán và Hồ Bắc, nhưng lại dễ dàng lan ra toàn cầu. Vì thế, hơn 150.000 nhân mạng đã mất đi trên toàn thế giới, nền kinh tế phương Tây bị tàn phá, các chính phủ bị tê liệt, quân đội bị giảm sút. Trong khi đó, Bắc Kinh chỉ tay và trở thành một hệ thống ưu việt.
Mao chủ tịch hẳn là sẽ tự hào về kết quả “ngẫu nhiên” virus đã mang tới cho Trung Quốc, mà không phải sử dụng đến vũ khí nguyên tử. Tập Cận Bình, người kế thừa tư tưởng của ông ta, có thể tin rằng mình đã có một lá bài thoát thân đối với đàm phán thương mại, đối với các hành vi gây sự với Đài Loan, Hồng Kông, và các hành vi gây hấn tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tổng thống Trump sẽ phải khiến Tập hết mù quáng về ý tưởng đó, nhưng sẽ không dễ, nếu xét đến thiên hướng hợp tác thân ái ở cấp lãnh đạo của tổng thống nhằm đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ. Tổng thống cần phải nhớ rằng ông đã đạt được tiến triển nhiều hơn với Trung Quốc – và với Bắc Hàn – khi ông gia tăng áp lực lớn nhất. Hiện tại Trung Quốc đã thêm vào danh sách tội lỗi của nó mạng sống và thiệt hại kinh tế không thể đo đếm được do đại dịch. Các công cụ ngoại giao và tài chính, cũng như luật pháp Mỹ và luật pháp quốc tế, cho chúng ta rất nhiều lựa chọn để bắt Trung Quốc trả giá.
Người Trung Quốc, nạn nhân chính của chế độ bất tài và độc địa này, có thể được đền bù một cách hiệu quả nếu họ được cung cấp sự thực từ phương Tây. Hoàn cảnh đau thương mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay đã mang đến một cơ hội chiến lược độc đáo, và một nhu cầu đạo đức, nhằm điều tiết và thay đổi khiến Trung Quốc trở nên tốt hơn. Tổng thống cần phải nắm lấy cơ hội này. Dù có tiếp tục thắng cử hay không, ông sẽ có được một địa vị anh hùng và đáng tôn kính trong lịch sử, cũng như tổng thống Ronald Reagan được hoan nghênh vì tạo ra sự sụp đổ hòa bình của Liên Bang Xô Viết.
Tác giả: Joseph Bosco
Minh Nhật biên dịch