Điệp viên Trung Quốc phát tán tin giả, gieo rắc hoảng loạn về virus ở Mỹ

  • Xuân Lan

Các quan chức Mỹ đang lo ngại khi nhiều tin nhắn và các bài viết giả mạo trên truyền thông xã hội liên tục xuất hiện trong thời gian dịch bệnh. Họ nói rằng tình báo Trung Quốc đã phát tán những thông tin này nhằm gieo rắc hoảng loạn cho người dân Mỹ, theo New York Times.

(Ảnh: Shutterstock)

Vào giữa tháng 3, những tin nhắn với nội dung “chính quyền Tổng thống Trump sắp phong toả toàn bộ đất nước” lan truyền chóng mặt khắp nước Mỹ. 

“Họ sẽ thông báo điều này ngay khi quân đội được điều động để ngăn chặn những kẻ cướp phá và gây rối,” một tin nhắn khác trích dẫn nguồn từ Bộ An ninh nội địa cho hay. 

Những thông tin như vậy lan rộng, khiến Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng đã phải ra một thông báo trên Twitter rằng chúng là “TIN GIẢ”.

Cơ quan tình báo Mỹ sau đó phát hiện những tin tức này đã được các đặc vụ Trung Quốc phát tán qua tin nhắn và trên mạng xã hội để gieo rắc sự lo sợ trên khắp nước Mỹ, New York Times trích dẫn phỏng vấn 6 quan chức Mỹ ẩn danh cho biết. 

Những quan chức này nhận định việc thông tin sai lệch xuất hiện dưới dạng tin nhắn trên điện thoại di động của người dân Mỹ là một chiến thuật mà họ chưa từng thấy trước đây.

Điều đó đã thúc đẩy các cơ quan tình báo Mỹ xem xét những cách thức mới mà Trung Quốc, Nga và nhiều quốc gia khác đang sử dụng để lan truyền thông tin nhầm lẫn tại Mỹ trong thời gian đại dịch.

Những quan chức được New York Times phỏng vấn làm việc tại 6 tổ chức khác nhau, bao gồm cả các công chức sự nghiệp, uỷ viên chính trị. Một số người đã dành nhiều năm để phân tích về Trung Quốc.

Các cảnh báo rõ ràng của họ về việc Trung Quốc lan truyền thông tin sai lệch được củng cố bởi những phát hiện gần đây từ các nhóm nghiên cứu bên ngoài của lưỡng đảng, gồm có Liên minh Bảo đảm Dân chủ và Trung tâm vì Một nền an ninh mới của Mỹ, nơi dự định sẽ công bố một báo cáo về chủ đề này vào tháng tới

Hai quan chức Mỹ nhấn mạnh họ không tin Trung Quốc đã tạo ra những tin nhắn về việc phong tỏa, mà phóng đại từ những tin hiện có, đủ để khiến các tin nhắn thu hút sự chú ý của người dân và sau đó chính họ sẽ tự lan truyền mà không cần đặc vụ nước ngoài làm thêm điều gì. 

Các quan chức Mỹ cho biết những đặc vụ đã áp dụng một vài kỹ thuật được dùng rất thành thục bởi tình báo Nga, như tạo các tài khoản mạng xã hội giả để đẩy các tin nhắn tới những người Mỹ dễ đồng cảm và những người này lại giúp lan truyền chúng một cách vô ý thức.

Việc đặc vụ Trung Quốc sử dụng tin nhắn và các ứng dụng nhắn tin mã hoá trong các chiến dịch của họ khiến các nhà nghiên cứu và nhân viên hành pháp gặp khó khăn trong việc theo dõi và kiểm soát.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với New York Times rằng các sĩ quan tình báo Mỹ đang điều tra xem liệu gián điệp trong các đoàn ngoại giao của Trung Quốc tại Mỹ có lan truyền tin giả về phong tỏa hay không. Gần đây, Mỹ đã tăng cường giám sát các nhà ngoại giao và nhân viên Trung Quốc trong các tổ chức truyền thông nhà nước. Hồi tháng Chín, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bí mật trục xuất 2 nhân viên sứ quán Bắc Kinh tại Washington vì nghi ngờ làm gián điệp.

Các quan chức Mỹ cho hay Trung Quốc đã áp dụng chiến lược của Nga và cố gắng khơi rộng mối bất hoà chính trị trong nước Mỹ. Khi sự bất đồng về chính sách phong tỏa tại tăng lên tại nhiều bang, điều này sẽ càng khiến Trung Quốc và Nga dễ dàng thổi phồng sự bất đồng đảng phái. 

“Đó là một phần của sơ đồ chiến thuật lan truyền sự bất hoà,” Thượng nghị sĩ độc lập bang Main Angus King nhận xét. Nhiều nhà phân tích trong khu vực tư nhân cũng cho rằng sự thao túng của Trung Quốc ở Mỹ đang phát triển ngày càng tinh vi hơn.

Các nỗ lực tuyên truyền đã vượt ra ngoài tin nhắn và tin bài trên truyền thông xã hội nhằm trực tiếp vào người Mỹ. Quan chức Mỹ nói rằng chính quyền Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ quan nhà nước tham gia vào một chiến dịch toàn cầu lưu truyền thông tin sai lạc về virus corona.

Ví dụ, nhiều tin nhắn đã nhấn mạnh ý tưởng về tình trạng chia rẽ giữa các quốc gia châu Âu trong khủng hoảng và ca ngợi “ngoại giao quyên góp” của Trung Quốc, các quan chức Mỹ nói. Tuy vậy, việc các công ty Trung Quốc cung cấp những thiết bị kém chất lượng và việc các nhà lãnh đạo châu Âu bày tỏ sự nghi ngờ về việc Trung Quốc xử lý dịch bệnh đều không được nhắc đến.

Chiến tranh thông tin

Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu trong cuộc chiến tranh thông tin liên quan đến đại dịch Viêm phổi Vũ Hán.

Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc việc Bắc Kinh đã không minh bạch trong đại dịch.

Trong tháng Ba, ông Triệu lên Twitter ám chỉ rằng quân đội Mỹ đã mang virus corona đến Vũ Hán để làm bùng phát dịch bệnh. Thông điệp sau đó được chia sẻ bởi các tài khoản Twitter chính thức của các đại sứ và lãnh sự quán Trung Quốc.

Một năm qua, số lượng các nhà ngoại giao và đại sứ quán Trung Quốc trên Twitter đã tăng 250%, bà Laura Rosenberger, thuộc Quỹ Marshall, nhóm chuyên gia tư vấn có trụ sở tại Washington cho biết.

Hệ thống truyền hình toàn cầu của nhà nước Trung Quốc (CGTN) đã sản xuất một video nhắm tới người xem ở Trung Đông trong đó một người dẫn chương trình nói tiếng Ả-rập đã khẳng định rằng “một vài sự kiện mới” đã chỉ ra đại dịch có thể bắt nguồn từ khi Mỹ tham gia hội thi thể thao quân sự hồi tháng 10 ở Vũ Hán. Video này đã thu hút hơn 365.000 lượt xem trên YouTube. 

“ĐCSTQ đang huy động các cỗ máy thông tin trên toàn cầu của họ, gồm cả truyền thông nhà nước cũng như các nhà ngoại giao Trung Quốc, để đẩy đi những câu chuyện giả dối được lựa chọn và địa phương hoá,” Lea Gabrielle, điều phối viên Trung tâm Cam kết Toàn cầu (Global Engagement Center) tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết.

Một vài nhà phân tích nói rằng đó là cốt lõi của chiến lược ngoại giao “Chiến binh Sói” của Trung Quốc với mục đích gieo rắc hỗn loạn và làm xói mòn lòng tin vào chính phủ của người Mỹ.

Từ tháng Một, nhiều thông tin khác nhau đã được chia sẻ rộng tại Mỹ, như thông tin virus bắt nguồn từ phòng thí nghiệm của quân đội Mỹ tại Fort Detrick bang Maryland; virus có thể bị giết bằng nước tỏi, vitamin C, v.v. Thông thường các bài viết được “lấy nguồn” ẩn danh trong chính quyền Mỹ hoặc một tổ chức như Đại học John Hopkins hoặc Đại học Stanford.

Xuân Lan (theo New York Times)

Related posts