Trương Văn Út
Ngày này, 27/4/1975, 45 năm về trước, Long Khánh triệt thoái, SĐ3 CSBV tấn công đánh chiếm Phước Lễ (Bà Rịa), phi trường Biên Hòa bị pháo kích dữ dội, QĐIII di tản. Phía tây nam, Quân Đoàn 232 CSBV gồm 3 SĐ cắt quốc lộ 4, về phía bắc, Quân Đoàn 1 CSBV chiếm Bình Dương (Thủ Dầu Một), phía tây bắc, QĐ 3 CSBV cắt quốc lộ 1 và 21 để chặn đường rút lui của SĐ25BB của VNCH từ Tây Ninh.
Thời điểm đó, tôi chỉ là một Đại Úy quèn đang cùng binh lính ngồi trên nắp hầm trú ẩn vòng đai phi trường Tân Sơn Nhất, khu vực đối diện với Quân Y Viện Cộng Hòa, nhìn và nghe tiếng nổ của 130 ly, hỏa tiễn 122 ly và nôn nóng chờ lệnh trên, rồi lệnh trên lệnh dưới, lệnh hàng dọc hàng ngang gần như hết…pin! Sau này quởn đọc và suy ngẫm lại những sách vở tài liệu nói về những ngày cuối cùng của chế độ VN Cộng Hòa Miền Nam mới thấy rằng, trong bối cảnh trận liệt lúc đó, Ông Dương Văn Minh có thần thông quảng đại như Thánh Dóng Phù Đổng Thiên Vương đi chăng nữa, cũng chẳng làm gì được, chỉ có “đầu hàng”.
…”Theo lời kể của Trung uý Danh, tuỳ viên của Tướng Nguyễn Khoa Nam Tư Lệnh Vùng IV, thì ông là người nhân ái, sùng đạo Phật không muốn đổ máu.
“Là một tư lệnh Quân đoàn, đã nắm trong tay nhiều đơn vị trung thành, tướng Nguyễn Khoa Nam có thể ra lệnh tiếp tục chiến đấu, nhưng là vị tướng có lòng nhân ái, không muốn binh sĩ và đồng bào đổ máu vô ích, ông không cho phá cầu, ông không muốn có người chết thêm” (Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Bút ký của Trung úy Lê Ngọc Danh).
Nhận xét về Tướng Dương Văn Minh nhiều người hồi đó cũng như bây giờ chỉ trích chê bai ông là kẻ đầu hàng địch, dâng nước cho CSBV, nhưng cũng có nhiều người tán đồng quyết định của Tướng Minh cho rằng tiếp tục chiến đấu sẽ chỉ gây thêm tang tóc đổ máu vô ích không hy vọng gì cứu vãn được tình thế. Sau khi ra định cư tại Hải ngoại, Tướng Dương Văn Minh đã trả lời phỏng vấn: “Tôi không cứu được nước nhưng tôi phải cứu dân”. (Trích Từ Sài Gòn Thất Thủ Trọng Đạt)
Ông Dương Văn Minh “cứu dân” bằng cách đầu hàng, không biết trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, với bao nhiêu năm kinh nghiệm trong đời binh nghiệp của Ông. Ông có nghĩ rằng, đầu hàng cộng sản là đưa cả một dân tộc vào gông cùm không còn thấy ánh mặt trời! Thôi thì nghiệp dĩ của dân tộc VN như vậy đành chịu như vậy.
Ngày ấy tháng tư
giờ hai mươi lăm đã điểm
địch bao mặt tây, địch vây hướng bắc
còn hướng đông phải vượt núi mây tào
rừng tre gai chen mây cuồn cuộn
ngửa mặt lên không thấy mặt trời
Lịch sử đông tây kim cổ vận hành theo chu kỳ hưng thịnh suy vong cứ lập đi lập lại mãi không ngừng. có phải bao giờ chính nghĩa cũng thắng gian tà đâu, nếu phải thế thì rợ Mông kia ngồi trên lưng ngựa mà chiếm Trung Nguyên cả trăm năm để giải phóng cái gì? Một dúm bọn rợ Mãn nhân danh cái gì mà khai hóa Hán tộc suốt ba trăm năm lịch sử? Dẫu tống cựu nghinh tân, đổi xấu lấy tốt là quy luật của tạo hóa, cơ trời đã định nhưng lẽ thường tình đứng trước cảnh ruộng dâu bể muối mấy ai không nảy lòng thương cảm.
Đó chính là sự phân biệt giữa con người và cỏ cây muông thú. Để đánh đổ cái cũ dựng lên cái mới, có thế lực nào mà không nhân danh những điều tốt đẹp để lấy lòng dân và huy động sức người sức của. Đánh giá công tội tốt xấu một vương triều, tưởng chỉ nên xét hành trạng lúc cầm quyền, có xem “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” hay không, hay đến lúc cầm quyền rồi thì dùng định chế hà khắc để trói buộc, coi người dân như một dạng tài nguyên để khai thác, lợi dụng quyền hành mà vơ vét của cải, có khác chi cùng một loại hạng với bọn ăn cướp. Bản chất thì giống nhau, chỉ khác cái bề ngoài mà thôi.
Đất Chiêm Thành của Việt Nam ta cũng đã trải qua một thời kỳ hưng thinh tồn tại kéo dài 800 năm (thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 15) với kinh đô Chăm Pa (Đồ Bàn). Đến cuối thế kỷ thứ 15 (1471) thì bị diệt vong dưới quân của vua Lê Thánh Tôn, và cuối cùng đất Chiêm Thành bị Chúa Nguyễn Phúc Chu sát nhập hẳn vào Đại Việt thành lập phủ Bình Thuận trong thời kỳ Trịnh Nguyễn Phân Tranh.
Bước qua thế kỷ thứ 18 (1778), Nguyễn Nhạc xưng Trung Ương Hoàng Đế và cho tu sửa lại Đồ Bàn làm kinh đô triều Tây Sơn, nên còn gọi là thành Hoàng Đế. Năm 1799, Nguyễn Vương chiếm thành và đổi tên là thành Bình Định. Năm 1816, vua Gia Long cho phá bỏ thành, dời thủ phủ về Quy Nhơn ở phía Nam. Cùng với Chiêm quốc, thành Đồ Bàn (Vijaya ) rơi dần vào quên lãng, đến nay chỉ còn là một phế tích thuộc xã Nhơn Hậu cách thành phố Quy Nhơn 27 km về hướng Bắc.
Nhớ lại lịch sử của Chiêm Thành rồi một chút xót xa ngậm ngùi cho thân phận người Việt lưu vong của chúng ta ngày nay cũng có khác gì đâu, cũng giặc từ ngoài Bắc vô đây bàn tay nhuốm máu đồng bào, lịch sử xoay vần bây giờ tới lượt giặc Hán cộng từ phương Bắc tràn qua chiếm đất đồng bào. Nhớ Chiêm Thành để khâm phục Chế Bồng Nga và Vương Phi Mỵ Ê và chúng ta cảm thấy xấu hổ vì chúng ta có những lê chiêu thống thời đại mới mệnh danh là tư bản đỏ. Năm 1962, cố nhạc sĩ Xuân Tiên cũng nhớ lại lịch sử của Chiêm Thành mà viết nên bản nhạc bi thương hùng tráng Hận Đồ Bàn, làm người nghe ngậm ngùi, tưởng nhớ đến một quốc gia Đông Nam Á hùng mạnh oanh liệt một thời, một dân tộc có nền thương mãi hàng hải phát triển và tiểu thủ công nghiệp thật tinh xảo, đã bị diệt vong dưới bao lớp sóng phế hưng chỉ vì sai lầm của các vì vua đã chọn chiến tranh làm quốc sách.
Cũng là Vong Quốc, nhưng “Hờn” với “Hận” khác nhau, hờn mang tính khí bi quan yếm thế, hận mang tính khí lạc quan tràn đầy niềm tin tưởng hy vọng phục quốc như Việt Vương Câu Tiển nằm gai nếm mật khổ nhục kế suốt bao nhiêu năm trường hận. Tin tưởng và hy vọng dựa trên truyền thống đấu tranh bất khuất của Hai Bà Trưng, của Ngô Quyền, của Lê Lợi…và của cả một dân tộc có ý chí quật khởi mãnh liệt sau một ngàn năm đô hộ giặc Tàu. Tin tưởng và hy vọng lịch sử sẽ lập lại theo chu kỳ bất biến của nó. Gian tà thắng chính nghĩa chẳng qua là nhất thời vì bản chất tàn độc của nó như rợ hung nô Mông Mãn của Tàu khựa. Hy vọng rằng không phải riêng người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Hải Ngoại mà đại đa số nhân dân VN trong nước không ngừng mơ ước.
Đồ Bàn miền Trung đường về đây…
Máu như loang thắm chưa phai dấu
xương trắng sâu vùi khí hờn căm…khó tan.
Kìa ngoài trùng dương đoàn thuyền ai nhấp nhô trên sóng xa xa tắp!
Mơ bóng Chiêm thuyền Chế Bồng Nga…
Người xưa đâu?
Xin vào link nghe bản nhạc này cùng nhóm “Văn Thi Hữu UBL” tục gọi là Đệ Tử Lưu Linh vừa thực hiện.
Cuộc kháng chiến chống quân Minh của vua tôi nhà Hậu Trần dù thất bại nhưng tiết tháo của Trùng Quang Đế, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung, Nguyễn Súy vẫn là tấm gương yêu nước ngời sáng cho hậu thế. Một bài thơ rất nổi tiếng mà những ai yêu văn học sử nước nhà đều biết, đó là bài Thuật Hoài của Đặng Dung, “ một trong những áng hùng thi kiệt xuất của văn học dân tộc”. Lý Tử Tấn, một nhà thơ lớn của nước ta thời Lê sơ, có lời bình: “ Phi hào kiệt chi sĩ , bất năng ” (Nếu không phải là kẻ sĩ hào kiệt thì không thể làm nổi bài thơ này). Nay người viết xin mạo muội ghi thêm: “ Phi vong quốc nô, bất cảm ” (Nếu không phải kẻ chịu cảnh nước mất nhà tan không thể cảm thông hết được ).
Phiên âm:
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phò địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma.
Dịch nghĩa
Việc đời dằng dặc mà tiếc thay tuổi đã già,
Trời đất rộng lớn cùng nhập vào cuộc say ca.
Thời cơ đến, bọn hàng thịt (ngoài chợ), bọn đi câu (ngoài sông) vẫn có thể thành công dễ dàng,
Lỡ vận, người anh hùng cũng phải uống nhiều tủi hận.
Phò vua, có lòng nâng trục đất,
Rửa binh khí, tiếc là không có lối kéo sông Ngân Hà xuống.
Nợ nước chưa đền mà đầu đã sớm bạc,
Bao phen, thanh gươm Long Tuyền đem mài dưới ánh trăng.
(Trích Từ Wikipedia)
Vâng! Nợ nước chưa đền mà đầu đã bạc, lực bất tòng tâm đành thúc thủ thơ túi rượu bầu với bằng hữu tâm giao đồng cảm trong những lần gặp gỡ Hoa Sơn Luận Tửu;
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng ta với ta.
Vì “Hận Đồ Bàn” mà mỏi miệng, nhưng đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt khiến lòng đây luống đoạn trường.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường.
Còn đoạn trường hơn nữa khi mà thời lai “đồ đểu thành công vị”, nhìn lên trông xuống, ngó trước ngoảnh sau chỉ thấy
Sóng lớp phế hưng coi đã rộn,
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa cảnh cũ nào đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.
Đồ bàn ngàn xưa hận, ta bạc đầu tửu luận gởi buồn ra bốn phương.
Út Trương Văn, 27/4/2020