Tạ Duy Anh
Rất nhiều tài liệu chứng thực trong Hội nghị Giơ-ne-vơ Trung Quốc một mực ép miền Bắc Việt Nam chấp nhận chia đôi đất nước ở vĩ tuyến mười bảy, trong khi Phạm Văn Đồng khăng khăng đòi từ vĩ tuyến 13, hoặc ít nhất cũng là vĩ tuyến 16? Cuối cùng Hà Nội buộc phải chấp nhận trong hậm hực. Nhưng chưa mấy ai đặt câu hỏi, vì sao lại là vĩ tuyến mười bảy, bởi trên thực tế, nếu nhích về phía Nam một vài vĩ tuyến, cũng vẫn là đất của người Việt và về mặt an ninh, Trung Quốc rõ ràng là “yên tâm” hơn?
Hóa ra chỉ là, mưu đồ đánh chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc đã chín muồi từ ngày đó. Hãy giả định, nếu vạch chia cắt lùi xuống phía Nam, Hoàng Sa được Quốc tế giao cho miền Bác quản lý, thì trong bối cảnh “bốn phương vô sản đều là anh em”, trong hoàn cảnh Phe XHCN vẫn còn khăng khít và tôn Liên Xô lên làm thủ lĩnh, liệu Mao có dám lấy Hoàng Sa từ tay người anh em cùng là đồng chí chống chủ nghĩa đế quốc, cùng có mục tiêu tiến tới giải phóng nhân loại, xóa bỏ mọi đường biên?
Sẽ vô cùng khó, thậm chí là không thể, ít nhất cho đến khi Liên Xô tan rã.
Nhưng lấy từ tay chính phủ Việt Nam cộng hòa, thì thuận cả đôi đường. Với miền Bắc, nhờ thế mà ngoài biển “kẻ thù” bị đẩy lùi sâu xuống phía Nam. Liên Xô và phe XHCN chẳng có lý do gì để phản đối, vì Hoàng Sa lúc đó là “đất của kẻ thù chung”. Trong bối cảnh Trung Quốc đang bảo trợ cuộc chiến với người anh em phía Nam, Hà Nội khó mà “mở miệng” phản đối, dù có thể trong thâm tâm nhiều người biết hành động đó của Trung Quốc là xâm lược và đất nước một mai thống nhất sẽ bị mất một phần lãnh thổ. Chỉ còn rào cản cuối cùng là “Đế quốc Mỹ”, thì Trung Quốc đã “đi đêm” thành công để Mỹ bỏ rơi Hoàng Sa và sau đó là bỏ rơi luôn đồng minh thân thiết, đổi lại Trung Quốc sẽ “không đưa quân vượt qua vĩ tuyến mười bảy”, sẽ giúp Mỹ dồn lực chống lại Liên Xô. Mỹ thì chọn sai kẻ thù, như số phận cứ phải đội đá vá trời sửa sai của cái xứ cờ hoa, còn Trung Quốc đã lừa được cả thế giới. Nhưng cuối cùng, trong ván cờ máu ấy, chỉ người Việt là chịu nỗi đau không biết sẽ còn kéo dài đến khi nào.
46 năm trước, trong khi những người Việt mải miết đánh nhau chí tử bằng vũ khí của ngoại bang, thì Trung Quốc lặng lẽ nuốt trọn Hoàng Sa. 45 năm sau, khi những người “tiến vào Sài Gòn quét sạch giặc thù”, vẫn mải mê ăn mừng đại thắng như chưa hết cơn lên đồng khoe chiến tích, tiếp tục nới rộng con sông Bến Hải trong trái tim hàng chục triệu con cháu bà Âu Cơ, thì Trung Quốc, lần này không lặng lẽ mà ngang nhiên chuyển thiết bị quân sự ra những đảo đánh chiếm được nhờ tình hữu nghị và cú lừa bốn tốt, mười sáu chữ vàng, thành lập các đơn vị hành chính trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta sẽ còn phải chuẩn bị đối mặt với nhiều rủi ro trong thời gian tới, bởi tên giặc khổng lồ tham tàn và hiểm độc.
Với tôi, thì xét về tổng thể trong suốt bảy mươi năm qua, kể từ Hiệp định chia đôi đất nước, người Việt đại bại toàn phần: Đất nước tiêu điều bởi bom đạn, nhiều triệu sinh mạng bị vùi xuống đất và xuống biển, phát triển tụt hậu ngày càng xa so với khu vực và thế giới, một phần lãnh thổ rơi vào tay kẻ thù.
Nhưng đại bại lớn nhất, khó cứu vãn nhất là vẫn còn nhiều kẻ đại bại luôn sống trong tư thế đại thắng?
Nỗi đau này sẽ còn kéo dài và chỉ của riêng người Việt, mình người Việt phải chịu, đừng hy vọng chia sẻ được cho ai theo kiểu “thế giới này là của chúng mình”.