Vô duyên và vô đạo

Thuận Văn

Trong bài trước tôi đã nhắc qua ba thứ “mùi” mà những ai từng sống trong chế độ xã hội chủ nghĩa đều phải nếm qua: cảnh “xếp hàng cả ngày – XHCN”, những “tiêu chuẩn” sắt đá phân bổ trên mỗi đầu người, những “cửa hàng bách hóa tổng hợp” với những kệ hàng trống hoác, trống huơ, lác đác dăm ba “hàng mẫu không bán”. Đành rằng “sự bất quá tam” nhưng chế độ cộng sản luôn là một sự thách thức lì lợm với những nghĩa lý thông thường mà nhân loại hằng rút tỉa nên nếu chỉ nếm chừng đó thôi thì vẫn chưa đủ độ từng trãi những ai từng làm “người XHCN”.

“Mùi” làm nên sự “từng trãi XHCN”, sau ba thứ “mùi” vừa kể, phải là mùi… “thi đua”. Nói tới xã hội cộng sản thì không thể không nhắc đến những “phong trào thi đua”. Động một cái là “phát động phong trào”. Hở một cái là “ra quân”, là phần phật cờ xí khẩu hiệu trên đầu, là rần rật gót chân trên mặt đất, là inh ỏi chiêng trống cùng loa phóng thanh bên tai, là đỏ lòe đủ loại mẫu giấy khen. Nhưng cũng đừng vội vã cho rằng đó chỉ đơn thuần là những hoạt động bề mặt: “Không có lý luận cách mạng thì không thể có phong trào cách mạng”, nói theo một trong những phát biểu được nhai lại nhiều nhất của Vladimir Lenin, cái gọi là “phong trào thi đua” này cũng có những nền tảng “lý luận” của nó.

Nhưng chúng ta đang ở thập niên thứ hai của thế kỷ 21, không nhất thiết phải phí thì giờ với ba thứ “lý luận” loại này mà chỉ cần điểm qua cho biết và, do đó, giản tiện nhất là lướt nhanh một vài công trình khảo cứu “chuyên ngành” theo kiểu mì ăn liên. Ở đây, tôi vớ được luận án tiến sĩ “Pháp Luật Về Thi Đua, Khen Thưởng Ở Việt Nam Hiện Nay”, được nghiên cứu sinh Phùng Ngọc Tấn trình tại Học viện khoa học xã hội Việt Nam năm 2016.

Cũng như bao luận án  trên lĩnh vực “khoa học xã hội” của chế độ này, công trình trên cũng đầy ắp phán ngôn của những lãnh tụ, cũng ê hề những trích dẫn từ “Lê nin toàn tập” hay Hồ Chí Minh toàn tập và, trong đó, đầu tiên phải kể đến lời của Lenin:

‘Dưới chủ nghĩa xã hội, thi đua là sự ‘đọ sức” thân ái trong lao động và sáng tạo và các hoạt động khác. Thi đua là một phong trào rộng lớn của quần chúng, cho nên phong trào ấy sẽ “tạo ra khả năng thu hút thực sự đa số nhân dân lao động vào vũ đài hoạt động khiến họ có thể tỏ rõ bản lĩnh, dốc hết năng lực của mình phát hiện những tài năng mà nhân dân sẵn có cả một nguồn vô tận.”’

Rồi của Hồ Chí Minh:

‘Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua. Thí dụ từ trước đến nay ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc sao cho sạch, cho hợp vệ sinh, khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng nay ta thi đua làm cho ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều.’

Xem ra Hồ Chí Minh cũng không khác một tiểu thương hóng hớt hay một nông dân ít ruộng và rỗi việc. Ông ta không yêu cầu nhân dân của mình sống đúng theo tiêu chí của môn vệ sinh để bảo vệ sức khỏe mà đòi họ phải dòm ngó để đoan chắc là mình sạch hơn người khác, nghĩa là phải xâm phạm vào đời sống riêng tư của người sống quanh mình. Xúi giục công dân của mình phải sống sao cho “nhiều chuyện” hơn, phải hơn thua nhau theo lối trẻ con trong một khía cạnh tế nhị nhất của đời sống, cái ông Minh này quả là một lãnh tụ vô duyên.

Lãnh tụ kính yêu đã vô duyên như thế thì trách sao những phong trào thi đua mà ông ta đặt nền móng xây dựng không là như thế? Nó vô duyên, nó vô tích sự, nó chẳng làm được gì cho đời và đó cũng chính là trải nghiệm của cá nhân tôi sau những đợt “‘đọ sức” thân ái trong lao động”, nói theo “minh triết” của Lenin về thi đua. Nhỏ thì “kế hoạch nhỏ” cho tuổi học trò. Cái cuộc “thi đua” thu nhặt phế liệu giấy với mệnh lệnh không thể kháng cự về tiêu chuẩn tối thiểu áp lên mỗi đầu học sinh, dẫn đến cách đối phó cực kỳ hiệu quả là xé rách bìa của những cuốn sách mới toanh để phi tang màu cờ hay màu râu lãnh tụ trước khi nhúng qua hai ba lần nước nhằm “phế liệu hóa” chúng rồi nộp cho… đủ ký, những thứ sách chính trị ê hề, rẻ như bèo, sách kiến giải Về Nghị quyết 1 hay 2, hay 3 nào đó; sách tụng ca Cuộc đời hoạt động của đồng chí X hay Y hay Z nào đó; hay kinh điển hơn và nhiều ký lô hơn là Lê nin toàn tập cuốn thứ 30 hay 49 gì đó. Lớn hơn, hoành tráng hơn thì “đào ao cá bác Hồ”, cái phong trào rầm rộ trên cả nước vào thập niên 1980, cực kỳ hình thức, cực kỳ tốn kém và cực kỳ kém hiệu quả mà tôi đã từng chai sần hai lòng bàn tay và mồ hôi ướt dầm lưng áo lúc còn là một học sinh trung học. Chưa kể vốn đầu tư, chỉ tính hình thức sưu dịch tân thời dưới nhãn mác “ngày công lao động cộng sản chủ nghĩa” kéo dài từ cuối tuần này sang cuối tuần khác, cái ao cá khoác lên mình ý nghĩa chính trị to tát ấy đã ngốn đến mấy vạn ngày công, đã sản xuất hàng trăm giấy khen thế nhưng, trong mùa cá đầu tiên, sau khi hàng loạt con giống bị chết vì nguồn nước ô nhiễm, vì thiếu thức ăn v.v.., kết quả thu hoạch chỉ đâu mươi lăm con cá trê phi “chỉ có hai con mắt là to”. Đó lại là màn khởi đầu cho một sự kết thúc không thể tệ hơn khi công trình mang tên bác bị bồi lấp, trở thành một cái ao cạn choẹt tanh rình mùi cứt vịt để hàng trăm giấy khen thưởng trang trí toàn tông màu cờ đỏ ban ra hóa thành một mớ giấy lộn tào lao. Tào lao thật nhưng lại sống dai, sống bền, kéo rê theo sự tồn tại của chế độ, thậm chí còn lập lại giữa cả những ngày “căng mình chống dịch”, như câu chuyện “Khen thưởng tào lao” tại Tiền Giang và Kiên Giang [2]:

‘Trong lúc cả nước đang căng mình chống dịch, chính quyền một vài địa phương thay vì dồn sức cho chuyện này, thì lại rảnh rỗi đi làm chuyện… tào lao

Tuần rồi, có 3 hộ dân ở xã Long Bình Điền, H.Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang được UBND xã xét trao giấy khen, thưởng 200.000 đồng vì chấp nhận dời đám cưới để phòng chống dịch COVID-19. Có 2 hộ dời đám cưới với tổng cộng khoảng 60 mâm tiệc, đã được trao bằng khen trong tuần rồi, còn tiền thì chờ qua dịch sẽ nhận.

Cùng thời điểm, Kiên Giang cũng có một gia đình ở P.Vĩnh Lợi, TP.Rạch Giá, được khen thưởng vì dời đám thôi nôi, khoảng 30 mâm. Nguyên nhân là các hộ này có… thành tích trong công tác thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Bằng khen và số tiền không nhiều, không đáng để gọi là lãng phí. Nhưng cách khen thì đáng bàn bởi nếu lạm dụng quá, người dân sẽ cảm thấy những tấm bằng khen ấy không có giá trị. Người nhận, có lẽ cũng thấy hơi ngượng, vì cùng lúc, các y bác sĩ, bộ đội, công an… ngày đêm căng sức phòng dịch, có người cả tháng không được về thăm vợ con, sẽ xứng đáng nhận phần khen ấy hơn họ nhiều!

Khen vì cái gì, khi chỉ dời đám tiệc? Trong khi ngày 31.3, Thủ tướng đã có chỉ thị số 16, yêu cầu thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội, bảo đảm giãn cách xã hội, giữ khoảng cách giữa người với người, cộng đồng với cộng đồng. Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết.

Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá 2 người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét…

Như vậy, nếu thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng, điều đương nhiên là không được phép tổ chức lễ cưới, đám tiệc. Chẳng có đám tiệc nào dám đảm bảo không quá… 2 người tham dự. Và đã là quy định, thì phải thực hiện, lẽ nào được khen?

Luật là luật, quy định là quy định, toàn dân phải chấp hành và thực hiện nghiêm. Ai làm sai, thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử lý. Đó là lẽ đương nhiên, toàn dân đều thấu hiểu. Dời đám tiệc là trách nhiệm công dân, trách nhiệm với gia đình và xã hội. Thế tại sao vẫn có lãnh đạo địa phương khen những chuyện không đáng như vậy?

Chưa người dân nào được khen vì hàng chục năm chấp hành tốt các quy định về giao thông đường bộ – khi lái xe trên đường. Cũng chưa ai được khen vì chấp hành đúng chế độ một vợ một chồng theo Luật Hôn nhân gia đình. Chỉ có sai, là phải xử lý!

Đó là chưa nói, các hộ dân dời đám tiệc, phần nào cũng vì… sợ lỗ. Ngay mùa dịch, có mời cũng chẳng bao nhiêu người dám đi dự. Họ phải thực hiện nghiêm chỉ thị của Thủ tướng và cũng phải lo cho sức khỏe của họ, ở nhà là chắc. Làm đám tiệc, mà không nhận đủ tiền mừng, quà biếu, còn thức ăn sẽ thừa mứa đổ bỏ bởi thiếu người ăn, ai dám đứng ra tổ chức?

Khen chi, cho lãng nhách vậy? Những người đáng khen, đáng động viên, sao không làm?”

 

Mở đầu thì “tào lao” mà kết thúc là “lãng nhách” nên, hay nhất, cần rút gọn thành “vô duyên”. Tác giả có vẻ bực dọc trước trò khen thưởng “vô duyên” của mấy cán bộ cấp thấp ở địa phương mà quên rằng, nếu xét về tính hiệu năng, cả những tấm giấy khen từ cấp cao hơn, thậm chí từ bậc “đỉnh cao trí tuệ” cũng là như thế.

Như ba tấm giấy khen mà Tổng bí thư – Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ký ngày 11.1.2020, truy tặng “Huân chương Chiến công hạng nhất” cho ba sĩ quan công an vì “chiến công đặc biệt xuất sắc”. Ngôn từ “khen thưởng” này dẫn đến ấn tượng về một “chiến công” vang dội nào đó, có thể là ở Gạc Ma, có thể là ở bãi cạn Tư Chính,  nếu không Trường Sa thì Hoàng Sa, không hơn thế thì cũng phải bằng như thế. Nhưng không, “chiến công đặc biệt xuất sắc” đó không hoàn toàn như thế vì nó diễn ra ở sát nách thủ đô trong vụ án mang tên “Đồng Tâm”, cái vụ án làm lay động đến cả cộng đồng quốc tế khi một bên là nguyên một hệ thống chính trị cố chiếm đất, một bên là những dân làng quyết bảo vệ quyền sinh sống trên đất ruộng của mình.

Ba sĩ quan công an đổi mạng với một ông già 84 tuổi đang mang thương tích trong người, xem như “ba cộng” đánh đổi “một trừ” và có “chiến công” nào vô duyên hơn thứ “chiến công đặc biệt xuất sắc” này? Nhưng đó, “vô duyên”, chỉ là cách nhận xét máy móc của robot bởi chỉ thuần túy phân định trên phương diện hiệu năng, chỉ đơn thuần cân nhắc độ chênh giữa công sức bỏ ra và kết quả thu về. Như là con người, chúng ta còn phải xét đến vấn đề đạo lý và vấn đề không còn là vô duyên mà là vô đạo. Sử dụng một đội ngũ công an chuyên nghiệp để sát hại một ông già quyết bảo vệ quyền sống  của mình và của làng đã là một hành vi vô đạo. Khen thưởng ba sĩ quan công an vì bỏ mình khi tham gia vụ ăn cướp và sát nhân ấy còn vô đạo hơn rất nhiều!

Nếu “phong trào thi đua” là một biểu hiện ở bề mặt của chế độ xã hội chủ nghĩa thì chính cái mặt ngoài này lại thể hiện cái bản chất vô duyên và vô đạo của chế độ chính trị này.

Vô duyên vì nó là một sự hiện hữu hoàn toàn trái ngược với quy luật lịch sử, giống như cái ao cá bác Hồ đi ngược lại luật thiên nhiên khi xây dựng ngay tại một vị trí bồi lấp và ô nhiễm để trở thành một cái ao cạn tanh rình mùi cứt vịt.

Vô đạo vì nó chà đạp lên con người.

Chế độ cộng sản đi ngược với quy luật của lịch sử và để có thể duy trì sự tồn tại vô duyên với lịch sử đó, nó lại nhân danh sự tồn tại của chính nó để đạp lên con người!

Tham Khảo:

[1]

“Pháp Luật Về Thi Đua, Khen Thưởng Ở Việt Nam Hiện Nay​”

https://luanvan123.info/threads/phap-luat-ve-thi-dua-khen-thuong-o-viet-nam-hien-nay.66553/

[2] Hồ Hùng, “Khen thưởng… tào lao”

https://motthegioi.vn/tin-tuc-su-kien-c-179/goc-binh-luan-c-188/khen-thuong-tao-lao-135823.html

[3] “Truy tặng Huân chương Chiến công hạng nhất cho 3 chiến sĩ hi sinh tại Đồng Tâm”, Tuổi Trẻ

 https://tuoitre.vn/truy-tang-huan-chuong-chien-cong-hang-nhat-cho-3-chien-si-hi-sinh-tai-dong-tam-20200111131749048.htm

 

Related posts