- Trọng Đức
Đại dịch COVID-19 đang và sẽ khiến thế giới thay đổi mãi mãi. Những hạt giống của sự thay đổi được gieo xuống nhờ chính quyền Donald Trump đã được đại dịch này đẩy mạnh tiến trình đâm chồi và vươn cao. Trung Quốc sẽ nằm trong trung tâm của cuộc chuyển biến mạnh mẽ này và mỗi nước sẽ buộc phải sắp đặt quan hệ của mình với chế độ Bắc Kinh.
Sau giai đoạn bàng quan theo dõi dịch bệnh bùng phát tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, khi Bắc Kinh buộc phải tung ra những thiết chế mạnh mẽ và cứng rắn, có phần chướng mắt với những nơi người dân quen sống trong tự do, phương Tây đang “thấm đòn” khi dịch bệnh vượt qua biên giới Á Đông và quét qua toàn thế giới như một trận cuồng phong. Mỹ, trung tâm mới của dịch bệnh, tính tới hôm nay 27/4 đã vượt 1 triệu ca nhiễm bệnh trong đó hơn 55.000 người đã tử vong. Xếp ngay dưới Mỹ là Tây Ban Nha, Ý, Pháp, Đức và Anh. Có thể nói, toàn bộ trung tâm tư bản thế giới đang chìm ngập trong tang thương, thiệt hại lớn hơn bất kể một âm mưu phá hoại nào trong toàn bộ thập kỷ chiến tranh lạnh.
Bừng tỉnh trước sức mạnh phá hủy ghê gớm của một loại virus có nguồn gốc Trung Quốc, nhiều nước đã lên tiếng đòi điều tra cáo buộc Bắc Kinh đã che đậy dịch bệnh hồi tháng 12/2019, cố tình thông báo chậm trễ và đến nay vẫn đang che giấu số liệu thực số người nhiễm bệnh và tử vong vì COVID-19. Các hành động của Trung Quốc đã khiến thế giới không đánh giá đầy đủ mức độ nghiêm trọng của virus, khiến họ trở tay không kịp. Đài Loan là một trong những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, vì không tin Đảng Cộng sản Trung Quốc, họ đã lập tức có các biện pháp chống dịch quyết liệt ngay từ đầu, khi mà WHO vẫn còn lặp lại tuyên bố của Bắc Kinh rằng virus không có dấu hiệu lây từ người sang người.
Chuyển dịch của thế giới tư bản
Các cường quốc tư bản vốn đã cấp vốn nuôi dưỡng Trung Quốc từ một quốc gia đói nghèo lạc hậu, bằng nhiều thủ đoạn đã vươn lên trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới chỉ sau ba chục năm. Các cường quốc rót vốn vào Trung Quốc, ngoài mục tiêu lợi nhuận và tìm kiếm thị trường mới, họ còn có một ảo vọng ngây thơ rằng một khi giàu mạnh, Trung Quốc sẽ từ bỏ chế độ cũ để gia nhập vào lối sống phương Tây như những ví dụ thành công là Nhật Bản và Hàn Quốc. Mục tiêu này đã không bao giờ tới, thay vào đó Trung Quốc vận dụng những đặc quyền của một nước nghèo rồi đến nay là một nước đang phát triển, cộng với bộ máy chính trị độc tài để copy và đánh cắp mọi bí mật công nghệ và thương mại quan trọng của phương Tây. Nay mặc dù đã giàu mạnh, Trung Quốc cơ bản vẫn giữ y nguyên hệ thống chính trị kìm kẹp tự do và dân chủ, được thay bằng các công cụ giám sát tân tiến.
Thế giới đã nhận ra rằng COVID-19 không phải là điều ngẫu nhiên, mà chính là một hệ quả tất yếu, không sớm thì muộn của một chế độ độc tài đặt sự độc tôn quyền lực của nó lên trên sinh mạng của người dân. Nếu Bắc Kinh cho phép quyền cơ bản tự do ngôn luận thì các bác sĩ ở Vũ Hán đã có cơ hội cảnh báo giới y tế và quần chúng về sự tồn tại của một chủng virus mới giống Sars. Và nếu Trung Quốc không “chơi xấu”, Đại dịch này rất có thể đã có thể tránh được.
Cái giá phải trả cho vụ đầu tư vào Trung Quốc là quá lớn. Thế giới tư bản đã nhận ra rằng những khoản lợi nhuận tăng thêm nhờ nhân công giá rẻ của Trung Quốc về dài hạn là không xứng đáng với việc bị mất bí mật công nghệ cùng nguy cơ phải đóng băng hoạt động dài ngày. Việc Trung Quốc nắm các ngành sản xuất quan trọng như vaccine, thuốc men, dụng cụ y tế đã gióng một hồi chuông cảnh báo tới an ninh quốc gia của Mỹ và Châu Âu. Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng ra bên ngoài Trung Quốc, vốn đã được khởi động từ lúc Tổng thống Trump nắm quyền, nay đã đạt đến “điểm tới hạn” – không thể quay đầu.
Ngoài lĩnh vực kinh tế, sau đại dịch, Trung Quốc cũng sẽ phải đối mặt với bản cáo trạng hỏi tội và các tờ hóa đơn đòi tiền của các cường quốc đứng đầu là Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây cảnh báo rằng Mỹ, Đức và một số nước đang tìm cách để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm vì khiến dịch bệnh lây lan.
“Có rất nhiều cách để buộc họ phải chịu trách nhiệm. Chúng tôi đang tiến hành các điều tra rất nghiêm túc”.
“Chúng tôi có thể làm những thứ dễ dàng hơn nhiều. Đức đang xem xét, chúng tôi cũng đang xem xét. Chúng tôi bàn đến khoản tiền (đòi bồi thường) lớn hơn nhiều khoản tiền mà Đức đang bàn. Chúng tôi vẫn chưa quyết định bao nhiêu, nhưng sẽ là rất lớn”. ông Trump nói hôm 27/4 tại Tòa Bạch Ốc.
Hậu đại dịch, các nước này sẽ vận động “xa lánh” Trung Quốc như một hành động tất yếu để bảo vệ bản thân, cả về kinh tế lẫn y tế.
Sự thay đổi của Trung Quốc
Đại dịch đã khiến người dân Trung Quốc minh bạch ra nhiều điều, nhất là những người sống sót qua tâm dịch Vũ Hán. Có một giai đoạn hệ thống kiểm duyệt của Trung Quốc đã phải bất lực trước hàng ngàn bài viết bày tỏ sự phẫn nộ của người dân đối với cách xử lý dịch bệnh của chính phủ cũng như lý do khiến dịch bệnh có thể bùng phát. Giới tri thức Trung Quốc đã bỏ qua sợ hãi, dẫn đầu làn sóng thỉnh nguyện đòi tự do ngôn luận thực sự sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong những người đầu tiên cảnh báo cho công chúng về sự tồn tại của nCoV. Tự do ngôn luận không thể tồn tại trong một thể chế độc tài thối nát, nơi mà kẻ cầm quyền dùng mọi công cụ trấn áp, bạo lực để bảo vệ vị thế độc tôn của mình. Làn sóng đòi tự do ngôn luận có thể sẽ không thành công trong việc ép giới lãnh đạo Bắc Kinh thay đổi, nhưng nó đã gieo vào đầu người dân Trung Quốc một hạt giống khát khao tự do và ghê sợ nền độc tài mà họ đang phải chịu đựng.
Bắc Kinh khi phải chèo chống lại hàng loạt chỉ trích từ thế giới sau màn che đậy dịch bệnh vụng về, cũng buộc phải nhìn vào một thực tại mới. Uy tín trước thế giới mà Trung Quốc vung tiền xây dựng thông qua các chiến lược đắt đỏ như Vành đai – Con đường, ngoại giao đô la, đang đổ sập trước mắt. Thế giới đang coi Trung Quốc như tội đồ. Nền kinh tế đặt nặng vào sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc cũng đang như mục ruỗng từ bên trong, khi các hệ thống nhà máy theo nhau ra đi không trở lại. Mặc dù vậy, Bắc Kinh vẫn có thể tìm thấy những người bạn “ngưu tầm ngưu” của mình trong những chế độ tương đồng như Iran, Bắc Hàn, Syria và Nga. Như Thượng nghị sĩ Mỹ Blackburn đã dự đoán, một trục “ma quỷ” do Trung Quốc cầm đầu đã hình thành và sẽ sớm đúc khối, đối chọi gay gắt lại với liên minh tự do.
Vị thế của Đài Loan
Đài Loan trở thành một điểm sáng trong đại dịch. Không những chống dịch rất tốt vì tinh thần cảnh giác thường trực đối với tin tức từ Bắc Kinh, Đài Loan còn lên tiếng cảnh báo sớm cho thế giới về nguy cơ đại dịch, quyên góp dụng cụ y tế giúp thế giới chống dịch bất chấp việc nước này là một nạn nhân bị WHO gạt ra bên lề trong diễn đàn y tế thế giới này. Sự kiên cường của Đài Loan càng nổi bật hơn trong một thế giới ngày càng bị thao khống bởi Trung Quốc, và khẩu hiệu “Đài Loan có thể giúp” đã trở thành niềm tự hào của đảo quốc này.
Mỹ luôn muốn thúc đẩy vị thế của Đài Loan đã tìm thấy lý do hoàn hảo cho việc này sau đại dịch. Chính quyền Trump đang gây áp lực để Đài Loan được coi như một thành viên độc lập trong các diễn đàn quốc tế, như WHO hay Tổ chức Hàng không dân sự Quốc tế, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động chống lại các nước “đe dọa an ninh và thịnh vượng của Đài Loan”.
Trong trật tự thế giới hậu COVID-19, chúng ta sẽ sớm thấy Đài Loan đóng một vai trò lớn hơn trong các diễn đàn thế giới cũng như khu vực, với sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ và sự bực tức của Bắc Kinh.
Đông Nam Á xoay trục?
Sức ép của người dân trong nước Trung Quốc đã khiến chế độ Bắc Kinh tìm đến một con bài quen thuộc: Đẩy áp lực ra bên ngoài thông qua xung đột hoặc chiến tranh, và biển Đông đã được lựa chọn như một mục tiêu dễ dàng.
Trong quá trình đó, Việt Nam lại một lần nữa chứng kiến bộ mặt thật của “anh bạn vàng” phương Bắc. Trong khi Mỹ và đồng minh bị dịch bệnh trói tay, Trung Quốc liên tiếp bắt nạt Việt Nam và các nước yếu hơn trên biển Đông, đồng thời đẩy mạnh mục tiêu gom trọn biển Đông vào lòng bàn tay mình. Từ việc húc chìm tàu cá Việt Nam, xua tàu thăm dò trở lại Biển Đông, đặt đơn vị hành chính quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc “kiện” Việt Nam chiếm biển phi pháp của Trung Quốc, chế độ Bắc Kinh đã cho thấy rõ những tham vọng phi nghĩa của họ trên chiến trường biển.
Nhưng Việt Nam và các nước có tranh chấp biển Đông với Trung Quốc đã không chịu im lặng. Ngoài các biện pháp ngoại giao trực diện như gửi công hàm phản đối lên Liên Hiệp Quốc, Việt Nam và các nước như Malaysia và Philippines còn có nhiều lựa chọn để đối đầu với sức mạnh áp đảo của Bắc Kinh, trong đó có việc tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và các đồng minh để củng cố địa vị của mình ở Biển Đông.
Trước đại dịch, Việt Nam đã là một điểm đến ưa thích của những tập đoàn đang tìm kiếm địa điểm chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc. Nay đại dịch đã đẩy nhanh quá trình rời bỏ Trung Quốc, nếu khéo léo, Việt Nam có thể hưởng lợi lớn từ quá trình này.
Một điều đáng chú ý là hôm 26/4, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam tướng Nguyễn Chí Vịnh cho hay Việt Nam đã nhận thức rõ ràng về ai là bạn, ai chỉ là đối tác, qua những gì chứng kiến về an ninh trên Biển Đông, trong lúc diễn ra đại dịch COVID-19. Trung Quốc đã gọi thẳng tên Việt Nam là “kẻ xâm lược” ở Biển Đông, đưa Công Hàm Phạm Văn Đồng 1958 lên Liên Hiệp Quốc, một văn kiện tới nay vẫn được xem là bí mật giữa hai quốc gia, để đưa Hà Nội vào thế “há miệng mắc quai”.
Philippines bất chấp có một tổng thống “thân Trung”, đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam trong vụ Trung Quốc húc chìm tàu cá. Chính sách ngoại giao bằng tiền bạc và sức ép của Trung Quốc có thể phản tác dụng một khi các nước nhỏ trong khu vực tìm thấy những đối tác đáng tin cậy hơn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Úc. Mỹ cũng cho thấy họ sẽ không bỏ qua lợi ích trên Biển Đông, nơi 5.000 tỷ USD giá trị hàng hóa vận chuyển qua mỗi năm. Hậu COVID-19, Biển Đông sẽ tiếp tục là một bàn cờ nóng bỏng khi mà các nước tranh chấp với Trung Quốc buộc phải nhìn thẳng vào một sự thật rằng đằng sau những lời lẽ ngoại giao đường mật và các khoản vay nợ dễ dãi là một âm mưu bành trướng trắng trợn của chế độ Bắc Kinh. Việt Nam và các nước tại Biển Đông sẽ buộc phải lựa chọn cân bằng giữa lợi ích kinh tế, chính trị và toàn vẹn lãnh thổ trước bộ mặt thật của một anh hàng xóm tham lam và cuồng ngạo.
Trọng Đức