Cuộc khủng hoảng coronavirus cho thấy mốc điểm quan trọng khi Trung Quốc thống trị thế giới

Stan Grant

Phạm Hoài Nam dịch

Trump meets Xi Jinping
Đây là ngày đền tội chúng ta phải có. Những nguy hiểm đang chờ đợi thế giới Tây Phương một khi Trung Quốc trỗi dậy (Reuteurs)

Cuộc khủng hoảng coronavirus đã lộ ra cho thấy một sự thật rõ ràng: Trung Quốc và thế giới Tây Phương có nhiều xung đột khó có thể chung sống trong hòa bình.

Trong lúc Trung Quốc đang từng bước hoàn thành sứ mệnh thống trị thế giới thì các nước Tây Phương vẫn còn đang ngủ – họ bị quyến rũ bởi sự giàu có của Trung Quốc và mang ảo tưởng rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc nếu không sụp đổ thì cũng sẽ dần dần biến chất trước khi chuyển sang một chế độ dân chủ.

Đừng quên lời của Tổng thống Mỹ Bill Clinton tuyên bố năm 1997: Trung Quốc đang đứng phía sai lầm của lịch sử (on the wrong side of history).

Tại sao ông nghĩ như thế? Bởi vì lúc đó thế giới Tây Phương đang say sưa chiến thắng trong trật tự mới của thế giới khi chế độ cộng sản Sô Viết vừa sụp đổ.

Trước đó Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ George HW Bush đã đọc một bài diễn văn trước quốc hội vào năm 1990, trong đó ông bày tỏ sự lạc quan “không còn lo sợ bóng ma của độc tài, những giá trị dân chủ đang thắng thế và thế giới đang hướng tới một nền hòa bình được bảo đảm hơn.”

Ông Bush cho biết thế giới mới là một thế giới “mà trong đó chế độ pháp trị thắng chế độ luật rừng” (a world where the rule of law supplants the rule of the jungle).

Ông ta quá sai. Sai đối với chủ nghĩa khủng bố, sai trong cách hiểu công lý và hòa bình và hoàn toàn không hiểu về Trung Quốc.

Muốn thành công phải biết “Ẩn mình và Chờ thời”

Trung Quốc đã đưa hơn nửa tỉ người Trung Quốc khỏi sự nghèo khổ, nhưng sứ mệnh của đảng CSTQ không chỉ có vậy mà là thống trị thế giới. (Reuters)

Trung Quốc đã làm đúng theo lời khuyên của Đặng Tiểu Bình: chờ thời. Họ đã học từ lầm lỗi của Liên Xô: không cải tổ chính trị trước khi cải tổ kinh tế.

Kể từ thời Đặng Tiểu Bình, Bắc Kinh bắt đầu cải tổ toàn diện về kinh tế. Ông nói với người Trung Quốc làm giàu là vinh quang nhưng ông cũng cảnh giác họ phải biết “ẩn mình và chờ thời – che dấu sức mạnh của bạn và chờ thời cơ đến”.

Trong lúc những nhà nghiên cứu về Trung Quốc giống như Gordon Chang dự đoán một cách tự tin rằng Trung Quốc không sớm thì muộn sẽ sụp đổ thì đất nước này vẫn bình thản trải qua một thời gian dài phát triển kinh tế ở mức độ mà thế giới chưa bao giờ chứng kiến.

Chỉ trong hai thập niên qua Bắc Kinh đã đưa hơn nửa tỉ người Trung Quốc khỏi sự nghèo khổ. Khẩu hiệu mới của họ là: “Xã Hội Chủ Nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, một số khác gọi là chủ nghĩa tư bản độc tài (authoritarian capitalism), trong đó hàm chứa thông điệp: chúng ta sẽ làm cho bạn giàu nhưng sẽ không cho bạn tự do.

Hơn một thập niên trước sử gia Azar Gat đã viết trong tạp chí Foreign Affairs, mô tả mô hình của Trung Quốc như một thách thức lớn nhất đối với trật tự tự do toàn cầu.

“Khi Trung Quốc rút ngắn lại khoảng cách về kinh tế với các nước đã phát triển thì có thể một lúc nào đó họ sẽ trở thành một cường quốc độc tài,” ông Gat đã cảnh báo như thế.

Thực tế ngày nay cho thấy họ không trở thành một quốc gia giống như các nước Tây Phương, họ đang vượt qua Tây Phương. Họ không phải ở phía sai lầm của lịch sử, họ đang làm lịch sử. Tệ hơn nữa là chính thế giới Tây Phương đã giúp họ làm được điều đó.

Chính quyền lực và tư tưởng của Tây Phương đã giúp cho Trung Quốc trỗi dậy.

Mô hình Cộng Sản Trung Quốc tốt hơn Tây Phương?

Sử gia Niall Ferguson nói rằng Trung Quốc là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong trật tự mới của thế giới: chủ nghĩa đa phương, tự do giao thương và mở cửa biên giới.

Ông đưa ra dẫn chứng là vào năm 1980, tổng sản lượng của Trung Quốc chỉ chiếm 2% của nền kinh tế toàn cầu, hiện tại họ chiếm đến 20% – hơn cả Hoa Kỳ và Canada cộng lại.

Khi Hòa Kỳ bị sa lầm trong cuộc chiến ở Afganistan, Iraq và sụp đổ tài chánh thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc nói với người dân của họ là mô hình chính trị của Trung Quốc hữu hiệu hơn thế giới Tây Phương.

Ẩn mình và chờ thời, đúng như thế. Trong lúc thế giới Tây Phương tự mãn thì Trung Quốc ẩn mình xây dựng.

Thế giới Tây Phương đã ngủ mê vào thời điểm mà họ đang ở trên tột đỉnh. Sự sụp đổ của Bức tường Bá Linh và sự sụp đổ của đế quốc Sô Viết đã khiến cho người Tây Phương say sưa trong chiến thắng, nghĩ rằng đó là sự kết thúc của lịch sử (the end of history).

Nhà khoa học chính trị Joseph Nye – một người được gắn liền với ý tưởng “sức mạnh mềm” (soft power) – đã cảnh báo sự tự mãn của người Mỹ trong cuốn sách của ông “The Paradox of American Power”.

Vào cuối cuộc chiến tranh lạnh, ông nói, người Mỹ đã không còn chú ý đến thế giới bên ngoài mà tự quay vào bên trong.

Thậm chí những người có cái nhìn ngoài nước Mỹ, ông viết, “cũng ngạo mạn về sức mạnh của chúng ta, biện minh rằng chúng ta không cần chú ý đến những nước khác. Chúng ta là nhà vô địch bất bại.”

Nhà khoa học chính trị, cũng là cựu đại sứ của Singapore ở Liên Hiệp Quốc, Kishore Mahbubani, trong cuốn sách mới của ông đã đặt câu hỏi: Thế giới Tây Phương đã thua cuộc? (Has the West lost it?).

Câu trả ngắn gọn, chưa thua (not yet).

Một khúc quanh của thế giới Tây Phương

Sau sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh và kết thúc cuộc chiến tranh lạnh, thế giới Tây Phương trở nên tự mãn (Reuters: Fabrizio Bensch)

Nhưng lịch sử luôn luôn thay đổi. Ông Mahbubani nói rằng Tây Phương thống trị thế giới trong 200 năm qua, và bây giờ họ phải thích nghi với một thế giới mà họ không còn thống trị. Câu thần chú “the end of history” theo ông, đã gây cho thế giới Tây Phương nhiều tổn thương nhưng họ không có chọn lựa nào khác.

Thắng cuộc chiến tranh lạnh, thế giới Tây Phương sau đó nghĩ rằng họ là nhà vô địch không có đối thủ và ngủ một giấc ngủ dài.

Biến cố 11 tháng 9, 2001, cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq rồi cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008 đã khiến cho Tây Phương bừng tỉnh.

Nhưng riêng đối với Trung Quốc họ vẫn chưa bừng tỉnh.

Khi Trung Quốc thao túng thị trường hối đoái, độc quyền sản xuất hàng hóa cho thế giới, bành trướng sức mạnh kinh tế chính trị đến Thái Bình Dương, Trung Á và Phi Châu và mở ra dự án “Một vòng đai, một con đường” bằng cách đầu tư vào hạ tần cơ sở của 70 quốc gia – thế giới Tây Phương vẫn còn tin tưởng rằng cuối cùng Trung Quốc cũng trở thành giống như chúng ta.

Chúng ta không biết lắng nghe và cũng không biết học bài học lịch sử.

Sự xuất hiện của hoàng tử đỏ đã làm thay đổi cục diện thế giới

Sự xuất hiện của một người lãnh đạo mới, trẻ, có khả năng và cứng rắn đánh dấu một bước ngoặc làm thay đổi cục diện thế giới.

Tập Cận Bình là một hoàng tử đỏ, con của nhà cách mạng cộng sản cao cấp, hiện đang có tham vọng trở thành một lãnh tụ suốt đời.

Bây giờ không là lúc Trung Quốc phải ẩn mình chờ thời: Tập đang muốn cho thế giới thấy sức mạnh của con sư tử Đông Phương khi tỉnh ngủ như lời cảnh báo của Napoleon hơn 200 trước. Ông Tập không ngần ngại cho thế giới thấy ông đang biến Trung Quốc không chỉ trở thành một cường quốc về kinh tế mà còn là một cường quốc về quân sự. Tất cả những điều này đã được ông Tập nói rõ trong “Giấc Mơ Trung Quốc”.

Câu ngạn ngữ của người Trung Hoa: “Muốn biết người đó nghĩ gì, hãy lắng nghe người đó nói.” Thay gì mang ảo tưởng biến Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ, chúng ta hãy nghe những gì ông ấy nói với chúng ta.

Trong bài diễn văn đọc trước các cán bộ trung kiên khi mới nhậm chức vào năm 2013, ông Tập đã cảnh báo nếu không duy trì xã hội chủ nghĩa, xã hội Trung Quốc sẽ loạn.

Đối với các đảng viên, ông kêu gọi họ phải nhớ rằng các thế hệ cộng sản phải sẵn sàng “hy sing và đổ máu” cho đất nước này.

Ông cảnh báo sức mạnh của chủ nghĩa tư bản và kêu gọi Trung Quốc phải chuẩn bị một cuộc chiến trường kỳ.

Ông cũng cảnh báo về “một lực lượng trong và ngoài nước” đang muốn lập đổ chế độ cộng sản.

Bây giờ là lúc mà Trung Quốc không ngần ngại cho thấy sức mạnh của họ khi mà thế giới Tây Phương đang trong thế yếu nhất.

Bắc Kinh đang đe dọa những quốc gia như Úc Đại Lợi khi họ kêu gọi mở một cuộc điều tra về nguồn gốc của vi khuẩn corona để tránh một thảm họa tương tự xảy ra trong tương lai.

Một đòi hỏi hợp lý đã được trả đủa bằng những lời hăm dọa trắng trợn.

Bây giờ chính những người từng tự mãn về sức mạnh Tây Phương cũng phải bừng tình trước mối đe dọa của Trung Quốc.

Một thời điểm quyết định

Thế giới Tây Phương phải không còn lệ thuộc vào Trung Quốc. (AAP: Lukas Coch)

Trung Quốc và thế giới Tây Phương đang ở một thời điểm quyết định. Bằng mọi cách thế giới Tây Phương phải tách khỏi sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Trung Quốc đang quá quan trọng đối với thế giới, đối với nền kinh tế của chúng ta và đối với nền hòa bình.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc đang lợi dụng những cái hay nhất của chủ nghĩa tư bản nhưng Trung Quốc không bao giờ trở thành giống như Tây Phương. Họ phủ nhận tất cả những giá trị chung, điển hình là sự cai trị của Tập Cận Bình càng độc tài hơn trước đây.

Tôi nói từ kinh nghiệm của chính tôi. Tôi từng là phóng viên ở Trung Quốc, Hongkong và Bắc Kinh trong một thập niên. Trong suốt thời gian đó tôi luôn luôn bị theo dõi. Gia đình tôi cũng bị theo dõi. Nhà tôi bị gắn máy nghe lén. Các đảng viên nghe lén điện thoại riêng của tôi. Thậm chỉ tôi và đồng nghiệp của tôi bị tấn công và bị bắt giam chỉ vì chúng tôi tường trình những tiếng nói cam đảm đòi hỏi tự do dân chủ.

Một điều mà tôi học được: một số người ở Trung Quốc nghĩ rằng thế giới Tây Phương yếu và ngây thơ.

Trong lúc hệ thống tài chánh của Phương Tây sụp đổ thì Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trưởng. Trong lúc Hoa Kỳ và đồng minh xa lầy trong những trận chiến không có hồi kết thì Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.

Họ lấn chiến và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông. Họ xây dựng sức mạnh quân sự và hăm dọa Đài Lan khi người dân xứ này bày tỏ muốn trở thành độc lập. Họ giam giữ hàng triệu người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và thẳng tay đàn áp những người bất đồng chính kiến trong nước.

Hãy nói về coronavirus

Bây giờ hãy nhìn vào cuộc khủng hoảng đang xảy ra ở thế giới Tây Phương hơn hai tháng qua, điều rõ nét nhất là nó cho thấy niềm tin vững mạnh về giá trị tự do đã sụp đổ trước mối đe dọa của vi khuẩn corona. Chúng ta bị phong tỏa, sự di chuyển của chúng ta bị giám sát và cảnh sát thực thi lệnh phong tỏa một cách nghiêm khắc.

Chúng ta có thể biện minh điều đó là cần thiết, nhưng Trung Quốc không nhìn như thế, họ coi đó như một điểm yếu của chúng ta. Để chống lại siêu vi khuẩn xuất phát từ Trung Quốc, chúng ta ở thế giới Tây Phương trở thành một nhà nước độc tài giống như Trung Quốc.

Rồi như thế chúng ta sẽ đi về đâu?

Những người bi quan thì cho rằng không thể tránh một cuộc chiến với Trung Quốc. Bắc Kinh thì sẵn sàng cho cuộc xung đột như thế.

Những người lạc quan thì cho rằng thế giới này vẫn có chỗ cho chế độ độc tài Trung Quốc và chúng ta có thể chung sống trong hòa bình.

Nhưng từ cuộc khủng hoảng coronavirus cho thấy một điều chắc chắn rằng sống với một nước Trung Quốc độc tài hùng mạnh – chúng ta phải trả một giá rất đắt.

Stan Grant là giáo sư của đại học Charles Sturt University và là nhà báo.

Nguồn: Coronavirus crisis has highlighted a critical juncture as China dominates the West

ABC 27th April 2020

https://www.abc.net.au/news/2020-04-27/coronavirus-critical-juncture-china-the-west-world-order/12179972

Phạm Hoài Nam dịch

Related posts