Quảng Nam muốn trả lại máy xét nghiệm virus Vũ Hán đã mua 7,2 tỷ đồng
Công ty cổ phần Giải pháp Việt đề xuất giảm giá máy xét nghiệm virus Vũ Hán từ 7,2 tỷ đồng xuống còn 4,8 tỷ đồng nhưng Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam muốn trả lại máy.
Chiều ngày 29/4, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp thông tin về việc mua máy xét nghiệm Realtime PCR tự động, giá 7,23 tỷ đồng.
Trước khi vào nội dung chính buổi họp, ông Lê Trí Thanh – Chủ tịch UBND tỉnh đã khẳng định ngay là tỉnh chỉ đồng ý về mặt chủ trương để Sở Y tế thực hiện chứ tỉnh không nói mua như thế nào, mua của ai, giá bao nhiêu.
Ông Thanh yêu cầu làm rõ việc mua máy với giá trên có cao hơn các địa phương khác không; có tiêu cực, có nâng giá không;…
Về việc này, ông Nguyễn Văn Hai – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết việc mua máy là cần thiết, đúng quy trình và khẳng định không có tiêu cực.
Ông Hai cho hay trước khi mua thiết bị này đã dựa vào thông tin những đơn vị mua sắm trước đó, tham khảo báo giá của 3 đơn vị cung ứng, trong đó báo giá của Công ty thương mại Giải pháp Việt là thấp nhất 7,56 tỷ; còn hai công ty khác giá là 9,2 tỷ và 9,7 tỷ đồng.
Ngày 24/3, sau khi tỉnh có quyết định phân bổ dự toán, Sở đã có công văn gửi Công ty Giải pháp Việt, sau thương lượng, giá máy giảm còn 7,23 tỷ đồng. Ngày 30/3, hai bên ký hợp đồng. Ngày 1/4, máy được bàn giao chạy thử, đến nay đã xét nghiệm gần 2.000 mẫu.
“Nhận thấy công ty đưa ra mức giá chấp nhận được, máy móc lại tương đối đáp ứng các yêu cầu cùng với chi phí vận chuyển và mức độ cấp thiết cần phải trang bị máy nên đã chọn máy đó” – ông Hai nói.
Tại buổi họp, bà Lê Thị Tuyến – Giám đốc Công ty Giải pháp Việt cho biết hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động được doanh nghiệp mua từ công ty khác, công ty không hề biết giá nhập khẩu.
“Công ty mua máy từ một đơn vị với giá 5,2 tỷ đồng, sau đó bán cho tỉnh Quảng Nam với giá 7,23 tỷ. Trừ đi số tiền thuế nộp cho Nhà nước là 382 triệu, công ty còn lợi nhuận 1,04 tỷ“, bà Tuyến nói và cho biết thêm “trong bối cảnh dịch COVID-19, công ty đồng ý bán cho Quảng Nam giá giảm xuống còn 4,8 tỷ đồng”.
Tuy nhiên, ông Hai đề xuất trả lại máy cho Công ty Giải pháp Việt .
Sau đó, ông Lê Trí Thanh cho biết tỉnh đã yêu cầu thanh tra đột xuất việc mua hệ thống máy xét nghiệm. Đến 20/5, phía thanh tra phải báo cáo về việc này.
Trước đó, ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội, liên quan đến việc chỉ định thầu và mua máy xét nghiệm virus Vũ Hán.Theo điều tra ban đầu, cơ quan điều tra xác định hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỷ đồng. Tuy nhiên các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng với nhau và CDC Hà Nội đã mua với giá 7 tỷ đồng, gấp 3 lần giá nhập.Ngoài Hà Nội, một số tỉnh khác cũng mua máy xét nghiệm virus Vũ Hán với giá rất cao như:Quảng Ninh mua thiết bị Realtime PCR của Hãng Qiagen (Đức) từ liên danh nhà thầu Công ty cổ phần đầu tư và xuất nhập khẩu y tế Việt; Công ty cổ phần thiết bị y tế Ánh Sao với giá trên 8,4 tỷ đồng.Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình mua sắm hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR tự động Cobas x 480 của hãng Roche (Thụy Sĩ) với mức giá 7,89 tỷ đồng.Cũng loại máy này, Thái Bình mua 6,4 tỷ đồng; còn Bắc Ninh mua 5,98 tỷ đồng. |
Hoàng Minh
Phong tỏa đoạn phố ở TP. HCM vì nghi vali chứa bom
Ngày 29/4, số nhà 240 đoạn đường Phạm Văn Chiêu ở TP. HCM bị phong tỏa vì nghi vali chứa bom.
Báo Vietnamnet thông tin, trưa ngày 29/4, Công an Q. Gò Vấp phối hợp với đã phong toả 1 đoạn đường Phạm Văn Chiêu, P.9 vì tình nghi có vật lạ là chất gây nổ ở khu vực này.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 10h sáng nay, 1 người đàn ông chưa rõ lai lịch mang theo 1 vali đến gửi nhờ trước căn nhà số 240 đường Phạm Văn Chiêu và nói sẽ quay lại. Tuy nhiên, người đàn ông đã không quay lại lấy, người dân xung quanh đồn đoán, nghi có chất nổ nên trình báo Công an.
Qua soi chiếu bằng thiết bị chuyên dụng, cơ quan chức năng phát hiện trong valy có chứa 1 túi đồ nhưng chưa rõ bên trong là gì.
Đến 14h chiều, khi mở vali này, kết quả bất ngờ khi bên trong chỉ là quần áo và đồ dùng cá nhân. Hiện trường được giải toả thông thoáng trở lại.
‘Hố tử thần’ xuất hiện trong nhà, suýt nuốt chửng 6 người
Clip: Khoảnh khắc “hố tử thần” bất ngờ xuất hiện, suýt nuốt chửng 6 cô gái (nguồn: Người đưa tin).
Báo Tuổi Trẻ thông tin, sáng 29/4, đại diện xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện một hố tử thần trong một nhà người dân ở thôn Nam Hài khiến người dân hoang mang.
Theo thông tin ban đầu, lúc 17h chiều 28/4, khi 6 người đang ngồi làm việc (nghề thủ công) ở sân thì bất ngờ một góc nền sụt xuống “nuốt chửng” cả cột nhà cao vài mét.
Nơi 6 người đang làm việc ngay sát hố tử thần nhưng không ai bị rơi xuống hố “hố sâu có đường kính rộng khoảng 2,5 m, sâu gần 5 m. Hiện nhà chức trách đang tìm hiểu nguyên nhân.
Trao đổi với Zing, anh Tâm, sống cạnh ngôi nhà xuất hiện “hố tử thần” cho biết, những người trong gia đình trên đã phải di tản, ở tạm nơi khác.
Ngày 6/5, xử giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải
Sau 12 năm kể từ ngày xảy ra vụ án, Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cho hay sẽ mở phiên xét xử giám đốc thẩm vụ án trong đó Hồ Duy Hải bị tuyên tử về tội Giết người và Cướp tài sản.
Phiên xét xử giám đốc thẩm dự kiến diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 6-8/5, do Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình làm chủ tọa. Phiên tòa có sự tham dự của các thành viên Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, đại diện VKSND Tối cao, TAND tối cao, Cơ quan tố tụng và TAND tỉnh Long An.
TAND tối cao đã mời luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP HCM) tham gia với tư cách luật sư bào chữa cho phạm nhân. Luật sư Phong đã theo vụ án Hồ Duy Hải từ năm 2010, đồng hành cùng gia đình Hồ Duy Hải kêu oan cho bị án này trong những năm qua.
Diễn biến trước đó, vào cuối năm 2019, VKSND Tối cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao xét xử lại, hủy toàn bộ bản án sơ thẩm năm 2008 của TAND tỉnh Long An và bản án phúc thẩm năm 2009 của TAND Tối cao TP.HCM tuyên tử hình đối với Hồ Duy Hải về tội Giết người, Cướp tài sản để điều tra lại, đồng thời tạm đình chỉ thi hành bản án, do vụ án có nhiều mâu thuẫn cùng những thiếu sót, vi phạm tố tụng nghiêm trọng.
VKSND Tối cao nhận định cơ quan tiến hành tố tụng đã không lấy lời khai của anh Phùng Phụng Hiếu, nhân chứng đầu tiên phát hiện vụ án. Ngoài các dấu vân tay tại hiện trường chưa xác định được của ai, các đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol (bạn trai của nạn nhân) không được điều tra làm rõ. Những mâu thuẫn từ lời khai, chứng cứ, dấu vết tại hiện trường chưa được làm rõ.
Ngoài ra, lời khai đầu tiên ngày 20/3/2008 của Hồ Duy Hải không nhận tội nhưng bản khai này và một số lời khai nhân chứng không được đưa vào hồ sơ vụ án.
Theo VKSND Tối cao, các cơ quan tiến hành tố tụng đã có nhiều vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu; không đưa lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.
RFA ngày 19/12/2019 dẫn lời luật sư Trần Hồng Phong cho biết: “Trong vụ án Hồ Duy Hải, qua nghiên cứu hồ sơ, tôi thấy vai trò của một người có tên Nguyễn Văn Nghị là rất quan trọng, vì đây là một nhân chứng có khả năng cao đã vào Bưu điện Cầu Voi trong đêm xảy ra vụ án, thậm chí có thể liên quan đến cái chết của hai nạn nhân”.
Năm 2015, gia đình Hồ Duy Hải đã làm đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị gửi Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga, với mục đích là qua đó chứng minh hung thủ thật sự không phải là Hồ Duy Hải. “Trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối Cao có nêu vấn đề chưa làm rõ thông tin về Nguyễn Văn Nghị cũng như dấu vân thu giữ tại hiện trường cho thấy những nội dung mà chúng tôi nêu ra trong đơn tố giác Nguyễn Văn Nghị là có cơ sở” – ông Phong cho hay.
Theo luật sư Phong, bản kết luận giám định ngày 11/4/2008 kết luận “các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường vụ án không trùng khớp với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải”, nhưng kết quả giám định này đã bị rút ra khỏi hồ sơ vụ án. Cơ quan điều tra kết luận Hải đã dùng dao cắt cổ hai nạn nhân, nhưng thực tế không thu được tang vật. Nhân chứng Nguyễn Văn Thu ra chợ mua một con dao nộp cho Ban Công an xã và khẳng định “nó giống với con dao đã mất” tại hiện trường. Sau này, con dao này được VKSND tỉnh Long An sử dụng để truy tố Hồ Duy Hải về hành vi giết người.
Ngoài ra, bản cáo trạng có đề cập tới “nhân chứng Đinh Vũ Thường phát hiện thấy Hồ Duy Hải ngồi trong bưu điện” tại thời điểm gây án. Nhưng khi xét xử, tòa đã không triệu tập nhân chứng Đinh Vũ Thường tham gia phiên tòa. Trong khi đó, trong biên bản ghi lời khai, nhân chứng Thường khai “nhìn thấy một thanh niên, và không thể nhận diện được”.
Ông Phong cho biết từ tháng 3/2017, gia đình đã làm và gửi đơn tố giác hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án đến Bộ Công an, VKSND Tối Cao để chứng minh một cách toàn diện và mạnh mẽ hơn khả năng Hồ Duy Hải đã bị kết án oan.