Đọc sách “Cha Vô Danh” của Phạm Ngọc Lân

Bùi Văn Phú

“Cha Vô Danh” của Phạm Ngọc Lân [Nxb. L’2019]

Ba mươi tháng Tư năm 1975 là dấu thời gian của những đổi đời, của vinh quang cùng đau khổ. Nhiều câu chuyện đã được kể lại, nhiều hồi ức đã viết về đất nước với chiến tranh quốc cộng và hệ lụy kéo dài
“Cha Vô Danh” [Nxb. L’Harmattan, France 2019, 532 trang] của Phạm Ngọc Lân ghi lại biết bao đổi thay, thăng trầm của đất nước, nhưng có những nét riêng vì trải dài gần ba phần tư thế kỷ từ đầu thập niên 1940 cho đến năm 2015 và qua những nơi ít được nhắc đến như Ba Bình, Lạng Sơn, Bảo Lộc, Vincennes, Toulon, Fréjus, Nouméa.
Những ngày còn ở Việt Nam, trước 30/4/75, tác giả là một dược sĩ, là giáo sư ở Bảo Lộc, ở trường Marie Curie, là sĩ quan trừ bị, giảng nghiệm viên của Đại học Dược khoa và cũng là tay chơi đàn ghi ta cổ điển có tiếng, đã có những buổi trình diễn tại Hội Việt Mỹ Sài Gòn và ở Cần Thơ, Đà Lạt, Nha Trang.
Mang tâm hồn nghệ sĩ, Long đã tham gia sinh hoạt thanh niên ở trung tâm Đắc Lộ, sinh hoạt văn nghệ với ca đoàn Trùng Dương, Nguồn Sống. Ông cũng biết chơi đàn bầu cổ truyền.

Học giỏi, ông được học bổng theo học bậc tiến sĩ ở Pháp và đang chờ ngày lên đường thì chính thể Việt Nam Cộng hoà sụp đổ. Long ở lại cho đến năm 1980 thì rời Việt Nam.
Nhân vật chính Hoàng Kim Long là phản ánh con người thật ngoài đời của Phạm Ngọc Lân, mà qua nhân dáng từng bị gọi là “tây lai ăn khoai cả vỏ”, là “OK Salem”, là “Liên Xô, Liên Xô”.
Tác giả kể lại nhiều về nền giáo dục Việt Nam Cộng hoà với hình ảnh trường lớp, với những lần đi coi thi, chấm thi tú tài, qua những bổ nhiệm công bằng của vị tướng quân y, qua việc ông được học bổng du học Pháp mà không phải “chạy chọt” gì cả, hay qua việc vợ ông được tuyển vào làm xướng ngôn viên Đài Truyền Hình số 9 để thấy chính quyền miền Nam công minh nên khó có tham nhũng.
Trong khi sau năm 1975, cách tuyển sinh vào Đại học Dược khoa mà Long đã chứng kiến với 200 tuyển sinh, trong đó có đến 120 sinh viên là bộ đội, còn lại phần lớn là gia đình con em cách mạng. Việc coi thi, chấm thi chỉ là phụ, còn đậu rớt thời cộng sản không tuỳ thuộc vào khả năng mà qua lí lịch.
Tiếp xúc với bộ đội, Long hiểu được rằng họ bị nhồi sọ về cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” và về đời sống trong miền Nam trước đó.
Trưa ngày 30/4/75, sau khi đã có lệnh đầu hàng, tác giả chạy lòng vòng trung tâm thành phố xem tình hình thế nào. Ông cho một bộ đội quá giang xe, nghe anh nói “Tôi đi thẳng từ ngoài Bắc vào bằng tầu ngầm, đến Vũng Tầu tối hôm qua, sáng nay đi xe về Sài Gòn.” thì Long hiểu được thói quen phét lác của người miền Bắc.
Sự gian trá lừa lọc của người cộng sản còn thể hiện qua các thông báo kêu gọi trình diện học tập, trong đó có Long vì ông là đại úy trừ bị dù công việc ngoài đời là dược sĩ và dạy học.
Các chính sách học tập cải tạo, Long ghi lại với đầy đủ qua các văn bản đã được nhà nước ban hành, là một cú lừa đối với quân, cán, chính Việt Nam Cộng hoà.
Khi mới vào trại, nghe cán bộ ra lệnh “ổn định chỗ ăn chỗ ở” làm tan biến niềm hy vọng của Long sau khi học tập10 ngày rồi sẽ được về. Với nhiều tù nhân 10 ngày đã trở thành nhiều năm, hay hơn cả chục năm.
Thời gian tập trung cải tạo cực khổ, thiếu thốn được ghi nhận qua hình ảnh tù nhân tìm bắt con ếch bé tí cho có chút thịt sau những ngày lao động cực nhọc. Hay những khi thèm đường thèm muối, cho đến chuyện thèm khát thông tin bao giờ được về. Muốn có tin tức bên ngoài và thế giới tù nhân chỉ biết truyền nhau qua đài CBD, khi tụ họp dưới bóng mát Cây Bã Đậu, mà hầu hết là những thông tin không thực, nhưng nghe để nuôi hy vọng trong tù.
Sau bốn tháng học tập, Long nhận được “Giấy giới thiệu tạm hoãn học tập tập trung” ký ngày 28/10/1975 và cho về nhà. Ngôn ngữ của tiêu đề tờ giấy mà người cộng sản dùng thật khó mà hiểu được người nhận giấy đó có còn phải học tập nữa hay không.
Về nhà, dù vợ chồng Long được lưu dụng tại cơ quan cũ nhưng đã phải chứng kiến những đổi đời qua cuộc sống. Gia đình bán dần đồ đạc, bán cả chiếc xe vespa với nhiều kỷ niệm của hai vợ chồng, phải dùng xe đạp cải tiến để chở vợ và hai con nhỏ, cho đến một hôm đang đi trên cầu Phan Thanh Giản thì bánh xe gãy khiến cả gia đình té lăn xuống đường.

Chính sách đổi tiền đã làm người dân nghèo đi và đời sống kinh tế khó khăn làm lộ ra những con người tham lam trong xã hội mới.
Trở lại làm việc tại cơ quan cũ, Long chứng kiến những chính sách kiểm soát chặt chẽ của nhà nước,từ việc đi lại giữa các tỉnh thành phải có giấy phép, khai báo tạm vắng tạm trú, cảnh chờ mua vé xe đò, cảnh ngăn sông cấm chợ khiến cho người dân buôn bán chui bằng nhiều cách.
Chủ trương mới là không cần phải “rành nghề” miễn là “cách mạng” khiến nhiều thành phần trí thức tìm đường vượt biển. Ngay cả một đồng nghiệp trong ban giảng dạy, một người “thân cách mạng”,nhưng lại là người đầu tiên trốn đi vượt biển thành công năm 1977. Gia đình bên vợ tác giả cũng có hai người vượt biển được định cư tại Hoa Kỳ.
Biết bao người đã bỏ nước ra đi, nhưng không phải ai cũng đến được bến bờ. Long kể có một người bạn, đi học tập 4 năm chưa được về, vợ lên thăm lần cuối trước khi đưa hai con, cùng em gái vượt biển rồi mất tích luôn.
Không có tương lai cho các con, nhưng ông không thể ra đi bằng đường vượt biển. Tháng 7 năm 1980 gia đình được qua Pháp, vì Long là con lai có quốc tịch Pháp.

Gần hai thập niên của Việt Nam Cộng Hoà – theo tác giả ghi nhận chi tiết là được 18 năm, 6 tháng và 4 ngày kể từ khi Hiến pháp Đệ Nhất Cộng hoà ra đời ngày 26/10/1955 cho đến ngày 30/4/1975 – và năm năm dưới chế độ cộng sản là quãng thời gian chính trong tác phẩm và được tác giả phác hoạ lên với những nét tương phản qua đời sống, qua sinh hoạt chính trị, giáo dục, xã hội.
Tác giả còn viết gia phả của mình từ những năm 1940 với gốc ở làng Hà Hồi, rồi những lần tản cư, hồi cư, dinh tê theo dòng lịch sử từ bắc vào nam rồi lại ra bắc.
Những ngôi trường đã học qua được tác giả ghi lại lịch sử với chi tiết, từ St. Marie ở Hà Nội, vào Colette trong Sài Gòn rồi lên Adran ở Đà Lạt, trở lại Sài Gòn với Marie Curie, Gia Long, Đại học Dược khoa là những nơi đã để lại cho tác giả và người bạn đời nhiều kỷ niệm dễ thương, với những ỷ niệm thời thơ ấu như chơi năm mười, chơi u mọi, chơi đánh khăng, bắn bi, với kỷ niệm của yêu đương, những hẹn hò tình tứ lãng mạn.
Cuộc đời của mẹ, là nhân vật chính, rồi đến cha dượng và sau này là các em, cùng mẹ khác cha, gồm 8 em trai vài 4 em gái đều phản ánh trong tác phẩm.
Thời chiến tranh, em trai có đứa trốn lính bị bắt đưa ra Sư đoàn 3 mới thành lập ở tuyến đầu quê hương. Có đứa tử trận giữa tháng 3/75 khi chỉ có vợ chồng Long cùng một em gái lên nhận xác để vội vàng chôn ở Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà. Vì tình hình chiến sự khi đó nên mẹ cũng không thể từ Bảo Lộc về chôn con được.
Sau 75 có đứa chết vì sốt rét sau những ngày đi thực tế lao động. Có đứa đạp mìn còn sót lại sau chiến tranh. Một em khác mất tích từ lâu rồi bất ngờ bắt được liên lạc.
Mỗi giai đoạn lịch sử với những biến cố quan trọng tác giả đều nhắc tới, qua những trang nhật ký hay theo lời kể của người trong gia tộc, xen vào những nét văn hoá như cách thắp nhang cho người quá cố, hình ảnh cối xay gạo, cách làm bánh cuốn, làm sương sâm.
Chuyện sinh ngày tây, ngày ta khi làm giấy thế vì khai sinh cho tác giả, hay ngày cưới của ông trong khi đang tham gia huấn luyện quân sự cũng là điều gây thích thú cho người đọc.
“Cha Vô Danh” còn là nỗ lực đi tìm kiếm tung tích người cha sinh ra mình, từ những văn khố, những nghĩa trang quân đội ở Pháp và qua những chuyến trở về Việt Nam.
Tác giả lần theo con đường của mẹ mình, một người thợ may năm 1944 đi xe lửa từ Sài Gòn ra Nha Trang, rồi ra đảo Ba Bình, Cam Ranh. Bà ở đó 17 ngày trong một cuộc tình ngắn ngủi với một sĩ quan Pháp, để rồi tác giả ra đời mà không có tên cha trong giấy khai sinh.
Long đã đến được bến tàu ở Cam Ranh trong một chiều lộng gió, nhưng không được ra đảo vì công an coi ông là người nước ngoài, không còn là người Việt.

Trong chuyến đi Hà Nội về quê tìm gốc gia đình, tưởng không ra, nhưng may mắn từ quán nước bên đường đã dẫn đến căn nhà của tổ tiên.
Câu chuyện đi tìm cha nhiều lúc đem đến rắc rối cho tác giả khi phải làm việc với công an và có lúc đã bị đe dọa truy tố theo điều 88 Luật Hình sự, vì những gì tác giả đã viết ở hải ngoại, vì những quan hệ với một nhóm trí thức phản kháng trong nước.
“Cha Vô Danh” có văn phong kể chuyện nhẹ nhàng, chầm chậm và đưa người đọc từ nơi này này sang chỗ kia, nhiều khi chuyển đổi nhân vật bất ngờ, tạo ra những ngạc nhiên thích thú.
Tác phẩm còn đem đến cho độc giả một nguồn sử liệu quí giá, với những dẫn chứng và 148 chú thích ở cuối sách. Cùng một kết thúc hết sức ngạc nhiên.
*

Ghi chú: Nxb. L’Harmattan năm 2016 đã phát hành bản tiếng Pháp “De Père Inconnu”. Nhưng theo lời tác giả thì “Cha Vô Danh” không phải là bản dịch từ tiếng Pháp mà là “một cuốn sách viết bằng tiếng Việt bởi một người Việt cho người Việt đọc.”

Related posts