Hương Thảo
Vào tháng Tư, virus Vũ Hán đã lây lan rộng trong bộ phận giao dịch thuộc trụ sở của tổ chức tài chính lớn nhất nước Mỹ JPMorgan ở Manhattan.
Tạp chí Phố Wall ngày 7/4 báo cáo, khoảng 20 nhân viên trên tầng 5 ở trụ sở của JPMorgan Chase đã xét nghiệm dương tính với virus và 65 người khác bị cách ly, nhiều thương nhân mua bán cổ phiếu và bán chiến lược giao dịch cho khách hàng cũng làm việc trên tầng 5 của tòa nhà.
Trước đó, vào ngày 18/3, ông Bill Pike, cựu giám đốc điều hành cấp cao của JPMorgan Chase đã qua đời do nhiễm Covid-19.
JPMorgan Chase có trụ sở tại Manhattan, New York, là tổ chức dịch vụ tài chính lớn nhất tại Hoa Kỳ, với khối tài sản lớn hơn Ngân hàng Hoa Kỳ (Bank of America), Ngân hàng Wells Fargo, công ty đa quốc gia dịch vụ tài chính Citigroup.
Tờ The Epoch Times từng nhận định trong một bài viết rằng, các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bên ngoài Trung Quốc bởi virus Vũ Hán đều có chung một điểm: quan hệ gần gũi hoặc hưởng lợi từ Bắc Kinh. Vậy mối quan hệ giữa JPMorgan và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là như thế nào.
‘Nuôi’ chính quyền Trung Quốc
Trong nhiều thập niên, JPMorgan Chase đóng vai trò là một nhà bảo lãnh chính giúp nhiều công ty Trung Quốc phát hành chứng khoán lần đầu tiên ra công chúng (IPO) ở Hoa Kỳ hoặc Hồng Kông, huy động một số vốn đáng kinh ngạc của Hoa Kỳ cho ĐCSTQ.
Ví như, WeDoctor của Trung Quốc có kế hoạch niêm yết tại Hồng Kông và dự định thực hiện đợt IPO trị giá 1 tỷ USD vào nửa cuối năm 2020. JPMorgan Chase cũng là một trong những nhà bảo lãnh của tổ chức này.
Theo dữ liệu từ Baidu Baike, bách khoa toàn thư trực tuyến thuộc sở hữu của Baidu, công ty công nghệ Trung Quốc, JPMorgan Chase đứng đầu về bảo lãnh chứng khoán và phát hành liên quan đến chứng khoán tại châu Á (khoảng 88 giao dịch) kể từ năm 1993. Vì đây không phải là dữ liệu mới nhất, nên số lượng giao dịch chứng khoán mà hãng thực sự đã bảo lãnh có thể cao hơn.
Những công ty Trung Quốc nào đã làm việc với JPMorgan Chase cho hoạt động IPO của họ tại Hoa Kỳ hoặc Hồng Kông?
Dưới đây chỉ là một vài ví dụ về các công ty Trung Quốc hợp tác với JPMorgan Chase về IPO, theo thông tin công khai do Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh Mỹ – Trung (USCC) công bố vào ngày 25/2/2019 và báo cáo từ truyền thông nhà nước Trung Quốc:
Năm 2014, Alibaba đã huy động được 21,8 tỷ USD trong đợt IPO tại New York. JPMorgan Chase và 6 ngân hàng đầu tư khác đóng vai trò là nhà bảo lãnh cổ phiếu. Tính đến ngày 25/2/2019, giá trị thị trường của Alibaba đã vượt quá 458,6 tỷ USD.
Trong một tài liệu được trình cho cơ quan quản lý chứng khoán Hoa Kỳ, Alibaba tuyên bố rằng các ngân hàng tham gia bảo lãnh IPO cho họ đã nhận được tổng cộng 300,4 triệu USD tiền hoa hồng hoặc hơn 1% số tiền thu được.
Vào tháng 11/2019, Alibaba đã tái niêm yết một đợt IPO tại Hồng Kông. Năm ngân hàng đầu tư nổi tiếng bao gồm JPMorgan Chase là những ngân hàng bảo lãnh niêm yết thứ cấp của Alibaba tại Hồng Kông, đợt niêm yết này Alibaba đã thu được khoảng 15 tỷ USD.
Tập đoàn này có mối quan hệ mật thiết với con cái của quan chức chủ chốt ĐCSTQ. Theo tờ New York Times, một số giám đốc điều hành của cả 4 công ty Trung Quốc đầu tư vào Alibaba là con cháu của hơn 20 quan chức ĐCSTQ từng phục vụ trong Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, bao gồm cả cháu trai của Giang Trạch Dân là “Alvin” Giang Chí Thành.
Từ năm 1996 đến 2004, JPMorgan Chase đứng ra bảo lãnh một loạt các hoạt động IPO cho các công ty của Trung Quốc niêm yết trên thị trường New York hoặc Hồng Kông ví dụ như Đường sắt Quảng Thâm, PetroChina (một công ty nhà nước Trung Quốc), Chalco, China Telecom, China Momo với số tiền tiền khổng lồ lên đến hàng tỷ USD.
Tính đến ngày 25/2/2019, USCC tuyên bố, có 156 công ty Trung Quốc (con số này không bao gồm các công ty Trung Quốc ở nước ngoài được niêm yết tại Hồng Kông) được niêm yết trên 3 sàn giao dịch chứng khoán lớn tại Hoa Kỳ (New York, NASDAQ và sàn giao dịch chứng khoán Mỹ) với giá trị thị trường là 1,2 nghìn tỷ USD.
Ông Roger Robinson, chiến lược gia kinh tế và tài chính của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Reagan ước tính rằng, “Hoa Kỳ có khoảng 1,9 nghìn tỷ USD đầu tư vào chứng khoán Trung Quốc và một nghìn tỷ USD vào các trái phiếu khác”.
Ngoài thị trường chứng khoán, một thị trường lớn khác cho nguồn tài chính ở nước ngoài của ĐCSTQ là trái phiếu.
Quỹ trái phiếu khổng lồ
Trong bối cảnh các quốc gia đang tập trung cho cuộc chiến chống lại đại dịch viêm phổi Vũ Hán, JPMorgan Chase dường như đã lặng lẽ thực hiện một bước tiến lớn.
Ngày 28/2/2020, JPMorgan Chase đã đưa 9 trái phiếu chính phủ địa phương Trung Quốc vào chỉ số trái phiếu chính phủ thị trường mới nổi toàn cầu của mình. Theo kế hoạch, giao dịch này sẽ được hoàn thành từng bước trong vòng 10 tháng. Trước đó, vào tháng 9/2019, JPMorgan Chase đã công bố kế hoạch này.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs tính toán rằng, mỗi tháng các giao dịch trái phiếu chính phủ này sẽ thu hút được 3 tỷ USD tiền nước ngoài vào thị trường trái phiếu Trung Quốc.
Những người trong ngành cho biết, sau khi trái phiếu chính phủ của ĐCSTQ được đưa vào Chỉ số JPMorgan Chase, họ có thể đạt đến giới hạn tỷ trọng 10%. Bloomberg tính toán, khi tỷ trọng lên tới 10%, quy mô của dòng vốn đầu tư nước ngoài tiềm năng vào Trung Quốc sẽ vượt quá 20 tỷ USD.
Việc trộn lẫn trái phiếu chính phủ của ĐCSTQ vào các chỉ số trái phiếu quốc tế chính thống đã góp phần tạo ra dòng vốn nước ngoài đổ vào Trung Quốc. Vào tháng 2/2020, tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với trái phiếu Trung Quốc đã đạt mức cao kỷ lục.
Trong lúc dịch bệnh đang hoành hành trên toàn thế giới, vào ngày 20/3/2020, Thượng Hải đã tổ chức lễ khai trương trực tuyến cho các chi nhánh địa phương của 5 tổ chức toàn cầu bao gồm JPMorgan Chase, Invesco và Russell Investment.
Filippo Gori, Giám đốc điều hành của JPMorgan Châu Á Thái Bình Dương cho biết trong tuyên bố của công ty: “Trung Quốc là một trong những cơ hội lớn nhất cho nhiều khách hàng của JPMorgan và là một thành phần quan trọng trong kế hoạch tăng trưởng của JPMorgan tại Châu Á Thái Bình Dương và trên toàn cầu”.
Hoạt động kinh doanh và đầu tư của JPMorgan tại Trung Quốc có một lịch sử lâu dài, ngân hàng này đã đăng tuyển hơn 30 vị trí tại Trung Quốc vào năm 2020.
JPMorgan là một ngân hàng có gốc rễ sâu xa ở Trung Quốc, các thông tin lịch sử sau đây được lấy từ trang web chính thức của ngân hàng này.
Năm 1973: Chủ tịch của JPMorgan, David Rockefeller dẫn đầu một phái đoàn Hoa Kỳ đến Trung Quốc để gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai. Trong cùng năm đó, JPMorgan trở thành ngân hàng đầu tiên của Hoa Kỳ được chỉ định là ngân hàng đại lý cho Ngân hàng Trung Quốc.
Năm 1997: JPMorgan hoạt động như một nhà bảo lãnh cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, phát hành trái phiếu trị giá 500 triệu USD.
Năm 2001: Chủ tịch và Giám đốc điều hành JPMorgan Bill Harrison gặp Chủ tịch Trung Quốc, ông Giang Trạch Dân tại Bắc Kinh sau đó Công ty TNHH Ngân hàng JPMorgan Chase (Trung Quốc) được thành lập.
JPMorgan nhận được sự chấp thuận của Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc để tham gia vào một liên doanh tương lai, được gọi là Công ty TNHH tương lai JPMorgan.
Năm 2011: JPMorgan ký các thỏa thuận đầu tư tại Bắc Kinh để thành lập một tập đoàn bảo lãnh liên doanh Trung Quốc -nước ngoài với tư cách là một trong những nhà đầu tư lớn.
Năm 2015: JPMorgan Chase & Co hợp tác chiến lược với Ngân hàng Tiết kiệm Bưu điện Trung Quốc.
Năm 2017: JPMorgan đã nhận được giấy phép Đại lý thanh toán trái phiếu loại A tại Trung Quốc.
JPMorgan nhận được giấy phép Các công cụ tài chính nợ của các doanh nghiệp phi tài chính bảo lãnh phát hành trên thị trường trái phiếu liên ngân hàng Trung Quốc.
JPMorgan được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc bổ nhiệm làm ngân hàng thanh toán bù trừ nhân dân tệ tại Hoa Kỳ
JPMorgan cung cấp giao dịch và thanh toán bù trừ hợp đồng tương lai dầu thô có mệnh giá Nhân Dân tệ cho các khách hàng trong và ngoài nước.
JPMorgan đã nộp đơn lên Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc để thành lập một công ty chứng khoán mới, trong đó công ty sẽ nắm giữ 51% cổ phần.
JPMorgan Trung Quốc trở thành nhà sản xuất thị trường Bond Connect, đóng vai trò là một trong những nhà cung cấp giá để phục vụ nhánh kết nối phía Bắc giữa thị trường trái phiếu Đại lục và Hồng Kông và các nhà đầu tư nước ngoài.
Chương trình ‘con trai và con gái’ của JPMorgan nhằm giành được sự ủng hộ của ĐCSTQ
Một cuộc điều tra kéo dài 3 năm về JPMorgan đánh dấu một trong những scandal đầu tiên đối với một ngân hàng lớn của Hoa Kỳ vì không tuân thủ Luật Thực hành Chống Tham nhũng Nước ngoài (FCPA). Luật này nghiêm cấm các công ty thực hiện thanh toán hoặc cung cấp “bất cứ thứ gì có giá trị” nhằm mục đích giành được công việc kinh doanh từ các quan chức nước ngoài.
Theo báo cáo của Wall Street Journal, JPMorgan Chase & Co đã tuyển dụng bạn bè, thành viên gia đình các Giám đốc điều hành tại ¾ các công ty của Trung Quốc niêm yết IPO tại Hồng Kông trong một đợt bùng nổ IPO Trung Quốc kéo dài một thập niên. Chương trình này được cho là nhằm bảo vệ JPMorgan.
Khi làm việc tại JPMorgan Chase & Co, Charles Li, người đứng đầu sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông đã tham gia tích cực vào chương trình tuyển dụng gây tranh cãi khi tuyển dụng con cái và người quen của các quan chức, các khách hàng và khách hàng tiềm năng của Trung Quốc, theo Wall Street Journal.
Trong số những người được đề nghị hoặc giới thiệu tuyển dụng vào JPMorgan là người thân của quan chức cấp cao của Ủy ban điều tiết chứng khoán Trung Quốc và hiện là chủ tịch của Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Những người được giới thiệu khác là con trai của Lưu Vân Sơn, người đứng đầu Ban Tuyên giáo ĐCSTQ và là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Một trường hợp gây tranh cãi nhất là con gái út của cựu đặc khu trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh đã thực tập tại một công ty con ở Hồng Kông của JPMorgan Chase & Co vào mùa hè năm 2010 khi còn đang học cấp hai, trong khi chương trình thực tập sinh của ngân hàng không áp dụng cho học sinh cấp hai.
Trong khoảng thời gian từ 2006 đến 2013, ngân hàng này đã tuyển dụng khoảng 100 thực tập sinh và nhân viên toàn thời gian theo yêu cầu của các quan chức chính phủ Trung Quốc và quốc gia khác ở châu Á như một phần trong nỗ lực xây dựng mối quan hệ ngân hàng ở khu vực đang phát triển. Việc tuyển dụng, được đặt tên nội bộ là “Chương trình Con trai và Con gái” cho phép JPMorgan tạo ra doanh thu 100 triệu USD.
Xem xét lại mối quan hệ với ĐCSTQ
Theo Kyle Bass, người sáng lập Hayman Capital Management cho biết, điều duy nhất cho phép ĐCSTQ duy trì hoạt động là các khoản đầu tư nước ngoài từ Hoa Kỳ và phương Tây. Trong Diễn đàn Trung Quốc ngày 26/9/2019, một hội nghị thường niên tại Washington, D.C., Bass cho biết, nếu không có đầu tư nước ngoài, ĐCSTQ không thể tồn tại.
Steve Bannon, cựu chiến lược gia trưởng của Nhà Trắng cho biết: “ĐCSTQ là con quái vật Frankenstein được tạo ra bởi giới tinh hoa ở phương Tây – nguồn tài chính và công nghệ được cung cấp bởi giới tinh hoa ở phương Tây”.
Steve Bannon kêu gọi các nước phương Tây ngừng cung cấp vốn và công nghệ cho Trung Quốc: “Chúng ta phải ngăn chặn điều đó. Chúng tôi phải tự chịu trách nhiệm. Đây không phải do Tập Cận Bình, đây không phải do Vương Kỳ Sơn. Đây là lỗi của chúng ta. Chúng ta đã làm điều này. Tạo ra quái vật Frankenstein (ĐCSTQ) đó là trách nhiệm của chúng ta… Chúng ta có một sự ủy thác, một trách nhiệm phải giải quyết chuyện này”.
“Đây không phải là về thương mại, đây không phải là về đậu nành, đây không phải là về thép. Đây là mệnh lệnh đạo đức cao nhất mà chúng ta có”, Steve Bannon nói.
“Bây giờ mọi người đều sốc… Nó (ĐCSTQ) đã thấm vào mọi thứ. Nó là vấn đề trung tâm của thời đại chúng ta. Và vấn đề trung tâm, vấn đề cốt lõi, là cách chúng ta lấy lại những giá trị to lớn của phương Tây và tìm cách khác để kiếm tiền”.
“Chúng ta đang ở một thời điểm khó khăn vì thế giới bắt đầu thức tỉnh rằng một cái gì đó đã trở thành một sai lầm khủng khiếp và lý do nó trở nên sai lầm khủng khiếp là vì chúng ta”.
Các công ty có thể muốn đánh giá lại mối liên hệ của họ với ĐCSTQ. Lợi ích tài chính tạm thời có thể không xứng đáng với những hậu quả khác mà nó dẫn tới.