Coronavirus cho thấy sự giới hạn của dân chủ khi cuộc sống ở Tây phương bắt chước theo Tàu

Stan Grant

Phạm Hoài Nam dịch

Sự phong tỏa ở Úc đã được nới lỏng từ từ.

Bây giờ chúng ta có thể thăm viếng gia đình và bạn bè mặc dầu số người vẫn còn giới hạn. Không lâu nữa người Úc có thể trở lại những quán cà phê ưa thích, thậm chí có thể trở lại phòng tập gym và hồ bơi.

Trường học cũng bắt đầu mở cửa lại.

Tiểu bang này có thể chậm hơn tiểu bang kia nhưng bình thường là từ ngữ mà chúng ta bắt đầu dùng trở lại. Nhưng “bình thường” bây giờ có còn giống như trước kia hay không? Cho dù chúng ta có thể tìm được vaccine ngăn chận vi khuẩn corona, một vi khuẩn khác đang xuất hiện có thể còn khó ngăn chận hơn: đó là vi khuẩn của chủ nghĩa độc tài.

Nghiên cứu về dân chủ sau khi cuộc chiến tranh lạnh chấm dứt, nhà khoa học chính trị người Mỹ Francis Fukyrama đã viết trong tác phẩm “Sự Chấm Dứt của Lịch Sử và Người Cuối Cùng” (The End of History and the Last Man) những điều làm cho chúng ta cảm thấy lo âu:

“Chủ nghĩa độc tài không những có thể tồn tại bất tận mà còn biến dạng để sinh sôi nảy nở trên khắp thế giới giống như một thứ siêu vi khuẩn.”

Tác giả Fukuyama viết về chủ nghĩa cộng sản Sô Viết. Nhưng ngày nay thay từ Sô Viết bằng từ Trung Quốc và từ ngữ siêu vi khuẩn đang mang một ý nghĩa đáng sợ hơn nhiều.

Thế giới Tây Phương đã thay đổi

Chính đảng Cộng Sản Trung Quốc đã che giấu dịch corona khi nó mới xuất hiện ở Vũ Hán – để cho nó có thời gian phát tán đi khắp thế giới.

Đến khi nó ra khỏi biên giới Trung Quốc thì đã quá trễ để chúng ta ngăn chận.

Con siêu vi khuẩn này đã tấn công vào mọi góc cạnh của đời sống chúng ta, đồng thời nó cũng tấn công vào đúng nơi mà chúng ta nghĩ là chúng ta mạnh nhất: quyền tự do của con người.

Chính nền tảng của dân chủ, cũng là điều có thể giết chết chúng ta. Để tồn tại chúng ta phải chấp nhận chịu phong tỏa, có nghĩa là phải chấp nhận hy sinh quyền tự do cá nhân.

Những điều mà chúng ta không bao giờ nghĩ có thể xảy ra. Chúng ta phải chia cắt với người thân. Các thương vụ đóng cửa. Việc làm bị mất. Tất cả thú vui giải trí đều biến mất.

Cảnh sát đi tuần trên đường phố, những người ngồi ở công viên hay bơi ở bãi biển được khuyến cáo phải rời ngay lập tức thậm chí còn có thể bị phạt hoặc bị hăm dọa đi tù.

Vào thế kỷ thứ 19, triết gia người Đức, Georg Hegel, cho rằng đấu tranh cho quyền tự do là động cơ cho sự tiến hóa của lịch sử. Chính Hegel đã tạo nguồn cảm hứng cho Francis Fukuyama. Ba mươi năm sau khi Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Fukyrama đã viết cuốn sách của ông, thế giới Tây Phương không chiến thắng một cách vẻ vang như nhiều người lầm tưởng.

Thế giới Tây Phương không còn giống như thế giới Tây Phương trước kia nữa.

Chúng ta phải hy sinh một số quyền tự do

Trong sáu tuần lễ qua chúng ta đã chứng kiến cuộc sống ở đây có phần nào giống như cuộc sống ở Trung Quốc: bị theo dõi, người ta nghi kỵ lẫn nhau và chính quyền đã xen vào đời sống riêng tư của người dân.

Chúng ta không bao giờ muốn một chính quyền độc tài kiểu như Đảng Cộng Sản Trung Quốc áp đặt vào xã hội, đời sống của chúng ta.

Khi chúng ta bị bắt buộc phải hy sinh một số quyền tự do, Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cập Bình sẽ đặt câu hỏi: bây giờ quyền tự do của các bạn ở đâu?

Dĩ nhiên chúng ta có thể biện minh rằng chính quyền bắt buộc phải giới hạn một số quyền tự do cần thiết và chúng tôi tự nguyện chấp hành để ngăn chận sự truyền nhiễm của dịch bệnh.

Nhưng chính điều này đã cho chúng ta thấy ra một điều khác: Có phải điều đó cho thấy sự giới hạn của nền dân chủ xây dựng trên quyền tự do phổ quát và quyền tự do cá nhân?

Có phải chính thể tự do yếu trong tình thế khẩn cấp?

Lý thuyết gia chính trị người Đức, cũng là một thành viên của đảng Đức Quốc Xã, Carl Schmitt, đã viết một số tác phẩm vào những thập niên 1920, 1930 phê phán chủ nghĩa tự do. Ông cho rằng các chính quyền tự do đều yếu khi đương đầu với những tình thế khuẩn cấp.

Ông cho rằng: chủ nghĩa dân chủ được xây dựng dựa trên nguyên tắc “kiểm soát và cân bằng” (checks and balaces) – khiến cho nó khó có hiệu quả khi phải đương đầu với những tình thế khẩn cấp.

Trong cuốn Thần Học Chính Trị (Political Theology) của ông, Schmitt lý luận rằng quyền tối thượng có quyền quyết định trong tình thế hỗn loạn.

Ông đã cảnh báo rằng, chủ nghĩa độc tài Cộng sản hiệu quả hơn so với chủ nghĩa dân chủ trong những hoàn cảnh ngoại lệ như thế. Tại sao? Bởi vì chủ nghĩa Cộng sản được sanh ra từ hoàn cảnh khẩn cấp: bạo lực cách mạng.

Trong cuốn Die Diktatur (Về Chủ Nghĩa Độc Tài) ông viết rằng đối với người cộng sản “cứu cánh biện minh cho phương tiện”, cho nên tình thế càng hỗn loạn thì càng có lợi cho họ.

Schmitt viết như thế để chống lại hiểm họa mà ông đã nhìn thấy từ đảng Cộng Sản Sô Viết.

Trong tác phẩm “Carl Schmitt’s Critique of Liberalism: Against Politics as Technology political scientist”, John McCormick, nói rằng Schmitt đã đề cao “sự kết hợp giữa chủ quyền quốc gia và quyền lực khẩn cấp.”

Ông McCormick giải thích lý do tại sao Schmitt bị cám dỗ bởi chủ nghĩa Quốc Xã và tại sao một người bảo thủ xuất sắc của chế độ Weimar cuối cùng đã trở thành một thành viên của đảng Quốc Xã.

Theo ông McCormick, để đối đầu với chế độ độc tài Sô Viết, Schmitt đã chọn một chủ nghĩa độc tài quốc gia gian ác tương xứng.

Nền chính trị của chúng ta sẽ thay đổi sau coronavirus

Mặc dầu chẳng nên trích lại những lời của một triết gia Đức Quốc Xã, nhưng Schmitt được xem là một nhà tư tưởng lớn của thế kỷ 20.

Lời cảnh báo của ông từ một thế kỷ trước khiến cho chúng ta phải đặt câu hỏi vào lúc này: Có phải chủ nghĩa độc tài Cộng sản hiệu quả hơn trong những tình thế khấp cấp?

Tập Cận Bình tin như thế.

Câu hỏi dành cho chủ nghĩa tự do dân chủ, bao gồm Úc, là: khi cuộc khủng hoảng coronavirus qua đi, hệ thống chính trị của chúng ta sẽ như thế nào?

Từ ngữ bình thường mới có nghĩa là chúng ta phải download app “COVIDSafe” để chính quyền có thể theo dõi sự di chuyển của người dân? Chúng ta phải chấp nhận hy sinh quyền tự do cá nhân cho sự an toàn?

Các cầu thủ bóng đá bắt buộc phải chích một mũi thuốc cảm trước khi chơi?

Chúng ta phải uống một viên thuốc trước khi được phép đi làm? Và cuối cùng sẽ kết thúc ở đâu?

Sự phản đối ý thức có lẽ sẽ không còn chỗ trong xã hội bình thường mới.

Trong những tình thế bất thường, những gì được coi là bình thường sẽ không còn giống cái bình thường trước kia.

Chúng ta đang mất những điều làm cho mạnh nhất?

Tình hình khẩn cấp nhắc nhở chúng ta về một điều khác mà Carl Schmitt đã nói đến: “quyền tối thượng (sovereignty) có quyền quyết định trong tình thế khẩn cấp.”

Quyền tối thượng đang trở lại. Chủ nghĩa toàn cầu đang bị xét lại.

Và quyền tối thượng sẽ dẫn chúng ta đi đâu? Có lẽ cũng đáng báo động là chúng ta đang là một nước Đức thời Weimar* trên đường trở thành một nhà nước độc tài. Những điều mà Trung Quốc đang đe đọa chúng ta cũng giống như nước Nga đe dọa nước Đức vào những thập niên 20, 30 của thế kỷ trước, khiến cho chúng ta bắt buộc phải thay đổi, và thật sự là chúng ta đã thay đổi.

Trung Quốc ngày nay mạnh hơn nước Nga trước kia, đang trên đường trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ đang gieo ảnh hưởng trên khắp thế giới, đồng thời thẳng tay đàn áp mọi đòi hỏi về quyền tự do trong nước.

Tập Cận Bình đã nói rõ là không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa tự do của Tây Phương. Ông tự hào về mô hình tư bản độc tài của ông.

Thế giới Tây Phương đã bị khủng hoảng trước khi đại dịch coronavirus xảy ra: suy yếu từ bên trong; chính trị phận cực; sa lầy trong những trận chiến văn hóa.

Những nhà tư tưởng nghiêm chỉnh đã bắt đầu tự hỏi phải chăng nền dân chủ Tây Phương rồi đây sẽ chết.

Chúng ta đã đánh mất những điều làm cho chúng ta mạnh nhất; vậy còn lại cái gì quý giá nhất đối với chúng ta?

Nhà soạn kịch vĩ đại Arthur Miller đã viết tác phẩm “The Crucible” như một lời cảnh báo về sự hỗn loạn và nghi ngờ.

Trong lúc ông viết về thần học, cho phép tôi thay nó bằng tự do: Khi tự do được ví như một tiền đồn, không có vết nứt nào được coi là nhỏ không đáng quan tâm.

Stan Grant đang là giáo sư của đại học Charles Sturt University (Úc) và cũng là nhà báo.

Ghi chú: Weimar là chế độ dân chủ của nước Đức vào thập niên 1920, 1930 trước đảng Đức Quốc Xã của Hitler lên nắm quyền.

Nguồn: Has coronavirus shown us the limits of democracy, as life in the West mimics China?

https://www.abc.net.au/news/2020-05-11/coronavirus-freedom-privacy-china-authoritarianism/12232992

11th, May, 2020

Stan Grant

Phạm Hoài Nam dịch

Related posts