Phạm Thanh Hoa (RFA)
Tính đến trưa 12/5/2020, tàu khoan West Capella của Malaysia cùng các tàu hộ tống đã di chuyển về phía đông, nhiều khả năng đã kết thúc hoạt động khoan thăm dò ở lô ND2 nằm trong vùng chống lấn thềm lục địa Việt Nam và Malaysia. Bám theo nhóm tàu này ít nhất có một tàu hải cảnh Trung Quốc 1105. Hiện tàu Hải Dương Địa Chất 8 vẫn tiếp tục hoạt động thăm dò trong vùng đặc quyền kinh tế Malaysia. Trong khi đó, tàu hải cảnh Trung Quốc 1106 hôm nay đã xuất hiện gần bãi Tư Chính của Việt Nam.
Kể từ khi phớt lờ phán quyết của Toà án Trọng tài thường trực quốc tế năm 2016, Bắc Kinh không ngại hành động nào tại Biển Đông – từ tấn công tàu cá của Việt Nam, xâm phạm vùng biển của Indonesia, gia tăng căng thẳng với Philippines đến quấy rối hoạt động thăm dò dầu khí của Malaysia.
Sự chia rẽ trong ASEAN đã tác động tiêu cực đến giải quyết tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc. Trong khuôn khổ ASEAN, đồng thuận có nghĩa là không đạt được bất cứ điều gì nếu một trong 10 quốc gia thành viên phản đối đề xuất hoặc ý tưởng chung. Chính vì vậy, trong một thập kỷ qua, ASEAN không thể đồng thuận về cách đối phó với Trung Quốc để giải quyết tranh chấp Biển Đông.
Trong khi đó, Trung Quốc vẫn đang đạt được những thành công tại khu vực biển Đông. Theo tờ National Interest, thành công của Trung Quốc bắt nguồn chủ yếu từ 3 đặc điểm trong chính sách Biển Đông của họ :
Thứ nhất là đòn bẩy. Để đạt các mục tiêu chính trị, Bắc Kinh lợi dụng sự mất cân bằng, là một nước lớn hơn, mạnh hơn so với các đối thủ. Trung Quốc khai thác sức mạnh công nghiệp, đặc biệt là năng lực đóng tàu, để tung vào Biển Đông một lực lượng đông đảo các tàu chiến, tàu hải cảnh và máy bay quân sự hơn bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền ở đây. Hơn nữa, Bắc Kinh thường xuyên kêu gọi các đội tàu đánh cá dân sự lớn nhất trên Biển Đông thực hiện các sứ mệnh hỗ trợ các mục tiêu chiến lược quốc gia.
Thứ hai, đóng góp vào thành công của Trung Quốc là sự đảm bảo dối trá. Ngay cả khi nước này tham gia vào các hoạt động mang tính côn đồ trên Biển Đông, chính phủ Trung Quốc vẫn luôn trưng ra bộ mặt cam kết đối với nguyên tắc hòa bình, hài hòa và đạo đức. Ở cấp độ chung, Bắc Kinh luôn tuyên bố rằng Trung Quốc do Đàng cộng sản lãnh đạo là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, không xâm lược và không bắt nạt, ngay cả khi là một siêu cường. Minh họa cụ thể hơn cho vấn đề này là Bắc Kinh đã thể hiện sự ủng hộ đối với việc giảm căng thẳng, ký kết Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002 và đang tham gia vào các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Những hành động này nhằm che đậy các ý định thật sự của Trung Quốc và tạo ra một sự lạc quan không có căn cứ rằng, các ví dụ về hành vi ứng xử hung hăng của Trung Quốc là bất thường, bị giới hạn trong một số trường hợp cụ thể hay do một bên nào đó thực hiện mà chưa được phép của Bắc Kinh. Nhìn nhận vấn đề theo cách này sẽ làm gia tăng sự bất đồng giữa các nước trong khu vực về cách thức đối phó với Trung Quốc, tạo cơ hội cho Bắc Kinh gây chia rẽ và chinh phục.
Thứ ba, góp phần vào thành công của Trung Quốc là việc “điều chế” các hành vi hung hăng. Trung Quốc kiên trì thúc đẩy các lợi ích trên Biển Đông, gây phương hại đến lợi ích của các nước khác. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã thận trọng lựa chọn số lượng, địa điểm, thời điểm và phương pháp gây áp lực để hạn chế tối đa các phản ứng ngược. Trung Quốc đã đánh giá chính xác rằng, Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc để ngăn chặn việc xây dựng các căn cứ quân sự trên các đảo đá chiếm đóng. Việt Nam là bên yêu sách trên Biển Đông bị thiệt hại nhiều nhất do các cuộc tấn công bạo lực của Trung Quốc bởi vì Việt Nam không có thỏa thuận hợp tác an ninh với Mỹ.
Chiến thuật đâm đụng phổ biến hiện nay của Trung Quốc ít gây khiêu khích hơn so với việc nổ súng và thường chứng tỏ hiệu quả trong việc giành chiến thắng trên biển. Thậm chí, các tàu của Trung Quốc đã nhiều lần đe dọa va chạm để xua đuổi các tàu chiến của Hải quân Mỹ. Việc Trung Quốc sử dụng tia laser để quấy nhiễu các máy bay của các nước khác là một biểu hiện mới của hành vi ứng xử của Bắc Kinh. Các tia laser gây nguy hiểm cho các máy bay, nhưng lại không gây chết người trực tiếp. Chính sách hiện nay của Trung Quốc là tiến hành và bác bỏ. Sau khi Hải quân Mỹ nói rằng, một tàu khu trục của Trung Quốc đã chiếu tia laser vào máy bay P-8 của Mỹ hồi tháng 2/2020 khi máy bay này đang bay qua vùng biển quốc tế trên biển Philippines, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng đó là một “sự buộc tội vô căn cứ”. Vài ngày sau đó, tờ Thời báo Hoàn cầu thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đăng tải một bài viết, trong đó các chuyên gia quân sự Trung Quốc cổ vũ cho việc sử dụng tia laser để “đuổi” tàu chiến Mỹ không thâm nhập vào Biển Đông.
Theo một số chuyên gia, Trung Quốc đã thành công trong thời gian qua bởi vì họ “rất kiên nhẫn”. Trung Quốc luôn tìm cách đẩy mạnh hoạt động trên thực địa để khiến các quốc gia bị xâm phạm có cảm giác quen dần đi với các hành động đó. Họ luôn dùng chiến thuật mà các nhà nghiên cứu phương Tây gọi là “chiến thuật vùng xám”. Tức là họ luôn đe doạ khả năng chiến tranh, nhưng thực sự họ sử dụng các hành vi ở dưới ngưỡng của chiến tranh. Các hoạt động trên thực địa thì bao gồm hoạt động của các tàu chấp pháp của họ cùng với các tàu cá trá hình của các dân quân biển. Ngoài ra, luôn có sự hỗ trợ của lực lượng hải quân Trung Quốc đứng từ xa để “đe doạ”. Điều này sẽ tác động tâm lý đến các quốc gia trong tranh chấp, vì ngại đụng chạm và đe doạ từ Trung Quốc nên khiến cho các phản ứng bị kìm nén lại. Từ đó, dễ dẫn đến cảm giác im lặng và chấp nhận, Cứ thế, đến một lúc nào đó sẽ thấy quen dần. Cứ thấy quen dần thì sẽ đến lúc tê liệt các hành động phản kháng. Và như vậy là họ sẽ thành công. Các động thái của Trung Quốc hoàn toàn phù hợp với chiến lược “lát cắt salami” lâu nay của nước này trên Biển Đông: Tích lũy dần dần các hành động nhỏ, không để bất kỳ hành động nào gây phản ứng mạnh từ các nước khác, để qua thời gian biến thành một sự thay đổi chiến lược lớn. Gần như tất cả các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông trong những thập kỷ qua và đặc biệt những tháng gần đây đều bắt nguồn từ chiến thuật kiên nhẫn này.
Trong khi đó, ASEAN dường như vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung. Đặc biệt trong tiến trình đối thoại để tìm sự đồng thuận cho một bản COC trên biển Đông vẫn còn dậm chân tại chỗ. Một số nước ASEAN bàng quan về vấn đề biển Đông, thậm chí như Campuchia còn luôn tìm cách bảo vệ lập trường của Trung Quốc về COC.
Để giải quyết cuộc xung đột này, ASEAN phải quyết định liệu có nên từ bỏ sự đồng thuận trong vấn đề quan trọng và khó dự đoán này, hay nhượng bộ Trung Quốc.ASEAN nên bắt đầu tập trung bàn về một giải pháp giải quyết xung đột lâu dài mà được cả Bắc Kinh và Washington chấp nhận. ASEAN cần chấm dứt tình trạng không có khả năng đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột quân sự có nguy cơ bùng nổ khi Trung Quốc hoặc Mỹ trở nên hung hăng hơn.