- Thành Chương
Đại dịch viêm phổi Vũ Hán do virus corona mới (COVID-19) làm đình đốn hoạt động sản xuất tại Trung Quốc, thậm chí từng có lúc làm ngưng trệ chuỗi cung ứng toàn cầu. Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU) tại Anh mới ra một báo cáo cho biết dịch bệnh đã thúc đẩy nhiều công ty phân phối lại chuỗi cung ứng của họ, giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, giúp chuỗi cung ứng tại châu Á trở nên đa dạng hóa. Dấu hiệu này đã được phản ánh trong các đơn đặt hàng từ Đài Loan, Việt Nam và Ấn Độ.
Các công ty xuyên quốc gia đa dạng hóa chuỗi cung ứng tại châu Á
Hôm 13/5, Reuters trích dẫn một báo cáo từ Tổ chức Tình báo kinh tế (EIU) tại Anh cho biết, kể từ khi Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã trở nên ngày càng quan trọng. Giá thành sản xuất giá rẻ của Trung Quốc và nhu cầu thị trường đã cung cấp nhiều cơ hội giao dịch hơn cho các công ty đa quốc gia, từ đó thúc đẩy làn sóng toàn cầu hóa mới. Tuy nhiên, với sự bùng nổ của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung và sự gia tăng chi phí lao động ở Trung Quốc, nhiều công ty đa quốc gia đã bắt đầu chuyển chuỗi cung ứng của họ từ Trung Quốc sang các khu vực khác của châu Á. Chi phí lao động tăng mạnh đã mở màn tình trạng này đối với ngành dệt may là lĩnh vực thâm dụng lao động, đến khi dịch bệnh bùng phát càng thúc đẩy mạnh nhiều ngành công nghiệp di dời và phân tán chuỗi cung ứng.
Báo cáo cho rằng kết quả của xu hướng này sẽ là việc thiết lập một mạng lưới chuỗi cung ứng châu Á đa dạng hơn, giảm thiểu phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc. Đồng thời, bằng cách thiết lập chuỗi cung ứng khu vực ở các khu vực lân cận tại các nước Âu – Mỹ có thể giúp doanh giới giảm thiểu thiệt hại trong những cú sốc tương tự sau này.
Báo cáo chỉ ra thực trạng khó khăn để thiết lập chuỗi cung ứng, nhưng vấn đề di dời còn khó hơn, đặc biệt là trong ngành công nghiệp ô tô, nhưng khi ngày càng nhiều công ty đưa ra quyết định di dời chuỗi cung ứng, hướng đến khu vực hóa chuỗi cung ứng, đây là hệ quả do khủng hoảng dịch bệnh kéo dài gây ra.
Báo cáo nhấn mạnh rằng dịch bệnh sẽ dẫn đến “không chỉ thời kỳ toàn cầu hóa có thể dừng lại, thậm chí có thể đảo ngược”.
Nhiều khu vực châu Á có lợi, nhưng giới ô tô Nhật Bản không có ý thay đổi
Như đã nêu trong báo cáo, xu hướng phi tập trung chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia đã được phản ánh thông qua tình hình kinh tế cùng số đơn đặt hàng của nhiều khu vực châu Á.
Theo dữ liệu kinh tế do Viện hành chính Đài Loan công bố, GDP của Đài Loan trong quý đầu năm 2020 tăng 1,54% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu đóng góp 0,86 điểm phần trăm của tốc độ tăng trưởng.
BBC dẫn lời ông Ngô Kiến Huy (Wu Jianhui), một nhà nghiên cứu tại Viện hàn lâm quốc gia Đài Loan (Academia Sinica) chỉ ra, xuất khẩu của Đài Loan đã tăng trưởng đều đặn. Điều này là do trong hai năm qua dưới bối cảnh chiến tranh thương mại Trung-Mỹ khiến nhiều công ty đa quốc gia của Mỹ đã chuyển sản xuất sang Đài Loan; vì tình hình dịch bệnh nhiều nhà xưởng tại Trung Quốc Đại Lục đã ngừng hoạt động vài tháng làm lượng lớn đơn đặt hàng chuyển từ Trung Quốc Đại Lục qua Đài Loan.
Ông cũng chỉ ra bài học của các nước trong đại dịch là nếu các thiết bị và ngành công nghiệp như mặt nạ hay khẩu trang phụ thuộc vào sản xuất của Trung Quốc, thì ước tính các chính phủ bị ảnh hưởng nhiều sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp của họ rời khỏi Trung Quốc nhanh hơn, thêm nữa là chiến tranh thương mại Trung-Mỹ chưa kết thúc nên dự kiến Đài Loan sẽ còn tiếp tục được hưởng lợi trong khoảng thời gian dài.
Lấy Apple làm ví dụ, gần đây đã có nhiều thông tin cho rằng họ đang đẩy nhanh việc chuyển chuỗi cung ứng sang Ấn Độ và Việt Nam.
Theo Thời báo Kinh tế (The Economic Times) của Ấn Độ, một số quan chức Chính phủ Ấn Độ tiết lộ rằng Apple có kế hoạch chuyển 1/5 năng lực sản xuất từ Trung Quốc Đại Lục sang Ấn Độ và mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ thông qua các chuỗi cung ứng liên quan, mục tiêu là tăng năng lực sản xuất lên 40 tỷ đô la Mỹ trong vòng 5 năm.
Gần đây, Nhật báo Kinh tế Hồng Kông (Hket) cũng đã đưa tin rằng, theo báo cáo tài chính của Largan Precision và Genius Electronic Optical (hai nhà cung ứng màn hình của Apple và Samsung), trong quý đầu tiên của năm nay, lô hàng xuất của hai nhà cung ứng này tại nhà máy ở Việt Nam đã tăng đáng kể, trái với lượng hàng thuyên giảm tại nhà máy ở Trung Quốc Đại Lục trong cùng kỳ. Thị trường cho thấy điều này phản ánh xu hướng chuyển đổi nhanh chóng của chuỗi cung ứng sang các khu vực không thuộc Trung Quốc Đại Lục.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đang tăng tốc đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Vào tháng trước Chính phủ Nhật Bản cũng đã tung ra gói kích thích kinh tế kỷ lục, bao gồm việc cung cấp 220 tỷ yên cho các công ty có kế hoạch chuyển sản xuất trở lại Nhật Bản hoặc các nước khác ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, SCMP đưa tin vào ngày 13/5 rằng 5 công ty lớn của Nhật Bản bao gồm cả Toyota cho biết muốn tiếp tục sản xuất ô tô ở Trung Quốc Đại Lục vì chi phí chuyển nhượng quá cao, đối với họ thì Trung Quốc Đại Lục vẫn là thị trường trọng điểm. Ngày 12/5, Toyota cho biết họ ước tính lợi nhuận hoạt động của Tập đoàn trong năm tài chính 2020 (tính đến tháng 3/2021) sẽ giảm 79,5%.
Thành Chương