Hàng nghìn người Úc có nguy cơ mất việc vì lệnh của ông Trump
Mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố ý định thu hồi việc sản xuất phụ tùng và lắp ráp dòng chiến đấu cơ F-35 tại các nước đồng minh để tập trung sản xuất trên đất Mỹ,
Trả lời phỏng vấn của đài Fox News ngày 15.5.2020 ông Trump cho rằng F-35 là dòng máy bay chiến đấu “tuyệt vời”, nhưng hiện quy trình chế tạo máy bay này không được thực hiện toàn bộ tại Mỹ, mà nhiều phụ tùng được sản xuất tại các quốc gia đồng minh. Ông Trump nhấn mạnh toàn bộ quy trình hoàn thiện máy bay F-35 phải được thực hiện tại Mỹ.
Nếu ý định của ông Trump thành hiện thực thì nước Úc sẽ mất hàng nghìn việc, mấy tỏi tiền đầu tư vào quy trình sản xuất, đồng thời khiến chính sách kỹ nghệ quốc phòng của Chính phủ Úc rơi vào hỗn loạn.
Việc hợp tác sản xuất F-35 tại Úc được duy trì bởi chi nhánh của công ty Lockheed Martin tại Úc với hợp đồng trị giá US$ 2 tỷ cho quá trình sản xuất và lắp ráp máy bay. Theo Lockheed, hiện có hơn 50 công ty của Úc tham gia vào chuỗi cung ứng F-35 theo các hình thức khác nhau và đang tạo ra khoảng 2,400 việc làm cho người Úc. Quy trình sản xuất tại đây hỗ trợ cung cấp các linh kiện và phụ tùng cho chiến đấu cơ F-35.
Theo dự án Joint Strike Fighter, Úc đã đồng ý mua 72 chiếc ay F-35 trong khuôn khổ chương trình thay thế các dòng máy bay cũ F/A-18A/B trị giá US$17 tỷ.
Úc chuẩn bị nối lại hoạt động du lịch nội địa
Chính phủ liên bang đang chuẩn bị mở lại các hoạt động du lịch nội địa khi có thể kiểm soát đại dịch Covid-19 trong tầm tay với mức độ trung bình có 20 người mới nhiễm bệnh mỗi ngày.
Phát biểu sau cuộc họp của nội các quốc gia chiều 15.5.2020 Thủ tướng Scott Morrison cho biết ông đang thảo luận với các giới chức phụ trách ngành du lịch của các tiểu và vùng lãnh thổ cùng với Tổng trưởng thương mại Simon Birmingham về việc tái khởi động ngành du lịch nội địa.
Ông phát biểu: “Khi biên giới với nước ngoài vẫn phải đóng cửa, người dân Úc có thể thực hiện các cuộc du lịch nội địa và có thể di chuyển tới nhiều nơi đặc biệt khi kỳ nghỉ học của trẻ em sẽ đến vào tháng Bảy tới. Đây là cơ hội cho các tour du lịch nội địa tại Úc”.
Tuy vậy, Thủ tướng Scott Morrison cũng cho hay ông các tiểu bang và vùng lãnh thổ sẽ tự đưa ra quyết định dựa vào tình hình dịch bệnh ở mỗi bang. Hiện mới Tây Úc và thổ Bắc Úc thông báo việc mở cửa biên giới tiểu bang sẽ được thực hiện trong giai đoạn 3 của lộ trình nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội,
Cho tới nay chỉ bang Nam Úc là tiểu bang duy nhất cho phép người dân được đi cắm trại và đi du lịch tới các vùng nông thôn. Trong khi đó, Queensland cho phép người dân giải trí ngoài trời trong phạm vi 500 km, còn vùng lãnh thổ Bắc Úc tuy đã mở cửa các công viên, khu bảo tồn và các khu cắm trại, vẫn khuyên người dân chỉ tham gia các hoạt động này nếu cảm thấy khỏe mạnh.
Du lịch là một trong những ngành kinh tế chịu thiệt hại nặng nền nhất từ dịch Covid-19 do việc đóng cửa biên giới và việc hạn chế đi lại của người dân. Chính vì vậy, trong lúc chưa thể đón được khách du lịch quốc tế và đưa công dân Úc ra nước ngoài, việc thúc đẩy du lịch nội địa vô cùng quan trọng và có thể giúp Úc thu về hơn $20 tỷ mức chi mà người dân nước này bỏ ra mỗi năm cho du lịch nội địa.
Trong lúc nền kinh tế – xã hội Úc đang dần vận hành trở lại, các tiểu bang đang từng bước nới lỏng các biện pháp kiểm soát, nếu các hoạt động du lịch nội địa phục hồi, nó sẽ kích thích sự tiêu thụ và thúc đẩy hoạt động kinh tế.
Peter Costello đòi tiền Facebook và Google
Ngày 14.5.2020 công ty truyền thông Nine Entertainment kêu gọi Google và các đại công ty kỹ thuật khác trả khoảng 400 triệu USD một năm cho các công ty truyền thông của Úc theo đúng như bộ quy tắc ứng xử bắt buộc do Chính phủ Úc ban hành.
Trả lời phỏng vấn tạp chí The Australian Financial Review, cựu Tổng trưởng kinh tê Peter Costello, hiện là Chủ tịch Nine Entertainment, cho rằng “về bản chất” thì các công ty như Facebook hay Google “đang sử dụng sản phẩm do các công ty truyền thông tức tạo ra mà không trả phí tổi.”
Theo ông Costello, Ủy ban Tiêu thụ và Cạnh tranh Úc (ACCC) đã xác định rằng 10% trong tổng thu nhập của các công ty có được từ quảng cáo trong nội dung tin tức.
Tổng thu nhập này ước tính khoảng $6 tỷ một năm, tức khoảng USD 3.9 tỷ do đó ông Costello cho rằng các công ty trên phải trả cho các tổ chức truyền thông của Úc 10% này.
Chính phủ Úc trong nhiều tháng qua đã đàm phán một bộ quy tắc ứng xử nhằm đạt được một thỏa thuận tự nguyện với Google, Facebook và một số hãng khác.
Tháng trước, Úc đã đưa ra các kế hoạch nhằm buộc các công ty công nghệ lớn này chia sẻ doanh thu từ quảng cáo trong nội dung tin tức trên các công cụ tìm kiếm của những hãng này.
Tuy nhiên, cả Google và Facebook đều phản đối và kêu gọi tiếp tục đàm phán. Hai hãng này cho rằng đã đầu tư hàng triệu Mỹ kim vào các sáng kiến giúp ngành thông tin-truyền thông của Úc tồn tại.
Google và Facebook có tầm ảnh hưởng lớn tới ngành thông tin-truyền thông Úc, doanh thu chiếm hơn 66% số tiền chi cho quảng cáo trực tuyến.
Nhằm ứng phó với tình hình doanh thu giảm sút, các hãng tin tức Úc đã cắt giảm 20% việc làm trong vòng 6 năm qua.
Trong một diễn biến liên qua, ngày 14.5.2020 Cục Thuế Úc (ATO) cho biết chi nhánh của hãng Google tại Úc đã trả $133 triệu tiền thuế vào tài khóa qua, là số tiền thuế lớn nhất mà công ty này từng đóng cho nước Úc,
Số tiền thuế này được xem là một chiến thắng lớn của ATO sau chiến dịch kéo dài nhiều năm để buộc các công ty đa quốc phải trả thêm thuế ở Úc. Trong đó, Google Úc là một trong những mục tiêu lớn nhất của ATO.
Google Úc đã công bố lợi nhuận trước thuế trong năm 2019 là 134 triệu AUD (hơn 87 triệu USD), giảm so với mức 156 triệu AUD của năm trước đó, trong khi doanh thu tăng từ $1 tỷ lên $1.2 tỷ.
Báo cáo tài chính của công ty này cho thấy kể từ năm 2017, Google tại Úc đã trả hơn $450 triệu cho ATO.
Theo Google Australia thì trong những năm qua, công ty này đã đầu tư $1 tỷ để tăng cường hoạt động tại Úc.
Thành viên kín tiếng nhất của gia đình mafia ra tòa
Ricardo Barbaro – đứa con “sáng chói” nhất của gia đình mafia Barbaro – đã bị truy tố ra tòa hôm 16.5. 2020 trước Tòa sơ thẩm Melbourne với cáo buộc sát nhân. Nghi can đã bị truy tố sau ít nhất 12 ngày chạy trốn, đã bị bắt tại Sydney vào hôm thứ Năm tuần qua (14.5.2020) và dẫn độ về lại Melbourne.
Ricardo Barbaro năm nay 33 tuổi, là thành viên “lành nhất” của gia đình mafia khét tiếng Barbaro và chưa hề lọt vào sự chú ý của Cảnh sát Victoria. Nghi can sẽ bị giam cho đến phiên tòa kế tiếp vào ngày 22.9.2020.
Ngày 4.5.2020 cảnh sát phát hiện thi hài của bạn gái anh ta là cô Ellie Price trong townhouse của cô ta tại Southe Melbourne. Cô này 26 tuổi, đã có một con nhỏ và cảnh sát tin rằng cô ta đã chết trước đó gần một tuần. Sau đó Cảnh sát Victoria phát hiện chiếc Mercedes 2017 E350 Mercedes Benz của cô ta gần Diggers Rest.
Phát hiện này dẫn đến cuộc truy lùng trên toàn quốc và cuối cùng, khoảng 1 giờ sáng ngày 15.5.2020 cảnh sát NSW ập vào một penthouse apartment tại một chung cư nhìn ra sông Parramatta tại miền Tây Sydney, tóm gọn Ricardo sau một hồi chống cự.
Dòng họ Barbaro của gia đình này thuộc về tổ chức mafia Calabria ở Úc, là thế lực đứng đằng sau vụ mất tích năm 1977 của Donald Mackay, một nhà hoạt động chống ma túy. Thế lực mafia này dính líu đến nhiều vụ sát nhân tuy nhiên trong suốt thời gian qua Ricardo Barbaro đã hoàn toàn vô can, chưa bao giờ dính líu đến các phi vụ đen tối của gia đình hay rắc rối với luật pháp, thậm chí còn chuyên tâm học hành và vào được đại học, được xem là đứa con sáng chói nhất của gia đình. Nhưng đến nay, sau cái chết của cô bạn gái nói trên, sự thậ mới phơi bày.
Thời nhỏ Ricardo sống với mẹ tại Queensland rồi quay về Melbourne sống với cha là ông Joe Barbara và bà mẹ kế Anita. Sau đó anh ta có hai đứa con nhưng rồi quan hệ hôn nhân rạn nứt và trở thành khuôn mặt quen thuộc của các hộp đêm tại Melbourne.
Anh trai của Ricardo là Pasquale Barbaro – lớn hơn anh ta 6 tuổi – là một tên tuổi trong giới mafia Calabria tại Úc, đã bị ám sát vào tối 14.11.2016 tại vùng Earlwood ở phía nam Sydney. Tin cho hay vụ ám sát diễn ra sau khi anh ta này cướp một số ma túy có giá đến $1 triệu của một băng xã hội đen Pacific Islands.
Pasquale Barbaro lúc đó 35 tuổi, đã chết ngay tại chỗ với nhiều phát đạn ghim vào người, trong đó có ít nhất một viên đạn ghim vào đầu. Vụ thanh toán diễn ra giữa lúc Barbaro chuẩn bị ra Tòa Trung thẩm vào ngày 6.2.2016 với cáo buộc sản xuất 4 kg băng phiến (ice) và được tại ngoại sau khi đóng thế chân $300,000.
Trước khi bị bắn chết thì Barbaro sống với bạn gái tại vùng Harrington Park ở phía tây nam Sydney. Ban ngày anh ta sinh hoạt như một tay chơi sang trọng, ăn mặc lịch lãm và thường xuyên lui tới những nhà hàng sang trọng tại Double Bay bàn chuyện làm ăn, nhưng đến ban đêm thì thường xuyên có mặt tại hộp đêm Dollhouse tại Kings Cross cùng với các thành viên cao cấp của băng Hells Angel.
Sau đó tháng 11 năm 2016 Cảnh sát NSW đã tóm cổ nghi can Abuzar Sultani, lúc đó 27 tuổi, gốc người Afghanistan, Nghi can này bị bắt giữa lúc đang học để lấy bằng MBA tại Đại học Macquarie nhưng lại là một ông trùm bikie, điều hành các họat động buôn bán ma túy và giết thuê, sở hữu qua tay cả một kho vũ khí. Cùng bị bắt và truy tố có thành viên khác của băng bikie Rebel tại khu vực Burwood, đặt dưới sự chỉ huy của Sultani,.
Pasquale Barbaro có người ông nội và anh họ trùng tên, cũng đều là Pasquale Barbaro, và đều bị thiệt mạng trong các vụ thanh toán của mafia. Ông nội anh ta đã bị bắn chết tại Brisbane năm 1990, khi đang sống với người vợ Phillipines. Sau đó thì em họ bị bắn chết khi làm cận vệ cho trùm ma túy Jason Moran tại Melbourne năm 2003.
Tin cho hay vì sợ bị thanh toán, Pasquale Barbaro đã âm thầm hợp tác với cảnh sát và năm 1989 đã cung khai thông tin cho National Crime Authority.
Ngoài ra anh ta còn có một người họ hàng trùng tên khác là Pasquale Barbaro, đã bị kết án 30 năm tù vào năm 2012 vì tham gia vụ nhập lậu cảng thuốc lắc lớn nhất tại Úc, lên đến 4.4 tấn cất giấu trong các thùng cà chua vận chuyển từ Ý đến Melbourne trên tàu hàng MV Monica.
Hiện gia đình này còn có một đứa con duy nhất còn sống là Harly Barbaro, hiện là thành viên của băng bike khét tiếng Mongols tại thành phố Gold Coast.
Chiêu dụ sinh viên quốc tế
Dù chính phủ liên bang bác bỏ lời kêu gọi tài trợ sinh viên quốc tế gặp khó khăn vì đại dịch Covid-19, một số tiểu bang tại Úc đã chi tiền để nuôi dưỡng họ, được xem là bầu sữa nuôi dưỡng kỹ nghệ giáo dục với thu nhập khoảng 30 tỷ Úc kim cho toàn nước Úc.
Mới nhất, ngày 15.5.2020 chính quyền NSW thông báo chương trình trị giá $20 triệu để giúp đỡ các sinh viên quốc tế đang gặp khó khăn trong bối cảnh dịch Covid-19 hạn chế các hoạt động kinh tế khiến họ mất việc làm, còn một số thì gia đình tại quê nhà cũng gặp khó khăn và không thể giúp họ.
NSW là tiểu bang chiếm đến một phần ba sinh viên quốc tế tại Úc. Theo ông Geoff Lee, Bộ trưởng huấn ghệ và giáo dục hậu trung học NSW (Skills and Tertiary Education Ministry) thì kinh phí $20 triệu sẽ được dùng để cung cấp chỗ ở miễn phí cho các sinh viên gặp khó khăn. Đồng thời, tiểu bang cũng sẽ lập đường dây nóng 24/7 để có thể giúp đỡ sinh viên quốc tế với các dịch vụ tư vấn miễn phí về luật pháp, về việc bị đuổi khỏi nhà thuê, y tế, sức khỏe tâm thần và các giúp đỡ khẩn cấp khác.
Trước đó, cac tiểu bang Victoria, Queenland và Nam Úc… cũng đã thông báo những chương trình giúp đỡ cho sinh viên quốc tế. Tiểu bang Victoria, nơi có số sinh viên và học sinh quốc tế đông thứ hai tại Úc, đã chi $45 triệu để giúp đỡ các sinh viên quốc tế đang gặp khó khăn tài chính vì mất việc làm do dịch Covdi-19. Theo đó, gần 40,000 sinh viên đang theo học tại các trường đại học, trường dạy nghề, và cả các trường dạy tiếng Anh đều có thể nhận được khoản giúp đỡ lên tới $1,100. Ông Martin Pakula, Bộ trưởng Nhân dụng, Cải cách và Thương mại Victoria cho biết, các sinh viên quốc tế cũng có thể xin quỹ tài trợ về thuê nhà cũng như tìm việc làm mới trong khuôn khổ Sáng kiến việc làm tại Victoria.
Nam Úc cũng đã thông ngân sách trị giá $13.8 triệu để giúp đỡ các sinh viên quốc tế. Trong đó, $10 triệu được dùng để giúp đỡ các sinh viên quốc tế đang theo học tại 3 trường đại học lớn nhất của tiểu bang là trường Đại học Adelaide, Đại học Flinders và Đại học Nam Úc. Tiểu bang cũng trợ cấp $500 cho những sinh viên gặp hoàn cảnh khó khăn khẩn cấp. Ông David Ridgway, Bộ trưởng Sở Thương mại, Du lịch và Đầu tư Nam Úc, cho rằng “giáo dục quốc tế đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của tiểu bang”, cho biết trong tài khóa 2018-2019, sinh viên quốc tế đóng góp tới $1.92 tỷ vào nền kinh tế của tiểu bang này và tính trung bình 4 sinh viên quốc tế tạo thêm 1 việc làm mới cho tiểu bang.
Ngoài ba tiểu bang NSW, Victoria và Nam Úc có đông lượng sinh viên quốc tế nhất nước, các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác cũng đã có những giúp đỡ nhiều mặt cho sinh viên quốc tế. Tasmania trợ cấp mỗi sinh viên quốc tế đang gặp khó khăn $250 và $1,000 đối với các sinh viên đang sống cùng gia đình. Tổng giá trị của chương trình này lên đến $3 triệu. Queensland cũng chi $2.2 triệu để giúp đỡ các sinh viên quốc tế thông qua việc cung cấp các phiếu ăn, các hoạt động tư vấn, giúp đỡ các sinh viên phải cách ly cũng như các trợ giúp khác để sinh viên quốc tế bớt khó khăn trong lúc sinh sống tại bang giai đoạn dịch bệnh.
Chính quyền thổ Canberra cũng cam kết chi $450,000 để giúp đỡ cho những người đang có visa tạm trú, trong đó có sinh viên quốc tế. Số tiền này sẽ được trợ giúp cho những người bị mất thu nhập do các công ty đóng cửa.
Tây Úc thì đã lập riêng một quỹ cứu trợ khẩn cấp cho sinh viên quốc tế về nhà ở, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ khác. Trong khi đó thì Bắc Úc, nơi có ít sinh viên quốc tế nhất cũng cho biết những người đang có visa tạm trú trong đó có sinh viên quốc tế có thể được nhận giúp đỡ từ chính quyền.