ÔNG TRUMP TÁT ĐẦM LẦY?

VŨ LINH

image.png

Chính trường Mỹ đang lên cơn rối loạn khi câu chuyện đảng DC điều tra TT Trump ‘thông đồng’ với Nga tưởng như đã mồ yên mả đẹp nhưng đã sống lại. Chẳng những sống lại mà còn có nguy cơ biến thành một tsunami chính trị lớn hơn vụ tố TT Trump thông đồng với Nga gấp ngàn lần.
Vâng, gấp ngàn lần vì cuộc điều tra lần này là điều tra thật, với những bằng chứng thật và thủ phạm thật. Không còn là chuyện thông đồng cuội với Nga mà ai cũng biết là chuyện vớ vẩn, được xác nhận bởi công tố Mueller và đoàn luật sư DC của ông ta sau cả hai năm trời điều tra.
Câu chuyện bất ngờ sống lại, mà lại chuyển qua một hướng mới lạ hoàn toàn.
Cho đến nay, cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục và đã có khá nhiều tiết lộ mới. Nhưng không phải tin nào cũng chính xác đáng tin tưởng đâu. Trong cái rừng tin trong thời đại internet này, cũng không thiếu gì tin bí mật hậu trường, tin tiểu thuyết trinh thám, được nấu nướng trong khi chờ ly cà phê ‘cái nồi ngồi trên cái cốc’, được tung ra khiến thiên hạ rối như tơ vò, chẳng biết đâu là thật, đâu là giả. Phần lớn là tin tạp nhạp từ truyền thông lá cải thiên hữu, thiên tả, tung hô Trump, sỉ vả Trump, đủ nguồn. Chỉ có một thái độ nghiêm chỉnh là chúng ta bình tĩnh chờ đúc kết cuối cùng của bộ Tư Pháp rồi muốn nói gì thì nói, cũng chưa muộn.
Do dó, DĐTC cũng sẽ không đào quá sâu vấn đề, mà chỉ xin bàn đại cương những tin biết được cho đến nay.

Cách đây đã gần cả năm, bộ trưởng Tư Pháp Williams Barr bổ nhiệm một công tố đặc biệt để điều tra xem nguyên do từ đâu xẩy ra cái vụ bộ Tư Pháp bổ nhiệm công tố Mueller để điều tra vụ ‘án cuội’ Trump thông đồng với Nga để khuynh đảo cuộc bầu cử tổng thống. Cuộc điều tra mới này được công tố đặc biệt John Durham lẳng lặng tiến hành trong hậu trường, không chiêng trống rùm beng, không có Hạ Viện hai ngày điều trần người này, ba ngày điều trần người nọ, và các dân biểu nghị sĩ thi nhau nhẩy lên TV đấm ngực tuyên bố vung vít.
Cuộc điều tra kín đáo này cho đến nay chưa xong, chưa có đúc kết cuối cùng, tuy nhiên cũng đã vén bức màn đen, hé lộ ra nhiều chuyện có thể khá kinh hoàng.

Chuyện thứ nhất, cách đây không lâu, tổng thanh tra bộ Tư Pháp điều tra vụ FBI xin tòa FISA giấy phép đi theo dõi ban vận động tranh cử của ông Trump vì nghi ngờ thông đồng với Nga, đã cho biết trong vụ này, FBI đã vi phạm vô số thủ tục điều tra, tuy những vi phạm chưa có bằng chứng cụ thể là đã cố tình được kích động bởi gian ý, cố tình vi phạm luật hay cố tình lừa gạt tòa FISA, nên chưa có ai bị truy tố tội gì, mà chỉ bắt ông giám đốc FBI Christopher Wray phải cải tổ cách làm việc của FBI. Công tố Durham vẫn đang coi lại vụ này.

Mới tuần qua, vụ điều tra leo lên một bực thang khổng lồ mới: TTDC làm rùm beng việc bộ Tư Pháp, qua khuyến cáo của công tố Jeffrey Jensen, rút lại quyết định truy tố tướng Michael Flynn về tội nói chuyện điện thoại với đại sứ Nga nhưng lại nói láo với công tố Mueller là không có. Ông Mueller  yêu cầu bộ Tư Pháp truy tố tướng Flynn ra tòa về tội nói láo này, và tướng Flynn để tránh án nặng (cũng có tin công tố Mueller đổi chác, đe dọa truy tố ông con của tướng Flynn vì tội làm lobby cho một nước ngoài mà không khai báo, nếu tướng Flynn không nhận tội), đã bị ép phải nhận tội, nhưng sau đó đã rút lại, tố cáo ông đã bị lừa và cưỡng ép, là những chuyện bất hợp pháp khi lấy cung để buộc tội.
Bộ Tư Pháp quyết định không truy tố vì trong vụ ‘vồ bắt’ tướng Flynn này, cả FBI và các luật sư của công tố Mueller đã vi phạm cả lô thủ tục pháp lý bảo đảm công lý cho tất cả mọi bị can theo Hiến Pháp Mỹ. Chẳng hạn như khi FBI gọi ông Flynn ra ‘phỏng vấn’, trên căn bản theo đúng luât, thì tướng Flynn phải có một luật sư của ông đi cùng như thủ tục pháp lý đòi hỏi để bảo đảm mọi việc được tiến hành theo đúng luật. Nhưng giám đốc FBI ông Comey nói tướng Flynn không cần phải rườm rà như vậy, chỉ là chuyện phỏng vấn để làm sáng tỏ vài chuyện thôi. Thế nhưng mọi việc không giản dị như vậy, ông Flynn không rành về luật lắm mà lại không có luật sư ngồi cạnh cố vấn, bị các luật sư của FBI gài bẫy đủ chuyện, rồi sau này nộp tờ khai cho công tố Mueller để truy tố tướng Flynn khai láo với FBI, là chuyện hoàn toàn phạm pháp. Nội cái việc lấy cung của tướng Flynn mà không có sự hiện diện của luật sư, tự nó đã vi phạm luật rồi, và không có tòa nào có thể dùng những lời khai của tướng Flynn để bỏ tù ông. Còn việc ông Flynn nói láo với công tố Mueller thì có thể là tội, nhưng không nặng tới mức công tố Mueller tố giác.
Hơn thế nữa, còn có nhiều nghi vấn lớn, chẳng hạn như tướng Flynn nói chuyện điện thoại với đại sứ Nga khi ông trước đây là giám đốc tình báo quốc phòng, biết rất rõ là mọi cuộc nói chuyện với tòa đại sứ Nga đều được FBI và tình báo thu âm hết từ hồi nào tới giờ. Vậy nếu có gian ý đáng ngồi tù thì tại sao ông lại nói chuyện công khai như vậy? Rồi tại sao lại nói ‘không có’ với công tố Mueller?
Bà Sally Yates, thứ trưởng Tư Pháp thời đó, sau này bị TT Trump cách chức, khi đó đã lên tiếng, hoài nghi về tính hợp pháp của cuộc phỏng vấn này.
Ngay sau khi FBI chất vấn tướng Flynn, anh thanh tra trực tiếp phỏng vấn ông là Peter Strzok, sau đó đã nhìn nhận anh không thấy tướng Flynn đã nói láo chuyện gì. Ngay cả giám đốc FBI, James Comey khi đó cũng nói thẳng với TNS Chuck Grassley, chủ tịch nhiệm chức -president pro-tempore- của Thượng Viện là ông không thấy lý do gì tướng Flynn có thể bị truy tố về tội gì.

Ngày 4/1/2017, FBI chính thức đề nghị chấm dứt cuộc điều tra về tướng Flynn. Nhưng đó là chuyện trước khi ông Comey bị cách chức. Sau khi ông Comey bị TT Trump cách chức thì cả hai ông Strzok và Comey đều uốn lưỡi, nói ngược lại (xem bài của báo Newsweek dưới đây), và biên bản phỏng vấn được cạo sửa lại. Đưa đến việc công tố Mueller truy tố tướng Flynn và FBI bắt nhốt ông chờ ra tòa.
Điểm khác nữa: ban đầu, tướng Flynn bị gán vi phạm luật Logan, là luật cấm thường dân Mỹ can dự vào chính sách đối ngoại của Mỹ (chứ không phải là cấm không được nói chuyện với “quốc gia thù địch” như nhiều người loan tin sai lầm). Khi đó, tướng Flynn tuy là cố vấn An Ninh cho tân tổng thống Trump, nhưng chưa tuyên thệ, nên trên nguyên tắc vẫn là dân thường, không có quyền điện thoại cho đại sứ Nga để bàn bất cứ chuyện gì.

Nhưng sau đó, như một phép lạ, tội này biến mất, vì quá vô lý. Ông Trump tuy chưa tuyên thệ nhậm chức, nhưng đã được báo cáo và tham dự vào nhiều chuyện quốc sự lớn cùng với ban tham mưu của ông trong đó có tướng Flynn từ gần ba tháng trước rồi. Và cũng trong thời gian đó, tướng Flynn cũng đã nói chuyện với cả mấy chục tổng thống, thủ tướng, quan chức nước ngoài nữa, sao có thể chỉ truy tố riêng việc ông nói chuyện với đại sứ Nga?
Ngoài ra, ai cũng biết rất nhiều người ngoài chính quyền đã dính dáng vào chuyện đối ngoại của Mỹ, rất bình thường, sao bây giờ lại là tội. TT Johnson năm xưa đã nhờ cả chục người, chẳng những ngoài chính quyền mà còn cả ngoài nước Mỹ luôn, làm trung gian với CSBV đó.
Vì những mánh mung gài bẫy tướng Flynn, vì vô số vi phạm quyền của ông này, việc truy tố cái ‘tội nói láo’ không còn căn bản pháp lý chính đáng, do đó bộ Tư Pháp muốn thu hồi việc truy tố.
Ở đây, phải nói ngay, câu chuyện về tướng Flynn có cả chục phiên bản, nhiều khi khác nhau một trời một vực vì các nguồn tin khác nhau. Phải chờ đến khi công tố Durham công bố kết quả cuối cùng của cuộc điều tra của ông may ra mới rõ sự thật.
Dù sao thì câu chuyện thu hồi quyết định truy tố nổ mạnh hơn bom Hiroshima. TTDC nhao nhao công kích. Kinh hoàng hơn nữa, đích thân TT Obama bỏ dở việc viết hồi ký kiếm 65 triệu đô để gọi điện thoại cho hơn 3.000 cựu viên chức của ông trong FBI, tòa, án, an ninh, … tố TT Trump ngồi xổm trên pháp luật. Khoảng 2.000 người đồng ý ký thỉnh nguyện thư tố cáo bộ Tư Pháp mang chính trị vào tư pháp, lạm quyền khi tự ý thu hồi quyết định truy tố tướng Flynn, trả tự do cho tướng Flynn.
Tất cả chỉ là … fake news!

Sự thật là tướng Flynn chưa được trả tự do vì vụ truy tố ông vẫn chưa bị thu hồi. Đó chỉ mới là chuyện bộ Tư Pháp xin phép tòa cho thu hồi, và ông quan tòa cho đến nay vẫn chưa chấp nhận. Trái lại, ông tòa da đen này, Emmet Sullivan do TT Clinton bổ nhiệm, nổi tiếng chống Trump, đã bổ nhiệm một cựu thẩm phán chống CH, trước đây đã từng làm việc trong nhóm luật sư truy tố TT Nixon, ra biện giải tại sao tướng Flynn cần bị truy tố. Vừa nhận job một ngày, ông này đã tuyên bố ngay tướng Flynn phải bị truy tố về tội nói láo hữu thệ. Kẻ này có cảm tưởng ông quan tòa Sullivan tìm người giúp bào chữa cho việc ông tiếp tục truy tố tướng Flynn. Chỉ hy vọng cảm tưởng này sai bét.
Cũng phải nhắc lại TT Obama là người đã ‘không ưa’ tướng Flynn từ lâu rồi khi năm 2014, ông cách chức tướng Flynn khi đó đang làm giám đốc Tình Báo của Bộ Quốc Phòng (Defense Intelligence Agency – DIA), sau đó khuyến cáo tân TT Trump không nên xài ông tướng này.
Sau đó, phải nói việc ngưng truy tố tướng Flynn không phải là quyết định của TT Trump mà là khuyến cáo của công tố Jeffrey Jensen sau khi ông điều tra lại việc truy tố này, rồi ông khuyến cáo bộ trưởng Tư Pháp qua một báo cáo dài 20 trang, với đầy đủ lý luận theo luật hiện hành. Trên căn bản, công tố Jensen cho rằng cuộc phỏng vấn của FBI vừa vi phạm thủ tục công lý, vừa không chứng minh được những việc làm của tướng Flynn là những đại tội phải truy tố như công tố Mueller đã làm. Nếu muốn chất vấn thì phải đọc lý luận của công tố Jensen trước, rồi chất vấn ông công tố chứ không phải là hấp tấp công kích TT Trump ngay như TT Obama và 2.000 cựu quan chức của Obama đã làm vì tính phe đảng.
Câu hỏi cho TT Obama: như vậy, TT Trump chà đạp lên luật pháp ở điểm nào?
TT Obama rất oai tố cáo TT Trump đạp lên đầu luật pháp, làm như thể chính quyền Obama tôn trọng luật pháp tuyệt đối vậy.
Nếu chính quyền Obama tôn trọng luật thì ngay từ đầu đã không có vụ FBI mở cuộc điều tra gọi là Crossfire Hurricane bắt đầu từ năm 2016, mà tổng thanh tra Mike Horowitz (do TT Obama bổ nhiệm) tố cáo đã vi phạm vô số thủ tục pháp lý. Nếu chính quyền Obama tôn trọng luật pháp thì FBI đã không lừa và gài bẫy tướng Flynn.
Sau vụ tướng Flynn thì lòi ra nhiều tài liệu khác chứng tỏ một cách không thể nào rõ ràng hơn toàn bộ cuộc điều tra thông đồng với Nga của ứng cử viên Trump là dàn dựng hết, ngay từ đầu.
Trước áp lực của phe CH cũng như của bộ Tư Pháp, dân biểu Adam Schiff, chủ tịch Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, đầu tầu của vụ điều tra thông đồng với Nga, đã miễn cưỡng công khai hóa biên bản cỡ 50 cuộc phỏng vấn kín trước đây của ủy ban, trước khi ông Mueller được bổ nhiệm làm công tố đặc biệt. Cái điểm phải nói là bẻ mặt cho toàn thể đảng DC là tất cả các quan chức cao cấp nhất của chính quyền Obama khi đó, đều xác nhận họ không hề thấy bất cứ triệu chứng hay bằng chứng gì là đã có sự thông đồng Trump-Putin hết.
Đây là danh sách các quan lớn đã xác nhận như vậy:
–        Giám đốc An Ninh Quốc Gia James Clapper;
–        Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power;
–        Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice;
–        Phụ tá Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Ben Rhodes;
–        Bộ trưởng Tư Pháp Loretta Lynch.

Nghĩa là ông Schiff và cả nội các Obama đều biết rất rõ không có thông đồng gì hết, nhưng vẫn áp lực bắt bộ Tư Pháp điều tra, đưa đến việc bộ trưởng Tư Pháp tự ý né qua một bên để thứ trưởng Rod Rosenstein bổ nhiệm công tố Mueller, tốn cả mấy chục triệu công cốc, chỉ giúp phe DC bôi bác TT Trump. Vì đó chính là mục tiêu thật sự của chuyện thông đồng với Nga. Và cái thô bỉ nhất là tất cả các quan chức trên tuy xác nhận không có bằng chứng thông đồng khi chính thức ra điều trần hữu thệ, lại công khai ra trước báo chí và TV suốt ngày tố TT Trump thông đồng với Nga.
Một sự kiện đáng nói khác là tin tuyệt mật bị xì ra là trước khi TT Obama mãn nhiệm, đã có một buổi họp thượng đỉnh trong Tòa Bạch Ốc, tháng Giêng 2017 do chính TT Obama chủ tọa, với sự hiện diện của PTT Biden, giám đốc FBI Comey, và cố vấn An Ninh Quốc Gia Susan Rice, giám đốc Tình Báo Quốc Gia James Clapper, để bàn về chuyện của tướng Flynn.

Có tin là TT Obama khi đó đã chỉ thị giám đốc FBI tiếp tục điều tra tướng Flynn “theo đúng sách vở” sau khi ông Trump đã nhậm chức, và FBI phải báo cáo lại cho TT Obama biết dù khi đó ông đã hết làm tổng thống rồi. Câu chuyện dù vậy, không có gì đáng trách TT Obama hết. Ông khuyến cáo FBI tiếp tục điều tra là chính đáng vì không thể vì có tổng thống mới mà FBI phải ngưng làm việc. Chuyện báo cáo cho cựu tổng thống cũng là chuyện bình thường khi tất cả các cựu tổng thống vẫn nhận được báo cáo thường xuyên một cách hợp lệ vì như cầu thực tế là nếu tổng thống cần, có thể tham khảo ý kiến các cựu tổng thống, do đó những người này phải được cập nhật về chuyện thời sự. Vấn đề là TT Obama có chỉ thị cho FBI làm chuyện phạm pháp gì không. Và dĩ nhiên đây là chuyện chẳng ai biết được.

Cho đến nay, không ai biết nội dụng cuộc họp là gì, ai đã nói gì, nhưng đó không phải là chuyện quan trọng đáng bàn, mà chuyện đáng nói là tại sao lại có mặt cả TT và PTT? Hai ông này có dính dáng vào việc sau này FBI gài bẫy tướng Flynn để công tố Mueller vồ ông tướng này không?
Việc TT Obama có trực tiếp điều khiển hay can dự vào việc cản và đánh phá TT Trump -mà TT Trump gọi là Obamagate- ngay từ đầu hay không là chuyện chưa ai biết mà chẳng bao giờ ai biết được. Chuyện ai cũng biết là TT Obama đã biết rõ FBI nghe lén tướng Flynn, chẳng những ông đã không phản đối mà còn khuyến khích FBI báo cáo cho ông biết.
Câu hỏi là TT Obama dính dáng tới bao xa. Thực tế, không bao giờ các xếp lớn ngu dại  trực tiếp ra lệnh hay dính dáng thẳng đến các việc làm không minh bạch của đàn em. Có thể sau này, sẽ có nhiều nạn nhân nặng ký nhưng TT Obama sẽ không trầy da cũng chẳng tróc vẩy.
Hiến Pháp bảo vệ tổng thống rất kỹ. Mới đây, trả lời về ý kiến lôi TT Obama ra trước Thượng Viện điều trần, TNS Lindsey Graham, chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp đã bác bỏ ngay, cho rằng Hiến Pháp có điều khoản về ‘đặc quyền Hành Pháp’ -Executive privilege- rất cần phải tôn trọng và ông không nghĩ TV có quyền dễ dàng lôi tổng thống hay ngay cả cựu tổng thống ra điều trần bất cứ lúc nào vì bất cứ chuyện gì. Đây là chuyện tôn trọng Hiến Pháp, bảo vệ tổng thống, Obama hay Trump cũng vậy.

Rồi mới đây lại có tin lộ ra nữa, là danh sách những người đòi ‘unmasking’ tướng Flynn.
Trên nguyên tắc, FBI có quyền theo dõi, thu âm các cuộc điện đàm giữa các tòa đại sứ hay cơ quan ngoại quốc vì nhu cầu phản gián nào đó. Nếu người đối thoại là công dân Mỹ thì FBI phải giấu tên người đó trong băng thu âm cũng như trong biên bản báo cáo. Tuy nhiên, theo luật, FBI phải cung cấp tên thật của công dân Mỹ đó cho quan chức Hành Pháp cao cấp nhất nếu họ yêu cầu vì nhu cầu chính đáng nào đó. Việc này, Mỹ gọi là ‘unmasking’, tức là tiết lộ danh tánh.
Trong thu âm các điện đàm của đại sứ Nga, có nhiều cuộc nói chuyện với tướng Flynn và FBI giấu tên ông Flynn. Nhưng đã có nhiều quan chức chính quyền Obama yêu cầu ‘unmasking’ và FBI tiết lộ cho họ biết đó là tướng Flynn, và cung cấp biên bản các cuộc gọi đó cho họ.
Việc unmasking không có gì đặc biệt, đúng như TTDC đã bào chữa, đã xẩy ra thường xuyên trong tất cả các đời tổng thống. Nhưng ở đây có 3 vấn đề lớn:
–  Thứ nhất, số quan chức đòi unmasking quá nhiều, tới gần hai chục người. Vì nhu cầu gì? Trong danh sách đó, có đủ hết các tai to mặt lớn về an ninh, quốc phòng, tình báo,… Lại có cả cụ Biden nữa. Không có tên TT Obama nhưng lại có tên ông chánh văn phòng của Obama.
– Thứ nhì, khi đó chỉ còn một hai tuần nữa là tân tổng thống nhậm chức, tất cả đám người đó đúng ra phải đang thu dọn để bàn giao, sao lại xúm vào đòi tra khảo tướng Flynn sắp sửa nhậm chức? Với ý đồ gì?
– Một trong những người đó đã xì chuyện tướng Flynn nói chuyện với đại sứ Nga cho CNN, và CNN đã loan tin, đưa đến việc TT Trump hỏi tội và cách chức tướng Flynn vì ông này trước đó đã nói với PTT Pence là ông không nói chuyện với đại sứ Nga.

Phản ứng của TT Obama và đám cựu quan chức của ông có vẻ như là chuyện hốt hoảng của những người có tật giật mình, không hơn không kém. Giật mình vì thấy rõ đây không phải chuyện nhỏ chút nào. Mà là chuyện ‘tát cạn đầm lầy’, có thể leo thang tới trách nhiệm của chính ông đầu bếp Obama luôn. Và chúng ta chỉ đang được chứng kiến Tập Một của trường thiên tiểu thuyết trinh thám “Tát Cạn Đầm Lầy” của đại văn hào Donald Trump.
Lãnh tụ khối đa số CH tại Thượng Viện, ông Mitch McConnell nhận định tốt hơn hết cựu TT Obama nên giữ im lặng. CNN mau mắn bóp méo, chửi ngay là ông McConnell dám tìm cách bịt miệng tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ. Hả??? Chuyện ông McConnell chỉ trích TT Obama mắc mớ gì đến chuyện da đen hay da trắng? TTDC lại đang cố khoác cái áo giáp đồng đen lên ông Obama để bảo vệ ông ta sao?
Đây là cái tựa bài bình loạn của anh Chris Cillizza trên trang mạng CNN, ngày 12/5/2020:

TTDC ồn ào mạt sát TT Trump đã phịa ra cái gọi là “obamagate” để đánh một cựu tổng thống, ngõ hầu lái dư luận ra khỏi những thất bại của chính mình trong khi lại tỏ ra thiếu tôn trọng -lack of respect- đối với vị tiền nhiệm. TTDC quên mất TT Obama chính là người đã khai chiến, bất ngờ tung chưởng đánh TT Trump trước.
Trong lịch sử Mỹ, các tổng thống công kích các vị tiền nhiệm của họ là chuyện quá bình thường, ông tổng thống nào cũng làm. Ngược lại các tổng thống công kích các vị kế nhiệm mình thì lại là chuyện rất hiếm có. Lịch sử cận đại Mỹ chỉ có đúng hai người, TT Carter là người chỉ trích tất cả các tổng thống CH kế nhiệm mình; và TT Obama bây giờ công kích TT Trump. Có thể gọi đó là việc làm của những tổng thống thiếu tư cách không vậy?
Trên mặt nổi cũng như cho đến nay, đây dường như chỉ là cuộc chiến của bộ Tư Pháp thanh lọc hàng ngũ, điều tra và tìm bắt những thủ phạm trong vụ thông đồng cuội với Nga, nhưng trong thực tế hậu trường, là việc ông Richard Grenell, quyền giám đốc Tình Báo Quốc Gia đang truy lùng toàn bộ âm mưu của nhóm Nhà Nước Ngầm đã đánh phá TT Trump ngay từ những ngày đầu. Ông Grenell đang là đại sứ Mỹ tại Đức, được TT Trump triệu hồi về trao cho trách nhiệm cải tổ toàn diện ngành an ninh tình báo Mỹ, trong đó có cả CIA, FBI và hàng chục tổ chức an ninh tình báo Mỹ.
Một chuyện bên lề đáng nói: TTDC tìm cách bảo vệ phe DC, đã đặt câu hỏi tại sao vụ điều tra thông đồng Nga lại nổ bùng ra trong lúc này? Có phải là TT Trump đang tìm cách lái dư luận ra khỏi những thất bại của ông trong cuộc chiến chống dịch không.
Thật ra, cái may cho phe DC là đã có cô Vi giúp trói tay TT Trump và phe CH, nếu không có cô Vi thì chuyện tát đầm lầy này đã nổ lớn hơn bom Hiroshima từ lâu rồi.
Một chuyện bên lề khác còn đáng nói hơn nữa: trong cái vụ gọi là ‘obamagate’ này lại có cụ Biden dính dáng vào, chẳng những với tư cách phó của TT Obama, mà còn qua việc cụ có mặt trong cuộc họp ‘lịch sử’ của TT Obama bàn về chuyện theo dõi tướng Flynn, và cũng có tên trong danh sác đòi unmasking tướng Flynn. Cụ Biden đòi ‘unmasking’ ngày 14/1/2017, đúng một tuần trước ngày ông hết nhiệm kỳ. Để làm gì nữa?
Trong những ngày tới, bảo đảm phe CH và TT Trump sẽ đặt câu hỏi cho cụ Biden: “cụ biết gì và dính dáng ra sao?”

VŨ LINH

Related posts