Bill Hayton và Tro Ly Ngheo
Bùi Như Mai dịch
Các công cụ kiểm soát của Đảng Cộng sản được dùng làm vũ khí chống virus rất hiệu quả.
Khi cố vấn kinh tế Raymond Mallon, làm việc tại trụ sở Hà Nội, trở về sau chuyến công du nước ngoài hồi cuối tháng 3, công an địa phương ngay lập tức nhắn tin hỏi thăm sức khỏe. Việt Nam không những biết mọi người đang sống ở đâu, mà còn biết ai đi xa và công an còn có số điện thoại di động của bạn nữa.
Mức độ kiểm soát rất quan trọng vì Việt Nam đã được ca ngợi nhiều nhờ thành công trong việc đối phó với bệnh dịch COVID-19. Kể từ ngày 12 tháng 5, theo thống kê chính thức, [Việt Nam] không có ca tử vong nào do virus gây ra và số người nhiễm bệnh là 288 người, mặc dù ở kế bên Trung Quốc khi virus corona lần đầu tiên xuất hiện tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc và là điểm du lịch được ưa chuộng trong lễ hội mùa xuân, điều này đã khiến nhiều nhà quan sát cho rằng, chiến lược kiểm soát đại dịch của đất nước này có thể là mô hình cho các nước khác sao chép, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Nhưng điều này rất khó làm theo, vì rất ít nước khác có được, hoặc muốn có, các cơ cấu kiểm soát như Việt Nam.
Todd Pollack, giám đốc của Hiệp hội Cải tiến Y Tế tại Việt Nam và là chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, cho biết, sự thành công của Việt Nam dựa trên ba yếu tố:
– Dân số tương đối trẻ (chỉ 12% người Việt Nam trên 60 tuổi, so với 22% ở Vương quốc Anh);
– Xét nghiệm chặt chẽ kết hợp với sự chữa trị sớm cho những người bị phát hiện nhiễm bệnh;
– Sốt sắng truy tìm những người liên quan đến người nhiễm bệnh và cách ly họ.
Yếu tố cuối cùng trong ba yếu tố trên là việc truy tìm và cách ly những người bị nhiễm bệnh, đã cho phép Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh. Ông Matthew Moore, thuộc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ có trụ sở tại Việt Nam, nói với Reuters: “Các giai đoạn trên nói thì dễ nhưng khó thực hiện, tuy nhiên, Việt Nam rất thành công khi thực hiện chúng liên tục”.
Nhưng lý do chính mà Việt Nam kiểm soát bệnh dịch rất hiệu quả và lý do tại sao không ai sao chép được là vì cơ chế cai trị độc đảng. Việt Nam có các tổ dân phố và hệ thống công an, là những người luôn theo dõi các hoạt động của từng khu phố. Khi cần, hệ thống này sẽ được tăng cường bởi quân đội và đội dân quân tự vệ để phong tỏa toàn bộ khu phố. Cách kiểm soát dịch bệnh [của chính quyền Việt Nam] cũng là cách họ kiểm soát các nhà đấu tranh bất đồng chính kiến.
Vài nước khác đã triển khai cảnh sát để làm đội quân chống COVID-19, họ được cho thêm nhiều quyền hành để giữ trật tự xã hội. Chẳng hạn, tại thị trấn Santa Cruz của Philippines, cảnh sát đã bắt giữ năm thanh niên vi phạm lệnh cách ly và nhốt họ vào một chuồng chó. Hồi tháng 3, Pháp đã huy động thêm 100.000 cảnh sát để kiểm soát đường phố và thi hành lệnh phong tỏa đất nước trong 15 ngày. Nhưng ở Việt Nam, công an không chỉ theo dõi dân chúng trên đường phố mà họ theo dõi từ tư gia của mọi người, qua điện thoại và các tài khoản truyền thông xã hội.
Cuối tháng 3, một số bệnh nhân COVID-19 được phát hiện tại Bệnh viện Bạch Mai ở phía Nam Hà Nội. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đã chỉ thị cho hàng ngàn công an và quan chức địa phương đến từng hộ trong khu phố mà họ chịu trách nhiệm. Cô Đặng Bích Thảo, nói với báo Foreign Policy rằng, tối hôm đó, một công an đã gõ cửa nhà cô và những hộ gia đình khác trong tòa nhà để hỏi xem họ hoặc gia đình họ có ai đã bị nhập viện không.
Tên mỗi cư dân đã được đối chiếu với danh sách cư trú chính thức mà công an có và yêu cầu phải giải thích các hoạt động mới nhất và lịch sử đi lại của họ, nếu có. “Tôi cảm thấy mình như là một tên tội phạm”, Ngô Minh Hoàng nói với báo Foreign Policy, sau khi công an gõ cửa nhà anh cuối tháng 3 và hỏi anh có đi du lịch nước ngoài trong vòng 14 ngày qua không. Anh Hoàng nói thêm. “Mặc dù công an giải thích rằng, sự kiểm tra này chỉ vì sự an toàn của chúng tôi nhưng tôi vẫn còn kinh hoàng”.
Trong khi chính quyền có các công cụ tinh vi để theo dõi dân chúng theo ý mình, nhưng đây chính là nền móng của một bộ máy thu thập thông tin khổng lồ với khả năng truy tìm và theo dõi từng cá nhân. Ông Chung là người thích hợp cho chức vụ kiểm soát này vì ông từng là Giám đốc Sở Công an Hà Nội cho đến năm 2016.
Ngày 2 tháng 5, chính quyền đã đóng cửa một phần ngoại ô Hà Nội, khu Gia Lâm, cách ly 120 hộ gia đình (khoảng 600 người) vì một người trong khu này có triệu chứng bị nghi ngờ nhiễm COVID-19. Lực lượng công an mặc đồng phục và lực lượng dân quân của khu phố này đã dựng lên các rào cản. Hình ảnh từ các cơ quan truyền thông cho thấy, những quan chức chính quyền dù không mặc đồng phục nhưng là những người có quyền hành thật sự trong những tình huống này. Họ làm việc cho Bộ Công an, là công an chìm mặc thường phục và tùy theo tình huống của sự việc, họ chỉ cần gọi một cú phone cho các quan chức địa phương hoặc nhóm xã hội đen.
Đây cũng là những người đã chặn các nhà đấu tranh chống chính quyền, nhốt họ trong chính căn nhà của họ để không cho họ gặp gỡ các nhà báo. Đội quân này cũng triệu tập một phiên họp để cả khu phố đấu tố lên án những người bất đồng chính kiến, hoặc bảo đảm rằng, con em của những người đi tố cáo tham nhũng sẽ bị đối xử thô bạo ở trường học của các em. Những người thi hành các lệnh này chắc chắn rằng hành vi của họ sẽ không bị truy tố bởi cơ quan tư pháp độc lập vì Đảng Cộng sản nắm pháp luật. Có ai tự hỏi rằng những người dân tuân theo các hướng dẫn, sống bên trong các chướng ngại vật [dùng để phong tỏa khu phố], khi họ sống trong một chế độ mà chế độ đó có thể giúp cho vấn đề sinh kế của họ hoặc phá vỡ nó bằng bộ máy quan liêu của chính quyền?
Trên thực tế các hệ thống theo dõi này là sự khác biệt về cách chuẩn bị cho đại dịch mà Hoa Kỳ và Anh quốc được cho là đã chuẩn bị sẵn, so với cách đối phó với đại dịch rất thực tế mà Việt Nam đã chứng minh. Đây là phương cách của Đảng Cộng sản Việt Nam dùng để kiểm soát dân và hiện giờ đã được sử dụng để bảo vệ sức khỏe cho dân. Các hệ thống tương tự được sinh ra cùng một gốc, đã giúp Trung Quốc có thể kiểm soát được sự bùng phát của đại dịch, ngay cả sau khi có hàng ngàn người chết. Những người ủng hộ chế độ sẽ hoan nghênh những nỗ lực của đảng và cơ quan tình báo nội địa đã giúp chế ngự được dịch bệnh. Những người hoài nghi về cách thức giám sát và theo dõi này sẽ thận trọng hơn khi cố gắng bắt chước nó.
Caroline Mills, người điều hành một khu nghỉ dưỡng trên một đảo nhỏ gần Hội An, đã mô tả trên Twitter vào cuối tháng 2 về cách thức theo dõi một du khách người Pháp. Theo Mills, một người Pháp đã bị sốt với nhiệt độ cao hơn bình thường khi đến Bangkok khoảng 20 ngày trước đó. Sau khi qua Campuchia hai ngày, anh đến Việt Nam. Anh ta không biết rằng, chính quyền Việt Nam đã theo dõi toàn bộ hành trình của anh qua Vietnam trong 18 ngày. Chỉ vài phút sau khi cô Mills đăng ký cho anh ta tại khách sạn của cô với dữ liệu cá nhân của anh từ hệ thống của sở di trú, cô nhận được một cú phone từ công an. Trong vòng 15 phút, các sĩ quan công an đã có mặt tại khách sạn để phỏng vấn và kiểm tra du khách người Pháp này.
Quân đội cũng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến đấu chống virus ở Việt Nam. Sáu mươi tám trại quân đội với sức chứa 40.000 người đã được thiết lập để tiếp nhận những người bị cách ly. Nguyễn Khanh (tên cô đã được thay đổi để bảo vệ danh tính của cô), một cô gái 19 tuổi, sinh viên du học ở Anh về và bị cách ly tại một trong các trại này, cho biết, cô thức dậy lúc 6 giờ sáng mỗi ngày bởi một chiếc loa chói tai đang phát thanh bài hát “Đời mình là một khúc quân hành”. Các chương trình phát thanh tương tự cũng được phát ra bên ngoài trại. Mỗi buổi sáng, những chiếc loa được đặt ở mọi góc phố Hà Nội cũng đang ca ngợi sự đóng góp của quân đội và các cơ quan công lực trong việc chống lại virus.
Cùng lúc, chính quyền cũng tăng cường nỗ lực để chống lại các nguồn tin không chính thống. Theo tin tức địa phương, từ ngày 23 tháng 1 đến giữa tháng 3, khi Việt Nam phát hiện ca nhiễm bệnh đầu tiên thì công an đã kiểm duyệt khoảng 300.000 bài đăng trên các trang mạng tin tức và blog, 600.000 bài đăng trên các phương tiện truyền thông xã hội về COVID-19. Trong hai tháng đó, công an đã có hành động chống lại 654 trường hợp được gọi là tin giả mạo và xử phạt 146 người. Sự chồng chéo giữa kỹ thuật hữu ích để chống lại thông tin sai lệch và kỹ thuật đàn áp các chỉ trích chính trị là hiển nhiên. Việt Nam bị xếp thứ 175 trong bảng xếp hạng chỉ số tự do báo chí thế giới, của Tổ chức Phóng viên không Biên giới năm 2020.
Trong khi một số nước châu Á khác, đặc biệt là Hàn Quốc, đã sử dụng điện thoại để truy tìm, hồ sơ thẻ tín dụng và giám sát video để theo dõi lịch sử đi lại của người nhiễm bệnh, chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có thể kết hợp các kỹ thuật như vậy với quy mô lớn để trực tiếp duy trì và kiểm soát số lượng lớn dân trong nước. Chỉ có Việt Nam và Trung Quốc có thể làm như vậy thường xuyên và không chịu sự giám sát của pháp luật hoặc quốc hội.
Trong quá khứ, cộng đồng quốc tế đã chỉ trích cơ quan an ninh Việt Nam vi phạm quyền công dân, nhưng hiện nay quốc gia này đã nhận được những lời khen ngợi gần như nhất trí vì đã ứng phó thành công với đại dịch. Và phương cách được sử dụng giống như nhau. Trong nhiều thập niên, Đảng Cộng sản đã sử dụng sự giám sát, cho người theo dõi và kiểm duyệt để quản lý dân chúng. Các kỹ xảo hiện nay trở nên tinh vi hơn, nhưng Việt Nam không cung cấp một mô hình mẫu mà nhiều quốc gia khác muốn hoặc có thể thực hiện được.