- Minh Nhật
Tháng 5 vừa qua, Hồng y Joseph Zen (Giuse Trần Nhật Quân) đã bày tỏ sự ủng hộ đối với tuyên bố chưa từng có tiền lệ của Hồng y Charles Maung Bo, cáo buộc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có tội trong đại dịch COVID-19, đại dịch đã giết chết hàng chục ngàn người trên thế giới.
Trong một bài báo hồi đầu tháng 4 đăng trên tờ “United Christian News” và tờ “The Tablet the United Kingdom”, Hồng y Bo, Tổng giám mục chính tòa Tổng giáo phận Yangon và Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á châu, chỉ trích ĐCSTQ vì đã “dối trá và đàn áp” trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19. Hồng Y Bo tuyên bố: “Thông qua việc xử lý đại dịch corona virus một cách vô nhân tính và vô trách nhiệm, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chứng minh điều mà nhiều người từng nghĩ trước đó: nó là một mối đe dọa của toàn thế giới.” (Xem bài viết của Hồng y Charles Maung Bo: Hồng y Công giáo: Đại dịch cho thấy ĐCSTQ là “đe dọa của toàn thế giới”)
“Tôi đã ngạc nhiên vì sự can đảm [của Hồng y Bo], nhưng những gì ông ấy viết rất chính xác và công tâm”, Hồng y Joseph Zen chia sẻ trong bài viết trên “United Christian News” vào ngày 6/5.
Đồng thời, Hồng y Zen cũng đứng ra bênh vực Hồng y Bo trước chỉ trích của nhà thần học-nhân chủng học người Pháp Michel Chambon trong bài viết “Hồng Y Bo nhổ toẹt vào mặt Trung Quốc” cũng đăng trên “United Christian News”. Theo đó, Michel Chambon đã viết: “Sỉ nhục chế độ Trung Quốc cũng bằng như là nhổ toẹt vào mặt [cả] quốc gia [Trung Quốc] vốn đang hỗ trợ chế độ này.”
Hồng y Zen cho rằng việc Chambon cáo buộc Hồng y Bo “chia cắt thế giới về mặt chính trị” khi lên án Trung Quốc là sai lầm nghiêm trọng. Ông viết: “Một tổ chức gây ra thảm họa cho con người và nạn nhân của nó lại chia thành hai phe đối lập, nhưng không có gì là ‘chính trị’ ở đây cả.”
Hồng y Zen là Hồng y dòng Salêdiêng như Hồng y Bo và là tổng giám mục Hồng Kông từ năm 2002 tới năm 2009, thường được so sánh với Hồng y quá cố Jaime Cardial Sin của Philippines, người đã đóng vai trò then chốt trong Cuộc Cách mạng Quyền lực Nhân dân năm 1986 chống lại Tổng thống Ferdinand Marcos. Hồng y Zen luôn thẳng thắn phê bình ĐCSTQ và kêu gọi quyền tự do dân chủ cho Hồng Kông.
Hồng y Zen sinh ra tại Thượng Hải và khi ĐCSTQ tiếp quản Hồng Kông vào năm 1949 thì ông đang ở đó để xúc tiến thành lập Giáo hội. Ông nhận xét trong một cuộc phỏng vấn mới đây: “Giáo hội [Công giáo Rôma] đã trở thành một giáo hội câm lặng” sau chiến thắng của phe cộng sản, “nhưng chúng tôi [các tín đồ Kitô giáo Trung Quốc] đã không im lặng”.
Tháng 9/2018, Vatican và ĐCSTQ đã đạt được một bản thỏa thuận bí mật, trong đó nội dung chủ yếu là đưa 10-12 triệu giáo dân ở Trung Quốc nằm dưới sự kiểm soát của Hiệp hội Yêu nước Công giáo Trung Quốc.
Mặc dù không được biết nội dung thỏa thuận, lúc đầu, Hồng y Zen đã nói sẽ không công khai phản đối thỏa thuận trên, tuy nhiên sau khi các cuộc biểu tình và tình trạng đàn áp diễn ra tại Hồng Kông, Hồng y Zen đã thay đổi ý định. Ông lên án sự im lặng của Vatican đối với việc đàn áp tại Hồng Kông. Hồng y Zen viết trên Washington Post:
“Giáo hội có lịch sử đứng lên vì chính nghĩa cho Hồng Kông. Khi những người tị nạn cộng sản Trung Quốc bắt đầu đổ về Hồng Kông, các nhà thờ công giáo đã chung tay xây dựng các trường học tạm thời, bệnh viện và các trung tâm xã hội, nhưng trên hết là truyền đi các giá trị ghi trong sách Phúc Âm. Tinh thần và sự hỗ trợ đó giờ đây là điều mà người Hồng Kông cần có từ Vatican.”
Hồng y Zen cho rằng Vatican “không được phép nhân nhượng” với ĐCSTQ, bởi chính quyền Bắc Kinh là kẻ đàn áp đức tin, “Điều họ muốn chính là hoàn toàn hàng phục họ. Đó là [bản chất của] cộng sản.”
Trong cuốn sách “Tôi sẽ không im lặng” của mình, Hồng y Zen cho rằng Vatican dưới thời Giáo hoàng Benedict đã phạm phải những sai lầm khiến giáo dân Trung Quốc chịu thiệt thòi. Tình hình cũng không được sáng sủa dưới thời Giáo hoàng Francis.
Cũng như Hồng y Bo, Hồng y Zen dẫn chứng về việc Vatican tổ chức một hội nghị về cấy ghép tạng năm 2017, trong đó Tổng giám mục Marcelo Sánchez Sorondo, viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Học viện Khoa học Giáo hoàng, đã mời ông Hoàng Khiết Phu phát biểu. Tuy nhiên ông Hoàng Khiết Phu được biết đến là một người nuốt lời. Năm 2005, khi còn là thứ trưởng bộ Y tế, ông Hoàng đã thừa nhận rằng hơn 90% tạng cấy ghép ở Trung Quốc lấy từ các tử tù, và hứa sẽ cải tổ hệ thống y tế. Từ đó ông Hoàng đã đưa ra nhiều tuyên bố không kiểm chứng được về hệ thống cấy ghép tạng tự nguyện tại Trung Quốc. Nhưng năm 2016, một báo cáo của quốc hội Mỹ lưu ý rằng việc thu hoạch nội tạng vẫn đang diễn ra tại Trung Quốc, và rằng nội tạng không phải đến từ tử tù, mà là đến từ các “tù nhân lương tâm”, bao gồm tù nhân tôn giáo và người dân tộc thiểu số. Việc Vatican mời một cựu quan chức nuốt lời, và nằm trong hệ thống phải chịu trách nhiệm cho tội ác thu hoạch tạng cho thấy sự xuống dốc của Giáo hội. (Về tội ác thu hoạch tạng, xem bài: Tòa án: Trung Quốc thu hoạch nội tạng, phạm tội ác Chống lại loài người)
Trong cuốn sách của mình, Hồng y Zen đã cảnh báo về việc bán rẻ Giáo hội: “Đối với chúng tôi mà nói, một cảnh tượng kinh hoàng đang diễn ra, đó là việc bán rẻ Giáo hội! Không phải là lập lại sự thống nhất, mà là bị buộc phải sống trong một cái lồng. Từ quan điểm của đức tin, chúng tôi không thấy điều đó mang lại lợi ích gì cả.”