Khi bà ngoại Úc Marise Payne kêu gọi quốc tế mở cuộc điều tra về nguồn gốc con Corona thì Trung Cộng bị chạm nọc. Trung Cộng ào ạt chém gió bằng cách huy động báo chí và viên chức ngoại giao phỉ báng và đe doạ Úc. Hoàn Cầu Thời Báo gọi Úc là miếng kẹo cao-su dính dưới đế giày. Phải khử đi. Đại sứ Trung Cộng ở Canberra doạ sinh viên Trung Cộng không qua đây học (và xin ở lại) nữa, dân nhậu ở Trung Cộng không uống rượu Úc, người học làm sang ở bển cũng chê tuốt thịt bò Úc.
Sau màn đánh gió, tuần này Trung Cộng đánh thiệt: Bắc Kinh kéo thuế lúa mạch (barley) từ Úc chở qua đó lên 80.5%. Trung Cộng vin lý do Úc tài trợ cho nông dân để bán lúa mạch với giá quá rẻ. Với mức thuế nặng này, lúa mạch Úc coi như nằm ụ vì không cạnh tranh nỗi với các nước khác.
Thiệt tình Úc có tài trợ cho nông dân qua các chương trình cứu nạn hạn hạn và trợ cấp khi họ mua dầu cặn (diesel) để chạy máy. Trung Cộng cho biết đã điều tra chuyện Úc bán tháo bán đổ lúa mạch từ 10 tháng rồi. Chứ không phải dùng thương mại để trả thù đâu. Nếu có trả thù thì Trung Cộng chỉ trả lại những món Úc nợ trên thương trường chứ không không phải vì Covid hay Corona gì ráo.
Thực tế: đã nhiều lần Úc chận đường làm ăn của Trung Cộng. Úc tố Trung Cộng bán tháo bán đổ thép qua đây và kéo thuế lên. Úc cũng tố Trung Cộng bán tháo bán đổ các thứ như nhôm, kiếng, tấm thu năng lượng mặt trời, giấy A4, vân vân. Ít nhất 18 món hàng của Trung Cộng bị Úc đánh thuế nặng. Đau nhất cho Trung Cộng khi Úc không cho công ty Huawei đấu thầu mở hệ thống điện thoại 5G vin cớ sợ bị do thám.
Theo lời Weihuan Zhou, giáo sư luật tại đại học NSW, Úc đã 18 lần nhân danh luật chống bán tháo bán đổ để uýnh Trung Cộng mà Trung Cộng chưa bao giờ trả đòn. Cho tới … sau khi bà ngoại Marise Payne đòi quốc tế điều tra về nguồn gốc con Corona. Nói gì thì nói, khi Trung Cộng chận đường Úc bán lúa mạch thì đã uýnh vào tử huyệt của ngành nông nghiệp Úc. Úc trồng nhiều lúa mạch và bán gần hết cho Trung Cộng. (Cái dại của Úc là đây!) Bán hơn 70% cho Trung Cộng. Mỗi năm Úc thu về hơn $1.5 tỷ nhờ bán lúa mạch cho Trung Cộng. Không bán cho Trung Cộng Úc còn lâu mới tìm ra khách hàng khác. Ngược lại, Trung Cộng có sẵn nhiều nước muốn bán cho mình. Trung Cộng đã nhắc tới Canada như là đối thủ của nông dân Úc.
Bị mất ăn, nông dân Úc đang làm áp lực đòi Canberra nhún nhường. Biết thế, Trung Cộng ra hạn 10 ngày Canberra phải trả lời và dùng giáo sư Weihuan Zhou (tại đại học NSW) mớm những giải pháp. Theo giáo sư Weihuan Zhou, Úc có cử một đặc sứ qua Bắc Kinh cũng bằng thừa. Có bán được lúa mạch chăng thì Úc phải mở cửa cho máy bay chở người Trung Cộng qua đây; đừng làm khó làm dễ khi Trung Cộng bỏ tiền đầu tư ở đây; và sau cùng Úc phải theo Anh và châu Âu mà đón Huawei vào đây. Nào ta chờ xem Canberra có ‘nhún nhường’ không. Canberra có thể nhún nhường để tiếp tục bán gần hết khoán sản và nông sản cho Trung Cộng để mua lại toàn hàng ‘Made in China’ mà xài.
Chưa hết hạn 10 ngày để Úc thanh minh thì Trung Cộng đá thêm cú cước bằng cách ngưng mua thịt bò từ bốn công ty Úc. Bốn công ty này bán gần 35% thịt bò từ Úc chở sang Trung Cộng. Canberra đã sững sờ khi trấn an mà rằng Trung Cộng ngưng mua thịt bò vì bị dán nhãn sai đó thôi. Nhưng ngành xuất cảng Úc bấn loạn. Các hãng sữa ở Úc cấp tốc ngồi lại với nhau chờ … đòn từ Trung Cộng. Sau sữa, có thể là hãng rượu và các trường đại học (chờ) lãnh đòn.
Rõ ràng, Úc (và thế giới nói chung) đang lệ thuộc vào Trung Cộng. Nếu Úc tiếp tục sống nhờ bán gần hết nguyên liệu và nông phẩm cho một nước thì mỗi lúc phải nhún nhường nước đó.
Nhưng đó không phải là con đường duy nhất Úc phải bước vào. Vẫn còn đường khác cho Úc. Một nhân vật có chân trong National COVID-19 Coordination Commission (tức ủy ban cố vấn cho chính phủ Úc để thảo kế hoạch phục hồi sau trận dịch COVID-19), ông Andrew Liveris nhận xét ‘Australia drank the free-trade juice and decided that offshoring was OK. Well, that era is gone, Úc hưởng lợi nhờ ký hiệp ước tự do mậu dịch và chuyển xí nghiệp ra khỏi nước. Điều này thiệt là OK. Nhưng cái thời ấy qua rồi.’ Sau khi dịch Corona tan, Úc bước vào giai đoạn mới. Giai đoạn cũ là ‘offshore, ở ngoài nước’. Giai đoạn mới sẽ là ‘onshore, ở trong nước’.
Theo đó, Úc phải tự chế biến những vật dụng thiết yếu về y tế, viễn thông, năng lượng, vân vân. Không cần phải chờ Trung Cộng đánh thuế cao ngất lên nông phẩm, ngưng mua thịt bò (và có thể rượu hay ngưng gởi sinh viên du học) ngay khi xảy ra dịch Vũ Hán Úc đã biết thế nào là khốn khổ khi 38% khoán sản và nông phẩm bán tuốt cho Trung Cộng, và cứ bốn món hàng ở Úc thì có một Made in China.
Sau khi dịch Vũ Hán tan, rủi Úc vẫn tiếp tục con đường cũ thì khó tránh được tiếng chê đã từng chuyền tai trong giới kinh tế học trên thế giới. Rằng ‘Australia is rich, dumb and getting dumber, Úc là gã giàu mà ngày lại càng khờ hơn’.
Việt Luận