Tác giả Vương Hách có bài đăng trên Epoch Times ngày 17/5 nói: “Bức thư ngỏ của Tập Viễn Bình buộc ông Tập Cận Bình phải đưa ra lựa chọn”.
Đối diện với “Lưỡng hội” toàn quốc đã trì hoãn hơn hai tháng, và giờ sắp được triển khai, liệu ông Tập Cận Bình có thể thuận lợi vượt qua quan ải lần này hay không? Giới quan sát bên ngoài đều rất quan tâm đến vấn đề này. So với “Phiên họp toàn thể lần thứ tư” tháng 10 năm 2019, tình hình hiện giờ của Tập Cận Bình thậm chí còn tồi tệ hơn.
Do nội bộ khó dẹp yên, “Phiên họp toàn thể lần thứ tư” hồi năm ngoái đã bị trì hoãn hơn một năm, trước phiên họp có nhiều tin đồn lan truyền, nhưng không có ai công khai ép ông Tập phải thoái vị. Sau cuộc họp, từng xuất hiện bài viết có tiêu đề “Tập Cận Bình may mắn qua được ‘Hội nghị toàn thể lần thứ tư’, nhưng lại rơi vào khủng hoảng sâu rộng hơn”, không ngờ tình hình lại tiến triển mau lẹ đúng như vậy, dịch bệnh càn quét trên khắp đất nước Trung Quốc và thế giới, Tập Cận Bình trong ngoài nguy cơ tứ bề, nhất là hiện nay các phát biểu công khai ép Tập thoái vị mỗi lúc một nhiều.
Mặc dù “Lưỡng hội” chỉ là hình thức, vừa không có tính chính đáng theo ý nghĩa pháp trị, cũng không có nền tảng của dân ý, nhưng điều đó không ngăn được các lực lượng chính trị khác nhau coi nó như một vũ đài. Từ những phần tử trí thức cho đến thế hệ đỏ thứ hai như Nhậm Chí Cường, Trần Bình, tất cả họ đều tạo sức ép lên người lãnh đạo, và gửi lời kêu gọi đến các đại diện của “Lưỡng hội”. Điều này rõ ràng cho thấy sự thống trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khó có thể cầm cự được lâu dài; khi đã trở thành nhận thức chung, lực lượng yêu cầu cải cách chính trị đang hội tụ, không chỉ người dân yêu cầu mà ngay cả bộ phận chuyên viên của giai tầng lợi ích, giai cấp thống trị cũng tham dự vào.
Nhận thức chung với việc cải cách chính trị này bất ngờ được thể hiện thông qua một bức thư ngỏ ký tên “Tập Viễn Bình” em trai của Tập Cận Bình, được xem là điều vượt ngoài dự liệu của mọi người.
Cũng là để đáp lời thư ngỏ của Thái tử đảng Trần Bình về việc kêu gọi triệu khai gấp cuộc họp mở rộng của Bộ Chính trị ĐCSTQ để xem xét liệu ông Tập Cận Bình có còn phù hợp để tiếp tục làm lãnh đạo quốc gia nữa hay không, và “một bức thư ngỏ gửi đến đại biểu Lưỡng hội” ký tên “Đặng Phác Phương” nêu ra 15 vấn đề; thư ngỏ hiếm thấy của “Tập Viễn Bình” tuyên bố:
“Anh (Tập Cận Bình) đã từng nói riêng với em rằng nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ trước tiên cần phải ‘khuynh tả’ rồi sau mới ‘khuynh hữu’ được, bởi vì ‘khuynh tả’ mới có thể dựng lập chỗ đứng vững chắc trong đảng. Có được chỗ đứng vững chắc rồi mới có thể khởi động cải cách chính trị một cách triệt để, do Hồ [Diệu Bang] và Triệu [Tử Dương] ngay từ đầu không hiểu được đạo lý này nên mới phải bỏ dở nửa chừng”.
Trong thư cũng có đoạn, “dịch bệnh lần này đã tác động mạnh đến nền kinh tế, nhưng nó sẽ là cơ hội trong việc khởi động cải cách chính trị, sau đó cho phép tự do ngôn luận, tự do báo chí, tổng tuyển cử huyện thành, độc lập trong tư pháp, tất cả đều sẽ lần lượt triển khai”.
Bất kể thư ngỏ của “Tập Viễn Bình” là thật hay giả, và đó là đúng “ủng hộ Tập” hay “hạ bệ Tập”, ý nghĩa của bức thư này chính là nằm ở chỗ “cải cách chính trị”, vốn được xem là vùng cấm từ trước đến nay, là điều mà dân chúng gần như đã mất hết hy vọng và nó cũng trở thành một cái cớ hoàn hảo trong đấu đá nội bộ ĐCSTQ, thì từ “gầm bàn” nó đã được đưa thẳng lên trên “mặt bàn”, từ thì thầm riêng lẻ đến thư ngỏ công khai, trên thực tế chính là cắt đứt đường lui của Tập Cận Bình, bằng như gửi cho Tập một chiến thư, ép Tập phải bày tỏ thái độ và đưa ra lựa chọn.
Tập Cận Bình đã khiến thế giới phải hai lần “bất ngờ”. Lần đầu tiên, Tập lên nắm quyền là kết quả của sự thỏa hiệp giữa các phe phái khác nhau của ĐCSTQ. Các giới đều nghĩ rằng ông chẳng qua chỉ là con tốt chỉ biết vâng lời, vốn không ôm giữ hy vọng gì đối với ông. Không ngờ Tập đã phát động chiến dịch “đả hổ” khiến tình hình cục diện chính trị thay đổi rất nhiều. “Bất ngờ” thứ hai, mọi người đều nghĩ rằng chiến dịch “đả hổ” của Tập sẽ đánh thẳng vào sào huyệt, bắt giặc bắt kẻ cầm đầu, bắt giữ Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, mở ra cục diện mới. Không ngờ, trước và sau Đại hội 19, Tập đã thỏa hiệp với phe Giang, thế lực các phe giằng co nhau, hình thế theo đó mà đi xuống.
Từ Đại hội 19 đến nay, thanh thế của Tập tuy nhờ thông qua “Sửa đổi Hiến pháp” đạt đến đỉnh điểm, nhưng đó lại là “ham hư danh mà tự rước lấy tai họa”, bằng như đưa ra lệnh triệu tập chống lại chính mình. Mặt khác, cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ, phong trào dân chủ phản đối Luật dẫn độ ở Hồng Kông và dịch bệnh lần lượt kéo đến, Tập vẫn quay vòng trong thể chế của ĐCSTQ giống như cũ, càng quay càng chóng mặt, hình thế càng nguy cấp.
Như vậy, liệu Tập có mang đến cho mọi người một “bất ngờ” thứ ba không? Nếu có, nội dung sẽ là gì đây?
Hãy trở lại câu chuyện “Lưỡng hội” toàn quốc. Theo nhìn nhận khách quan, Tập Cận Bình với ưu thế là người nắm quyền, quan ải “Lưỡng hội” lần này không đến nỗi là không vượt qua được, nhưng ngày tháng sau này sẽ càng khó khăn hơn. Tập bị buộc phải “cải cách chính trị” giờ đã không phải là điều không thể, như câu nói “tránh được mùng một, không tránh khỏi mười lăm”. Chỉ cần là người vẫn còn lý trí, đều biết rằng hình thế mạnh hơn con người.
Craig Hamilton-Parker, một nhà tiên tri người Anh, người đã dự đoán chính xác ông Donald Trump sẽ chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, cuối năm ngoái đã dự đoán Trung Quốc sẽ có những biến đổi to lớn: “Cuộc kháng nghị phản đối ‘Luật dẫn độ’ của người dân Hồng Kông phát triển thêm bước nữa, sẽ xuất hiện tình trạng bất ổn mới ở Trung Quốc đại lục; đối mặt với tình huống chính quyền ĐCSTQ bị lật đổ, Tập Cận Bình đồng ý thực hiện những thay đổi to lớn; về lâu dài, nền dân chủ thực sự dựa trên giáo lý của Tôn Trung Sơn sẽ xuất hiện”.
Những dự ngôn này liệu có thành sự thật hay không? Chúng ta hãy cùng chờ xem kết quả sẽ thế nào.
Theo Epoch Times,
Vũ Dương biên dịch