- Triều Dương
Dịch bệnh virus corona hiện đang tấn công nghiêm trọng ba tỉnh phía đông bắc của Trung Quốc Đại Lục. Ngày 19/5, chính quyền tỉnh Cát Lâm đã có thông báo thành phố Thư Lan chính thức bước vào tình trạng “thời chiến”.
Ngày 19/5 chính quyền tỉnh Cát Lâm tuyên bố rằng thành phố Thư Lan chính thức bước vào tình trạng “thời chiến”. Hiện nay thành phố Thư Lan đã phong tỏa 1.103 tòa nhà dân cư và 1.205 ngôi làng. Chính quyền địa phương yêu cầu mọi người dân không được đi ra ngoài cũng như tụ tập đông người.
Trước đó chính quyền từng thông báo việc phong tỏa nghiêm đối với các khu vực có trường hợp nhiễm virus được xác nhận cũng như trường hợp khả nghi, quán triệt nguyên tắc nội bất xuất ngoại bất nhập. Thông báo mới nhất cho thấy, từ hôm 18/5 thành phố Thư Lan đã thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt nhất, nâng cấp cả biện pháp kiểm soát đối với các khu vực thông thường chưa có trường hợp nhiễm với nguyên tắc “mỗi gia đình trong hai ngày chỉ cho một người ra ngoài để mua đồ dùng sinh hoạt thiết yếu; ngoài những trường hợp ngoại lệ như người làm công việc kiểm soát dịch bệnh, người có bệnh phải đi điều trị y tế, người có vấn đề khẩn cấp, thì những trường hợp thông thường khác không được ra ngoài.”
Hôm 18/5, cơ quan chức năng bắt đầu thực hiện kiểm tra 3.005 học sinh trung học phổ thông ở Thư Lan tỉnh Cát Lâm, cho biết sẽ xử phạt hành chính nghiêm khắc và thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp vi phạm các quy định phong tỏa.
Theo thông tin vào ngày 19/5 của địa phương, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Quốc thành phố Thư Lan (có 64 chuyên gia và nhân viên) cũng được trưng dụng làm bệnh viện được chỉ định để điều trị bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Tại khu vực Cát Thư là khu vực trung tâm của khu vực khai thác mỏ Thư Lan, tờ Epoch Times dẫn ý kiến người dân địa phương cho biết rằng Bệnh viện Cục Khai thác quặng Cát Thư đã được chuyển đổi thành bệnh viện dã chiến, ngay khi khởi động đã đưa vào 800 người. Những người gốc ở vùng nông thôn trở về địa phương ở nông thôn, ở khu vực nông thôn không phải kiểm tra nhiệt độ hàng ngày nhưng không ai được rời khỏi làng. Người bị cách ly trong bệnh viện dã chiến mà không có bảo hiểm hợp tác y tế thì phải tự trang trải chi phí, còn có bảo hiểm thì phải chịu thông thường khoảng 50% chi phí, những trường hợp từ vùng khác đến khu tập trung cách ly đều phải tự trang trải chi phí. Trường hợp không vào cách ly ở khu tập trung hoặc bệnh viện dã chiến thì cũng phải tự cách ly ở nhà riêng.
Tờ Epoch Times cũng dẫn lời ông Lý là người dân ở địa phương cho biết rằng các bệnh viện ở Thư Lan cũng đã bị phong tỏa, “vì giám đốc công an thành phố Thư Lan bị nhiễm virus, ông ta đã đến các bệnh viện để kiểm tra, hệ quả là toàn bộ bệnh viện và trụ sở công an đã bị phong tỏa.” Ông cũng cho biết rằng nữ nhân viên giặt ủi của trụ sở công an đã lây virus cho người chồng làm lái xe cho trụ sở công an, từ đó mà lây lan ra tiếp, còn ông giám đốc công an vào ngày 1/5 còn đưa vợ đi du lịch, đã đi khắp nơi như Cát Lâm và Trường Xuân.
Ông Lý kể rằng lần này nhiều quan chức bị nhiễm virus, trong đó có nhiều quan chức cấp cao, vì đa số người ông ta tiếp xúc đều là quan chức, không tiếp xúc với người dân thường.
Epoch Times cũng dẫn lời một người dân địa phương Thư Lan là cô Trương (Zhang) cho biết, dịch bệnh này cũng đã khiến nhiều người bệnh thông thường khác, cùng người thân quê quán tại Thư Lan tỉnh Cát Lâm rơi vào cảnh khốn khổ khi họ đang trong thời gian sống bên ngoài Thư Lan. Vì các bệnh viện ở Cát Lâm hiện đang được dùng để tập trung chữa trị người nhiễm viêm phổi Vũ Hán, trong khi họ gặp khó khăn tìm nơi cư trú cũng như đón xe đi lại, vì người ta thấy người Thư Lan thì e ngại. Cô cho biết họ tìm đến cơ quan chức năng chính quyền thì không thấy có ai phụ trách, nhiều người muốn tìm người làm việc nghĩa vụ công ích ở Cát Lâm để đưa họ về Thư Lan cũng rất khó khăn, vì khi chở họ về Thư Lan thì sau đó người chở phải vào nơi tập trung cách ly.
“Chúng tôi cũng không có giấy thông hành để làm việc như vậy. Nếu chúng tôi từ Thư Lan đi ra để đón ai đó, người các nơi bên ngoài cũng không muốn cho chúng tôi vào. Tôi yêu cầu họ gọi bệnh viện và gọi 110 để được giúp đỡ thì được biết rằng xe cứu thương của bệnh viện toàn chở người bệnh viêm phổi, không dám đi xe cứu thương”, cô cho biết.
Cô Trương cũng kể rằng bây giờ ra đường phải đi bộ, vì hoạt động giao thông đang tạm ngừng; tất cả xe buýt, taxi và tàu lửa đều tạm ngừng hoạt động.
Còn ông Lý cho biết công ty nơi ông Lý làm việc ở thành phố Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm là khu vực dịch bệnh nghiêm trọng nên phải tạm ngừng công việc, năm nay doanh nghiệp đã mất cả triệu tệ. Lĩnh vực ông làm cũng không may, vì không có trợ cấp nhà nước.
Ngày 7/5, xảy ra bùng phát đồng loạt các ca nhiễm tại thành phố Thư Lan, tỉnh Cát Lâm. Một nhân viên giặt ủi ở Văn phòng Công an Thành phố được chẩn đoán dương tính trước khi truyền nhiễm cho nhiều người khác, từ đó lan sang cả Thẩm Dương, Liêu Ninh.
Ngày 10/5, thành phố Thư Lan thông báo “trạng thái thời chiến”. Đến ngày 13/5, tỉnh Cát Lâm cũng ban hành thông báo phong tỏa thành phố, các thị trấn và các khu cộng đồng hoàn toàn bị áp dụng quản lý khép kín, các tuyến chở hành khách và tour du lịch đều bị ngưng lại. Tất cả các danh lam thắng cảnh nội khu, rạp chiếu phim, vũ trường, phòng giải trí, hội chợ thương mại, quán cà phê Internet, sân vận động trong nhà, phòng cờ vua, phòng chơi mạt chược, phòng bi-a, nhà tắm công cộng và các địa điểm tập trung đông người khác trong thành phố cũng bị ngừng kinh doanh.
Ngoài ra, các hiệu thuốc và phòng khám nội thành cũng ngưng cung cấp thuốc hạ sốt, thuốc kháng virus và thuốc kháng sinh, các phòng khám đều bị cấm tiếp nhận bệnh nhân bị sốt. Tất cả nhân viên phải đeo khẩu trang khi đi vào khu vực công cộng hoặc phương tiện giao thông như xe buýt, taxi và xe hơi.
Triều Dương (T/h)