Hương Thảo
Vào ngày 20/5, bà Thái Anh Văn, kẻ thù công khai của Bắc Kinh, chính thức tuyên bố tái nhậm chức nhiệm kỳ bốn năm lần thứ hai, với tư cách là tổng thống Đài Loan. Bà Thái tái đắc cử sau cuộc bầu cử vào tháng 1 với 57% phiếu bầu, đánh bại đối thủ thân Bắc Kinh. Đảng Tiến bộ Dân chủ của bà, với lập trường kiên định rằng “Cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc” (hay Đài Loan) là một quốc gia độc lập và không phải là một phần của Trung Quốc, cũng giữ đa số ghế trong Viện Lập pháp.
Sự hiếu chiến ngày càng tăng của Bắc Kinh cùng với việc siết chặt gọng kìm đối với Hồng Kông, bên cạnh mối quan hệ mạnh mẽ hơn của Đài Bắc với Washington đã thúc đẩy chiến thắng lớn của bà Thái. Nhưng động lực chính đằng sau thành công của bà chính là sự chuyển dịch sâu sắc của người dân về phía bản sắc Đài Loan. Vào tháng Hai, điều đáng kinh ngạc là 83% cư dân Đài Loan được khảo sát tự nhận mình là người Đài Loan chứ không phải người Trung Quốc, so với 56,9% vào tháng 6/2019. Nhưng Bắc Kinh hoàn toàn vô cảm với bản sắc dân tộc đang phát triển này, khẳng định rằng người dân đảo là người Trung Quốc, bất kể họ có thể nghĩ gì.
Trong nhiều thập kỷ, cuộc tranh chấp đã xoay quanh vấn đề, phía nào là thực sự đại diện cho Trung Quốc. Sau khi từ bỏ cuộc Nội chiến ở Trung Quốc năm 1949, đồng minh của Hoa Kỳ là Tưởng Giới Thạch đã trốn sang Đài Loan, mang theo chính phủ Trung Hoa Dân Quốc và kho bạc của mình. Trong nhiều thập kỷ, cả hai bên đều – gồm chế độ cộng hòa của Quốc Dân Đảng ở Đài Bắc, và bên kia là chế độ cộng sản của Mao Trạch Đông ở Bắc Kinh – đều tuyên bố đại diện cho Trung Quốc, và tham gia vào một cuộc đấu tranh ngoại giao tốn kém để được công nhận trên khắp thế giới. Nhiều quốc gia nghèo đã lợi dụng điều này, và thay đổi sự công nhận của họ nhiều lần, với mỗi lần chuyển đổi đều “mặc cả” nhiều hơn với Đài Bắc hoặc Bắc Kinh.
Trong Thế vận hội năm 1960, Trung Quốc đã buộc Ủy ban Thế vận hội Olympic thừa nhận hòn đảo này với tên “Formosa”, và đồng phục của các vận động viên quốc gia, theo lệnh của Bắc Kinh, phải mang tên là “Đài Loan” tại Olympic 1964 và 1968, thay vì tên “Cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc”.
Nhưng thời thế đã thay đổi. Giờ đây, người Đài Loan, các thế hệ bị loại khỏi đại lục và ngày càng quen với các quyền dân chủ của họ, đã bắt đầu thấy mình hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó, Bắc Kinh thậm chí còn trở nên khắt khe hơn về mặt ngôn ngữ, theo những cách thức kỳ quái và độc đoán, nhấn mạnh quyền “sở hữu tưởng tượng” của họ đối với người dân Đài Loan. Vào tháng 11/2018, Bắc Kinh đã coi một sáng kiến bỏ phiếu để đổi tên dự Olympic hiện tại của hòn đảo từ “Đài Bắc Trung Quốc” thành “Đài Loan” là một hành động khiêu khích, đến mức đe dọa buộc các vận động viên Đài Loan phải rút khỏi các cuộc thi quốc tế.
Sức mạnh của Bắc Kinh đã tăng lên nhanh chóng với khả năng mua chuộc và ép buộc thế giới phải giả vờ coi chính phủ độc lập Đài Loan là không tồn tại. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của bà Thái, nó đã buộc bảy quốc gia phải cắt đứt quan hệ với Đài Bắc, khiến Đài Loan chỉ còn 15 đối tác ngoại giao chính thức. Và trong cuộc khủng hoảng COVID-19, Bắc Kinh đã làm mọi thứ trong khả năng của nó để ngăn Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới WHO, với tư cách là quan sát viên trong Hội đồng Y tế Thế giới, cơ quan ra quyết định của WHO.
Những chiến thuật mạnh tay này vẫn tiếp tục không suy giảm bất chấp đại dịch toàn cầu, đã làm xói mòn nền tảng chính trị dưới chân Quốc dân đảng Đài Loan – đối tác chính trị của đảng cộng sản Trung Quốc – đối thủ chính của bà Thái. Chẳng hạn, Bắc Kinh đã chỉ trích bà Thái vì bà (không giống như người tiền nhiệm Quốc dân đảng) không chấp nhận cái gọi là Đồng thuận 1992, một thỏa thuận không chính thức giữa Quốc dân đảng và đảng cộng sản Trung Quốc về chính sách “một Trung Quốc”, dù mỗi bên có thể có định nghĩa khác nhau về “Trung Quốc” đó là gì.
Sau đó, trong bài phát biểu mừng năm mới 2019 của mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ‘định nghĩa lại’ Đồng thuận 1992 như là một sự hiểu biết rằng, hai bên eo biển Đài Loan thuộc về một nước Trung Quốc, rằng hai bên cùng tìm cách đạt được sự thống nhất qua eo biển. Ngay cả Quốc dân đảng thân thiện với Trung Quốc cũng không thể chịu đựng được sự thay đổi định nghĩa này, và đã buộc phải xem xét vứt bỏ sự ủng hộ của họ đối với khái niệm này. Sự tức giận và sợ hãi của công chúng trong cuộc bầu cử Đài Loan được xúc tác bởi những gì nhiều người coi là sự đàn áp các quyền chính trị của người Hồng Kông, đã khiến cho sự thay đổi trở thành một yêu cầu cho sự sống còn chính trị của Quốc dân đảng.
Nhưng Bắc Kinh đã phải gánh chịu hậu quả khi họ cô lập Đài Loan và đe dọa 24 triệu cư dân Đài Loan. Cách tiếp cận cứng rắn của Bắc Kinh đã “thuyết phục” thêm hàng triệu người Đài Loan rằng một sự độc lập chính thức có thể là bước hợp lý duy nhất tiếp theo cho hòn đảo của họ.
Mặc dù vậy, bà Thái không phải là người muốn thổi phồng cảm xúc của đám đông vì lý do chính trị. Bà đã xét đoán kỹ lưỡng các quan điểm chính sách, và cẩn thận để không quá phụ thuộc vào sự hỗ trợ tăng vọt của chính quyền Tổng thống Trump đối với Đài Loan. Bà cũng không chối bỏ ý tưởng ‘Trung Hoa Dân Quốc’, ủng hộ một bản sắc Đài Loan hoàn toàn riêng biệt, mặc dù thực tế là ngày càng có nhiều người Đài Loan xem bản thân ý tưởng Trung Hoa Dân Quốc là một công trình ngoại lai áp đặt lên Đài Loan bởi Trung Quốc.
Nếu Bắc Kinh khôn ngoan hơn, nó đã có thể lôi kéo bà Thái và chính phủ của Đảng Dân chủ tiến bộ của bà bằng cách xoa dịu những quan ngại chính đáng của họ, và hướng tới một thỏa thuận cùng tồn tại hòa bình giữa hai bên. Tuy nhiên, cho đến nay, Bắc Kinh chỉ quan tâm đến việc siết thêm áp lực thay vì tìm cách giải tỏa nó. Một lý do là bởi vì sau nhiều thập kỷ tuyên truyền cho con cháu rằng “tái thống nhất” với Đài Loan là không thể tránh khỏi, cũng như sự xấu xa của “chủ nghĩa ly khai”, thì áp lực gia tăng đối với giới lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc, sinh ra từ một thế hệ công dân mới, bị tẩy não bởi chủ nghĩa dân tộc hiếu chiến, là phải chiếm bằng được Đài Loan, bằng vũ lực nếu cần thiết. Sự cứng nhắc của chính quyền Trung Quốc đối với Đài Loan, coi Đài Loan là lợi ích cốt lõi của nó, đã gần như buộc Bắc Kinh phải tiếp tục áp dụng các chính sách hiếu chiến làm suy yếu các mục tiêu chính sách mà nó đã tuyên bố.
Tuy nhiên, khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc nỗ lực siết chặt gọng kìm và tiêu diệt chính phủ Đài Loan, thì phản ứng của ngày càng nhiều cư dân trên hòn đảo tự coi mình là người Đài Loan là điều dễ hiểu. Do đó, nhiều khả năng, một ngày không xa nào đó, cái tên Cộng hòa Đài Loan sẽ được thay thế cho cái tên Cộng hòa Trung Hoa Dân Quốc.
Hai đồng tác giả bài viết, Joshua Eisenman là phó giáo sư tại Trường Đại học các vấn đề toàn cầu Notre Dame’s Keough School và là thành viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Chính sách đối ngoại của Mỹ; và Sean King là Phó chủ tịch cấp cao tại Park Strategies, một công ty tư vấn kinh doanh tại New York, đại diện cho Bộ Ngoại giao Đài Loan từ năm 2009 đến 2012.
Theo Foreign Policy ngày 18/5/2020
Hương Thảo dịch và biên tập